1. Sự hình thành phần vốn góp:
Theo giải thích tại khoản 4 Điều 4 luật doanh nghiệp năm 2005 (gọi tắt là LDN) thì “Góp vốn là việc đưa tài sản vào công ty để trở thành chủ sở hữu hoặc các chủ sở hữu chung của công ty. Tài sản góp vốn có thể là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác ghi trong Điều lệ công ty do thành viên góp để tạo thành vốn của công ty”. Như vậy, tài sản để tham gia vào việc góp vốn là rất đa dạng. Tuy nhiên, để tài sản góp vốn trở thành phần vốn góp, thì những tài sản trên phải được định giá. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 30 LDN quy định “Tài sản góp vốn không phải là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức định giá chuyên nghiệp định giá”. Từ những quy định trên cho thấy có sự phân biệt rõ ràng giữa phần vốn góp và tài sản góp vốn.
Tại khoản 5 Điều 4 LDN giải thích về phần vốn góp như sau: “Phần vốn góp là tỷ lệ vốn mà chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu chung của công ty góp vào vốn điều lệ”. Theo các quy định của pháp luật, chủ sở hữu phần vốn góp (người góp vốn) có các quyền sau:
- Quyền tài chính: được phân chia lợi nhuận của doanh nghiệp tương ứng với tỷ lệ giá trị phần vốn góp; gánh chịu phần lỗ tương ứng với tỷ lệ giá trị phần vốn góp nếu doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, khi đang hoạt động cũng như khi doanh nghiệp kết thúc hoạt động; nhận phần tài sản còn lại tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp sau khi đã thanh toán hết các nghĩa vụ của doanh nghiệp khi doanh nghiệp bị giải thể, phá sản.
- Quyền phi tài chính như quyền biểu quyết, quyền thông tin.
Ngoài ra, phần vốn góp với tư cách là một tài sản có giá trị tiền tệ nên chủ sở hữu được tự do chuyển giao trong giao dịch dân sự. Tuy nhiên, việc chuyển giao này bị hạn chế bởi một số quy định theo LDN nhằm bảo đảm sự hoạt động lành mạnh của các doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Như vậy, phần vốn góp là một tài sản đặc biệt, được hình thành thông qua việc góp vốn vào doanh nghiệp và tồn tại song song với sự tồn tại của doanh nghiệp. Phần vốn góp không phải là tài sản cụ thể như những tài sản khi đem góp vốn.
Tài sản góp vốn “có thể là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác ghi trong Điều lệ công ty”. Những tài sản này khi được người góp vốn đem góp vào doanh nghiệp theo một trình tự, thủ tục nhất định thì nó đã trở thành tài sản thuộc sở hữu của doanh nghiệp (pháp nhân). Do đó, cá nhân người góp vốn không còn quyền sở hữu đối với tài sản đã góp vốn. Đổi lại, họ được sở hữu phần vốn góp và có các quyền như đã nêu trên.
2. Quy định của pháp luật về kê biên phần vốn góp.
Quy định kê biên phần vốn góp của người phải thi hành án là một nội dung mới trong Luật thi hành án dân sự năm 2008 (sau đây gọi tắt là LTHADS) so với Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004. Đây là một quy định phù hợp với tình hình phát triển của nền kinh tế trong thời kỳ hiện nay, cũng như xu thế phát triển trong tương lai. Đất nước chúng ta đang trong thời kỳ thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa, cùng với xu thế toàn cầu hóa nền kinh tế. Do vậy, các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế nói chung đang trên đà phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Ngày nay, việc tham gia thành lập, góp vốn vào các doanh nghiệp không còn là điều gì quá mới mẻ đối với người dân. Nên việc pháp luật quy định cho phép Cơ quan thi hành án dân sự có quyền kê biên phần vốn góp của người phải thi hành án cũng là một trong những biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác thi hành án dân sự, hạn chế việc người phải thi hành án lợi dụng kẽ hở của pháp luật để tẩu tán tài sản bằng hình thức góp vốn vào các đơn vị kinh tế.
