Nghiệp vụ thanh tra thi hành án dân sự

09/01/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Thanh tra, kiểm tra thi hành án dân sự là nhiệm vụ thiết yếu, thường xuyên của cơ quan quản lý nhà nước về thi hành án dân sự; thông qua đó phát hiện những khuyết điểm, vi phạm, giúp cho cơ quan thi hành án sửa chữa khắc phục, rút kinh nghiệm và xử lý kịp thời, đảm bảo các bản án, quyết định của toà án được thi hành triệt để, chính xác đầy đủ, đúng pháp luật; giúp cho thủ trưởng cơ quan Thi hành án có biện pháp xử lý kịp thời, đúng mức đối với những vi phạm; uốn nắn, khắc phục những sai sót của thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự cấp dưới, Chấp hành viên, cán bộ thi hành án; đồng thời phát hiện những điển hình tiên tiến để phổ biến cho các đơn vị học tập. Thanh tra, kiểm tra còn giúp cơ quan quản lý nhà nước về thi hành án dân sự xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định và hướng dẫn kịp thời, thống nhất công tác thi hành án dân sự trên phạm vi cả nước.

Quy trình thanh tra về Thi hành án dân sự phải được thực hiện theo quy định chung của quy trình một cuộc thanh tra (đã được trình bày tại bài viết “Nghiệp vụ Thanh tra Tư pháp  và quy trình một cuộc thanh tra”). Do đó, tại bài viết này, tác giả chỉ nêu ra một số vấn đề cần chú ý khi tiến hành thanh tra về Thi hành án dân sự để các Thanh tra viên cùng tham khảo.

1.     Xây dựng kế hoạch thanh tra

          Phải xác định rõ mục đích, yêu cầu thanh tra. Vì công tác thi hành án dân sự rất nhiều lĩnh vực, nhiều yêu cầu nghiệp vụ phức tạp, do đó phải biết chọn lọc những vấn đề cần thiết, trọng tâm, trọng điểm để tập trung thời gian, lực lượng thanh tra. Nếu là thanh tra để giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án thì phải chuẩn bị đầy đủ các tài liệu nghiệp vụ, các văn bản pháp lý được áp dụng vào thời điểm xảy ra hành vi hành chính, quyết định hành chính bị khiếu nại, tố cáo. Do đó cần phải nắm rõ quy trình nghiệp vụ thi hành án dân sự để xem xét, đánh giá toàn diện và lựa chọn, tập trung vào các khâu xung yếu trong các khâu nghiệp vụ theo phụ lục sơ đồ nghiệp vụ thi hành án dân sự kèm theo:

Click vào đây để xem phụ lục sơ đồ nghiệp vụ thi hành án dân sự

2. Tiến hành thanh tra

          Trong quá trình thanh tra, Đoàn Thanh tra cần nghiên cứu hồ sơ thi hành án, xác minh, xem xét, đối chiếu với quy định của pháp luật tại thời điểm có sự kiện pháp lý xảy ra, tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn (như Cục THADS, Viện Kiểm sát, Toà án, Tài nguyên môi trường...) để phân tích, đánh giá đúng, sai và những vấn đề cần xử lý, khắc phục. Khi thanh tra về nghiệp vụ thi hành án dân sự thường phát hiện các sai phạm, thiếu sót trong những vấn đề sau:

          Vấn đề thứ nhất: Thụ lý thi hành án

Thụ lý các bản sao bản án, quyết định của toà án, đơn yêu cầu thi hành án là cơ sở phát sinh trách nhiệm thi hành án theo quy định của pháp luật đối với cơ quan thi hành án. Đây là khâu đầu tiên trong nghiệp vụ thi hành án, nếu làm tốt khâu này sẽ là tiền đề cho việc hoàn thành tốt các bước tiếp theo. Thụ lý thi hành án bao gồm việc nhận, xử lý theo quy định đối với bản sao bản án, quyết định của toà án và các tài liệu kèm theo từ toà án và đơn yêu cầu thi hành án từ người được thi hành án.

-Việc chuyển giao bản án, quyết định của toà án cho cơ quan thi hành án thường bị chậm, không thường xuyên. Trách nhiệm chính thuộc toà án, nhưng cơ quan thi hành án cũng thể hiện việc chưa phối hợp chặt chẽ, không đôn đốc thường xuyên để các vụ việc dồn lại vào từng thời điểm, ảnh hưởng việc tổ chức nhân lực, hoàn thành nhiệm vụ.

-Sau khi nhận bản sao bản án, quyết định của toà án hoặc đơn yêu cầu thi hành án, một số trường hợp cơ quan thi hành án không kịp thời vào Sổ nhận bản sao bản án, Sổ nhận đơn yêu cầu dẫn đến tình trạng khó xác định được thời gian ra quyết định thi hành án.

- Khi giao nhận bản án, quyết định của toà án không đồng thời với việc bàn giao các tài liệu khác ( các quyết định, biên bản kê biên, tạm giữ tang vật, tài sản, tài liệu khác có liên quan) hoặc tang vật, tài sản của vụ án, ảnh hưởng đến thời gian ra quyết định thi hành án.

- Khi nhận đơn yêu cầu thi hành án cơ quan thi hành án không yêu cầu người yêu cầu thi hành án nộp bản sao bản án hoặc các tài liệu cần thiết kèm theo.

          - Đặc biệt, Chấp hành viên đã nhận đầy đủ bản sao bản án, quyết định của toà án, đơn yêu cầu thi hành án nhưng không vào Sổ thụ lý, không tiến hành tác nghiệp và xếp hồ sơ vào trong tủ.

          Vấn đề thứ hai: Ra quyết định thi hành án

Quyết định thi hành án là văn bản pháp quy do cơ quan thi hành án có thẩm quyền ban hành xác định quyền, nghĩa vụ của cơ quan thi hành án, người được thi hành án, người phải thi hành án và những người liên quan trong một vụ việc cụ thể. Vì vậy quyết định thi hành án là văn bản không thể thiếu trong hồ sơ thi hành án. Nội dung của quyết định phải thể hiện được toàn bộ nghĩa vụ của người phải thi hành, đồng thời cũng là quyền của người được thi hành và trách nhiệm của cơ quan thi hành án, của chấp hành viên. Hình thức của quyết định thi hành án phải đúng theo qui định. Việc ra quyết định thi hành án của thủ trưởng cơ quan thi hành án có ý nghĩa rất quan trọng đối với thi hành một vụ việc cụ thể, cho nên quyết định thi hành án phải đầy đủ, rõ ràng, chính xác, kịp thời.

 Cơ quan thi hành án thường có những thiếu sót:

- Ra quyết định chậm hơn so với quy định.

-Quyết định thi hành án bao gồm cả phần chủ động thi hành và phần thi hành theo yêu cầu.

- Quyết định thi hành án quá vắn tắt, sơ sài, như: " Cho thi hành khoản tiền phạt+ án phí", "Xử lý tang vật", " Xem bản án"..

-Ra quá nhiều quyết định thi hành án đối với một vụ việc, lý do: để số lượng vụ việc nhiều, với mục đích chạy theo thành tích thi đua.

- Bỏ sót một số khoản không ra quyết định thi hành, chủ yếu đối với các khoản chủ động  thi hành thu tiền, tài sản cho nhà nước.

- Ra quyết định làm mất tính chất liên đới chịu trách nhiệm thi hành của những người phải thi hành án.

-  Ra quyết định thi hành án sai lệch số liệu, nội dung bản án, quyết định của toà án.

- Việc ra quyết định thi hành án trong trường hợp bản án, quyết định có nhiều khoản chủ động thi hành không được thực hiện theo quy định tại Điều 10 của  Nghị định số 173/2004/ NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ, cụ thể có các sai phạm sau:

+ Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra nhiều quyết định thi hành án cho các khoản thuộc diện chủ động thi hành trong một bản án, quyết định.

+ Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra một quyết định thi hành án chung cho nhiều đương sự đối với các khoản trả lại tài sản, hoàn trả tiền tạm ứng án phí (thuộc diện chủ động ra quyết định thi hành án).

+ Trong trường hợp đơn yêu cầu thi hành án đã được trả lại cho người đã yêu cầu thi hành án do người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành, nhưng sau đó người phải thi hành án lại có điều kiện thi hành, thì nếu người được thi hành án (kể cả người phải thi hành) có đơn yêu cầu thi hành án trở lại, Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án và thụ lý việc thi hành án mới.

+ Trường hợp trước đây cơ quan thi hành án đã chủ động ra quyết định thi hành án và tổ chức thi hành mà chưa thi hành xong, nhưng theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 thuộc diện thi hành theo đơn yêu cầu nhưng cơ quan thi hành án lại không có văn bản hướng dẫn cho người được thi hành làm đơn yêu cầu thi hành án theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004.

+ Trường hợp cơ quan thi hành án đã hướng dẫn nhưng người được thi hành án không yêu cầu thi hành án nhưng quá  thời hạn 3 năm kể từ ngày Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 có hiệu lực thi hành (01/7/2004), cơ quan thi hành án vẫn không ra quyết định đình chỉ thi hành án, bỏ mặc hồ sơ thi hành án.

+ Trường hợp người phải thi hành án đã có đơn yêu cầu thi hành án nhưng sau đó họ không có điều kiện thi hành án nhưng Thủ trưởng cơ quan thi hành án đã bỏ mặc, không ra quyết định trả lại đơn cho người phải thi hành án theo Điều 29 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004.

+ Không tiếp tục thi hành án khi người được thi hành án chứng minh việc người phải thi hành án có tài sản để thi hành án và yêu cầu thi hành án trở lại trong trường hợp Thủ trưởng cơ quan thi hành án đã ra quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án.

Vấn đề thứ ba: Thông báo về thi hành án

- Khi gửi  thông báo về thi hành án cho người nhận thay, cơ quan thi hành án không lập biên bản xác định rõ trách nhiệm của người nhận thay trong việc chuyển thông báo cho người được nhận thông báo, không xác định thời điểm đưa thông báo cho người nhận thay.

- Trong trường hợp vì lý do khách quan mà người đã cam kết nhận thay thông báo không chuyển được thông báo cho người được nhận thông báo nhưng cơ quan thi hành án đã bỏ mặc, không thực hiện việc thông báo bằng hình thức niêm yết công khai hoặc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 34 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004.

- Khi tiến hành niêm yết công khai, Chấp hành viên đã không ấn định thời gian nhất định (kể từ ngày niêm yết) để người được thông báo thực hiện các quyền, nghĩa vụ của họ.

- Khi xác định người được thông báo không ở tại địa phương nhưng cơ quan thi hành án chỉ thông báo trên đài báo địa phương mà không thông báo trên Đài, Báo trung ương nên người phải thi hành án không nhận được thông báo.

          Vấn đề thứ tư: Uỷ thác thi hành án

Tình trạng "mất án" có thể xảy ra ở khâu này mà nguyên nhân là do cơ quan thi hành án chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục uỷ thác; hoặc lợi dụng vào việc uỷ thác cho cơ quan khác thi hành cán bộ thi hành án cố tình làm sai lạc nội dung vụ việc để phục vụ động cơ cá nhân. Cơ quan thi hành án thường có những vi phạm, thể hiện:

- Không cập nhật thường xuyên vào Sổ uỷ thác.

- Không lưu Phiếu uỷ thác vào hồ sơ thi hành án.

-Uỷ thác "khống", tức là có làm thủ tục uỷ thác nhưng không tiến hành uỷ thác.

-Không ra quyết định thu hồi quyết định thi hành án trước khi uỷ thác trong trường hợp vụ  việc đã ra quyết định thi hành án.

- Có ký nhận uỷ thác nhưng không ra ngay quyết định thi hành án.

-Khi tiến hành làm thủ tục uỷ thác, chấp hành viên tự động làm mất trách nhiệm liên đới của những người phải thi hành án, tự động chia kỷ phần cho người thi hành án phải liên đới chịu trách nhiệm mà bản án, quyết định của toà án không chia theo kỷ phần hoặc phân chia lại kỷ phần khi đã thi hành được một phần trách nhiệm.

- Uỷ thác sai lệch địa chỉ, số liệu, nội dung bản án, quyết định của toà án vì động cơ cá nhân.

Chỉ có thanh tra, kiểm tra thường xuyên mới phát hiện ra những sai phạm trong việc uỷ thác thi hành án, vì uỷ thác là một khâu nghiệp vụ liên quan đến hai (hoặc nhiều) cơ quan thi hành án ở các địa phương khác nhau, bản thân thủ trưởng cơ quan thi hành án rất khó kiểm tra, quản lý.

