Giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên: Hãy nói những gì các em cần!

07/04/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ðạo đức, lối sống của một bộ phận giới trẻ hiện nay đang đặt ra cho xã hội nhiều vấn đề đáng quan tâm bởi lối sống buông thả, đua đòi ăn chơi, nhúng sâu vào tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, theo những kết quả nghiên cứu và điều tra xã hội học trong những năm gần đây thì sự hiểu biết về pháp luật của thanh thiếu niên nước ta còn hết sức hạn chế. Điều đó cho thấy đã đến lúc cần thiết phải tăng cường và đẩy mạnh hơn nữa công tác phổ biến giáo dục pháp luật đối với nhóm đối tượng này.

Vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân vì thiếu hiểu biết

Tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2008, Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh đã cho biết một thực tế đau lòng: 9,48% số tội phạm trong năm qua nằm trong nhóm tuổi vị thành niên. Ðó là một con số đáng báo động. Bộ trưởng Lê Hồng Anh cũng nhấn mạnh rằng, chỉ có 10% số vụ giết người là do lưu manh chuyên nghiệp gây ra, còn 90% là do các nguyên nhân xã hội tác động. Vậy, một câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao nguyên nhân “xã hội tác động” để dẫn đến hành vi giết người là chiếm một con số khủng khiếp đến vậy. Phải chăng sự hiểu biết về pháp luật –“barie” hữu hiệu để ngăn chặn các tác động xấu của xã hội đến thanh thiếu niên đã không phát huy được hiệu quả?

Để trả lời được câu hỏi này thì cần phải lưu tâm đến tổng kết mà các Viện Nghiên cứu thanh niên, Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý, Viện Tâm lý và giáo dục pháp luật đưa ra qua các cuộc khảo sát xã hội học trong thanh thiếu niên tại một số tỉnh, thành, trường học. Kết quả cho thấy: 49,2% số người được hỏi nói rằng không hề hiểu biết về pháp luật; 71,3% ý thức pháp luật của thanh thiếu niên là bình thường và chưa tốt, 20,2% trên 300 ý kiến của các em học sinh PTTH tại các tỉnh, thành phía Nam không biết gì về Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và 50% trên 300 ý kiến không quan tâm gì đến đạo luật này... Do thiếu những nhận thức cơ bản nhất về pháp luật nên có một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên trong xã hội đã không biết tự bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, không tự giác chấp hành luật pháp, thậm chí vi phạm pháp luật. Hay nói cách khác, họ vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân của sự vi phạm pháp luật.

Nhiều nỗ lực đem pháp luật đến với thanh thiếu niên

Công bằng mà nói trong những năm qua Nhà nước, các cơ quan, đoàn thể đã và đang xúc tiến rất nhiều các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên. Báo cáo tổng kết kết quả thực hiện Đề án “Chỉ đạo điểm các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả trong giai đoạn hiện nay” của Bộ Tư pháp cho thấy, thực hiện mục tiêu biên soạn và phát hành các tài liệu tuyên truyền pháp luật phong phú, hấp dẫn, thiết thực tới từng đối tượng, cơ quan phụ trách tiểu Đề án Trung ương Đoàn TNCSHCM đã biên soạn và phát hành 12.000 tờ gấp pháp luật tới các tỉnh, thành phố với các nội dung pháp luật có liên quan mật thiết tới thanh niên như Bộ luật Dân sự, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Thanh niên... Đối với thanh niên là cán bộ, công chức, chiến sỹ trong quân đội, công an, các cơ quan chủ trì tiểu Đề án đã chọn hình thức sân khấu hóa các cuộc thi tìm hiểu pháp luật. Cuộc thi “Đội tuyên truyền thanh niên về Luật Thanh niên” tại Hải Dương đã thu hút 8 đội tuyển với gần 100 tuyên truyền viên của tỉnh tham gia và trên 1.000 lượt đoàn viên, thanh niên trực tiếp theo dõi, tham gia phần thi của Ban Tổ chức dành cho khán giả. Các chuyên mục tuyên truyền pháp luật trên báo Sinh viên và Tạp chí Thanh niên được duy trì thường xuyên. Các báo cáo viên pháp luật dành cho đối tượng thanh thiếu niên cùng được quan tâm và lựa chọn để có thể chuyển tải kiến thức pháp luật đến với thanh niên một cách gần gũi, hiệu quả và phù hợp với thanh niên nhất...

Không dừng lại ở đó, tới đây hàng loạt các kế hoạch tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho đối tượng thanh thiếu niên vẫn đang tiếp tục được triển khai. Từ thực tế đời sống và làm việc của thanh niên tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, Trung ương Đoàn TNCSHCM đang có chủ trương hình thành các văn phòng tư vấn (trong đó bao gồm cả nội dung pháp lý) cho thanh niên ở đây. Hội Luật gia cũng đang có chương trình phối hợp với UNDP (Chương trình hỗ trợ phát triển của Liên Hợp quốc) tổ chức khảo sát, đánh giá nhu cầu về trợ giúp pháp lý cho người dân nói chung, thanh niên nói riêng. Viện Nghiên cứu thanh niên đã bắt đầu xây dựng đề tài nghiên cứu “Giải pháp tăng cường hoạt động truyền thông phổ biến pháp luật cho đoàn viên thanh niên”. Theo ông Phạm Bằng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thanh niên, đề tài sẽ được hoàn tất và đưa vào triển khai trong năm nay...

