Chính phủ vừa mới ban hành Nghị định số 97/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 quy định về các hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả; thủ tục nộp đơn yêu cầu xử lý vi phạm; thẩm quyền, thủ tục giải quyết đơn yêu cầu xử lý vi phạm; thẩm quyền, thủ tục xử phạt và thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Cụ thể:
Hình thức xử phạt: Mỗi hành vi vi phạm hành chính chỉ bị áp dụng một hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Phạt tiền được áp dụng theo khung tiền phạt quy định đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại điều khoản tương ứng của Nghị định này, mức phạt tối đa là 500.000.000 đồng.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
Thứ nhất, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, bao gồm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý; nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý; tem, nhãn, bao bì, vật phẩm khác mang yếu tố vi phạm; phương tiện kinh doanh, gồm cả phương tiện dịch vụ, phương tiện quảng cáo có chứa yếu tố vi phạm; văn bằng bảo hộ, giấy chứng nhận hoặc tài liệu khác bị sửa chữa, tẩy xóa hoặc giả mạo;
Thứ hai, tước quyền sử dụng có thời hạn hoặc không thời hạn chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp; thẻ giám định viên; giấy chứng nhận tổ chức đủ điều kiện hành nghề giám định; đình chỉ có thời hạn hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm.
Các biện pháp khắc phục hậu quả: Ngoài các hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị buộc áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả sau:
Thứ nhất, buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, phương tiện kinh doanh; buộc loại bỏ thông tin, chỉ dẫn về hàng hóa, dịch vụ vi phạm trên phương tiện kinh doanh, kể cả phương tiện quảng cáo, mạng điện tử hoặc thay đổi, thu hồi tên miền, tên doanh nghiệp chứa yếu tố vi phạm;
Thứ hai, buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp; nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp..
Mức xử phạt đối với một số hành vi: Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với các hành vi như vi phạm quy định về thủ tục xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp; vi phạm quy định về chỉ dẫn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; vi phạm quy định về đại diện sở hữu công nghiệp; vi phạm quy định về giám định sở hữu công nghiệp; vi phạm quy định về thanh tra, kiểm tra sở hữu công nghiệp
Riêng đối với hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí có thể phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây vì mục đích kinh doanh trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm trên 500.000.000 đồng như: bán; chào hàng; vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ; trưng bày để bán sản phẩm xâm phạm quyền đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí hoặc sản phẩm được sản xuất từ quy trình xâm phạm quyền đối với sáng chế, giải pháp hữu ích; khai thác công dụng sản phẩm xâm phạm quyền đối với sáng chế, giải pháp hữu ích hoặc sản phẩm được sản xuất từ quy trình xâm phạm quyền đối với sáng chế, giải pháp hữu ích;
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 09/11/2010 và thay thế Nghị định số 106/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp.
Lê Văn Nhật