Vấn đề thứ năm: Hoãn thi hành án

Cơ quan thi hành án thường có các sai phạm:

- Hoãn thi hành đối với các khoản án phí, tiền phạt, tiền tịch thu xung công quỹ trong trường hợp đáng lẽ phải lập sổ theo dõi riêng, như: người phải thi hành án đang đi tù, hoặc xác minh chưa có địa chỉ rõ ràng.

- Hoãn thi hành cho người phải thi hành án về khoản nghĩa vụ tài sản khi người phải thi hành án có tài sản để thi hành nhưng bị ốm.

- Cho hoãn thi hành khi người phải thi hành án có đơn với nội dung không thuộc diện cho hoãn.

- Không lập Biên bản xin hoãn thi hành án, không ra quyết định hoãn thi hành án, không quy định cụ thể thời hạn hoãn thi hành án, bỏ mặc hồ sơ thi hành án, cho hoãn “lơ lửng” vô thời hạn, không tác nghiệp để vụ việc thi hành án kéo dài, “đánh võng” đối với người được thi hành (vòi vĩnh điều kiện thì mới thi hành án hoặc thi hành án nhỏ giọt tuỳ theo mức “bồi dưỡng”)...

          Vấn đề thứ sáu: Tạm đình chỉ thi hành án

- Tạm đình chỉ thi hành đối với các quyết định thi hành phần chủ động, như án phí, tiền phạt, tiền tịch thu…

-Tạm đình chỉ thi hành khi người phải thi hành án bị ốm nhưng nghĩa vụ thi hành là tài sản và họ có khả năng thi hành.

- Ngược lại, không kịp thời ra quyết định tạm đình chỉ thi hành khi người được thi hành án có đơn đồng ý cho người phải thi hành án tạm đình chỉ thi hành.

- Không kịp thời ra quyết định tạm đình chỉ thi hành trong trường hợp người phải thi hành án bị Toà án ra quyết định mở thủ tục yêu cầu tuyên bố phá sản.

          Vấn đề thứ bảy: Đình chỉ thi hành án

- Việc viện dẫn các căn cứ pháp lý không có cơ sở, thiếu chính xác.

- Quyết định đình chỉ đối với các bản án, quyết định của toà án chưa hết thời hiệu, hoặc chỉ mới có kháng nghị chưa có kết quả xét xử giám đốc.

- Đình chỉ thi hành phần trách nhiệm tài sản khi người phải thi hành án chết nhưng có để lại di sản và có người thừa kế.

- Việc xác minh để ra quyết định đình chỉ thiếu chặt chẽ đầy đủ.

- Việc đình chỉ thi hành án không tuân theo quy định tại khoản 3 Điều 28 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004, cụ thể:

+ Trường hợp khoản phải thi hành án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép xoá nợ (ví dụ các khoản nợ mà Ngân hàng thương mại được Nhà nước xoá nợ để giải quyết nợ tồn đọng theo Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 5/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ hoặc Cục Dự trữ quốc gia, các hợp tác xã .v.v được xoá nợ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền) nhưng  trong hồ sơ thi hành án lại không có bản sao văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định về việc xoá nợ

+ Khoản 3 Điều 28 cũng quy định “trừ trường hợp pháp luật có quy định khác” thì người được thi hành án không có quyền “từ bỏ quyền và lợi ích mà họ được hưởng”. Đó là các trường hợp mà pháp luật quy định họ không được từ bỏ hoặc việc từ bỏ quyền và lợi ích đó ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước hoặc của người khác nhưng cơ quan thi hành án vẫn ra quyết định đình chỉ thi hành án.

          Vấn đề thứ tám: Trả lại đơn yêu cầu

- Ra quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án trong trường hợp cơ quan thi hành án  xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án quá sơ sài, hời hợt chưa đủ các cơ sở để chứng minh họ không có tài sản để thi hành. Nhiều khi chấp hành viên không trực tiếp xác minh mà gửi mẫu Biên bản xác minh hoặc Phiếu điều tra khả năng kinh tế để nhờ Công an, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn điều tra, xác minh giúp, nhưng thủ tục không đầy đủ, rõ ràng, việc xác minh thiếu khách quan.

- Trả lại đơn yêu cầu khi tài sản của người phải thi hành án đã bị kê biên nhưng cơ quan thi hành án không tiến hành các thủ tục tiếp theo.

- Trả lại đơn yêu cầu khi Cơ quan thi hành án mới chỉ xác minh một trong số những người phải thi hành án chịu trách nhiệm liên đới không có điều kiện thi hành mà chưa xác minh khả năng thi hành của những người chịu trách nhiệm liên đới khác;

-Trả lại đơn yêu cầu cho cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế nhà nước được bồi thường hoặc được trả lại tài sản thuộc sở hữu nhà nước.

- Ngược lại, trong trường hợp trước đây cơ quan thi hành án đã chủ động ra quyết định thi hành án và tổ chức thi hành mà chưa thi hành xong và người được thi hành làm đơn yêu cầu thi hành án theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004, qua xác minh cho thấy người phải thi hành án không có tài sản để thi hành án nhưng Thủ trưởng cơ quan thi hành án lại bỏ mặc, không ra quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án cho người được thi hành án theo Điều 29 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004.

Vấn đề thứ chín: Khôi phục thời hiệu thi hành án

Đây là việc làm cần thiết để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người được thi hành án. Tuy nhiên, một số cơ quan thi hành án còn ra Quyết định khôi phục thời hiệu chưa phù hợp với quy định của pháp luật, còn vị nể không xem xét một cách khách quan, thủ tục tiến hành còn lúng túng.

Những sai phạm về hoãn thi hành án, tạm đình chỉ thi hành án, đình chỉ thi hành án, khôi phục thời hiệu thi hành án xảy ra khá phổ biến. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra phải hết sức thận xem xét cụ thể từng vụ việc sai phạm, có trường hợp do vụ lợi vì các động cơ cá nhân, có trường hợp để chạy theo thành tích thi đua mà làm thay đổi tỷ lệ các loại vụ việc khi phân loại án theo hướng có lợi cho đơn vị hoặc có thể do sơ suất hay do non kém về nghiệp vụ… Qua đó, mới đánh giá, kết luận, và kiến nghị xử lý phù hợp, thích đáng.

