Ngày 1-6-2006, Luật khiếu nại, tố cáo (sửa đổi bổ sung ngày 29-11-2005) bắt đầu có hiệu lực thi hành. Luật sửa đổi lần này có nhiều điểm mới về quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại tố cáo cũng như trách nhiệm của cơ quan giải quyết khiếu nại.
* Những quy định mới này như thế nào? Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh, cho biết:
- Luật khiếu nại, tố cáo sửa đổi có một quy định rất mới là cho phép luật sư được tham gia vào quá trình giải quyết khiếu nại của người dân, để giúp việc khiếu nại được thực hiện đúng nơi đúng chỗ, tránh tình trạng người dân không hiểu biết pháp luật gửi đơn khiếu nại lung tung.
Ngoài ra, để hạn chế tình trạng cơ quan giải quyết cố tình “ngâm” đơn của dân khiến nhiều việc khiếu nại bị rơi vào im lặng như thời gian qua, luật sửa đổi qui định rõ trách nhiệm của người có thẩm quyền phải ra quyết định giải quyết khiếu nại bằng văn bản.
Trong thời hạn (30 ngày đối với giải quyết khiếu nại lần đầu và 45 ngày đối với giải quyết khiếu nại lần hai), người có thẩm quyền không ra quyết định giải quyết thì phải bị xem xét kỷ luật. Người khiếu nại có quyền kiến nghị cấp trên trực tiếp của người không giải quyết khiếu nại để xem xét kỷ luật người đó.
* Luật quy định nhiều điểm thuận lợi cũng như các quyền mới cho người khiếu nại, vậy còn nghĩa vụ thì sao, thưa luật sư?
- Nghĩa vụ của người đi khiếu nại cũng được quy định rõ ràng, cụ thể hơn. Chẳng hạn như luật quy định người khiếu nại phải trình bày trung thực sự việc và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và các chứng cứ, tài liệu đã cung cấp.
Đây cũng là một quy định mới, người khiếu nại cần hiểu chuyện khiếu nại, tố cáo là nghiêm túc, tránh tình trạng khiếu nại không có căn cứ, tố cáo sai sự thật (thời gian qua đã có nhiều người do khiếu nại, tố cáo sai sự thật, không có bằng chứng đã phải chịu trách nhiệm hình sự về việc khiếu nại, tố cáo sai của mình).
Luật khiếu nại, tố cáo sửa đổi cũng còn nhiều điểm mới khác giúp việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trở nên công khai, mang tính chất tố tụng hơn như: người bị khiếu nại được biết các căn cứ của người khiếu nại, ngược lại người khiếu nại cũng được biết các bằng chứng làm căn cứ để cơ quan có thẩm quyền ra quyết định giải quyết khiếu nại, cơ quan giải quyết khiếu nại phải thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại biết có được thụ lý đơn hay không...
(Theo Tuổi trẻ)