Theo dõi thi hành pháp luật: “Theo” có chặt thì “dõi” mới sâu

06/01/2010
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Năm 2008, Nghị định số 93/2008/NĐ-CP đã giao cho Bộ Tư pháp nhiệm vụ theo dõi công tác thi hành pháp luật. Và ngày 30/11/2009, Đề án thực thi công tác này đã được Chính phủ phê duyệt để khởi động từ đầu năm 2010. Đây là một nhiệm vụ hoàn toàn mới mẻ và cũng không kém phần nặng nề, thử thách đối với ngành Tư pháp, đòi hỏi phải có quãng thời gian để tích lũy kinh nghiệm thực hiện.

Tuy chỉ xuất phát từ bức xúc địa phương và phạm vi tiến hành cũng chỉ giới hạn trong ranh giới tỉnh, nhưng những kinh nghiệm từ quá trình khảo sát tình hình thực hiện pháp luật ở cơ sở của Sở Tư pháp tỉnh Bến Tre cũng khơi gợi không ít suy tư...

Khoảng cách không cố tình

Năm 2007, xuất phát từ tình hình thi hành pháp luật ở địa phương có quá nhiều bất cập, bên cạnh việc nhiều mảng miếng, công việc vẫn còn chơi vơi, chưa có đầu mối nào cụ thể quản lý, chịu trách nhiệm thì lại có lĩnh vực cùng một lúc được nhiều ngành quan tâm nhưng vẫn rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc”, Đề tài “Khảo sát tình hình thực hiện pháp luật ở cơ sở và giải pháp nâng cao năng lực thực hiện” đã được Tư pháp Bến Tre khởi động. Bà Trịnh Thị Thanh Bình - ĐBQH khóa XII, Phó Giám đốc Sở trực tiếp làm chủ nhiệm Đề tài.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, nhóm thực hiện Đề tài đã vạch ra 7 mảng công việc để tiến hành khảo sát. Đó là công tác xây dựng, ban hành VBQPPL; theo dõi kiểm tra giám sát về tình hình thi hành pháp luật; cải cách hành chính; áp dụng pháp luật vào giải quyết công việc cụ thể ở cơ sở; thực hiện dân chủ ở cơ sở; giải quyết khiếu nại tố cáo; và công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Nhóm 7 mảng này, có một mảng được đặc biệt quan tâm là áp dụng pháp luật vào giải quyết công việc cụ thể ở cơ sở, bởi đây chính là nơi chứa đựng nhiều mối liên hệ thiết thực với người dân nhất thông qua các hoạt động áp dụng pháp luật trong xử lý vi phạm hành chính, giải quyết thủ tục liên quan đến quyền sử dụng đất, rồi chứng thực, hộ tịch.... Mặt khác, thông qua mảng công việc này cũng sẽ lột tả được những thực trạng của đội ngũ cán bộ từ trình độ văn hóa, pháp lý cho tới kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ...

Cùng với việc phát hành các bảng câu hỏi tới tất cả các cán bộ có liên quan ở các cấp huyện, xã, phường, thị trấn để thu thập thông tin, nhóm thực hiện Đề tài nói chung và cá nhân Chủ nhiệm Đề tài - bà Trịnh Thị Thanh Bình nói riêng, trong 3 năm liên tiếp (từ 2007-2009) đã bỏ rất nhiều công sức, thời gian đọc hết thảy các số liệu và từng hồ sơ vụ việc có liên quan đến 7 mảng nói trên. Kết quả cho thấy, giữa phần trả lời của cán bộ với công việc họ thực hiện trên thực tế có một khoảng cách. Khoảng cách này dù rất đáng buồn vì nó phản ánh một thực tiễn thi hành pháp luật ở tuyến cơ sở đang có quá nhiều bất cập, nhưng cũng cần phải hiểu bản thân mỗi người cán bộ cơ sở không cố tình tạo ra khoảng cách đó mà chỉ đơn giản là do năng lực và nhận thức của chính họ quyết định.

Phần chìm của tảng băng nổi

Và, câu chuyện khoảng cách này cũng đã mở ra một vấn đề lớn hơn, đáng lưu tâm hơn và cũng ẩn chứa... nhiều mối nguy hơn. Đó là cách thức tiếp cận pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức hay còn gọi chung là những người đang thực thi quyền lực Nhà nước để phụng sự nhân dân, xã hội hiện nay đang có vấn đề. Hay nói cách khác, nếu nhìn nhận ở bề nổi thì cán bộ nào cũng biết, rõ và hiểu nhưng khi thực sự phải áp dụng pháp luật vào xử lý tình huống thì đa phần đều gặp khó khăn, thậm chí là bị “khớp”.

Có thế kể ra đây rất nhiều nguyên nhân, khách quan có, chủ quan có. Nhưng tựu trung lại có thể thấy ở 3 nguyên nhân tạm gọi là chính yếu nhất. Thứ nhất, đó là sự bất cập, rối rắm đáng tồn tại, hiện hữu trong chính hệ thống luật pháp quốc gia mà những chuyên gia pháp lý vẫn gọi vui là “rừng rậm pháp luật”. Không hiếm trường hợp để xử lý một tình huống cụ thể phải cùng lúc áp dụng nhiều văn bản, được ban hành tại nhiều thời điểm khác nhau và thậm chí là chồng chéo. Chính “rừng rậm pháp luật” này đã đưa người áp dụng (đặc biệt là ở tuyến cơ sở) vào một mê cung không có lối ra. Và, cuối cùng hậu quả sẽ đổ xuống đầu không ai khác, chính là những tổ chức, cá nhân, nói rộng ra là nhân dân trực tiếp thụ hưởng các dịch vụ pháp lý.