          Vấn đề thứ mười: Thu, chi tiền thi hành án

Khi tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thu, chi tiền thi hành án, cần xem xét việc sử dụng các mẫu biên lai, phiếu thu, phiếu chi các chứng từ, tài liệu lưu trong hồ sơ thi hành án có quy định và có phù hợp thực tế hay không; có phản ánh trung thực đầy đủ quá trình thi hành vụ việc không? Khi cần thiết phải đối chiếu với sổ sách, tài liệu, chứng từ của kế toán, thủ quỹ hay đối khớp với các hồ sơ, tài liệu khác. Các sai sót thường gặp trong thu, chi tiền thi hành án là:

- Khi thu tiền thi hành án, chấp hành viên không dùng biên lai thu tiền thi hành án hoặc không dùng biên lai mà chỉ viết giấy biên nhận.

- Biên lai thu chưa phản ánh trung thực nội dung thi hành án.

-Thu bằng chuyển khoản hoặc chuyển từ tạm thu sang thu chính thức không thực hiện đầy đủ các thủ tục.

- Chấp hành viên thu tiền của người phải thi hành án không nộp vào quỹ mà giữ luôn số tiền đó để trả trực tiếp cho người được thi hành án nhưng vẫn có phiếu chi, có chữ ký của Thủ trưởng cơ quan thi hành án. Điều đó chứng tỏ Thủ trưởng cơ quan thi hành án không quản được thu (đầu vào) nhưng vẫn chi ra (đầu ra) là sai cơ bản về nguyên tắc quản lý tài chính.

-Trong Phiếu chi tiền thi hành án, người nhận tiền không đứng tên người ghi trong chứng từ, chấp hành viên không tiến hành yêu cầu thủ tục uỷ quyền, hoặc thủ tục uỷ quyền không đầy đủ, thiếu chặt chẽ.

- Nội dung ghi trên chứng từ thu, chi không rõ ràng.

- Thu tiền của người phải thi hành án để quá lâu mới trả cho người được thi hành. 

- Khi nộp tiền vào ngân sách Nhà nước chưa có đủ các Bản kê nộp ngân sách cho từng vụ do chấp hành viên lập.

-Khi nộp tiền bằng tiền mặt không có Phiếu chi xuất quỹ.

-Chỉ lập Bảng kê các khoản nộp vào ngân sách là tiền thu sung công, tiền xử lý tang vật, tài sản…còn khoản án phí, tiền phạt thì gộp chung thành một khoản cho cả một lần nộp ngân sách. Khoản tiền này có tháng tới hàng chục triệu đồng, rất khó xác định thuộc những vụ nào khi thanh tra, kiểm tra.

- Việc thu, chi tiền cưỡng chế thi hành án thường thiếu nhiều thủ tục như: Dự trù kinh phí, phê duyệt của Thủ trưởng, biên lai thu tiền của đương sự, danh sách những người nhận tiền… Các chứng từ, biên lai, phiếu thu, phiếu chi, bảng kê tiền nộp ngân sách…không được lưu giữ đầy đủ vào hồ sơ thi hành án.

- Các chứng từ thu, chi không được lưu đầy đủ trong hồ sơ thi hành án, mà chủ yếu lưu ở bộ phận kế toán, thủ quỹ.

- Không sao (phô tô) các bản kê nộp ngân sách để lưu vào từng hồ sơ các vụ có các khoản nộp ngân sách. Vì vậy, hồ sơ thi hành án không thể hiện toàn bộ quá trình thi hành án.

- Qua kiểm quỹ, số tiền mặt có trong quỹ ít hơn nhiều số tiền thể hiện trên các chứng từ, sổ sách. Điều này chứng tỏ có sự lợi dụng tiền thi hành án vào các mục đích khác như cho vay mượn, xâm tiêu, sử dụng vào những việc khác

Vấn đề thứ mười một: Giao nhận, bảo quản và xử lý tang vật, tài sản

Điều kiện đảm bảo cho việc giao nhận, bảo quản và xử lý tang vật, tài sản rất khác nhau. Rất ít nơi cả 4 cơ quan: Điều tra, Viện kiểm sát, Toà án, Thi hành án có đủ kho tang vật để đảm bảo thực hiện đầy đủ, thống nhất các quy định của pháp luật. Có nghịch lý thực tế là: Nơi có nhiều tang vật, tài sản thì số lượng và diện tích kho rất hạn chế (như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh) ngược lại nơi có ít tang vật, tài sản thì kho tàng đầy đủ, rộng rãi. Chính vì vậy, cách xử lý của từng địa phương cũng khác nhau, vừa phải tuân thủ các quy định chung đồng thời phải căn cứ vào điều kiện thực tế và các quy định, quy ước của các ngành liên quan ở địa phương. Thanh tra việc giao nhận, bảo quản, xử lý tang vật tài sản là việc làm khó khăn, vất vả, phức tạp; yêu cầu phải thận trọng, tỷ mỷ đối chiếu, rà soát để phát hiện, tổng hợp nhận xét, kết luận được chính xác tình hình. Các cơ quan thi hành án thường có những sai sót sau:

Thứ nhất, giao nhận tang vật, tài sản:

- Khi bàn giao tang vật không đồng thời với việc chuyển giao bản án, quyết định của Toà án,

- Khi giao nhận tang vật, tài sản thường không đủ các thành phần.

- Cơ quan thi hành án thường lúng túng trong việc mời cơ quan chuyên môn tham gia, như: Mời ai? Cơ quan nào? Chi phí cho họ ra sao? Vì chưa có hướng dẫn cụ thể, chi tiết nên việc thực hiện cũng không thống nhất. Bên cạnh đó có tình trạng là cơ quan Thi hành án mời nhưng các cơ quan không cử hoặc cử người không đủ chức danh tham gia.

-Việc bàn giao tài sản có niêm phong thường không trưng cầu giám định mà chỉ xác nhận niêm phong không bị xâm phạm là tiến hành giao nhận.

- Khi lập Biên bản giao nhận tang vật, tài sản thường có nhiều thiếu sót, dẫn đến việc nghi ngờ, khiếu kiện của người có tài sản.

Thứ hai, bảo quản tang vật, tài sản:

-Thủ kho không tiến hành các thủ tục nhập kho các tang vật, tài sản theo quy định

- Thủ kho tự ý đưa vào kho và xuất ra khỏi kho tang vật, tài sản mà cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát chuyển sang trước khi có bản án, quyết định của Toà án để đảm bảo thi hành án khi chưa có ý kiến của Thủ trưởng cơ quan thi hành án. Những tài sản loại này thường có giá trị lớn.

