Viện trưởng Viện KSND thành phố Hà Nội: Kiểm sát viên không thể mang dáng dấp của một công chức hành chính

27/02/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Cho đến nay, Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đi được một chặng đường. Thực thi Nghị quyết, trong hơn 3 năm qua, khối các cơ quan tư pháp nói chung và từng cơ quan tư pháp nói riêng đã nỗ lực hết mình để nâng cao chất lượng công tác, hướng tới mục tiêu một nền tư pháp tiên tiến, hiệu quả. Không nằm ngoài guồng quay ấy, chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp thời gian qua của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt. Thành quả này, tuy mới chỉ là bước đầu, nhưng cũng chính là kết quả của một quá trình kiện toàn bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên khá vất vả, gian nan - Viện trưởng Viện KSND thành phố Hà Nội Đặng Văn Khanh đã chia sẻ cùng chúng tôi như thế.

- Chặng đường của công cuộc cải cách tư pháp phía trước còn dài, đòi hỏi nhiều cố gắng, nỗ lực. Nhưng, dù sao cũng xin chia vui cùng ông vì những thành quả ban đầu mà Viện KSND thành phố Hà Nội đã đạt được trong hơn 3 năm qua. Vẫn biết rằng kiện toàn bộ máy nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên (KSV) là một công việc không dễ dàng gì. Vậy, “bí quyết” gì để  dẫn đến kết quả hôm nay, thưa ông?

- Viện trưởng Đặng Văn Khanh: Đúng là công việc kiện toàn bộ máy cán bộ nói chung đã không dễ dàng gì, mà lại càng khó hơn khi đó là bộ máy cán bộ, KSV của một cơ quan giữ quyền công tố như Viện Kiểm sát hai cấp thành phố, đặc biệt là khi Nghị quyết 15 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính của Hà Nội được đưa vào thực thi. Ngay sau khi có Nghị quyết 49, Ban cán sự Đảng Viện KSND thành phố đã xác định việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên là yếu tố quyết định để nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp theo đúng tinh thần của Nghị quyết. Thực hiện mục tiêu này, trong 3 năm qua, Viện KSND thành phố đã cử 95 cán bộ, kiểm sát viên đi học hoàn thiện trình độ cử nhân luật (đây cũng là tiêu chí tối thiểu để xét bổ nhiệm kiểm sát viên thay vì trình độ cao đẳng kiểm sát như trước đây), 30 cán bộ đi học thạc sĩ, tiến sĩ luật, cử 60 cán bộ, kiểm sát viên đi học các lớp cao cấp lý luận chính trị, 310 kiểm sát viên đi học các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử hình sự... Và, để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động công tác kiểm sát, chúng tôi cũng rất chú trọng việc bồi dưỡng kỹ năng tin học, ngoại ngữ cho cán bộ, kiểm sát viên bằng việc mở 17 lớp tin học, ngoại ngữ. Hiện nay, Viện KSND thành phố Hà Nội có 669 biên chế trong đó có 158 kiểm sát viên cấp thành phố, 315 kiểm sát viên cấp huyện, về trình độ chuyên môn có 1 tiến sỹ luật, 20 thạc sĩ luật, 100% kiểm sát viên có trình độ cử nhân luật.

      Bên cạnh việc cử cán bộ, kiểm sát viên theo học các lớp nghiệp vụ do Viện KSND tối cao tổ chức, Viện KSND thành phố Hà Nội còn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ; thông báo rút kinh nghiệm từ thực tiễn công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trên địa bàn thành phố; xây dựng các chuyên đề như: “Nâng cao chất lượng đình chỉ điều tra án hình sự”, “Hạn chế việc trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng”, “Khắc phục tình trạng hình sự hóa các quan hệ dân sự”...

- Thực tế cho thấy, bên cạnh việc nâng cao trình độ, nghiệp vụ, Viện KSND thành phố Hà Nội dường như cũng khá thành công trong việc xây dựng bản lĩnh, kinh nghiệm kiểm sát viên, thưa ông?

- Viện trưởng Đặng Văn Khanh: Trong quá trình làm việc, chúng tôi nhận thấy khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, một số kiểm sát viên chưa chủ động phát hiện vi phạm, thiếu sót của cơ quan tố tụng để yêu cầu khắc phục. Do năng lực còn hạn chế nên khi tranh tụng tại phiên tòa, nhiều kiểm sát viên chưa có được những lập luận sắc bén thuyết phục để làm sáng tỏ quan điểm buộc tội của Viện Kiểm sát... Chính vì thế, ngay sau khi có Nghị quyết 49, thực hiện sự chỉ đạo của Viện KSNDTC, lãnh đạo Viện KSND hai cấp thành phố đã tập trung chỉ đạo VKSND hai cấp thành phố tăng cường kiểm sát chặt chẽ ngay từ giai đoạn khởi tố vụ án, qua các khâu khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, ghi lời khai, giám định, kiểm sát viên trực tiếp phúc cung bị can.... Qua đó chủ động đưa ra yêu cầu điều tra, đảm bảo hồ sơ vụ án chặt chẽ, giải quyết đúng thời hạn luật định. Vì vậy, chất lượng hồ sơ vụ án được nâng lên, hạn chế việc phải trả lại hồ sơ để điều tra giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

Trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, Viện Kiểm sát hai cấp thành phố đã chú trọng “nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”.  Ban cán sự Đảng Viện KSND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo tất cả các kiểm sát viên phải nắm chắc và thực hiện đúng quy chế nghiệp vụ của ngành kiểm sát. Trước khi tham gia phiên tòa, kiểm sát viên phải chuẩn bị chu đáo dự thảo đề cương xét hỏi, đề cương luận tội nhằm đảm bảo tính chủ động cao nhất khi tham gia phiên tòa, sẵn sàng tranh tụng với luật sư, người bào chữa và bị cáo tại phiên tòa, thể hiện bản lĩnh nghề nghiệp trong quá trình xét xử vụ án.

