Ngày 28/9/2012, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã thay mặt Chính phủ Việt Nam ký và trình văn bản xin gia nhập Hội nghị La Hay tại Thủ đô hành chính La Hay của Hà Lan. Sáu tháng sau đó, ngày 10/4/2013, Việt Nam chính thức trở thành thành viên đầy đủ thứ 73 của Tổ chức này. Để thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ thành viên Hội nghị La Hay, ngày 13/03/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 22/2013/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, trong đó đã quy định Bộ Tư pháp là Cơ quan quốc gia trong quan hệ với các thành viên và Cơ quan thường trực của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế. Đồng thời, ngày 16/8/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1440/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện quyền và nghĩa vụ thành viên Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế của Việt Nam (Kế hoạch). Bài viết dưới đây giới thiệu những nội dung chủ yếu của Kế hoạch này.
Mục tiêu của Kế hoạch là nhằm (i) Khai thác tối đa các lợi ích, đồng thời thực hiện đầy đủ trách nhiệm thành viên Hội nghị La Hay của Việt Nam; (ii)Tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu và hoàn thiện pháp luật về tư pháp quốc tế của Việt Nam; (iii) Đẩy mạnh việc nghiên cứu, gia nhập các công ước về tư pháp quốc tế; (iv) Nâng cao năng lực và hiệu quả thực thi pháp luật về tư pháp quốc tế của Việt Nam. Qua việc thực hiện những mục tiêu này sẽ góp phần xây dựng và nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trong hợp tác đa phương về tư pháp quốc tế, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về đa dạng hóa, đẩy mạnh hội nhập quốc tế trên mọi lĩnh vực và hỗ trợ cho việc hài hòa hóa pháp luật và thể chế trong nước về tư pháp quốc tế theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ cho tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Ngoài ra, quá trình triển khai Kế hoạch cũng cần đảm bảo sự chủ động, đồng bộ với lộ trình cụ thể, khả thi để thực hiện quyền và nghĩa vụ thành viên của Việt Nam với Hội nghị La Hay; phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tư pháp tại các Văn kiện Đại hội Đảng, Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 24/5/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 về cải cách pháp luật và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 02/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 10/4/2013 về hội nhập quốc tế.
Kế hoạch cũng xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp và trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ thành viên Hội nghị La Hay của Việt Nam và yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ và thống nhất giữa Bộ Tư pháp - Cơ quan quốc gia với các Bộ, ngành hữu quan trong nước và giữa các cơ quan của Việt Nam với các cơ quan, các nước thành viên của Hội nghị trong quá trình thực hiện Quy chế thành viên Hội nghị La Hay.
Với các mục tiêu, yêu cầu cụ thể được xác định rõ như trên, Kế hoạch đã đưa ra sáu nhóm nhiệm vụ cùng các giải pháp cần thực hiện với lộ trình thời gian và phân công các cơ quan thực hiện để khắc phục cơ bản những khó khăn, thách thức đặt ra, tạo tiền đề thuận lợi “kích hoạt” quá trình thực hiện Quy chế Hội nghị La Hay nghiêm túc, đảm bảo khai thác hiệu quả các quyền và thực hiện tốt nghĩa vụ thành viên Hội nghị La Hay của Việt Nam, cụ thể:
(1) Nâng cao nhận thức về vai trò của tư pháp quốc tế về Hội nghị La Hay và các công ước của Hội nghị:
Nhiệm vụ này nhằm góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức đối với vai trò, vị trí và tầm quan trọng của tư pháp quốc tế. Các hoạt động nghiên cứu khoa học về tư pháp quốc tế nói chung và Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế với các công ước của Hội nghị nói riêng; các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho các cán bộ, công chức, chuyên gia làm việc trong các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương liên quan về các nội dung về tư pháp quốc tế được điều chỉnh trong khuôn khổ Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế (như các ngành Tư pháp, Ngoại giao, Tòa án, Công thương; giới luật gia, kinh doanh) về vai trò, vị trí của tư pháp quốc tế trong các quan hệ dân sự, thương mại và hoạt động tố tụng có yếu tố nước ngoài cần được tăng cường và quan tâm hơn nữa.
(2) Kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ công chức, chuyên gia trong lĩnh vực tư pháp quốc tế:
Nhiệm vụ này nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, luật sư, chuyên gia trong lĩnh vực tư pháp quốc tế có đủ trình độ, năng lực chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng tham gia một cách chủ động và tích cực vào các hoạt động pháp lý trong lĩnh vực tư pháp quốc tế nói chung và trong quan hệ hợp tác quốc tế trong khuôn khổ Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế nói riêng.
Để thực hiện nhiệm vụ này cần xây dựng và thực hiện một kế hoạch tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ, chuyên gia, luật sư về tư pháp quốc tế dưới nhiều hình thức với lộ trình phù hợp, kiện toàn và nâng cao năng lực cho Cơ quan Quốc gia trong quan hệ với các thành viên và Ban Thường trực của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế.