-Thủ kho không lập Sổ theo dõi tang vật, tài sản, không thực hiện chế độ kiểm kê tang vật, lập báo cáo thống kê không đúng số liệu thực tế.

- Cách sắp xếp tang vật, tài sản trong kho thiếu khoa học. Tài sản gửi giữ nơi khác không hợp đồng đầy đủ, không kiểm tra thường xuyên để tài sản xuống cấp, hư hỏng, thiếu hụt, mất mát.

-Vẫn còn tình trạng tráo đổi, sử dụng trái phép tang vật, tài sản, nhất là đối với các loại tang vật như: Xe máy, Video, máy ảnh, quạt điện…dưới hình thức "mượn" để dùng tại cơ quan hoặc đưa về nhà riêng.

- Không thực hiện đúng quy định về niêm phong và mở niêm phong dẫn đến việc người có tài sản nghi ngờ, khiếu kiện gay gắt.

Thứ ba, xử lý tang vật, tài sản :

-  Chậm xử lý, để tồn đọng nhiều.

- Khi xử lý tang vật, tài sản thuộc diện phải tiêu huỷ, tang vật mục nát, hư hỏng, không thành lập Hội đồng hoặc Hội đồng không đủ thành phần.

- Có trường hợp còn "huỷ khống" tang vật , tức là tang vật còn nguyên trong kho nhưng trong hồ sơ đã đầy đủ thủ tục huỷ tang vật.

-Việc huỷ tang vật là chất ma tuý hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn thống nhất, mỗi địa phương tuỳ thuộc vào điều kiện thực tế mà tiến hành mỗi cách: có nơi tiến hành huỷ tang vật là chất ma tuý ngay sau khi tuyên bản án sơ thẩm, tại trụ sở Toà án trước sự chứng kiến của các cơ quan liên quan và nhân dân tham dự phiên toàn, có nơi việc quản lý tang vật là chất ma tuý do cơ quan điều tra thu giữ ban đầu đảm nhiệm sau khi có quyết định tiêu huỷ của cơ quan thi hành án thì việc tiêu huỷ được tổ chức tại cơ quan điều tra đã thu giữ chất ma tuý…

-Việc xử lý tang vật là nhà ở bị tịch thu xung công quỹ nói chung còn rất chậm, có biểu hiện chần chừ, ngại va chạm.

- Xử lý tang vật chỉ do thủ trưởng cơ quan thi hành án và một bộ phận chuyên môn tiến hành, không giao cho chấp hành viên và cũng không được thể hiện ở hồ sơ thi hành án.

Vấn đề thứ mười hai: Về xác minh điều kiện thi hành án

          - Chấp hành viên không trực tiếp tiến hành xác minh mà uỷ quyền cho Uỷ ban nhân dân cấp xã xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.

          - Khi xác minh, Chấp hành viên không xác minh cụ thể hiện trạng tài sản, điều kiện kinh tế mà chỉ căn cứ vào nội dung trình bày của đương sự hoặc xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã, không thông qua các cơ quan có chức năng đăng ký quyền sở hữu, sử dụng, đăng ký giao dịch bảo đảm để xác minh đối với tài sản phải đăng ký ở cơ quan các cơ quan nêu trên.

          - Trong trường hợp mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng các tài sản thuộc diện phải đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng và các bên mua, bán đã không thực hiện quy định này nhưng Chấp hành viên không xác minh, không căn cứ vào hợp đồng mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc tặng cho, không thông qua chủ sở hữu, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng hoặc người làm chứng, như: xác nhận của người bán, của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng về việc mua bán...do đó không xác định được điều kiện thi hành án.

          - Đối với tài sản đã được cầm cố, thế chấp hợp pháp không thuộc diện được kê biên theo quy định tại khoản 4 Điều 41 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 nhưng Chấp hành viên đã không thông báo cho người nhận cầm cố, thế chấp biết nghĩa vụ của người phải thi hành án và yêu cầu họ thông báo để cơ quan thi hành án kê biên tài sản khi người cầm cố, thế chấp thanh toán nghĩa vụ theo hợp đồng cầm cố, thế chấp.

          - Đối với người phải thi hành án là các cơ quan hoặc tổ chức Chấp hành viên đã bỏ mặc, không xác minh tài sản bằng việc trực tiếp xem xét tài sản, kiểm tra hệ thống sổ sách quản lý vốn, tài sản.v.v. và thông qua các cơ quan khác như: cơ quan quản lý vốn, tài sản hoặc cơ quan đăng ký kinh doanh, đăng ký tài sản, ngân hàng, tổ chức tín dụng, cá nhân, tổ chức liên quan khác để xác minh điều kiện tài sản của các cơ quan, tổ chức này.

          - Chấp hành viên không giải thích cho người được thi hành án biết quyền và trách nhiệm của họ trong việc chứng minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; không xem xét và không tiến hành xác minh lại nội dung thông tin mà người được thi hành án đưa ra về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.

- Để xác định người phải thi hành án được coi là chưa có điều kiện thi hành theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 8 Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ nhưng Chấp hành viên đã mỏ mặc quá hạn thời hạn 2 tháng kể từ ngày ra quyết định thi hành án không tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.

- Không thực hiện xác minh điều kiện thi hành án mỗi quý (3 tháng) một lần đối với việc thi hành án thuộc diện chủ động thi hành án.

Vấn đề thứ mười hai:  Cưỡng chế thi hành án

Cưỡng chế thi hành án là biện pháp gay gắt, quyết liệt buộc người phải thi hành án phải thực hiện nghĩa vụ nên chỉ được áp dụng trong các điều kiện chặt chẽ do pháp luật quy định, khi tiến hành nảy sinh rất nhiều tình huống phức tạp mà cơ quan thi hành án phải xử lý. Vì vậy, khi thanh tra xem xét việc cưỡng chế thi hành án, trước hết phải xem xét các điều kiện để áp dụng cưỡng chế, sau đó là việc lựa chọn biện pháp cưỡng chế và toàn bộ quá trình tổ chức việc cưỡng chế; đặc biệt chú ý việc xử lý các tình huống nảy sinh khi cưỡng chế thi hành án. Trong quá trình thi hành án, cơ quan thi hành án thường mắc các các sai sót sau:

- Cơ quan thi hành án không muốn áp dụng các biện pháp cưỡng chế, vin vào các lý do khác như: giữ ổn định tình hình chính trị địa phương, không để xảy ra những việc đáng tiếc khi sắp đến một lễ, hội lớn nào đó, v…v…

- Cơ quan thi hành án còn lúng túng trong việc lựa chọn áp dụng các biện pháp.

