Tăng cường quyền tiếp cận giáo dục cho người khuyết tật

04/03/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 26 tháng 12 năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức ban hành Thông tư số 27/2024/TT BGDĐT, quy chế tổ chức và hoạt động của trường, lớp dành cho người khuyết tật, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Thông tư 27/2024/TT‑BGDĐT áp dụng cho hai loại hình cơ bản: Trường giáo dục chuyên biệt, là cơ sở giáo dục có đầy đủ tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng, dành riêng cho học sinh khuyết tật cần giáo dục đặc biệt; và Lớp giáo dục chuyên biệt, được tổ chức trong khuôn khổ trường mầm non, phổ thông hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên để đáp ứng nhu cầu của học sinh khuyết tật ngay tại cộng đồng nơi cư trú.
Giảm sĩ số lớp học: Tăng cường sự quan tâm cá nhân hóa
Một điểm mới nổi bật của Thông tư 27/2024/TT-BGDĐT là quy định rõ ràng về sĩ số lớp học trong các trường giáo dục chuyên biệt, lớp giáo dục chuyên biệt dành cho người khuyết tật. Theo đó, mỗi lớp học không được quá 12 học sinh. Đây là con số được tính toán kỹ lưỡng, phù hợp với khả năng tương tác và hỗ trợ của giáo viên đối với từng học sinh khuyết tật – những người cần được hỗ trợ cá nhân hóa về cả học tập lẫn tâm lý, thể chất.
Quy định này khắc phục điểm hạn chế của các văn bản trước đó như Quyết định 23/2006/QĐ-BGDĐT – vốn chưa nêu rõ về sĩ số tối đa, dẫn đến thực trạng nhiều lớp học quá tải, giáo viên khó khăn trong việc theo dõi và xây dựng kế hoạch cá nhân hóa cho từng em.
Tăng vai trò hỗ trợ hòa nhập và can thiệp sớm
Không còn bó hẹp vai trò trong phạm vi giảng dạy, Thông tư 27/2024/TT-BGDĐT khẳng định thêm nhiệm vụ của các Trường giáo dục chuyên biệt trong việc thực hiện hỗ trợ giáo dục hòa nhập và can thiệp sớm. Đây là cách tiếp cận tiến bộ, khuyến khích các cơ sở chuyên biệt phối hợp cùng trường phổ thông trong việc hỗ trợ người khuyết tật tham gia học tập trong môi trường bình thường, đồng thời phát hiện và can thiệp kịp thời cho trẻ khuyết tật ở lứa tuổi mầm non.
Tạo cơ hội cho cả khối công lập và tư thục
Thông tư 27/2024/TT-BGDĐT mở rộng phạm vi áp dụng đối với cả Trường giáo dục chuyên biệt công lập và tư thục. Ngoài các Trường giáo dục chuyên biệt công lập do Nhà nước đầu tư; các Trường giáo dục chuyên biệt tư thục được thành lập hợp pháp bởi nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài đều có thể tham gia vào hệ thống giáo dục chuyên biệt cho người khuyết tật, miễn là đáp ứng các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo theo đúng quy định.
Sự tham gia của khối tư thục sẽ giúp đa dạng hóa mô hình đào tạo, tăng nguồn lực xã hội hóa, đồng thời tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh về chất lượng giữa các đơn vị giáo dục. Quan trọng hơn, điều này góp phần đảm bảo rằng người khuyết tật, dù ở đâu hay hoàn cảnh nào, cũng có cơ hội tiếp cận với một môi trường học tập phù hợp và hiệu quả.
Mở rộng vai trò, cơ chế phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong giáo dục học sinh khuyết tật
Thiết lập cơ cấu Ban đại diện cha mẹ học sinh riêng biệt cho các trường/lớp giáo dục chuyên biệt: So với các trường phổ thông thông thường, Ban đại diện cha mẹ học sinh tại các cơ sở giáo dục chuyên biệt được tổ chức phù hợp với tính chất đặc thù, bao gồm: mỗi lớp có thể có Ban đại diện riêng; toàn trường có Ban đại diện chung do các lớp bầu ra.