(3) Phát huy vai trò là thành viên tích cực của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế:
Nhiệm vụ này nhằm khai thác một cách tối đa các lợi ích mà Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế mang lại cho Việt Nam, đồng thời cũng tạo sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong việc thực hiện nghĩa vụ thành viên của Hội nghị, qua đó dần nâng cao vai trò và vị trí của Việt Nam trong hoạt động hợp tác quốc tế trong khuôn khổ Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế nói chung và trong khu vực nói riêng.
Để thực hiện nhiệm vụ này Việt Nam cần tích cực cử đại biểu tham gia đầy đủ các Phiên họp và buổi làm việc của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế; Tham gia tích cực vào việc đàm phán, xây dựng các điều ước quốc tế trong khuôn khổ Hội nghị Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế; phối hợp với Ban Thường trực của Hội nghị tổ chức các Hội nghị khu vực, Tọa đàm trong nước và quốc tế về Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế và các Công ước của Hội nghị nhằm nâng cao vị trí vai trò của Việt Nam đối với Hội nghị cũng như trên trường quốc tế.
(4) Xây dựng lộ trình và từng bước tham gia các Công ước trong khuôn khổ của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế:
Trong khuôn khổ của Hội nghị La Hay có 38 công ước điều chỉnh các lĩnh vực khác nhau của tư pháp quốc tế. Nhiệm vụ này nhằm xây dựng một lộ trình nghiên cứu gia nhập các công ước quan trọng của Hội nghị cần thiết đối với Việt Nam theo thứ tự ưu tiên phù hợp nhất với nhu cầu, điều kiện của Việt Nam.
Để thực hiện nhiệm vụ này cần tiến hành rà soát và nghiên cứu sơ bộ toàn bộ các công ước của Hội nghị La Hay để xác định những công ước mà Việt Nam cần ưu tiên nghiên cứu gia nhập, lộ trình và cơ quan chủ trì việc nghiên cứu, gia nhập cũng như thực thi sau này. Trên cơ sở Lộ trình đã được phê duyệt, các Bộ, ngành liên quan thực hiện hoạt động nghiên cứu sâu để gia nhập công ước cụ thể.
Đối với Công ước về miễn hợp pháp hóa giấy tờ công nước ngoài và Công ước Tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu đề xuất nghiên cứu và gia nhập với thời gian và lộ trình cụ thể.
5) Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện pháp luật về tư pháp quốc tế:
Nhiệm vụ này nhằm đánh giá toàn diện hiện trạng pháp luật trong lĩnh vực tư pháp quốc tế và thực tiễn thi hành so với yêu cầu phát triển của Việt Nam cũng như tiêu chuẩn quốc tế, từ đó đề xuất việc hoàn thiện pháp luật trong nước về tư pháp quốc tế.
Để thực hiện nhiệm vụ này, cần hệ thống hóa và rà soát toàn bộ các quy định pháp luật hiện hành có liên quan, đánh giá thực tiễn áp dụng, đề xuất, nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung hay ban hành mới các văn bản pháp luật trong lĩnh vực tư pháp quốc tế.
6) Bố trí nguồn lực tài chính phù hợp để đảm bảo việc thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ thành viên Hội nghị La Hay của Việt Nam:
Nhiệm vụ này nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về tài chính của thành viên Hội nghị theo quy định; kinh phí thường xuyên để duy trì các hoạt động của Cơ quan quốc gia trong quan hệ với Hội nghị và các thành viên của Hội nghị; kinh phí để triển khai các hoạt động cụ thể nhằm thực hiện Kế hoạch này.
Ở mỗi nhóm nhiệm vụ, giải pháp, Kế hoạch đều nêu rõ các hoạt động cần tiến hành, lộ trình thực hiện, cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp trong việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Về cơ bản, việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sẽ được triển khai đồng bộ từ năm 2013 sau khi Kế hoạch được ban hành với lộ trình cụ thể tùy thuộc vào tính chất của mỗi hoạt động. Một số nhóm hoạt động có thời hạn thực hiện như các hoạt động xây dựng kế hoạch, chiến lược, đề án để cụ thể hóa việc triển khai các nhiệm vụ được đưa ra trong Kế hoạch này. Bên cạnh đó, có nhóm hoạt động được thực hiện thường xuyên, dài hạn như cử cán bộ tham gia vào các nhóm công tác, các diễn đàn, hội nghị, các khóa tập huấn của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế; tổ chức các đoàn chuyên gia đi trao đổi, học tập, chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia thành viên của Hội nghị; thực hiện các nghĩa vụ về tài chính.
Bộ Tư pháp, với tư cách là Cơ quan Quốc gia trong quan hệ với các thành viên và Ban Thường trực của Hội nghị, là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm chính trong tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch. Các Bộ: Nội vụ, Ngoại giao, Tài chính, Công thương, Thông tin và Truyền thông, Tòa án nhân dân tối cao và một số Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được nêu trong Kế hoạch./.
Phòng Tương trợ tư pháp