- Chậm áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dẫn đến hậu quả người phải thi hành án tẩu tán tài sản hoặc có các thủ đoạn đối phó, người được thi hành khiếu, kiện chấp hành viên, cơ quan thi hành án.

- Kê biên loại tài sản không được kê biên.

- Kê biên nhầm tài sản;

- Khi kê biên tài sản không làm đủ các thủ tục khi không có mặt chủ sở hữu hoặc người nhà đã thành niên của chủ sở hữu, người láng giềng của người có tài sản bị kê biên.

- Chưa phân biệt được việc kê biên tài sản thuộc sở hữu chung theo phần và kê biên tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất khi cưỡng chế kê biên tài sản chung của người phải thi hành án với người khác để thanh toán nghĩa vụ cho người phải thi hành án;

-Không xem xét giải quyết những vướng mắc có liên quan đến tài sản sẽ kê biên, để sau khi kê biên tiến hành các thủ tục tiếp theo phát sinh khiếu nại khó giải quyết. 

-Không giao tài sản đã kê biên cho người được thi hành án, người phải thi hành án hoặc người đang quản lý, sử dụng bảo quản mà lại giao cho cơ quan Công an, Uỷ ban nhân dân địa phương hoặc niêm phong lại khi đang còn tiến hành các thủ tục tiếp theo.

- Chậm đưa tài sản đã kê biên ra bán đấu giá.

- Không thành lập Hội đồng định giá trong trường hợp các bên đương sự không thoả thuận được về giá. Hội đồng định giá không đủ thành phần, hoặc thành phần không đúng thẩm quyền.

- Khi định giá tài sản có tính năng kỹ thuật phức tạp không thành lập Hội đồng hoặc có thành lập Hội đồng nhưng không đúng, không đủ thành phần.

- Trường hợp kê biên bán đấu giá toàn bộ nhà ở của người phải thi hành án, buộc họ và thân nhân phải ra khỏi nhà trong khi họ không còn chỗ ở nào khác mà không có giải pháp thích hợp.

- Chậm xử lý tài sản gửi giữ, ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ tài sản, quyền lợi của người cho thuê kho…

- Chậm giao tài sản cho người mua được tài sản qua đấu giá.

- Việc tổ chức cưỡng chế chưa có kế hoạch chu đáo đầy đủ, không dự kiến hết các tình huống để có phương án đối phó, khi tình huống xảy ra thì xử lý lúng túng, có khi cưỡng chế không thành, gây dư luận xấu, tốn kém kinh phí và lực lượng; ngược lại, có khi sử dụng lực lượng quá lớn, chi phí quá tốn kém cho việc cưỡng chế một vụ việc đơn giản, giá trị tài sản ít.

-Không hướng dẫn cho những người có tranh chấp  về tài sản kê biên quyền được khởi kiện ra toà án giải quyết.

- Đặc biệt, khi cưỡng chế trả nhà, việc lập biên bản thống kê tài sản của người phải thi hành án để di chuyển đến kho trông giữ đã có nhiều sai phạm, khuất tất, mờ ám gây cho người có tài sản nghi ngờ, khiếu kiện bị thất thoát tài sản. Ví dụ, khi lập biên bản thực hiện cưỡng chế trả nhà và thống kê tài sản của người phải thi hành án để đưa đến kho trong giữ đã có nhiều vấn đề sai phạm như sau:  Số lượng tài sản ghi trong Biên bản bao gồm 31 loại tài sản, nhưng cuối Biên bản không ghi chốt lại có tổng số bao nhiêu loại tài sản bị cưỡng chế; không ghi cụ thể Biên bản gồm bao nhiêu trang; các thành phần tham gia không ký giáp lai vào từng trang; không có đại diện Viện kiểm sát ký vào Biên bản; người có mặt chứng kiến là ông Tạ Khắc H - Phó Trưởng Công an phường lại không ký vào Biên bản nhưng ông L - Phó Trưởng Công an phường không chứng  kiến lại ký vào Biên bản; phần tài sản toàn bộ máy móc bị gạch đi nhưng không có chữ ký xác nhận, không có dấu giáp lai, hơn nữa ông K xác nhận khi ông K ký vào Biên bản thì chưa có phần gạch xoá này; Đội trưởng Nguyễn T, CHV Trương H có tên trong Biên bản nhưng không ký vào Biên bản; Biên bản không thống nhất, có nhiều vấn đề nghi vấn: phần nội dung ở các tờ đầu đều ghi ở 2 mặt nhưng riêng 2 tờ rời cuối cùng chỉ ký ở 1 trang, người  được thi hành án không có tên trong Biên bản lại  ký vào Biên bản; Hội đồng thi hành án chỉ có 2 trên 5 người ký vào Biên bản; Biên bản được đánh số trang từ 1 đến 4 nhưng đến trang thứ 5, 6 lại không được đánh số trang; không gạch chéo phần còn trống... Tất cả các vấn đề mâu thuẫn nêu trên CHV đều không lý giải được và cho rằng tại trình độ, nhận thức lúc đó còn thấp. Trong khi đó, theo Biên bản bàn giao tài sản gửi vào kho nhà bà L  thì số lượng tài sản gửi vào kho lại nhiều hơn số lượng tài sản lấy đi từ nhà ông T là 23 loại tài sản khác nhau. Những vấn đề mâu thuẫn này đã làm cho ông K - Trưởng phòng Tư pháp quận B và nhiều người tham gia đã nghi ngờ Biên bản mình đã ký 7 năm về trước đã bị làm sai lệch. Việc lập hồ sơ quản lý tài sản của ông T là thiếu trách nhiệm, có nhiều khuất tất, mờ ám và có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ.

Vấn đề thứ mười ba: Việc phân loại án

Việc phân loại án tuỳ thuộc vào công tác điều tra, xác minh khả năng thi hành án và việc áp dụng các quy định của pháp luật để ra các quyết định hoãn, tạm đình chỉ thi hành án, xác định án có điều kiện thi hành hoặc không có điều kiện thi hành

- Thường có sự nhầm lẫn giữa việc thi hành án trả dần với việc chưa có điều kiện thi hành, thi hành chậm;

- Đối với những vụ việc thuộc diện chủ động ra quyết định thi hành án thu tiền, tài sản cho nhà nước, người phải thi hành án không tự nguyện thi hành, cơ quan thi hành án thường không tích cực tổ chức xác minh điều kiện thi hành án mà xếp vào diện án tồn đọng, theo dõi.

