Trợ giúp pháp lý góp phần vào công tác phòng, chống ma túy

26/06/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Tháng 6 hằng năm là Tháng hành động phòng, chống ma túy Ngày 26/6 là Ngày quốc tế phòng, chống ma túy và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy. Chung một quyết tâm – Hãy hành động vì cộng đồng không ma túy là chủ đề triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2025 được các cấp, các ngành tích tực tổ chức triển khai.


Theo thông tin từ Bộ Công an, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ngày càng diễn biến phức tạp. Tính đến tháng 4/2025, toàn quốc có 369.359 người nghiện, người sử dụng trái pháp chất ma túy, người nghi sử dụng trái phép chất ma túy và người bị quản lý sau cai nghiện ma túy. Cả nước có 228 điểm phức tạp, 01 tụ điểm phức tạp về ma túy, 4.591 đối tượng bán lẻ chất ma túy, 3.200 điểm nguy cơ phức tạp về ma túy.

Trợ giúp pháp lý là nhiệm vụ Chính phủ giao cho ngành tư pháp thực hiện từ năm 1997 (theo Quyết định số 734/TTg ngày 06/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ). Quyền được trợ giúp pháp lý cho đối tượng yếu thế trong xã hội là một vấn đề được quan tâm trong quá trình xây dựng, tổ chức thi hành luật TGPL. Hiện nay, Luật Trợ giúp pháp lý không quy định người nghiện ma túy là một diện người được trợ giúp pháp lý riêng. Tại Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, người nhiễm HIV có khó khăn về tài chính được quy định là người thuộc diện trợ giúp pháp lý. Theo hướng dẫn, người nhiễm HIV thuộc hộ cận nghèo, người nhiễm HIV đang được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định sẽ được trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu. Ngoài ra, người nghiện ma túy thuộc diện người khác như người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; trẻ em; người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người bị buộc tội từ đủ 16 đến 18 tuổi; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo cũng được trợ giúp pháp lý.

Theo Pháp lệnh 01/2022/UBTVQH15 đã quy định trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Theo đó, người bị đề nghị, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị có quyền tự mình hoặc nhờ luật sư, người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị. Trường hợp người bị đề nghị không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì Tòa án yêu cầu Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử luật sư; Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đã thông qua thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma tuý (Nghị quyết số 163/2024/QH15), trong đó có chỉ tiêu đến năm 2030 phấn đấu trợ giúp pháp lý cho 100% số người vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và người sau cai nghiện ma túy thuộc diện trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu.

Hiện nay theo thống kê của Bộ Tư pháp, chỉ mới thống kê được số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV có khó khăn về tài chính. Đối với người nhiễm HIV thuộc các diện người khác như hộ nghèo, trẻ em,… và các diện người được TGPL khác thì thường sẽ được thống kê ở diện người đó, do đó không có số liệu thống kê tổng số lượng người nhiễm HIV được trợ giúp pháp lý trong thời gian qua. Từ khi triển khai Luật Trợ giúp pháp lý đến hết năm 2024, các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đã thực hiện được hơn 300 vụ việc trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV có khó khăn về tài chính.

Kết quả khảo sát tại một số tỉnh biên giới miền núi phía Bắc năm 2024, số vụ việc TGPL liên quan đến ma tuý chiếm hơn 50% số vụ việc của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước như: Điện Biên năm 2022 có 579/906 vụ việc, chiếm tỷ lệ 63,9%, năm 2023 có 494/811 vụ việc, chiếm tỷ lệ 60,9%; tỷ lệ này ở Sơn La năm 2022 là 60,9%, năm 2023 là 59,5%...[1]

Ngoài ra, đã khảo sát trực tiếp tại huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái cho cán bộ cấp thôn, cán bộ chi hội đoàn thể, người có uy tín trong cộng đồng. Theo đó, 38% người được hỏi chọn đáp án có biết về tình trạng nghiện ma túy, người vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy trên địa bàn và theo đánh giá của người tham gia khảo sát thì độ tuổi người nghiện ma túy, người sử dụng ma túy, người vi phạm pháp luật liên quan đến ma tuý trên địa bàn khảo sát là người trên 18 tuổi (gần 60%). Để đánh giá khả năng về vấn đề nhận thức và nhu cầu được TGPL, hơn 80% người được khảo sát lựa chọn người nghiện ma tuý khi đối mặt với những vấn đến liên quan tới pháp luật và gia đình của họ có nhu cầu được giúp đỡ, hỗ trợ pháp luật và đặc biệt là được trợ giúp pháp lý miễn phí. Trong khi đó, hầu hết người được hỏi chưa được biết hoặc biết chưa đầy đủ cũng như chưa được truyền thông, giới thiệu, tập huấn riêng về hoạt động TGPL trong vụ án, vụ việc liên quan đến ma túy.

Trong thời gian tới, nhằm " Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ trợ giúp pháp lý để người dân dễ tiếp cận pháp luật” theo yêu cầu Nghị quyết 66-NQ/TW, Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy, cần thực hiện những giải pháp sau:

- Hoàn thiện thể chế:
+ Hiện nay Luật Phòng, chống ma túy đang sửa đổi nhưng chưa quy định cụ thể về trách nhiệm của một số Bộ, ngành có liên quan, trong đó có Bộ Tư pháp trong việc tổ chức thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý cho người vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và người sau cai nghiện ma túy thuộc diện trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu.

+ Đề xuất nghiên cứu, sửa đổi Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) theo hướng bổ sung quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nhiễm HIV theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ. Bởi vì, hiện nay mặc dù Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định người nhiễm HIV có khó khăn tài chính thuộc diện được trợ giúp pháp lý nhưng Luật Phòng, chống HIV/AIDS lại chưa quy định quyền được trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV.

- Triển khai hiệu quả các nội dung trợ giúp pháp lý trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 (tại Nghị quyết số 163/2024/QH15 ngày 27/11/2024 của Quốc Hội) sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Tích cực thực hiện trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV thuộc diện được trợ giúp pháp lý, các vụ việc trợ giúp pháp lý cho người vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và người sau cai nghiện ma túy thuộc diện trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu.

- Tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV, người vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và người sau cai nghiện ma túy thuộc diện trợ giúp pháp lý thông qua nhiều hình thức truyền thông về quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí, các thông tin liên hệ về tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý…

- Nâng cao năng lực, vai trò của đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý thông qua tập huấn về kiến thức pháp luật và các kỹ năng trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý trong các vụ  việc

- Tăng cường sự phối hợp các Trung tâm Trợ giúp pháp lý với các cơ quan, người tiến hành tố tụng, Ủy ban nhân dân cấp xã và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong phòng, chống ma túy như bệnh viện, phòng khám về HIV, cơ sở cai nghiện ma túy; cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ và các tổ chức khác…. đối với việc giới thiệu thông tin, vụ việc trợ giúp pháp lý; trong việc truyền thông kiến thức trợ giúp pháp lý, phối hợp trong hoạt động thực hiện trợ giúp pháp lý…/.
Lê Thúy
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý
 

[1] Nguồn số liệu do địa phương cung cấp.

Xem thêm »