Trình Chính phủ Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ: Vẫn đề nghị thực hiện thí điểm tăng mức phạt tại 2 thành phố lớn

24/08/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 20/8, Bộ Giao thông vận tải đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thay thế Nghị định số 146/2007/NĐ-CP. Bên cạnh việc tăng mức tiền phạt, giữ nguyên quy định cho phép các lực lượng Cảnh sát khác (không phải cảnh sát giao thông) và Công an xã được phạt tiền đối với các hành vi vi phạm an toàn giao thông, Bộ Giao thông vẫn đề nghị cho phép được thực hiện thí điểm tăng mức phạt tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, dù điều khoản này đã được rút khỏi nội dung dự thảo sau thẩm định của Bộ Tư pháp.

Tăng tiền để xứng với... vi phạm

Đánh giá việc thực thi Nghị định số 146/2007/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ cho thấy, mức phạt bằng tiền đối với một số hành vi vi phạm chưa tương xứng với mức độ nguy hiểm và nguy cơ gây ra tai nạn giao thông của hành vi, tác dụng răn đe thấp. Trong khi đó, thực tiễn xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ đã xác định các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ như: không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ; điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ chạy quá tốc độ quy định; chở quá số người, quá trọng tải cho phép… là những hành vi diễn ra khá phổ biến, đây là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông đường bộ. Chính vì thế, Dự thảo Nghị định đã điều chỉnh tăng mức phạt để tương xứng với mức độ vi phạm, bảo đảm tính khả thi và tác dụng răn đe, ngăn chặn đối với các nhóm hành vi có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông này.

Cụ thể, dự thảo Nghị định ngày 17/7/2009 đã tăng mức phạt bằng tiền quy định tại 83 khoản của 25 Điều. Trong đó có những mức phạt rất cao như từ 8 đến 12 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ; phạt tiền 25 triệu đồng nếu người vi phạm đã có các hành vi mà lại gây tai nạn hoặc không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc chống người thi hành công vụ.

Công an xã được quyền phạt tiền

Thực tiễn thời gian qua đã cho thấy với sự tham gia tích cực của các lực lượng Cảnh sát khác (không phải cảnh sát giao thông) và Công an xã trong việc tuần tra, kiểm soát, xử phạt vi phạm hành chính, rất nhiều các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã được phát hiện, ngăn chặn và xử phạt kịp thời, bảo đảm tính răn đe. Riêng trong năm 2008, các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã đã xử phạt trên 282.000 vụ vi phạm, phạt tiền trên 52 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm này chủ yếu xảy ra trong các khu dân cư, đô thị, trên các tuyến đường không phải là đường quốc lộ, tỉnh lộ trong khi lực lượng Cảnh sát giao thông còn mỏng chưa đủ lực lượng thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên tất cả các tuyến đường bộ. Chính vì thế, mặc dù Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định các lực lượng này chỉ tham gia tuần tra, kiểm soát khi được huy động, nhưng dự thảo Nghị định vẫn không thay đổi các quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với các lực lượng cảnh sát khác và công an xã (đã có trong NĐ 146) đối với một số hành vi vi phạm cụ thể nhằm bảo đảm tính kịp thời của việc phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.

Đặc biệt, sau sự kiện bị Bộ Tư pháp lên tiếng vì quy định vi hiến, Bộ Giao thông vận tải đã rút bỏ điều khoản quy định tăng mức xử phạt lên gấp đôi đối với các hành vi vi phạm an toàn giao thông tại hai thành phố lớn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế ùn tắc giao thông và tai nạn gia tăng do mật độ dân cư lớn, lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ cao, quan điểm của Bộ Giao thông vận tải vẫn là cần phải có chế tài xử phạt tại 02 thành phố này cao hơn so với mức quy định chung để bảo đảm tính răn đe. Do đó, bên cạnh việc đưa vấn đề này vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau trong Tờ trình, Bộ Giao thông vận tải đã đề nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện thí điểm việc tăng mức phạt tại 02 thành phố trên.

Xuân Hoa

Lực lượng cảnh sát khác chỉ có thẩm quyền phạt tiền một số vi phạm

Mặc dù được cho phép phạt tiền đối với các hành vi vi phạm nhưng lực lượng cảnh sát trật tự, cảnh sát phản ứng nhanh, cảnh sát cơ động, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, công an xã trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường bộ chỉ có thẩm quyền xử phạt các vi phạm như: dừng xe, đỗ xe không đúng quy định, tụ tập từ 3 xe trở lên ở lòng đường, trên cầu, trong hầm đường bộ; người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ; người điều khiển, dẫn, dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo vi phạm quy tắc giao thông đường bộ; phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ...

Xem thêm »