Sau 18 năm tái lập tỉnh Vĩnh Phúc dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh bằng nhiều chủ trương chính sách đổi mới phát triển kinh tế- xã hội, nền kinh tế của tỉnh đã có những bước tăng trưởng mạnh, tốc độ tăng trưởng cao, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên; phong trào đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư phát triển mạnh mẽ, an ninh chính trị được giữ vững. Đóng góp vào thành tựu chung đó phải kể đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), đặc biệt là công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở nông thôn.
Ổn định xã hội, xóa đói giảm nghèo ở nông thôn khó có thể đạt nếu chỉ tiêu tiếp tục dựa trên sản xuất nông nghiệp thu nhập thấp trong khi bất bình đẳng giữa các nhóm thu nhập, giữa nông thôn và thành thị ngày một giãn cách. Vì vậy tỉnh Vĩnh Phúc đặt vấn đề cốt lõi của phát triển nông thôn là phải giảm tỉ lệ lao động nông nghiệp, theo đó tỉnh đã xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp là chủ đạo nhưng được đặt trong bối cảnh phát triển kinh tế-xã hội của địa phương nhằm mục tiêu từ nay đến năm 2030 sẽ chuyển dịch mạnh mẽ lao động nông nghiệp sang các ngành công nghiệp và đặc biệt là dịch vụ. Nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của công tác PBGDPL cho người dân khu vực này; thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác PBGDPL nói chung và phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở nông thôn nói riêng. Các cấp, các ngành chung tay, cộng đồng trách nhiệm tổ chức thực hiện kịp thời, vì vậy các chủ chương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước từng bước được đi vào cuộc sống, việc thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở nông thôn tại tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được những kết quả quan trọng, phục vụ tích cực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Trong những năm qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được một số kết quả nổi bật. Đối với các chương trình, Đề án của Trung ương về phổ biến, giáo dục pháp luât: Sở Tư pháp, Sở Nông nghiệp & PTNT đã phối hợp với Báo Vĩnh Phúc mở 9 chuyên mục trên báo Vĩnh Phúc, báo điện tử; biên soan, In ấn và cấp phát được 8.400 sách hỏi đáp, 9.670 tờ gấp liên quan đến các lĩnh vực như: Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật,... .Tổ chức 2 lớp bồi dưỡng về kỹ năng và phương pháp truyền đạt cho 200 cán bộ, đội ngũ báo cáo viên của ngành.Tổ chức triển khai được 822 lớp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho 74.275 lượt người; tổ chức 3 cuộc thi số lượt người tham gia 274; triển khai 4 tủ sách pháp luật, số lượt người đọc mượn 105; triển khai “Ngày pháp luật” theo tinh thần văn bản hướng dẫn thực hiện của Sở Tư pháp...
Có thể nói công tác PBGDPL cho người dân nông thôn ở Vĩnh Phúc trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Từng bước đã tạo được sự chuyển biến căn bản trong việc nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng pháp luật và chấp hành pháp luật của người dân nông thôn. Qua đó, góp phần giữ vững an ninh và trật tự- an toàn xã hội, nâng cao nền pháp chế XHCN trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền hiện nay.
Kim Yến