Hòa giải viên và nhiệm vụ giải cứu môi trường

03/09/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Nếu như trước đây, các vấn đề mà hòa giải viên tại cơ sở phải giải quyết chỉ liên quan chủ yếu đến mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình, làng xóm thì hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường, khai thác tài nguyên bừa bãi diễn ra ngày càng trầm trọng đã đặt ra trước mắt các hòa giải viên một nhiệm vụ hoàn toàn mới và cũng không kém phần nặng nề: hòa giải để bảo vệ môi trường, tài nguyên.

Những “chiến sĩ hành trình xanh” của luật pháp

Xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Trì, Hà Nội sở hữu một vị trí địa lý khá đặc biệt. Đó là vừa gần Nghĩa trang Văn Điển của thành phố, lại vừa nằm sát bên bờ sông Nhuệ. Chính vì thế, nhiệm vụ bảo vệ môi trường luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền của xã coi là công tác trọng tâm. Và, tất nhiên, các Tổ hòa giải cơ sở cũng không thể đứng ngoài cuộc.

Theo báo cáo của các Tổ hòa giải cơ sở của xã, trong các năm từ 2005-2008, các vụ việc liên quan đến môi trường chủ yếu là tranh chấp đất đai, gây tắc cống rãnh chung, đổ nước thải xuống ao hồ, các cơ sở sản xuất, chăn nuôi động vật gây ô nhiễm và sử dụng hóa chất bừa bãi trong nông nghiệp. Nhìn chung số lượng vụ việc qua các năm ít có chiều hướng giảm, nếu không muốn nói là có cá biệt tăng như hành vi sử dụng chất lỏng để trồng trọt trong nông nghiệp (2005 không có, 2006 có 21 vụ, 2007 có 11 vụ và 2008 có 50 vụ). Nhưng, hầu hết các vụ việc đã được các Tổ hòa giải của xã giải quyết tốt từ cơ sở, tuyệt đối không có vụ việc nào phải chuyển lên cấp trên.

Kinh nghiệm cho thấy để giải quyết các vụ việc liên quan tới môi trường, bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền về mặt VBQPPL định hướng, giao nhiệm vụ cụ thể, thì bản thân các hòa giải viên (HGV) cũng phải có sự hiểu biết nhất định về pháp luật môi trường để có thể phối hợp nhuần nhuyễn, linh hoạt với các quy trình pháp luật của công tác hòa giải nói chung. Có thể lấy ví dụ ở Tổ hòa giải thôn Nhân Hòa. Sau trận lụt lịch sử của Hà Nội tháng 11/2008, Tổ hòa giải thôn đã vận dụng các nguyên tắc nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở và thực tế dòng sông Thị Vải bị Nhà máy Vedan làm ô nhiễm để tuyên truyền cho nhân dân trong thôn biết về tác hại của việc thải ra sông nhằm giúp cho nhân dân không có các hành vi tương tự đối với sông Nhuệ. Không những thế, Tổ hòa giải thôn Nhân Hòa còn vận động các thôn bên cạnh có nghề truyền thống làm miến cùng hưởng ứng việc không xả thẳng chất thải ra sông, góp phần làm tốt công tác bảo vệ môi trường hai bên bờ sông Nhuệ - ông Nghiêm Bỉnh Thịnh – HGV Tổ hòa giải thôn Nhân Hòa cho biết.

Cần sớm nạp kiến thức pháp luật môi trường cho HGV

Vì nhiệm vụ hòa giải để bảo vệ môi trường là một nhiệm vụ tương đối mới với các HGV nên không thể tránh những bất cập trong quá trình thực hiện. Nguyên nhân của bất cập không chỉ do sự hạn chế về trình độ, kỹ năng của từng HGV, mà còn xuất phát từ việc hiện nay các địa phương đang rất thiếu cơ chế chính sách cho công tác hòa giải giải quyết các vấn đề mâu thuẫn về môi trường. Bên cạnh đó, sự thiếu đồng bộ trong bản thân hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường cũng là một yếu tố không kém phần quan trọng. Cụ thể, trong các văn bản pháp quy về môi trường, phần xử lý vi phạm mới chỉ dừng lại ở quy định rất chung nên người thực thi không thể xác định được trường hợp nào phạt vi phạm hành chính, trường hợp nào thì truy cứu trách nhiệm hình sự...

Tất nhiên, những vấn đề thuộc về chính sách, pháp luật của Nhà nước trên không thể giải quyết ngay trong một sớm, một chiều, nhưng có một việc mà các cấp chính quyền có thể làm ngay được và cũng là điều mà các HGV rất trông đợi. Đó là việc tổ chức sớm và rộng khắp các khóa tập huấn kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường, kỹ năng nghiệp vụ về hòa giải trong lĩnh vực môi trường cho đội ngũ HGV ở cơ sở.

Hồng Minh

Xem thêm »