- Chấp hành viên không chủ động xác minh tài sản của đương sự đối với các hồ sơ trước đó đã xác minh chưa có khả năng thi hành, do đó khi người phải thi hành án có điều kiện thi hành vẫn coi hồ sơ đó chưa có điều kiện thi hành.

Trong quy định về thi hành án dân sự không ấn định thời gian hoàn thành một vụ việc thi hành án. Trên thực tế một quy định như vậy là rất khó khăn. Có nhiều trường hợp hồ sơ thi hành án có điều kiện nhưng chậm thi hành do rất nhiều nguyên nhân. Về khách quan: Do những thiếu sót của các cơ quan hữu quan, như việc không kịp thời giải thích bản án khi cơ quan thi hành án yêu cầu của Toà án, việc phối kết hợp giữa các cơ quan liên quan ở địa phương  thiếu chặt chẽ trong việc tổ chức điều tra, xác minh, cưỡng chế thi hành án…, hoặc có một số quy định của pháp luật liên quan thiếu đồng bộ, không thống nhất. Điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội ở địa phương cũng là những yếu tố ảnh hưởng rất nhiều đến thi hành án. Tuy nhiên, các nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu làm cho các hồ sơ thi hành án có điều kiện nhưng chậm thi hành. Biểu hiện cụ thể của tình trạng đó là: Người phải thi hành án có điều kiện thi hành nhưng chấp hành viên không tích cực, không có biện pháp kịp thời; việc xác minh điều kiện thi hành án chưa đầy đủ chặt chẽ; người phải thi hành án có tài sản để thi hành nhưng chấp hành viên không áp dụng hoặc chậm áp dụng biện pháp cưỡng chế; việc xử lý các quá trình thi hành án không phù hợp với quy định của pháp luật dẫn đến đương sự khiếu kiện, hoặc Viện kiểm sát kháng nghị ảnh hưởng đến tiến độ thi hành án; chậm tiến hành các thủ tục xử lý tài sản mà Toà án tuyên tịch thu sung công, không kịp thời thu hồi tiền bán tài sản đấu giá để thanh toán cho người được thi hành án; chậm xử lý các khoản tiền đã thu được hoặc xử lý không đúng pháp luật; công tác phối hợp giữa cơ quan thi hành án với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan chưa được chú trọng, thiếu chặt chẽ…

Vấn đề thứ mười bốn: Hồ sơ thi hành án xong

Thông thường khi tiến hành thanh tra, Đoàn thanh tra chủ yếu thanh tra đối với hồ sơ thi hành án đã xong của cơ quan thi hành án trong một thời gian nhất định, từ đó mới phát hiện, đánh giá được các ưu, khuyết điểm của cơ quan thi hành án, của chấp hành viên. Trong quá trình này do đòi hỏi từng hồ sơ thi hành xong một vụ việc cụ thể phải được xem xét tỷ mỷ, cụ thể cả về hình thức lẫn nội dung có chấp hành đúng các quy định của pháp luật.

 Hồ sơ thi hành án xong là hồ sơ thi hành án đã đưa vào lưu trữ, nó đã thể hiện toàn bộ quá trình tổ chức thi hành án của chấp hành viên đối với một vụ việc cụ thể.

Cơ quan thi hành án thường có những sai sót sau:

- Không đánh số trang, số bút lục hồ sơ, hoặc đánh số không đúng qui định.

- Chưa thể hiện toàn bộ quá trình thi hành một vụ việc cụ thể.

- Không có chữ ký xác nhận của chấp hành viên phụ trách hồ sơ.

- Thủ trưởng cơ quan thi hành án không phê duyệt trước khi đưa vào lưu trữ.

-Việc lưu trữ chưa tiến hành thống nhất, tuỳ thuộc vào cách tổ chức và điều kiện của từng cơ quan thi hành án.

3. Kết thúc thanh tra

 3.1 Báo cáo kết quả thanh tra và dự thảo kết luận thanh tra

Chậm nhất mười lăm ngày kể từ ngày kết thúc thanh tra tại đơn vị, Trưởng Đoàn thanh tra phải có báo cáo kết quả thanh tra và dự thảo kết luận thanh tra gửi người ra quyết định thanh tra.

Trong quá trình lập báo cáo và dự thảo kết luận thanh tra, nếu có những vấn đề còn vướng mắc về xử lý, Trưởng Đoàn chủ động trao đổi, tham khảo ý kiến của các cơ quan có liên quan để đảm bảo cho việc kết luận được chính xác, khách quan.

Báo cáo kết quả thanh tra (do Trưởng Đoàn ký) phản ánh đầy đủ kết quả những nội dung công việc đã thanh tra; những nội dung chưa tiến hành hoặc tiến hành ngoài quyết định và kế hoạch thanh tra được duyệt, nguyên nhân; những ý kiến không thống nhất của đối tượng thanh tra hoặc của thành viên Đoàn thanh tra; những đề xuất về chính sách, chế độ và quản lý. Mỗi nội dung kết luận phải nêu rõ sự việc, căn cứ đúng, sai, nguyên nhân, trách nhiệm, hình thức xử lý, thời hạn chấp hành.

Dự thảo kết luận thanh tra chỉ phản ánh nội dung kết luận và kiến nghị xử lý. Mỗi nội dung kết luận phải nêu rõ sự việc, căn cứ đúng, sai, nguyên nhân, trách nhiệm, hình thức xử lý, thời hạn chấp hành.

Báo cáo kết quả thanh tra và dự thảo kết luận thanh tra trình người ra kết luận thanh tra phải có đầy đủ ý kiến tham gia bằng văn bản của các thành viên trong Đoàn thanh tra. Ý kiến tham gia phải khẳng định có đồng ý hay không đồng ý với báo cáo, dự thảo kết luận của Trưởng Đoàn về nội dung công việc của bản thân mình trực tiếp làm và các nội dung do người khác thực hiện; trường hợp không đồng ý thì phải nêu rõ nguyên nhân, chứng lý.

3.2 Kết luận và lưu hành kết luận thanh tra

Chậm nhất mười lăm ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thanh tra, người ra quyết định thanh tra xem xét nội dung báo cáo và ra kết luận thanh tra.