Hiện nay, ngành giáo dục trong nước bị nhiều sự kêu ca vì nhồi nhét kiến thức quá nhiều, trong khi thực tiễn, kỹ năng lại bị lơ là, khiến người học khi ra đi làm bắt tay vào việc phải mất một thời gian lơ ngơ. Việc đào tạo pháp luật cũng vậy, nhiều cán bộ cơ sở khi đọc luật thì “rành 6 câu”, nhưng khi áp dụng thì vấp ngay từ bước đầu. Rõ ràng rằng tư duy trọng bằng cấp hơn trọng kỹ năng đang bộc lộ nhiều sự nguy hiểm mà các lĩnh vực liên quan đến luật pháp không nằm ngoài.

Nguyên nhân cuối cùng, xin trích nguyên văn lời của bà Trịnh Thị Thanh Bình, người có rất nhiều kinh nghiệm với công tác tư pháp nói chung và Đề tài nói trên: “Cách thức theo dõi và chỉ đạo tập huấn pháp luật của chúng ta hiện nay chưa đi được vào chiều sâu cần thiết. Khi triển khai tuyên truyền một VBQPPL, báo cáo viên thường bê nguyên xi các quy định ra đọc, thay vì cài nó vào các tình huống cụ thể để người nghe dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng. Thế nên tuyên truyền tốn kém mà kết quả vẫn như không, cán bộ khi về cơ sở làm việc lại phải tự mày mò là chính. Và, khi đó thành quả công việc sẽ phụ thuộc vào năng lực cán bộ, giỏi thì dân nhờ, yếu thì dân thiệt”...

“Quyền trượng” - tại sao không?

Trò chuyện với PV, bà Trịnh Thị Thanh Bình rất vui mừng với những bước tiến của ngành trong tiến trình nắm bắt và thực thi công tác theo dõi thi hành pháp luật. Tâm trạng của bà Bình cũng là tâm trạng của rất nhiều lãnh đạo tư pháp địa phương, cũng như hết thảy đội ngũ cán bộ pháp chế, bởi hơn ai hết họ hiểu tầm quan trọng, giá trị khi luật pháp được thực thi đúng chuẩn mực, yêu cầu.

Theo kế hoạch, cùng với việc khởi động Đề án triển khai thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật, một hành lang pháp lý cũng sẽ được hình thành dần mà khởi đầu sẽ là Thông tư, rồi tới đây là Nghị định của Chính phủ. Thế nhưng, theo nhiều chuyên gia pháp lý và những người có nhiều năm gắn bó với tư pháp cơ sở như bà Bình, thì một đạo luật là vấn đề nên nghĩ đến. Không hề đao to búa lớn khi nói vậy. Bởi, đạo luật sẽ trao cho ngành Tư pháp một “quyền trượng” để thực hiện tốt nhiệm vụ Chính phủ đã tin tưởng giao phó. Tuy nhiên, hiện nay khi Đề án triển khai thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật mới bắt đầu khởi động thì cũng quá sớm để có sự hình dung chi tiết. Nhưng, chắc chắn đó là một đạo luật không thể (và cũng không được quyền) mang tính chất khung, ống và phải có sự ràng buộc cao để việc theo dõi cũng như việc thực hiện kết quả theo dõi được triệt để thực hiện...

  

Xuân Hoa

Bà Trịnh Thị Thanh Bình – Chủ nhiệm Đề tài “Khảo sát tình hình thực hiện pháp luật ở cơ sở và giải pháp nâng cao năng lực thực hiện”:

Trong 3 năm thực hiện, nhóm thực hiện Đề tài đã áp dụng hình thức kiểm tra công vụ tại cơ sở. Với hình thức kiểm tra này, nhóm thực hiện trực tiếp tiếp cận với từng vụ việc cụ thể để nhìn nhận, đánh giá cách giải quyết của cán bộ, qua đó chỉ ra những điểm cần khắc phục, sửa sai. Lúc đầu, vì đã quen với hình thức kiểm tra trên báo cáo nên nhiều cán bộ cơ sở không thoải mái lắm. Nhưng sau khi thấy được thực chất, cán bộ cơ sở lại rất thích hình thức này vì nó giúp gỡ những điểm vướng trong nghiệp vụ. Qua đây có thể thấy đa phần tâm lý của cán bộ đều muốn làm tốt, áp dụng pháp luật đúng, nhưng vướng trình độ hạn chế và sự chỉ dẫn từ cấp trên không phù hợp...

 

Ông Lê Thành Long – Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp – đơn vị chuyên môn trực tiếp thực hiện Đề án triển khai thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật:

Để đạt được các mục tiêu của công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, tôi cho rằng, trong các văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác theo dõi thi hành pháp luật cần phải xác định một số nguyên tắc cơ bản. Thứ nhất, công tác theo dõi thi hành pháp luật cần được xác định là nhiệm vụ thường xuyên của tất cả các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương. Việc thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật phải gắn liền với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức; đồng thời bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình thực hiện. Thứ hai, công tác theo dõi thi hành pháp luật phải được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục và toàn diện. Thứ ba, công tác theo dõi thi hành pháp luật phải được thực hiện theo nguyên tắc kết hợp việc theo dõi theo ngành, lĩnh vực với theo dõi ở phạm vi từng địa phương.

 

Xem thêm »