Xây dựng đội ngũ luật sư hội nhập: Lĩnh vực nào cũng cần luật sư giỏi

09/03/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Như Báo Pháp luật Việt Nam đã đưa, Đề án “Phát triển đội ngũ luật sư (LS) phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế” đang được Bộ Tư pháp đưa ra lấy ý kiến, trước khi hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ. Ngày 6/3, TƯ Hội Luật gia Việt Nam (HLGVN) cũng đã tổ chức tọa đàm với sự tham gia của các luật gia, LS, giảng viên luật… nhằm góp ý cho đề án này.

Phải có LS giỏi trên nhiều lĩnh vực

Đa số các đại biểu đều nhất trí với tính cần thiết của đề án bởi những mục tiêu phát triển đội ngũ LS “giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ,… thông thạo ngoại ngữ, thành thạo kỹ năng hành nghề LS quốc tế”… Tuy nhiên, các luật gia, LS tham gia tọa đàm lại thấy rằng, nếu chỉ tập trung phát triển đội ngũ LS “chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và nhu cầu dịch vụ pháp lý của cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp” như trong đề án thì chưa đủ.

Lý do rất đơn giản, khi ta hội nhập kinh tế quốc tế, những rắc rối pháp lý có thể nảy sinh không chỉ bó hẹp trong quan hệ thương mại, kinh tế mà còn trong rất nhiều lĩnh vực khác của đời sống. Những mối quan hệ hôn nhân gia đình, dân sự, lao động… cũng khó tránh khỏi trường hợp vướng vào các rắc rối pháp lý quốc tế và các đương sự cũng sẽ cần những LS “giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ,… thông thạo ngoại ngữ, thành thạo kỹ năng hành nghề LS quốc tế”.

Bên cạnh đó, không phải LS nào cũng có thế mạnh để hành nghề trong lĩnh vực thương mại. Vì thế, nếu chỉ tập trung phát triển đội ngũ LS trong lĩnh vực thương mại thì dường như chưa thể hiện hết nhiệm vụ được đề cập trong tên của đề án, cũng như lãng phí những khả năng của đội ngũ LS trong các lĩnh vực khác. Xuất phát từ quan điểm này, một số luật gia thấy rằng, mục tiêu “phấn đấu đến năm 2020 số LS chuyên về thương mại chiếm khoảng 60% tổng số LS trong cả nước” có vẻ là… quá nhiều và dẫn đến những lo ngại về tính khả thi khi thực hiện.

Như nhận xét của TS.Nguyễn Công Bình (Đại học Luật Hà Nội) thì “không nhất thiết phải có đến 60% LS chuyên về thương mại”. Con số này nếu thấp hơn vẫn có thể đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn và còn tạo điều kiện cho những LS ở các lĩnh vực khác cùng được hưởng những chính sách phát triển. Trên cơ sở đó, trong thời gian không xa, Việt Nam sẽ có một đội ngũ LS đạt chất lượng đồng đều trên mọi lĩnh vực, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu mọi mặt của thời kỳ hội nhập.

Cần cơ chế “thoáng” để thu hút LS

Thu hút nhân tài cho đội ngũ LS là điều tối cần thiết để có thể nâng cao chất lượng và số lượng LS trong 10 năm tới. Ngoài việc khuyến khích  giới trẻ tham gia nghề LS bằng các biện pháp hỗ trợ, định hướng thích hợp, các cơ chế đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên về chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị, nhận thức về biến động quốc tế… cho giới LS cũng rất cần thiết.

LS. Nguyễn Thái Hòa (VPLS Sông Hương) lo ngại trước một bộ phận LS đang “vô cảm với vấn đề chính trị”. Có những LS chỉ chú trọng đến hoạt động chuyên môn mà chưa quan tâm đến những biến động của tình hình thế giới, chưa có nhận thức sâu sắc về toàn cảnh thế giới. Điều đó không thể đảm bảo cho một LS đáp ứng các tiêu chí LS hội nhập, như đề án đưa ra, có thể trở thành một LS hội nhập vì nếu LS không biết lồng ý thức bảo vệ chế độ vào hoạt động chuyên môn (bảo vệ công lý) thì sẽ tự sa thải mình khỏi xã hội. Do vậy, LS Hòa thấy đề án phải chú trọng hơn nữa đến việc xây dựng và củng cố bản lĩnh chính trị cho đội ngũ LS.

Các LS cũng rất tán thành chủ trương đào tạo, hỗ trợ đào tạo và phát huy khả năng tự đào tạo của LS, tổ chức hành nghề LS mà đề án quan tâm. Tuy nhiên, như nhiều LS trẻ khác, LS Hà Thúy Quỳnh (VPLS Nguyễn Chiến) băn khoăn việc nhiều LS, nhất là những LS trẻ, có nhu cầu được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ nhưng lại không có khả năng tài chính. Trong khi đó rất ít cơ hội khi trông chờ sự hỗ trợ của nhà nước hay tổ chức hành nghề LS. Giải pháp cho tình trạng này theo ông Võ Việt Hà (Văn phòng Tư pháp và hỗ trợ pháp luật cho doanh nghiệp – Hội Luật gia Việt Nam), Nhà nước phải hỗ trợ đào tạo cho tất cả các LS có nhu cầu và đáp ứng các điều kiện cơ bản, không nên có sự phân biệt “LS phục vụ cho Nhà nước và LS ở các công ty”.

Về vấn đề này, TS.Nguyễn Công Bình cho rằng, đề án phải đưa thêm giải pháp kinh tế cụ thể hơn cho việc phát triển đội ngũ LS hội nhập. Thực tế, chỉ một số LS có thể sống được bằng nghề, các tổ chức hành nghề LS chủ yếu ở qui mô vừa và nhỏ nếu ỷ lại khả năng tự đào tạo của LS hay tổ chức hành nghề LS thì có thể trong 10, thậm chí 20 năm tới Việt Nam cũng chưa thể có đội ngũ LS đáp ứng các tiêu chí LS hội nhập.

Các LS, luật gia còn thấy rằng, muốn có LS chuyên sâu phải chọn lọc ngay từ các cơ sở đào tạo. Hơn nữa, trước khi xây dựng đội ngũ LS hội nhập phải tạo điều kiện cho đội ngũ LS có thể thực hiện được tất cả những quyền năng luật định. Sau đó, đào tạo, phát triển chính đội ngũ này để đáp ứng các yêu cầu hội nhập. Bên cạnh đó, LS Nguyễn Thái Hòa cũng đề xuất đề án phải xây dựng cơ chế “thoáng” để thu hút được LS nước ngoài, những công dân Việt Nam có chứng chỉ hành nghề LS nước ngoài về “đầu quân” cho lực lượng LS Việt Nam.

Đến thời điểm này phấn đấu để đội ngũ LS đạt yêu cầu hội nhập tuy đã là chậm như nhận định của LS Lê Đăng Tùng (ĐLS TP.Hà Nội), nhưng nếu trong 10 hay 20 năm tới, đội ngũ LS Việt Nam có thể phát triển như các mục tiêu trong đề án “Phát triển đội ngũ LS đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế” thì vẫn là điểm tựa chắc chắn cho nghề LS Việt Nam phát triển và hòa nhập với nghề LS quốc tế./.

Huy Long

Ông Đàm Xuân Toan (HLGVN): “Coi trọng tư tưởng, đạo đức của LS, thường xuyên bồi dưỡng bản lĩnh chính trị cho giới LS là rất cần thiết”

Xem thêm »