Trước khi trình người ra kết luận, bộ phận hoặc người được giao nhiệm vụ tiến hành rà soát dự thảo kết luận, tham mưu giúp người ra kết luận quyết định.

Trong quá trình ra kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra yêu cầu Trưởng Đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra hoặc đối tượng thanh tra giải trình để làm rõ thêm những vấn đề mà báo cáo của Trưởng Đoàn chưa rõ. Trường hợp cần thiết, người ra quyết định thanh tra yêu cầu tiến hành thanh tra bổ sung để có đủ căn cứ kết luận.

Trước khi ra kết luận người kết luận thanh tra có thể tổ chức làm việc với đối tượng thanh tra về dự thảo kết luận thanh tra hoặc gửi dự thảo kết luận thanh tra yêu cầu đối tượng thanh tra trả lời bằng văn bản, nêu rõ những nội dung chưa thống nhất, nguyên nhân và chứng cứ.

Khi có kết luận chính thức, người ra kết luận thanh tra tổ chức công bố hoặc gửi kết luận thanh tra cho đối tượng thanh tra.

 Người ra kết luận thanh tra có thể uỷ quyền tổ chức làm việc với đối tượng thanh tra về dự thảo kết luận thanh tra hoặc công bố kết luận thanh tra.

 Kết thúc làm việc về dự thảo kết luận hoặc công bố kết luận thanh tra phải lập biên bản ghi ý kiến hai bên. 

Việc gửi kết luận thanh tra thực hiện theo quy định tại Điều 43 Luật Thanh tra và Điều 35 Nghị định số 41/2005/NĐ-CP ngày 25/3/2005 của Chính phủ. Đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xử lý sau thanh tra hoặc có trách nhiệm thực hiện kết luận thanh tra, thấy không cần thiết gửi toàn bộ kết luận thì trích nội dung kết luận có liên quan hoặc có văn bản đối với từng sự việc gửi tới cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.

3. 4 Bàn giao, lưu trữ hồ sơ thanh tra

 Sau khi lưu hành kết luận thanh tra, trong thời hạn hai ngày làm việc, Trưởng Đoàn có trách nhiệm bàn giao hồ sơ cuộc thanh tra cho những bộ phận, người được giao nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

Việc bàn giao hồ sơ, tài liệu phải được lập thành biên bản, lưu cùng hồ sơ cuộc thanh tra.

Hoàn chỉnh hồ sơ thanh tra về thi hành án: Trong hoạt động thanh tra, hồ sơ thanh tra có ý nghĩa rất quan trọng. Đó là những căn cứ, chứng cứ để đưa ra kết luận thanh tra đồng thời đó cũng là sự thể hiện kết quả của quá trình thanh tra. Chính vì vậy, ngày 24/10/2007, Tổng Thanh tra đã có Quyết định số 2278/2007/QĐ-TTCP ban hành Quy chế lập, quản lý hồ sơ thanh tra, hồ sơ giải quyết khiếu nại, hồ sơ giải quyết tố cáo. Cụ thể, hồ sơ thanh tra phải gồm những loại tài liệu sau:

1.     Quyết định thanh tra, quyết định gia hạn thời gian thanh tra, quyết định bổ sung hoặc thay đổi thành viên đoàn thanh tra (nếu có);

2.     Kế hoạch thanh tra;

3.     Các văn bản, chỉ thị của cấp có thẩm quyền là căn cứ ra quyết định thanh tra;

4.     Các văn bản, đề cương của Đoàn thanh tra yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo về những nội dung thanh tra;

5.     Các văn bản, tài liệu của đối tượng thanh tra báo cáo theo đề cương, yêu cầu của Đoàn thanh tra;

6.     Các biên bản thanh tra do Trưởng đoàn, thành viên đoàn thanh tra lập khi làm việc với đối tượng thanh tra và những người có liên quan đến nội dung thanh tra;

7.     Các báo cáo của Đoàn thanh tra về tiến độ, tình hình thực hiện thanh tra với người ra quyết định thanh tra;

8.     Các văn bản, quyết định xử lý trong quá trình thanh tra;

9.     Các văn bản, báo cáo xác minh, kết luận các nội dung thanh tra của Đoàn, của các thành viên Đoàn thanh tra;

10. Nhật ký Đoàn thanh tra, lịch làm việc, giấy mời họp, làm việc của Đoàn thanh tra;

11. Báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra;

12. Biên bản các buổi họp, làm việc của Đoàn thanh tra về báo cáo kết quả thanh tra;

13. Biên bản các cuộc họp, làm việc của Lãnh đạo cơ quan quyết định thanh tra, người quyết định thanh tra với Đoàn thanh tra và thông báo ý kiến kết luận của người chủ trì họp, làm việc (nếu có);

14. Các văn bản, tài liệu của đối tượng thanh tra giải trình về các nội dung kết luận thanh tra (nếu có);

15. Kết luận thanh tra, Báo cáo kết quả thanh tra của Thủ trưởng cơ quan ra quyết định thanh tra với cấp trên (nếu có);

16. Các văn bản kết luận, chỉ đạo xử lý, quyết định xử lý của người ra quyết định thanh tra hoặc người có thẩm quyền;

17. Tài liệu, văn bản xin ý kiến, văn bản trả lời, kết luận giám định của các cơ quan chức năng (nếu có);

18. Các văn bản, tài liệu khác có liên quan đến nội dung thanh tra được thu thập trong quá trình thanh tra, theo quy định tại khoản 2, Điều 2 của Quy chế này.

Trên đây là một số vấn đề cơ bản thanh tra về nghiệp vụ thi hành án dân sự đã được áp dụng tại Thanh tra Bộ Tư pháp, chúng tôi xin trình bày để các cán bộ làm công tác thanh tra, đặc biệt là thanh tra trong ngành Tư pháp và các độc giả cùng tham khảo. Chúng tôi rất mong tiếp nhận được sự đóng góp ý kiến xây dựng nghiệp vụ cho Ngành, chia sẻ thông tin, kiến thức hoặc hỏi đáp, thắc mắc về nghiệp vụ thanh tra theo địa chỉ của tác giả: Hoàng Quốc Hùng – Thanh tra Bộ Tư pháp, Tel: 8231127 & 0913001513 & Email: Hunghq@moj.gov.vn.

Xem thêm »