Tại Điều 92 LTHADS quy định về kê biên vốn góp như sau:
“1. Chấp hành viên yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức nơi người phải thi hành án có vốn góp cung cấp thông tin về phần vốn góp của người phải thi hành án để kê biên phần vốn góp đó. Trong trường hợp cần thiết, Chấp hành viên yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác định phần vốn góp của người phải thi hành án; trưng cầu tổ chức, cá nhân có chuyên môn xác định phần giá trị vốn góp của người phải thi hành án để cưỡng chế thi hành án.
2. Đương sự có quyền yêu cầu Toà án xác định phần vốn góp của người phải thi hành án.”
Như vậy, Luật thi hành án dân sự đã quy định rõ Chấp hành viên có quyền kê biên phần vốn góp của người phải thi hành án, đồng thời cũng quy định nghĩa vụ cung cấp thông tin nơi nhận góp vốn của người phải thi hành án. Tuy nhiên, khi áp dụng những quy định trên vào thực tiễn công tác thi hành án dân sự, chấp hành viên đã gặp phải một số khó khăn, vướng mắc trong việc xác định phần giá trị vốn góp và cách kê biên xử lý phần vốn góp.
3. Một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện kê biên phần vốn góp.
Thứ nhất: trên thực tế có sự nhầm lẫn giữa phần vốn góp và tài sản thuộc sở hữu chung dẫn đến việc áp dụng sai quy định của pháp luật.
Ví dụ (đây là trường hợp đã xảy ra trên thực tế):
Ông A là người phải thi hành án trả cho ông B số tiền 1,5 tỷ đồng. Trong quá trình thi hành án Chấp hành viên (CHV) xác minh biết ông A có căn nhà đang ở trị giá khoảng 450 triệu đồng đang là thành viên của Công ty TNHH SL (Cty SL) có số vốn góp vào Cty SL là 2,5 tỷ đồng, cụ thể là ông A đã góp 500 triệu đồng tiền mặt, một chiếc xe ôtô trị giá 350 triệu đồng và quyền sử dụng đất trị giá 1,56 tỷ đồng (thủ tục góp vốn đã hoàn tất theo quy định pháp luật).
Do ông A không tự nguyện thi hành án nên CHV đã tiến hành kê biên, phát mãi căn nhà của ông để thi hành án. Nhưng số tiền phát mãi căn nhà không đủ để thi hành nên CHV tiếp tục kê biên giá trị quyền sử dụng đất mà ông A đã góp vốn vào Cty SL. Khi tiến hành cưỡng chế kê biên (đại diện Cty SL không đồng ý với quyết định kê biên) CHV đã thông báo cho đại diện theo pháp luật của Cty SL biết quyền khởi kiện yêu cầu Toà án xác định phần sở hữu của Cty đối với tài sản bị kê biên.
Trong trường hợp trên, để giải thích cho việc kê biên giá trị quyền sử dụng đất mà ông A đã góp vốn vào Cty SL, có thể CHV đã dựa vào một trong hai cách lý giải sau: một là CHV đã xem quyền sử dụng đất trên là tài sản chung của ông A và Cty SL; hai là CHV đã xem quyền sử dụng đất trên là phần vốn góp của ông A. Tuy nhiên cả hai cách lý giải trên đều không đúng.
Một là, như đã trình bày trong phần sự hình thành phần vốn góp, khi tài sản là quyền sử dụng đất đã được ông A đem góp vốn vào Cty SL, thì nó trở thành tài sản thuộc sở hữu của Cty SL (một pháp nhân độc lập). Do đó, cá nhân ông A không còn quyền sở hữu đối với tài sản đã góp vốn. Như vậy, không thể xem ông A là đồng sở hữu chủ đối với quyền sử dụng đất đã mà ông đã góp vốn.
Hai là, quyền sử dụng đất được ông A đem góp vốn vào Cty SL cũng không được xem là phần vốn góp của ông A. Bởi vì, phần vốn góp là tỷ lệ vốn mà chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu chung của công ty góp vào vốn điều lệ. Nên nó không xác bằng một tài sản cụ thể nào trong khối tài sản của công ty nhận góp vốn.
Như vậy, việc kê biên quyền sử dụng đất trong ví dụ trên là không có căn cứ pháp lý, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của Cty SL. Do đó, có thể dẫn đến việc khiếu nại, tố cáo và nhiều hậu quả pháp lý khác có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến kết quả công tác thi hành án cũng như uy tín của Cơ quan thi hành án.
