Nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, góp phần giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương, tỉnh Đồng Nai đã triển khai nhiều mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) sáng tạo, hiệu quả. Trong đó, hai mô hình tiêu biểu được Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai đề xuất, bao gồm: “Tổ phụ nữ dân tộc không có người thân vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội” tại thành phố Long Khánh và “Tổ tuyên truyền, PBGDPL trên hệ thống loa truyền thanh di động” tại huyện Cẩm Mỹ đã mang lại những kết quả tích cực, khẳng định vai trò quan trọng của công tác PBGDPL tại cơ sở, cụ thể:
Mô hình"Tổ phụ nữ dân tộc không có người thân vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội"
Mô hình “Tổ phụ nữ dân tộc không có người thân vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội” được thành lập từ năm 2012 tại khu phố Ruộng Lớn, phường Bảo Vinh, thành phố Long Khánh. Tổ hoạt động dưới sự chỉ đạo của Hội Liên hiệp phụ nữ phường, đã thu hút đông đảo chị em phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia.
Điểm nhấn của mô hình này là sự kết hợp giữa tuyên truyền, vận động và hỗ trợ thiết thực. Định kỳ 3 tháng một lần, các thành viên trong tổ sinh hoạt, cùng nhau trao đổi, học tập về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hội Liên hiệp phụ nữ phường cũng kết nối với cán bộ tư pháp, công an phường để tuyên truyền, phổ biến các kiến thức pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống của chị em như: Luật Hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, đuối nước, các loại tội phạm,...
Không chỉ dừng lại ở lý thuyết, mô hình còn đi vào thực tế đời sống. Theo đó, hàng năm, Tổ phối hợp với công an khu vực vận động các thành viên dân tộc thiểu số Chơro tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, mô hình “nuôi heo đất” được triển khai từ năm 2018 đến nay đã có 5 thành viên tham gia tiết kiệm nuôi 5 con heo đất bằng hình thức sau khi đi chợ về còn tiền lẻ thì các chị sẽ bỏ vào heo. Số tiền đập được Hội sẽ thành lập đoàn đi tận nhà thăm hỏi trao để trao học bổng, trao sổ tiết kiệm và tặng quà, bảo hiểm y tế cho phụ nữ, con em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, lan tỏa giá trị nhân văn trong cộng đồng.
Hiệu quả của mô hình đã được minh chứng qua thời gian. Nhận thức pháp luật của chị em phụ nữ được nâng cao rõ rệt, góp phần xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. An ninh trật tự trên địa bàn được đảm bảo, các tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi. Mô hình đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Mô hình "Tổ tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên hệ thống loa truyền thanh di động"
Tại xã Xuân Bảo, huyện Cẩm Mỹ, mô hình “Tổ tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên hệ thống loa truyền thanh di động” đã phát huy hiệu quả tích cực, trở thành kênh thông tin pháp luật gần gũi, thiết thực với người dân.
Điểm mạnh của mô hình này là khả năng truyền tải thông tin nhanh chóng, rộng khắp, dễ hiểu, dễ nhớ. Các nội dung tuyên truyền được biên soạn ngắn gọn, súc tích dưới dạng hỏi - đáp pháp luật, tiểu phẩm, giới thiệu văn bản pháp luật mới, phù hợp với trình độ dân trí và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân.
Nội dung tuyên truyền được chia thành ba nhóm chính: Nhóm các văn bản pháp luật phải tuyên truyền thường xuyên như an toàn giao thông, phòng chống ma túy, HIV/AIDS, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường; nhóm các văn bản pháp luật mới có hiệu lực thi hành như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hộ tịch, Luật Căn cước công dân; nhóm các chính sách, quy định của Trung ương, của tỉnh liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân như đất đai, nhà ở, đền bù giải phóng mặt bằng, đăng ký và quản lý hộ tịch, hôn nhân và gia đình, công chứng, chứng thực…
Để nâng cao chất lượng, Uỷ ban nhân dân xã Xuân Bảo đã chỉ đạo các ngành như Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin, biên soạn tài liệu tuyên truyền. Nhờ đó, các chương trình phát thanh luôn đảm bảo tính thời sự, thiết thực, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Từ tháng 5 năm 2021 đến nay, mô hình đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Nhận thức pháp luật của người dân được nâng cao, góp phần hạn chế đơn thư khiếu nại, giữ gìn an ninh trật tự an toàn xã hội. Mô hình đã được Phòng Tư pháp huyện Cẩm Mỹ công nhận và nhân rộng, đồng thời được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Cẩm Mỹ khen thưởng.
Mặc dù có cách thức triển khai khác nhau, nhưng hai mô hình “Tổ phụ nữ dân tộc không có người thân vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội” và “Tổ tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên hệ thống loa truyền thanh di động” đều hướng đến mục tiêu chung là nâng cao nhận thức pháp luật, góp phần xây dựng xã hội an toàn, văn minh. Thành công của hai mô hình này là minh chứng sinh động cho thấy hiệu quả của công tác PBGDPL tại cơ sở, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của việc lựa chọn các hình thức, phương thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, địa bàn cụ thể. Đây là những bài học kinh nghiệm quý báu để tỉnh Đồng Nai tiếp tục nhân rộng, phát huy, góp phần đưa pháp luật đi vào cuộc sống./.
Nguyễn Anh Vũ
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật