Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin: Báo chí nên là một kênh thực hiện luật

11/06/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Với mục tiêu xây dựng một đạo luật khung về quyền tiếp cận thông tin (TCTT), dự thảo Luật TCTT đã đặt ra rất nhiều vấn đề tranh cãi. Đáng chú ý là các vấn đề liên quan đến đối tượng có nghĩa vụ cung cấp thông tin, quyền TCTT của người dân trong mối quan hệ với các thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh và bí mật đời tư…

Mọi cơ quan công quyền đều có nghĩa vụ cung cấp thông tin

“Thông tin của cơ quan nhà nước là tài sản của nhân dân, được tạo ra do các công việc được nhân dân giao phó”. Đó là nhận định của các chuyên gia đưa ra hồi tháng 5 sau khi khảo sát phục vụ cho việc xây dựng dự thảo Luật TCTT. Do vậy, dự thảo Luật TCTT qui định, tất cả các cơ quan nhà nước (nhất là các cơ quan hành chính nhà nước) – cơ quan công quyền và các tổ chức có sử dụng tài sản, ngân sách nhà nước, trừ tổ chức chính trị đều là những chủ thể có trách nhiệm phải cung cấp thông tin.

Thực tế, các cơ quan hành chính nhà nước luôn nắm giữ nhiều thông tin được người dân quan tâm nhất vì những thông tin này gắn với đời sống của mỗi cá nhân. Hơn nữa, cơ chế công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước đã được hình thành, từng bước hoàn thiện và đã mang lại những tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để đảm bảo đặc thù cho mỗi hoạt động, dự thảo Luật cũng qui định ngoại trừ tiếp cận đối với một số thông tin của các cơ quan tư pháp (TA, VKS) hay cho phép các cơ quan tư pháp không phải công khai các thông tin có thể cảm trở quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Đồng tình với quan điểm này, ông Đinh Duy Hòa (Bộ Nội vụ) cho rằng, mở rộng đối tượng cung cấp thông tin là đúng vì quyền được cung cấp thông tin của người dân là rất rộng. Do vậy, tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị đều có trách nhiệm cung cấp thông tin.

Không để các trang tin điện tử “chết”

Đó là ý kiến của ông Trương Trọng Nghĩa (Bộ Tài chính) khi bàn về việc cung cấp thông tin qua trang thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức. Theo khoản 1 điều 2 dự thảo, các cơ quan nhà nước có trách nhiệm thành lập trang thông tin điện tử để công bố, đăng tải, phổ biến rộng rãi thông tin, tạo điều kiện cho người dân TCTT được thuận lợi. Hiện nay, nhiều cơ quan, tổ chức đã có các trang thông tin điện tử của mình. Nhưng theo đánh giá, chất lượng thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu khai thác của người dân do chậm được cập nhật và không đa dạng.

Vì thế, điều mà GS.Lê Hồng Hạnh (Viện Khoa học Pháp lý – Bộ Tư pháp) lo ngại lại là cách thức để các trang thông tin điện tử này có thể phục vụ cung cấp thông tin công khai, tránh hình thức, lãng phí. Song theo chiến lược ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước thì đến 2010, 100% các cơ quan Bộ, ngang Bộ và UBND cấp tỉnh phải có trang thông tin điện tử, đảm bảo đến 2015 giải quyết 100% dịch vụ công (cấp phép, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trực tiếp nhận yêu cầu, hỏi đáp trực tuyến…) qua mạng. Vì thế, Tổ Biên tập dự thảo Luật TCTT tin rằng, các trang thông tin điện tử sẽ là công cụ hữu hiệu để chuyển tải thông tin do các cơ quan nhà nước nắm giữ đến với người dân theo luật.

Phải giải quyết được tình trạng “mật hóa” tùy tiện

Các thành viên Ban soạn thảo dự thảo Luật TCTT đều rất quan tâm đến những vấn đề phát sinh trong mối quan hệ giữa quyền TCTT của người dân và pháp luật về thông tin bí mật hiện hành. Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng, người dân được quyền tiếp cận mọi thông tin công, thông tin của cơ quan dịch vụ công (thực hiện chức năng của nhà nước) và tổ chức xã hội. Vấn đề là xử lý như thế về mối quan hệ giữa các thông tin cần công khai và bí mật nhà nước, bí mật đời tư và bí mật kinh doanh.

Theo ông Liên, “tội là do người thực thi lạm dụng qui định pháp luật để đóng dấu mật lên các văn bản, dẫn đến hạn chế quyền TCTT của người dân”. Do vậy, dự thảo Luật phải qui định cụ thể lại thông tin mà các cơ quan phải cung cấp để người dân giám sát. Hơn nữa, không nên đặt báo chí ra ngoài mà phải coi đây là một biện pháp để thực hiện Luật TCTT. Hay như ý kiến của ông Hòa, nên qui định rõ hơn, có viện dẫn đến các qui định pháp luật hiện hành về thông tin mật để tránh tình trạng liệt kê không đầy đủ các loại thông tin không phải cung cấp, gây ra các khiếu kiện khi yêu cầu cung cấp thông tin bị từ chối.

Còn ông Thái Vĩnh Thắng (Đại học Luật Hà Nội) khẳng định, “gót chân Asin” của LCTT các nước chính là quyền miễn trừ cung cấp thông tin. Quyền này càng rộng thì càng hạn chế việc thực thi Luật TCTT trong thực tế. Từ kinh nghiệm này, dự thảo Luật TCTT ở nước ta nên hạn chế phạm vi miễn trừ việc công bố thông tin để ngăn chặn tối đa việc lạm dụng, dẫn đến tình trạng không cải thiện được việc thực hiện quyền TCTT của người dân ngay cả khi của Luật TCTT. Đồng thời, bà Đặng Thị Hương (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhấn mạnh, phải giải quyết tình trạng “mật hóa” tràn lan đối với cả những văn bản chẳng có gì cần mật, qui định rõ ràng hơn về vấn đề giải mật. Từ đó, Thứ trưởng Liên đề nghị phải có qui định người dân được làm gì khi phát hiện văn bản bị “mật hóa” không cần thiết.

Nhiều đại biểu cho rằng, nên có qui định cân nhắc giữa lợi ích công bố và không công bố thông tin đối với những thông tin thuộc dạng nhạy cảm, để có quyết định thích hợp nhất trong từng trường hợp, không nên quá cứng nhắc có thể ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của người yêu cầu cung cấp thông tin. Nhưng theo bà Hương, nếu vậy sẽ tạo ra những ngoại lệ, làm khó cho cán bộ trực tiếp phụ trách việc cung cấp thông tin ở các cơ quan, tổ chức./.

Huy Anh  

Bộ trưởng Bộ Tư pháp – Trưởng ban soạn thảo dự thảo Luật TCTT Hà Hùng Cường: “Luật TCTT phải là luật khung, là khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện quyền TCTT. Luật phải qui định để tránh tình trạng lạm dụng vấn đề bí mật và thực hiện nghiêm được vấn đề giải mật. Về đầu mối cung cấp thông tin tại các cơ quan, tổ chức có thể giao cho Chánh văn phòng, nếu cần có thể tổ chức họp báo, dù tốn kém cũng phải thực hiện để đảm bảo quyền TCTT của người dân”.

Xem thêm »