Chính phủ vừa ban hành Nghị định 69/2006/NĐ-CP sửa đổi một số thủ tục liên quan việc kết hôn có yếu tố nước ngoài, trong đó có qui định: tất cả trường hợp đăng ký kết hôn đều phải qua phỏng vấn
Bà Trịnh Thị Bích - trưởng Phòng hộ tịch, quốc tịch và lý lịch tư pháp Sở Tư pháp TP.HCM - cho biết:
- Trước đây theo qui định của nghị định 68/2002/NĐ-CP, sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký kết hôn của đương sự, Sở Tư pháp sẽ thẩm tra xác minh, chỉ những trường hợp nào qua thẩm tra hồ sơ thấy có nghi vấn hoặc có khiếu nại, tố cáo về việc kết hôn thì sở mới phỏng vấn các bên đương sự.
Tuy nhiên, theo nghị định sửa đổi số 69/2006/NĐ-CP, tất cả hồ sơ đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài sẽ phải qua phỏng vấn. Trong vòng 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Tư pháp sẽ phỏng vấn cả hai bên đương sự nên bắt buộc các đương sự phải có mặt tại Việt Nam để tham gia cuộc phỏng vấn này.
Qua phỏng vấn, cơ quan tư pháp có thể kiểm tra, làm rõ việc kết hôn của hai bên là tự nguyện hay do bị ép buộc, bị lừa dối hoặc vì lợi ích vụ lợi khác. Phỏng vấn cũng giúp Sở Tư pháp kiểm tra mức độ hiểu biết giữa hai bên, khả năng giao tiếp ngôn ngữ chung ra sao.
Như vậy, qua phỏng vấn sẽ tránh được trường hợp đi đến kết hôn chóng vánh của hai bên chỉ qua môi giới, thậm chí hai bên không thể giao tiếp bằng ngôn ngữ chung với nhau, không hiểu biết gì về hoàn cảnh gia đình của nhau (như thực tế việc kết hôn của các cô gái Việt Nam với chồng là người Hàn Quốc, Đài Loan... trong thời gian vừa qua).
* Những trường hợp nào có thể bị từ chối cho kết hôn, thưa bà?
- Đó là các trường hợp: chưa đủ tuổi kết hôn, kết hôn không do tự nguyện của hai bên, đương sự đang có vợ hoặc chồng, một hoặc hai bên đương sự bị mất năng lực hành vi dân sự (có bản án hoặc quyết định của tòa án công nhận người này mất năng lực hành vi dân sự), kết hôn giữa những người cùng huyết thống, cùng giới tính...
Thông qua phỏng vấn, cơ quan tư pháp hộ tịch cũng có thể từ chối cho đăng ký kết hôn nếu phát hiện việc kết hôn là giả tạo (thường nhằm mục đích xuất cảnh trái phép), không nhằm mục đích xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững; kết hôn nhằm mục đích mua bán phụ nữ, xâm phạm tình dục đối với phụ nữ hoặc vì mục đích trục lợi khác; việc kết hôn không phù hợp thuần phong mỹ tục của Việt Nam (có sự chênh lệch quá đáng về tuổi tác giữa hai bên: bà già 70 tuổi lấy thanh niên 20 tuổi, ông già gần 80 lấy cô gái 18 tuổi...).
Ngoài ra, nếu qua phỏng vấn thấy hai bên kết hôn mà không thể giao tiếp ngôn ngữ, không hiểu tiếng của nhau, thời gian tìm hiểu nhau quá ngắn (ví dụ người nước ngoài đến Việt Nam chỉ một lần, trong vòng hơn một tuần đã nộp hồ sơ kết hôn, kết hôn qua môi giới), hai bên không hiểu gì về gia cảnh của nhau... thì cơ quan tư pháp cũng có thể từ chối cho kết hôn.
Từ năm 2003 đến nay, Sở Tư pháp TP.HCM đã phỏng vấn trên 30% hồ sơ đăng ký kết hôn và đã từ chối 44 trường hợp. Đối với những trường hợp này, Sở Tư pháp sẽ làm văn bản đề nghị UBND TP.HCM ra quyết định từ chối.
* Đối với các thủ tục khác theo nghị định sửa đổi lần này có gì mới?
- Bên cạnh qui trình đăng ký kết hôn chặt chẽ hơn, nghị định sửa đổi lại bãi bỏ một số thủ tục giấy tờ khiến cho việc lập hồ sơ kết hôn của đương sự đơn giản, dễ dàng hơn như: bãi bỏ qui định phải nộp kèm bản án trong trường hợp đương sự đã ly hôn; bỏ yêu cầu nộp giấy chứng tử của vợ, chồng trong trường hợp vợ, chồng cũ của đương sự đã chết; đương sự cũng không cần làm bản lý lịch cá nhân theo mẫu.
Hồ sơ đăng ký kết hôn khá đơn giản, bao gồm một số loại giấy tờ như: tờ khai, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân mỗi bên, giấy khám sức khỏe, bản sao hộ khẩu, hộ chiếu, chứng minh nhân dân...
(Theo Tuổi trẻ)