Cần thống nhất một cơ quan thực hiện việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức

11/08/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Đây là đề xuất của Bộ Nội vụ tại dự thảo Nghị định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Trong việc thực hiện quy trình tuyển dụng công chức từ trước đến nay, hoạt động mang tính kiểm định chất lượng đầu vào chủ yếu do các bộ, ngành, địa phương tuyển dụng thực hiện trên cơ sở đánh giá hồ sơ, văn bằng, chứng chỉ mà chưa có hoạt động sát hạch, sàng lọc thí sinh trước khi đánh giá năng lực chuyên môn. Thí sinh buộc phải tham dự đầy đủ các môn thi theo yêu cầu của kỳ thi, dù có thể đã không đạt yêu cầu các môn điều kiện. Các nội dung thi về kiến thức chung, ngoại ngữ, tin học được đánh giá đồng thời với nội dung thi tuyển về kiến thức, kỹ năng chuyên môn, vì vậy, có sự chênh lệch về năng lực thí sinh. Nhiều thí sinh không có đủ điều kiện, nền tảng kiến thức, kỹ năng cần thiết vẫn tham dự kỳ thi tuyển dụng công chức dẫn đến lãng phí nguồn lực tổ chức kỳ thi, lãng phí thời gian và cơ hội lựa chọn nghề nghiệp phù hợp hơn với thí sinh.

Sau khi Nghị định số 161/2018/NĐ-CP nay được thay thế bằng Nghị định số 138/2020/NĐ-CP việc thực hiện vòng 1 kỳ thi tuyển dụng công chức được các bộ, ngành, địa phương triển khai. Các quy định về thực hiện vòng 1 kỳ thi tuyển dụng công chức quy định trong Nghị định số 138/2020/NĐ-CP tương tự như trong Nghị định số 161/2018/NĐ-CP. Việc thực hiện vòng 1 kỳ thi tuyển dụng công chức đã góp phần sàng lọc thí sinh, lựa chọn thí sinh có nền tảng kiến thức tốt tham gia vòng 2 của kỳ thi tuyển dụng công chức. Nội dung, hình thức thi tuyển vòng 1 đã được đổi mới theo hướng phù hợp hơn với thực tế, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Đặc biệt là mở rộng sự tham gia của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học thay vì chỉ có sự tham gia của cơ quan tuyển dụng góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả trong kiểm tra, đánh giá năng lực của thí sinh.

Tuy nhiên, với việc phân cấp tuyển dụng, các cơ quan tuyển dụng phải trực tiếp tổ chức thực hiện vòng 1 kỳ thi dẫn đến việc lãng phí thời gian, nhân lực, vật lực trong quá trình tuyển dụng công chức. Mỗi lần tuyển dụng tại bộ, ngành và địa phương, các nội dung vòng 1 kỳ thi đều phải thực hiện lại từ đầu (như: thuê các chuyên gia xây dựng, thẩm định bộ câu hỏi). Việc này gây tốn kém về ngân sách. Bên cạnh đó, trong không ít trường hợp khi tuyển dụng, cơ quan tuyển dụng nhận được số hồ sơ không lớn, nguồn tuyển bị hạn chế, chất lượng không đồng đều nhưng vẫn phải thực hiện đầy đủ quy trình vòng 1, chi phí cho việc thi vòng 1 trên 1 thí sinh rất cao mà lệ phí thi khó có thể bù đắp được. Việc tổ chức các hội đồng tuyển dụng được giao cho các Bộ, ngành ở trung ương và ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong đó thành viên của các Hội đồng không cố định, chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa hình thành được một đội ngũ chuyên trách trong thi tuyển công chức. Nghiệp vụ công tác tổ chức thi tuyển chưa sâu trong khi khối lượng công việc rất lớn đòi hỏi tính chuyên môn hoá cao dẫn tới những lúng túng và thiếu ổn định trong các khâu của quy trình tuyển dụng công chức làm hạn chế hiệu quả của hoạt động này. Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát còn có những hạn chế nhất định, tiềm ẩn nguy cơ việc phát sinh tiêu cực.

Việc thực hiện thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức thay vì mỗi bộ ngành, địa phương tự tổ chức thi tuyển sẽ tiết kiệm được các chi phí cho công tác tuyển dụng từ ngân sách nhà nước. Các chi phí giảm bao gồm chi phí về tiếp nhận hồ sơ, xây dựng ngân hàng câu hỏi, tổ chức coi thi, chấm thi, chi phí của hội đồng thi tuyển. Hoạt động kiểm định chất lượng đầu vào công chức sẽ nâng cao về hiệu quả tuyển dụng, cơ quan tuyển dụng công chức sẽ có thụ hưởng các lợi ích: (i) Nguồn tuyển lớn từ nguồn thí sinh đạt điều kiện kiểm định thay vì giới hạn từ các thí sinh nộp hồ sơ trong mỗi đợt tuyển dụng. Cơ quan tuyển dụng công chức có điều kiện lựa chọn những thí sinh có năng lực tốt nhất, phù hợp nhất trở thành công chức; (ii) Giảm chi phí trong tổ chức tuyển dụng công chức; (iii) Rút ngắn thời gian tuyển dụng công chức; (iv) Nguồn dự tuyển luôn chủ động từ các thí sinh có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng đầu vào công chức thay vì phụ thuộc vào nguồn dự tuyển từ thông báo tuyển dụng của cơ quan; (v) Mặt khác, khi các cơ quan đơn vị tuyển dụng không phải lo vòng 1 sẽ có thời gian tập trung nâng cao chất lượng để tuyển dụng công chức vào làm việc. Do đó, xét về tổng thể, việc thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức không những không phát sinh thêm chi phí mà còn có thể tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước. Vì vâỵ, tại dự thảo Nghị định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức đã đề xuất thống nhất Bộ Nội vụ là cơ quan thực hiện việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Chi tiết dự thảo Nghị định được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ tại địa chỉ: https://chinhphu.vn/du-thao-vbqppl/du-thao-nghi-dinh-quy-dinh-ve-kiem-dinh-chat-luong-dau-vao-cong-chuc-5152
Nguyễn Thị Tâm
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật

Xem thêm »