Hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận Dự án Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên

29/09/2006
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Sáng nay 28/9, Dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên đã được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến để trình Quốc hội kỳ họp tới với các nội dung phòng, chống thiên tai, thảm hoạ, dịch bệnh…; về chế độ phụ cấp đối với quân nhân dự bị không và có giữ chức vụ quản lý đơn vị dự bị động viên…; phạm vi điều chỉnh…

 Đại biểu Nguyễn Đức Kiên đề nghị, nên tổng kết về công tác dự bị động viên thời gian qua để có một cái nhìn toàn diện, nhằm hoàn thiện Dự án để có thể trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tới . Đại diện Bộ Quốc phòng có ý kiến về phạm vi điều chỉnh xuất phát từ chức năng nhiệm vụ của Quân đội nhân dân và nhiệm vụ của quân đội trong thời bình, thì nên mở rộng phạm vi điều chỉnh để có thể chủ động huy động lực lượng dự bị động viên đáp ứng kịp thời các tình huống bất thường.

Qua mười năm thực hiện, công tác xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên đã thu được nhiều kết quả đáng kể: Đăng ký, quản lý được hàng triệu quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật; tổ chức sắp xếp quân nhân dự bị vào các đơn vị dự bị động viên đạt 91,3% so với chỉ tiêu, trong đó sĩ quan đạt 77,5%...; tỷ lệ đúng chuyên nghiệp quân sự đạt 68,5%, trong đó sĩ quan đúng chuyên nghiệp quân sự đạt 72,7%; Bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ chỉ huy đơn vị dự bị động viên đạt 77,0% so với yêu cầu; hằng năm huấn luyện đạt từ 96,0% chỉ tiêu được giao, đúng thời gian qui định với chất lượng tốt. Đảm bảo tốt chế độ chính sách đối với quân nhân dự bị và chủ phương tiện theo qui định.

Tuy nhiên, sau mười năm thực hiện, cùng với sự phát triển về mọi mặt của đất nước và yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên đã bộc lộ một số hạn chế bất cập chưa theo kịp với tình hình mới.

Do đó Dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên ra đời là rất cần thiết, nhất là trong tình hình mới hiện nay. Nhiệm vụ trong thời bình là phòng, chống thảm hoạ do thiên tai hoặc con người gây ra; các dịch bệnh nguy hiểm; bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, bảo vệ các công trình quốc phòng, tài sản xã hội chủ nghĩa…Lực lượng dự bị động viên là một thành phần của quân đội nhân dân Việt Nam, được tổ chức chặt chẽ, có kỷ luật, có năng lực hoàn thành nhiệm vụ để có thể huy động ứng cứu, xử lý các tình huống một cách nhanh nhất. Đại biểu Trương Quang Được nhất trí với cách đặt vấn đề trên và cho rằng: Ý nghĩa của nó rất quan trọng, nhất là trong thời bình, khi có những sự cố bất thường như thiên tai…thì lực lượng dự bị động viên là rất quan trọng để huy động ứng cứu kịp thời…

Vấn đề giải quyết các chế độ chính sách cho các đối tượng trên chưa có căn cứ để thực hiện. Vì vậy, cần phải được bổ sung vào Pháp lệnh. Hiện nay, phụ cấp trách nhiệm quản lý, chỉ huy đơn vị dự bị động viên do Pháp lệnh về dự bị động viên qui định. Ngày 14/12/2004, Chính phủ ban hành Nghị định số 204/2004/NĐ-CP nâng hệ số phụ cấp lãnh đạo cho cán bộ lãnh đạo chỉ huy đơn vị dự bị động viên chưa được điều chỉnh vì Pháp lệnh hiện hành đã qui định. Về chế độ phụ cấp đối với quân nhân dự bị không giữ chức vụ đa số ý kiến nhất trí với quan điểm của Chính phủ, đó là, trong điều kiện nền kinh tế đất nước còn khó khăn như hiện nay, thì chưa nên qui định chế độ phụ cấp đối với quân nhân dự bị không giữ chức vụ quản lý đơn vị dự bị động viên.

(Theo website Đảng Cộng sản)

Xem thêm »