Giáo dục pháp luật là nuôi dưỡng ý thức, niềm tin vào pháp luật

Như vậy, có thể nói, Nhà nước, các cơ quan, đoàn thể đã có không ít nỗ lực đem pháp luật đến với thanh thiếu niên. Nhưng, như đã nói ở trên, những kết quả nghiên cứu và điều tra xã hội học trong những năm gần đây cho thấy sự hiểu biết về pháp luật của thanh thiếu niên nước ta còn hết sức hạn chế. Vì thế, có một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên trong xã hội đã không tự giác chấp hành luật pháp, thậm chí vi phạm pháp luật.

Vậy, vấn đề đặt ra ở đây là phải chăng, cần đẩy mạnh hơn nữa tần suất cũng như cách thức tuyên truyền pháp luật cho thanh thiếu niên? Bàn về vấn đề này, ông Đỗ Ngọc Hà – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thanh niên bày tỏ quan điểm, phổ biến pháp luật cho thanh thiếu niên muốn hiệu quả phải gắn chặt với nhu cầu của các em. Không đưa ra những điều luật khô cứng, báo cáo viên pháp luật phải tận tâm đi sâu, cập nhật mọi động thái trong đời sống, sinh hoạt, học tập của thanh thiếu niên để kịp thời có những tư vấn pháp lý kịp thời. “Do tâm lý lứa tuổi, các em thanh thiếu niên sẽ nghe và làm theo khi thấy vấn đề hấp dẫn và phù hợp” – ông Hà đúc kết

Cũng là một chuyên gia nghiên cứu về tâm lý và giáo dục pháp luật cho mọi đối tượng nói chung, thanh thiếu niên nói riêng, TS. Nguyễn Khắc Hùng – Viện trưởng Viện Tâm lý và Giáo dục pháp luật (thuộc Sở Khoa học – Công nghệ TP. HCM) đã thể hiện suy nghĩ của mình về vấn đề này qua bài viết “Giáo dục pháp luật cho phổ thông hiện nay là vấn đề cấp bách”. Theo ông Hùng, với yêu cầu giáo dục hiện nay và tương lai, một số kiến thức về pháp luật trong sách giáo khoa, nội dung chưa thiết thực, không phù hợp với lứa tuổi và chưa gắn với đời sống thường ngày, còn nặng tính hình thức cung cấp kiến thức, thiếu vắng việc xây dựng hình thức giáo dục ý thức, hình thành thái độ, xúc cảm và rèn luyện hành vi đạo đức. Để đáp ứng yêu cầu việc giáo dục pháp luật cho học sinh phổ thông cần có những định hướng giải pháp như: giáo dục pháp luật phải hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện con người; phải vừa đảm bảo tính khoa học, đảm bảo tính giáo dục; thể hiện tính liên tục, tính hệ thống và tính đồng tâm... Và quan trọng hơn cả, chương trình giáo dục pháp luật phải vừa sức học sinh và phải là một bộ phận hữu cơ của chương trình giáo dục phổ thông.

Theo TS. Nguyễn Khắc Hùng, nội dung giáo dục pháp luật trong trường phổ thông phải làm cho học sinh có được những vốn tri thức cần thiết về pháp luật để hình thành những cơ sở ban đầu về ý thức pháp luật. Do vậy, kiến thức pháp luật cung cấp cho học sinh phổ thông là những vấn đề rất cơ bản, ít phức tạp nhưng phải được thiết kế, xây dựng và trình bày một cách khoa học và phải có luận cứ khoa học của khoa học pháp lý và của khoa học giáo dục. Mặt khác, những nội dung đó phải có tác dụng giáo dục, hình thành và nuôi dưỡng ý thức, đặc biệt là niềm tin, thái độ tích cực đối với pháp luật và việc thực hiện pháp luật.

Xuân Hoa

Một cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu thanh niên cho thấy qua 1.000 người được hỏi có tới 98,4% trả lời: học sinh cần thiết phải được học về pháp luật và đồng ý đưa giáo dục pháp luật vào trường học. Việc giáo dục pháp luật cho học sinh phổ thông phải phát huy được sức mạnh tổng hợp của xã hội, chính quyền, đoàn thể, cộng đồng và gia đình cho công tác quan trọng này. (Trích bài viết “Giáo dục pháp luật cho học sinh phổ thông hiện nay là vấn đề cấp bách” của TS Nguyễn Khắc Hùng - Viện trưởng Viện Tâm lý và Giáo dục pháp luật)

 

Năm 2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành rà soát chương trình môn học Giáo dục công dân trong trường học để tiến tới việc xây dựng và hoàn thiện sách giáo khoa về pháp luật trong các trường phổ thông trong thời gian tới. Vụ Pháp chế - Bộ Giáo dục là một trong những đơn vị có trách nhiệm phối hợp thực hiện kế hoạch này.

 

Xem thêm »