Mở rộng vai trò của gia đình trong giáo dục học sinh khuyết tật: Gia đình không còn là "bên hỗ trợ" đơn thuần mà trở thành đối tác chủ động, cùng: (1) Tham gia xây dựng Kế hoạch giáo dục cá nhân (IEP). (2) Thường xuyên phối hợp để điều chỉnh phương pháp, đánh giá quá trình học tập. (3) Được tạo điều kiện đến lớp hỗ trợ trực tiếp con em mình.
Thông tư khuyến khích gia đình cùng nhà trường vận động học sinh bỏ học quay lại lớp, thể hiện trách nhiệm đồng hành bền vững.
Trường học trở thành trung tâm kết nối văn hóa – giáo dục tại địa phương: Trường/lớp giáo dục chuyên biệt không chỉ là nơi giảng dạy mà còn có chức năng truyền thông, phổ biến chính sách, tổ chức các hoạt động cộng đồng, như: (1) Tuyên truyền về giáo dục người khuyết tật. (2) Phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức hoạt động trải nghiệm văn hóa, xã hội. (3) Tham mưu chính sách, huy động tài trợ, phát triển quy mô và cơ sở vật chất.
Mở rộng và cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ học sinh khuyết tật
Hỗ trợ học phí và chi phí học tập: Học sinh khuyết tật học tại các trường, lớp chuyên biệt được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập, theo đúng quy định của pháp luật hiện hành (các chính sách tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP và các văn bản liên quan). Điều này giúp đảm bảo tiếp cận giáo dục công bằng, giảm gánh nặng tài chính cho gia đình có con khuyết tật.
Xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất và thư viện: (1) Trường giáo dục chuyên biệt: có phòng dạy kỹ năng đặc thù; có hạng mục công trình phục vụ bán trú, nội trú phục vụ học sinh khuyết tật bán trú, nội trú; thư viện được tổ chức, hoạt động theo tiêu chuẩn của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông. Các hạng mục công trình xây dựng của Trường giáo dục chuyên biệt đáp ứng theo quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình đảm bảo tiếp cận sử dụng. Ngoài ra, trường giáo dục chuyên biệt có trách nhiệm định kỳ xây dựng kế hoạch cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất theo quy định; tuyệt đối không đưa vào sử dụng những cơ sở vật chất đã hết niên hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn. (2) Nhà trường có Lớp giáo dục chuyên biệt: phòng dạy kỹ năng đặc thù, các hạng mục công trình đảm bảo cho học sinh khuyết tật tiếp cận, sử dụng; thư viện phục vụ học sinh khuyết tật; học liệu phục vụ học sinh khuyết tật: bản chữ nổi Braille của sách giáo khoa, tài liệu học tập, học liệu dạy và học thông qua ngôn ngữ ký hiệu và các học liệu khác hỗ trợ học sinh khuyết tật học tập..
Đầu tư, trang bị các thiết bị dạy học: Trường giáo dục chuyên biệt và nhà trường có Lớp giáo dục chuyên biệt được đầu tư và trang bị thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi quy định đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông phù hợp với học sinh khuyết tật. Khuyến khích các địa phương theo khả năng trang bị các trang thiết bị dạy học đặc thù phù hợp với học sinh khuyết tật cho các Trường giáo dục chuyên biệt, trường có Lớp giáo dục chuyên biệt đế phục vụ việc học tập và giảng dạy tuân thủ các quy định.
Phục hồi chức năng – chăm sóc song hành với giáo dục: Trường giáo dục chuyên biệt có trách nhiệm tổ chức hoặc phối hợp với các cơ sở y tế, phục hồi chức năng để giúp học sinh được trị liệu vận động, ngôn ngữ, cảm giác hoặc nhận thức, tùy theo nhu cầu và loại hình khuyết tật. Điều này đảm bảo học sinh được phát triển cả về thể chất lẫn kỹ năng xã hội, thay vì chỉ dừng ở việc học kiến thức lý thuyết.
Kiều Oanh
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật

Xem thêm »