Nghị định của Chính phủ về an ninh hàng không dân dụng

22/07/2010
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 14/7/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 81/2010/NĐ-CP về an ninh hàng không dân dụng. Nghị định này được áp dụng đối với hoạt động hàng không dân dụng tại Việt Nam và hoạt động hàng không dân dụng do tổ chức, cá nhân Việt Nam thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam, nếu pháp luật của nước sở tại không có quy định khác.

Nghị định này quy định các biện pháp bảo đảm an ninh hàng không dân dụng; đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng, giữ gìn trật tự an toàn xã hội tại các địa bàn hoạt động hàng không dân dụng; lực lượng an ninh hàng không dân dụng; cơ sở cung cấp dịch vụ an ninh hàng không dân dụng; hệ thống kỹ thuật, trang bị, thiết bị an ninh hàng không dân dụng; kinh phí bảo đảm an ninh hàng không dân dụng; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc bảo đảm an ninh hàng không dân dụng.

Để đảm bảo an ninh đối với hành khách, tổ bay và hành lý, Nghị định quy định hành khách khi đi tàu bay không được mang theo người hoặc để trong hành lý xách tay những vật phẩm nguy hiểm khi đi tàu bay, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Tổ bay, hành khách xuất phát, quá cảnh, nối chuyến và hành lý xách tay của họ trước khi lên máy bay phải qua kiểm tra, soi chiếu an ninh; sau khi kiểm tra, soi chiếu an ninh phải được cách ly, giám sát an ninh liên tục cho tới khi lên tàu bay.

Hành lý ký gửi xuất phát, nối chuyến phải qua soi chiếu tại điểm soi chiếu an ninh ở cảng hàng không, sân bay, sau khi soi chiếu phải được giám sát an ninh cho tới khi chất xếp lên tàu bay. Trường hợp phát hiện hành lý ký gửi đã qua soi chiếu có dấu hiệu đã bị can thiệp trái phép thì phải kiểm tra lại. Hành lý ký gửi đã chất xếp lên tàu bay nhưng không có hành khách đi cùng trên chuyến bay phải được đưa xuống khỏi tàu bay trước khi chuyến bay khởi hành, trừ trường hợp được xác định là hành lý ký gửi được phép chuyên chở không cùng hành khách theo quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và hành lý ký gửi đó phải được kiểm tra, soi chiếu lại.

Để đảm bảo an ninh, trước mỗi chuyến bay, người khai thác tàu bay phải tự thực hiện hoặc hợp đồng với lực lượng an ninh hàng không dân dụng thực hiện kiểm tra an ninh bên trong các khoang của tàu bay và bên ngoài của tàu bay để tìm ra những vật nghi ngờ, vũ khí, chất nổ hay các thiết bị, vật, chất nguy hiểm khác.

Khi hành khách rời khỏi tàu bay tại bất cứ điểm dừng nào của chuyến bay, người khai thác tàu bay phải kiểm tra và xác định hành khách không để lại hành lý hoặc bất cứ vật gì trên tàu bay.

Khi có thông tin đe dọa liên quan đến an ninh, hàng hóa lên tàu bay, người khai thác tàu bay phối hợp với lực lượng an ninh hàng không dân dụng tại cảng hàng không thực hiện các phương án khẩn nguy, lục soát, kiểm tra toàn bộ bên trong và bên ngoài tàu bay để tìm ra những vật nghi ngờ, vũ khí, chất nổ hay các thiết bị, vật, chất nguy hiểm khác.

Để đảm bảo an ninh trên máy bay, nhân viên an ninh trên không có trách nhiệm tuân thủ mệnh lệnh, sự chỉ huy, điều hành của người chỉ huy; chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp trên tàu bay; phối hợp với thành viên tổ bay giải quyết và xử lý các trường hợp tàu bay đang bay bị can thiệp bất hợp pháp.

Nhân viên an ninh trên không được trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ để ngăn chặn đối tượng có hành vi can thiệp bất hợp pháp trên tàu bay đang bay, trong trường hợp có nguy cơ đe dọa đến tính mạng con người, nhân viên an ninh hàng không trên không được phép tiêu diệt đối tượng để bảo vệ tính mạng của hành khách trên tàu bay đang bay bị can thiệp bất hợp pháp…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08/9/2010 và bãi bỏ Nghị định số 11/2000/NĐ-CP ngày 03/5/2000 của Chính phủ ban hành Quy chế bảo đảm an ninh hàng không dân dụng.

Đức Trung

Xem thêm »