Xử lý văn bản có dấu hiệu trái pháp luật: Vô vàn cách… không theo pháp luật

04/10/2010
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

“Ẩn nấp” trong “rừng” văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) hiện hành có không ít những VB có dấu hiệu trái pháp luật. Điều đáng nói là chúng đã được Bộ Tư pháp “điểm mặt chỉ tên” qua công tác hậu kiểm, nhưng vì lý do nào đó, chúng vẫn “nhởn nhơ” bất kể quyền lợi của tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng…

Cả dân và cán bộ đều khổ!

Thực tế này là “hậu quả nhãn tiền” của việc những VB có dấu hiệu trái PL nhưng không được chủ thể ban hành xem xét, xử lý kịp thời. Có thể thấy rõ qua Quyết định số 54/2007/QĐ-UBND (ngày 30/3/2007) của UBND TP.HCM quy định về trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận (GCN) quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu đất ở, GCN quyền sở hữu nhà ở, GCN quyền sử dụng đất tại TP.HCM.

Trong danh mục các loại giấy tờ về tạo lập nhà ở, đất ở làm cơ sở pháp lý để cấp giấy chứng nhận, UBND TP.HCM quy định gồm cả: Biên bản nghiệm thu công trình xây dựng hoàn thành để đưa vào sử dụng..., Biên bản nghiệm thu hoàn thành đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và bàn giao cho UBND quận, huyện hoặc Sở Giao thông Công chính quản lý để đưa vào sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về xây dựng.

Nhưng, đối chiếu với các loại giấy tờ làm cơ sở để cấp GCN theo Luật Đất đai và các Nghị định 90/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở và Nghị định 88/2009/NĐ-CP về cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất, đều không quy định các loại giấy tờ nói trên!

Đến nay, hơn 3 năm sau ngày ban hành và gần 10 tháng sau khi Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp) phát hiện “có dấu hiệu trái PL”, Quyết định 54 vẫn đang là cơ sở pháp lý để TP.Hồ Chí Minh xem xét cấp GCN quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu đất ở, GCN quyền sở hữu nhà ở, GCN quyền sử dụng đất cho người dân, tổ chức trên địa bàn TP.

Người dân khổ vì những giấy tờ được TP tự ý “khai sinh ngoài kế hoạch”, khi cả nước đang tiến hành cải cách thủ tục hành chính đã đành, nhưng cán bộ thi hành cũng không thoát khổ thì coi như bị rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Nếu không thực hiện theo Quyết định 54 khi giải quyết các yêu cầu cấp GCN sẽ là “vi phạm pháp luật”, còn tuân thủ những quy định của Quyết định này thì vô tình “tiếp tay” cho việc “hành” dân.

Vô vàn cách xử lý… không theo pháp luật

Quay lại với Thông báo số 135/KTrVB (ngày 22/9/2010) của Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp). Một tuần sau khi Thông báo này được phát hành, thông tin mới nhất về biện pháp xử lý của các Bộ, ngành liên quan là đã “báo cáo lên Uỷ ban” hoặc “sẽ xử lý ngay”, còn thời điểm để có kết quả thì… không hề được xác định.

Trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam về việc thực hiện xử lý Quyết định số 641/QĐ-UBND (ngày 5/3/2008) của UBND tỉnh Nghệ An - một trong những VB được “nhắc nhở” trong Thông báo số 135, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nguyễn Quang Trạch bối rối: “chắc chúng tôi đã xử lý rồi, nhưng để kiểm tra và sẽ thông báo lại”. Đến nay, kết quả kiểm tra đó vẫn “bặt vô âm tín” như cách làm của rất nhiều chủ thể khi nhận được yêu cầu kiểm tra VB có dấu hiệu trái PL do mình ban hành.

Còn như ở Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Văn Việt (Vụ trưởng Vụ Pháp chế) khẳng định, “việc kiểm tra và xử lý VB trái pháp luật là việc cần phải làm nghiêm túc vì khẳng định được vị thế của pháp chế”. Nhưng không rõ do đâu mà suốt hơn 21 tháng kể từ ngày Cục Kiểm tra VBQPPL chỉ ra “dấu hiệu trái PL” của Quyết định số 99/2008 (ngày 15/10/2008), Bộ NN&PTNT vẫn không có động tĩnh gì về việc “xem xét, xử lý”.

Một kiểu “phúc đáp” khác như cách Bộ Y tế đang làm là “lặng lẽ khắc phục”. Không lâu sau khi TTLT số 09/2009 (ngày 14/8/2009) của Bộ Y tế - Tài chính bị “tuýt còi”, Bộ này đã “tích cực” dự thảo Thông tư mới, song không hề có thông báo chính thức cho cơ quan hậu kiểm. Hậu quả là dù có ý thức chấp hành, nhưng TTLT số  09 của Bộ Y tế - Tài chính vẫn bị đưa vào danh sách nhắc nhở do chưa được xử lý theo PL.

Hơn nữa, theo ông Lê Hồng Sơn (Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL), biện pháp quan trọng nhất là phải “đình chỉ phần VB có dấu hiệu trái PL” chứ không chỉ báo cáo cấp trên và để những quy định ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, tổ chức được ngang nhiên tồn tại. Vậy mà chưa chủ thể nào tự giác thực hiện biện pháp này ngay khi có thông báo về dấu hiệu trái PL trong VB do mình ban hành.

Như vậy, một lần nữa lại thấy, ý thức chấp hành các quy định về công tác kiểm tra, xử lý VBQPPL có dấu hiệu trái PL đang “có vấn đề”. Đây chính là tiền đề dẫn đến các “hậu quả của chính sách” mà đối tượng hứng chịu lại chính là những người dân./.

Hương Giang

Xem thêm »