Có thể nói, điểm nổi bật trong công tác kiểm sát xét xử các vụ án hình sự là việc Viện Kiểm sát hai cấp thành phố đã chủ động phối hợp với Tòa án, tổ chức được 66 phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần của Nghị quyết 49. Đối với những phiên tòa này, Viện KSND thành phố Hà Nội đã yêu cầu tất cả lãnh đạo, kiểm sát viên của đơn vị tổ chức trực tiếp tham dự phiên tòa. Và, sau khi kết thúc phiên tòa, bắt buộc phải họp rút kinh nghiệm về nghiệp vụ và văn hóa ứng xử tại phiên tòa, để thông qua đó, đội ngũ kiểm sát viên có thêm kinh nghiệp và nâng cao được bản lĩnh nghề nghiệp khi thực hành quyền công tố trước phiên tòa, từng bước đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp.

- Để công cuộc kiện toàn bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, KSV thành công, yếu tố đầu vào đóng vai trò cũng khá là quan trọng. Lãnh đạo Viện KSND thành phố Hà Nội có yêu cầu gì với những hồ sơ “đầu quân” vào Viện thưa ông?

- Viện trưởng Đặng Văn Khanh: Kiểm sát viên là một trong các chức danh tư pháp và giữ vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Chính vì thế, việc nâng cao chất lượng đầu vào làm cơ sở để tạo nguồn cho việc xây dựng đội ngũ KSV trong những năm tiếp theo có ý nghĩa cực kỳ quan trọng không chỉ đối với việc kiện toàn bộ máy của Viện KSND thành phố, mà còn ảnh hưởng tới toàn bộ quá trình cải cách tư pháp nói chung. Trong những năm qua, nhằm từng bước nâng cao chất lượng đầu vào của đội ngũ cán bộ, công chức ngành Kiểm sát Hà Nội, công tác tuyển chọn cán bộ đã được thực hiện rất kỹ càng, chặt chẽ. Tiêu chuẩn để chọn cán bộ vào ngành Kiểm sát Hà Nội phải là những người đã tốt nghiệp hệ chính quy của các trường công lập (như ĐH Luật Hà Nội, ĐH Luật TP.HCM và Khoa Luật ĐHQG Hà Nội). Sau khi thi vào, các tân cán bộ sẽ được theo học các lớp nghiệp vụ kiểm sát và tập sự dưới sự hướng dẫn, kèm cặp của một kiểm sát viên giàu kinh nghiệm.

      Nhân đây, tôi cũng xin khẳng định rằng kiểm sát viên là một trong các chức danh tư pháp quan trọng. Vậy nên, đã là kiểm sát viên thì nhất định phải có một vị trí, một “tầm” nhất định chứ không thể mang dáng dấp như một công chức hành chính. Theo tôi, tới đây để nâng cao chất lượng của kiểm sát viên, thay vì các cuộc thi đầu vào theo kiểu công chức như hiện nay, thì thi tuyển để bổ nhiệm kiểm sát viên là cần thiết. Mặt khác, các cơ sở đào tạo cũng nên xem đây là một nghề thực thụ để cải tiến quy trình đào tạo, gắn giáo trình với thực tiễn.

- Câu hỏi cuối cùng thưa ông, ông có ấn tượng gì về sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ, KSV hai cấp thành phố trong quá trình kiện toàn bộ máy và nâng cao chất lượng cán bộ, KSV mà Viện KSND thành phố Hà Nội đã và đang thực hiện?

- Viện trưởng Đặng Văn Khanh: Quả thực tôi thấy rằng từ khi có Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị thì sự quan tâm của các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương đối với các cơ quan tư pháp nói chung trong đó có ngành kiểm sát thành phố Hà Nội nói riêng được thường xuyên hơn, toàn diện hơn, từ việc chăm lo về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc đến củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức... Cán bộ, KSV hai cấp thành phố cũng thấy rõ hơn vai trò trách nhiệm của mình trong tiến trình cải cách tư pháp. Vì vậy, từ cá nhân đến các tập thể đã và đang không ngừng phấn đấu, hoàn thiện mình, đầu tư nhiều hơn cho việc học tập để không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học... Tôi rất mừng, vì mới sáng nay thôi, một đồng chí Viện trưởng VKSND cấp huyện đã báo cáo với tôi là tất cả các cán bộ, KSV của đơn vị đang thi đua học tập, phấn đấu để đến năm 2010 các KSV sẽ trang bị và sử dụng thuần thục máy vi tính cá nhân khi ra ngồi công tố tại Tòa.

- Xin cảm ơn ông về buổi trao đổi này!

Hồng Minh (thực hiện)

Trong 3 năm qua, Viện Kiểm sát hai cấp thành phố Hà Nội đã kiểm sát xét xử 18.692 vụ/29.701 bị cáo theo trình tự sơ thẩm, 1551 vụ/1987 bị cáo theo trình tự phúc thẩm. Thông qua công tác kiểm sát xét xử cho thấy đường lối, quan điểm xứ lý giữa Viện Kiểm sát và Tòa án cơ bản là phù hợp, đảm bảo việc truy tố xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có trường hợp Viện Kiểm sát truy tố, Tòa án tuyên không phạm tội.

Xem thêm »