Dự thảo Luật Bưu chính - tạo thuận lợi cho sự phát triển thị trường bưu chính

17/04/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Tiếp theo bài viết về Một số vấn đề cơ bản của dự thảo Luật Bưu chính, bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số thông tin về những điểm mới của dự thảo Luật Bưu chính, góp phần mở cửa thị trường bưu chính phù hợp với xu hướng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước ta.

Với mục tiêu tạo một hành lang pháp lý đồng bộ, hiệu quả cho hoạt động cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính để Nhà nước có thể thực hiện tốt hơn trách nhiệm trước xã hội trong việc bảo đảm duy trì việc cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, sự ổn định phát triển của các hoạt động kinh tế xã hội và tạo ra sự minh bạch hoá trong chính sách quản lý nhà nước, bài viết dưới đây sẽ tập trung phân tích 3 điểm mới của dự thảo Luật Bưu chính, dự kiến sẽ được trình trong kỳ họp tới của Quốc hội khoá XII, đó là:

-         Bãi bỏ giấy phép thử nghiệm kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư và giấy phép cung cấp dịch vụ khác trên mạng công cộng

-         Quy định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh và hạn chế cạnh tranh

-         Quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại và đầu tư trong lĩnh vực bưu chính.

1. Bãi bỏ giấy phép thử nghiệm kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư và giấy phép cung cấp dịch vụ khác trên mạng công cộng

Khoản 1 Điều 28 Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông năm 2002 quy định về điều kiện hoạt động Bưu chính: “Giấy phép Bưu chính bao gồm:…Giấy phép thử nghiệm dịch vụ chuyển phát thư, các dịch vụ khác trên mạng bưu chính công cộng được cấp với thời hạn không quá 1 năm. Trước khi giấy phép hết hạn, nếu doanh nghiệp có đủ điều kiện và có yêu cầu tiếp tục cung cấp dịch vụ thì có thể xem xét cấp giấy phép mới”. Để cụ thể hoá điều này, Điều 21 Nghị định số 157/2004/NĐ-CP ngày 18/8/2004 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Bưu chính,Viễn thông về bưu chính đã quy định doanh nghiệp phải “Đạt kết quả kinh doanh tốt đối với trường hợp phải thử nghiệm cung cấp dịch vụ theo yêu cầu của Bộ Bưu chính, Viễn thông” mới đáp ứng điều kiện để được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ chuyển phát trong nước.

Đối với quy định về thử nghiệm kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư, báo cáo kết quả kinh doanh thử nghiệm tốt mới được xem xét cấp giấy phép chính thức để kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư. Quy định như vậy là chưa phù hợp đối với doanh nghiệp lần đầu tiên tham gia vào thị trường bởi hiệu quả kinh doanh tốt luôn là mục tiêu của các chủ đầu tư đối với tài sản của mình. Mặt khác, khi bắt đầu triển khai kinh doanh, nhất là cung cấp một loại hình dịch vụ thì không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đạt ngay kết quả tốt chỉ trong năm đầu tiên kinh doanh.

Quy định về việc cung cấp dịch vụ khác trên mạng bưu chính công cộng (chuyển tiền, phát hành báo chí, bảo hiểm…) đã được pháp luật chuyên ngành khác có liên quan điều chỉnh. Do vậy, việc gộp chung các quy định quản lý đối với các dịch vụ này vào chính sách quản lý bưu chính là chưa đúng thẩm quyền và gây chồng chéo trong quản lý nhà nước.

Có thể nói, việc quy định quản lý cấp phép thử nghiệm dịch vụ chuyển phát thư và có giấy phép cung cấp các dịch vụ khác trên mạng công cộng là rào cản phát triển dịch vụ, không tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh cũng như không khả thi trong thực tế. Để tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, rút ngắn các thủ tục hành chính cho cơ quan quản lý nhà nước và cho doanh nghiệp, đồng thời tránh việc chồng chéo trong quản lý giữa các cơ quan nhà nước, dự thảo Luật Bưu chính đã bãi bỏ quy định về cấp giấy phép thử nghiệm dịch vụ chuyển phát thư và giấy phép cung cấp các dịch vụ khác trên mang bưu chính công cộng.

2. Quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh và hạn chế cạnh tranh

           Dự thảo Luật Bưu chính đưa ra các quy định về các hành vi cạnh tranh đặc thù trong lĩnh vực bưu chính. Mặc dù hành vi cạnh tranh và cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ độc quyền và cung cấp dịch vụ độc quyền nhằm ngăn chặn các hành vi lạm dụng vị trí độc quyền của nhà cung cấp dịch vụ độc quyền được quy định trong pháp luật cạnh tranh. Tuy nhiên, dự thảo Luật Bưu chính muốn xác định rõ hành vi cạnh tranh đặc thù trong bưu chính nhằm thúc đẩy các hành vi cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp trên thị trường.

Khoản 6 Điều 10 của dự thảo Luật Bưu chính quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bưu chính đó là “Thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh và các hành vi hạn chế cạnh tranh: (a) Khuyến mại trong cung ứng dịch vụ làm ảnh hưởng tới phạm vi cung cấp dịch vụ dành riêng; (b) sử dụng doanh thu từ các hoạt động bưu chính dành riêng để trợ cấp cho các khoản lỗ do các dịch vụ cạnh tranh khác dưới giá thành”. Hiện nay, Bưu chính Việt Nam là doanh nghiệp Nhà nước được giao thực hiện các nghĩa vụ về công ích trong bưu chính (dịch vụ dành riêng) vì vậy việc cấm các doanh nghiệp khác tổ chức khuyến mãi trong cung ứng dịch vụ gây ảnh tới phạm vi dịch vụ này là cần thiết. Bên cạnh đó, quy định của Khoản 6 Điều 10 cũng hạn chế Bưu chính Việt Nam lạm dụng vị trí độc quyền của nhà cung cấp dịch vụ độc quyền.

3. Quản lý nhà nước đối với một số hoạt động thương mại: nhượng quyền thương mại, đại diện thương nhân, chi nhánh, đại lý… cho doanh nghiệp bưu chính nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực bưu chính tại Việt Nam

Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông và các văn bản hướng dẫn mới chỉ quy định quản lý đối với hình thức hoạt động đại lý cho tổ chức chuyển phát thư nước ngoài. Hoạt động đại lý cho tổ chức chuyển phát thư nước ngoài được quản lý bằng hình thức tiền kiểm (doanh nghiệp chỉ được làm đại lý chuyển phát thư nước ngoài khi có xác nhận bằng văn bản của cơ quan quản lý). Để tạo điều kiện cho các tổ chức nước ngoài có thể hoạt động dưới nhiều hình thức trung gian thương mại và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có thể tham gia vào thị trường bưu chính rộng rãi, đồng thời thúc đẩy thị trường bưu chính phát triển mạnh mẽ, dự thảo Luật Bưu chính đã bổ sung quy định quản lý đối với các hình thức hoạt động thương mại (nhượng quyền thương mại, đại diện thương nhân, chi nhánh, đại lý…) cho doanh nghiệp bưu chính nước ngoài.

Mặc dù trong Luật Thương mại, các hình thức này đã được quy định, tuy nhiên do bưu chính là một lĩnh vực kinh doanh có điều kiện vì vậy các hình thức này cần phải được bổ sung các quy định quản lý nhà nước để đáp ứng yêu cầu quản lý của nhà nước, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có thể tham gia vào thị trường với nhiều hình thức khác nhau, thu hút được nhiều khách hàng và mang lại lợi nhuận cao. Nhìn chung, việc bổ sung quy định quản lý nhà nước đối với nhượng quyền thương mại và đại diện thương nhân, chi nhánh của nhà cung cấp quốc tế trong dự thảo Luật Bưu chính sẽ tạo điều kiện cho các hoạt động thương mại trong bưu chính phát triển rộng và có hiệu quả.

Tóm lại, dự thảo Luật Bưu chính nếu được Quốc hội thông qua sẽ là một bước đột phá thúc đẩy thị trường bưu chính, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như người sử dụng tham gia vào dịch vụ bưu chính.

Nguyễn Thị Chính, Bùi Hương Quế, Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp

Xem thêm »