Nâng cao xử phạt vi phạm hành chính để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

07/03/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 21/02/2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2025/NĐ-CP nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều quan trọng của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020. Nghị định cũ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trước đó, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP đã từng được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ban hành ngày 31/01/2022.

Điểm nổi bật trong Nghị định mới là việc tăng đáng kể mức phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là trong bối cảnh kinh doanh số ngày càng phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.
Tăng mạnh chế tài đối với vi phạm về bảo vệ thông tin người tiêu dùng
Theo quy định mới tại Nghị định số 24/2025/NĐ-CP, các hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng sẽ bị xử phạt nghiêm khắc hơn nhiều so với trước đây. Cụ thể, mức phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng sẽ được áp dụng đối với các hành vi sau: (1) Thực hiện thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng khi chưa được người tiêu dùng đồng ý theo quy định của pháp luật; (2) Sử dụng thông tin của người tiêu dùng không chính xác hoặc không phù hợp với mục đích, phạm vi đã thông báo trước đó.
Đáng chú ý, mức phạt tiền sẽ tăng lên từ 30 triệu đến 40 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng hơn như: (1) Không có biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin của người tiêu dùng khi thực hiện thu thập, lưu trữ, sử dụng; (2) Không có biện pháp ngăn ngừa các hành vi vi phạm an toàn, an ninh thông tin của người tiêu dùng theo quy định; (3) Chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của người tiêu dùng theo quy định pháp luật.
So với Nghị định 98/2020/NĐ-CP trước đây, mức phạt cho các hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin người tiêu dùng đã tăng gấp đôi, từ mức 10-20 triệu đồng lên thành 20-30 triệu đồng và 30-40 triệu đồng tùy theo tính chất vi phạm.
Xử phạt nặng hơn với dữ liệu nhạy cảm và nền tảng số lớn
Nghị định mới cũng quy định rõ về việc tăng nặng chế tài trong những trường hợp đặc biệt. Cụ thể: (1) Phạt tiền gấp 2 lần mức tiền phạt thông thường trong trường hợp thông tin liên quan là dữ liệu cá nhân nhạy cảm của người tiêu dùng; (2) Phạt tiền gấp 4 lần mức thông thường trong trường hợp hành vi vi phạm do tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số lớn thực hiện.
Những quy định này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của cơ quan quản lý nhà nước đối với việc bảo vệ dữ liệu cá nhân nhạy cảm cũng như tăng cường trách nhiệm của các nền tảng số lớn có khả năng tác động đến số lượng lớn người tiêu dùng.
Quy định mới về xử phạt vi phạm trong giao dịch trên không gian mạng
Một điểm đổi mới quan trọng khác trong Nghị định 24/2025/NĐ-CP là việc bổ sung Điều 53a quy định xử phạt hành vi vi phạm trong giao dịch trên không gian mạng. Theo đó, mức phạt từ 50 triệu đến 70 triệu đồng sẽ được áp dụng đối với chủ thể kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số nếu có một trong các hành vi vi phạm sau:
(1) Ép buộc hoặc ngăn cản người tiêu dùng đăng ký sử dụng hoặc sử dụng nền tảng số trung gian khác như là điều kiện bắt buộc để sử dụng dịch vụ;
(2) Hạn chế quyền lựa chọn của người tiêu dùng thông qua việc sắp xếp ưu tiên lựa chọn sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ giữa các tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp trên nền tảng số mà không công khai tiêu chí lựa chọn;
(3) Sử dụng biện pháp ngăn hiển thị hoặc hiển thị không trung thực kết quả phản hồi, đánh giá của người tiêu dùng về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số (trừ trường hợp phản hồi, đánh giá đó vi phạm quy định của pháp luật, trái đạo đức xã hội)
(4) Sử dụng biện pháp ngăn cản đăng ký, hoạt động, đánh giá, hiển thị phản hồi của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
(5) Ngăn cản người tiêu dùng gỡ bỏ phần mềm, ứng dụng cài đặt sẵn mà không ảnh hưởng đến tính năng kỹ thuật cơ bản giúp nền tảng số vận hành bình thường hoặc buộc người tiêu dùng cài đặt phần mềm, ứng dụng kèm theo trên nền tảng số;
(4) Lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua việc cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, không chính xác về một trong các nội dung quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
(5) Quấy rối người tiêu dùng thông qua hành vi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp trái với ý muốn của người tiêu dùng để giới thiệu về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc đề nghị giao kết hợp đồng;
(6) Ép buộc người tiêu dùng mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng thông qua việc thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc hành vi khác có tính chất tương tự;
(7) Yêu cầu hoặc ép buộc người tiêu dùng thanh toán cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp mà không có thỏa thuận trước với người tiêu dùng;
(8) Không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng do nhầm lẫn của tổ chức, cá nhân kinh doanh;
(9) Không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng do sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không đúng với đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết của tổ chức, cá nhân kinh doanh;
(10) Đánh tráo, gian lận sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khi giao hàng, cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng;
(11) Không thông báo trước hoặc không công khai cho người tiêu dùng việc tài trợ cho người có ảnh hưởng dưới mọi hình thức để sử dụng hình ảnh, lời khuyên, khuyến nghị của người này nhằm xúc tiến thương mại hoặc khuyến khích người tiêu dùng mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;
(12) Ngăn cản người tiêu dùng kiểm tra về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
(13) Yêu cầu người tiêu dùng phải mua thêm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ như là điều kiện bắt buộc để giao kết hợp đồng trái với ý muốn của người tiêu dùng;
(14) Quy định điều khoản không được phép quy định trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định;
(15) Không lập văn bản để thực hiện ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba thực hiện việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng theo quy định;
(16) Lập văn bản ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba thực hiện việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng nhưng nội dung văn bản không quy định hoặc quy định không rõ phạm vi, trách nhiệm của mỗi bên trong việc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và pháp luật có liên quan;
(17)) Ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba thực hiện việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng nhưng chưa được sự đồng ý của người tiêu dùng.
Xác thực danh tính trên nền tảng số trung gian
Nghị định 24/2025/NĐ-CP còn quy định mức phạt rất nặng từ 100 triệu đến 200 triệu đồng đối với tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian không thực hiện xác thực danh tính của tổ chức, cá nhân bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ trên nền tảng số trung gian của mình.
Quy định này nhằm tăng cường trách nhiệm của các nền tảng thương mại điện tử, sàn giao dịch trực tuyến trong việc quản lý người bán, đảm bảo tính minh bạch và truy xuất nguồn gốc khi có tranh chấp phát sinh, góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng trong môi trường kinh doanh trực tuyến.
Kiều Oanh
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật

Xem thêm »