Thứ hai: khó khăn trong việc xử lý phần vốn góp.
Về lý thuyết, để xác định giá trị phần vốn góp của người phải thi hành án không phải là việc phức tạp, vì nó được tính trên tỷ lệ vốn mà người đó đã góp vào vốn điều lệ của doanh nghiệp, thông thường có thể căn cứ vào các tài liệu như Giấy phép đăng ký kinh doanh, biên bản góp vốn và sổ sách kế toán của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, khi đã xác định được phần vốn góp của người phải thi hành án trong doanh nghiệp thì việc kê biên xử lý phần vốn góp đó như thế nào lại là một vấn đề rất khó khăn, phức tạp vì đây là một tài sản có tính chất pháp lý đặc biệt. Phần vốn góp của người phải thi hành án là một phần trong vốn điều lệ của doanh nghiệp. Theo quy định của pháp luật thì việc tăng, giảm vốn điều lệ được quy định rất chặt chẽ và phải được tiến hành theo những trình tự, thủ tục nhất định. Hơn nữa, pháp luật còn có những quy định bảo đảm cho sự tồn tại và hoạt động của các doanh nghiệp, cụ thể Điều 5 LND quy định:
“1. Nhà nước công nhận sự tồn tại lâu dài và phát triển của các loại hình doanh nghiệp được quy định trong Luật này; bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật của các doanh nghiệp không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế; thừa nhận tính sinh lợi hợp pháp của hoạt động kinh doanh.
2. Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư, thu nhập, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp.
3. Tài sản và vốn đầu tư hợp pháp của doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp không bị quốc hữu hoá, không bị tịch thu bằng biện pháp hành chính.
Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua, trưng dụng tài sản của doanh nghiệp thì doanh nghiệp được thanh toán hoặc bồi thường theo giá thị trường tại thời điểm công bố trưng mua hoặc trưng dụng. Việc thanh toán hoặc bồi thường phải bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp và không phân biệt đối xử giữa các loại hình doanh nghiệp.”
Như vậy, khi tiến hành kê biên phần vốn góp của người phải thi hành án trong doanh nghiệp thì chúng ta phải xử lý như thế nào để hạn chế tối đa thiệt hại cho doanh nghiệp và tránh những xung đột pháp luật giữa Pháp luật thi hành án dân sự và Pháp luật kinh tế? Trong thực tiễn chúng ta có thể sẽ gặp nhiều trường hợp như thế, ví dụ:
- Khi xử lý phần vốn góp đã bị kê biên CHV sẽ phải chọn biện pháp nào? Bán đấu giá, yêu cầu các thành viên còn lại của doanh nghiệp mua lại, hay biện pháp khác? Nếu là bán đấu giá phần vốn góp thì những ai được ưu tiên mua và nếu người mua không phải là thanh viên của doanh nghiệp thì thủ tục tiếp nhận thành viên mới này được thực hiện như thế nào?
- Việc xác định giá trị và xử lý phần vốn góp của người phải thi hành án để cưỡng chế thi hành án dẫn đến tăng hoặc giảm vốn điều lệ của doanh nghiệp, thì chi phí thực hiện thủ tục đăng ký tăng, giảm vốn điều lệ này ai phải chịu?
4. Kiến nghị
Từ những phân tích trên, chúng tôi cho rằng để thực hiện việc kê biên vốn góp theo quy định tại Điều 92 LTHADS đạt hiệu quả và đúng pháp luật, chúng ta phải thống nhất ở một số điểm sau:
Thứ nhất, người phải thi hành án, bị cưỡng chế kê biên phần vốn góp theo Điều 92 LTHADS có tư cách chủ thể độc lập với doanh nghiệp (Pháp nhân) nơi người đó góp vốn. Trong trường hợp này, doanh nghiệp không phải là người phải thi hành án;
Thứ hai, trong quyết định kê biên phải kê biên phần vốn góp của người phải thi hành án trong doanh nghiệp, mà không phải là kê biên tài sản đã góp vốn hay một tài sản cụ thể khác thuộc sở hữu của doanh nghiệp, trừ trường hợp được doanh nghiệp đồng ý;
Thứ ba, việc kê biên vốn góp dù muốn hay không cũng ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, nên cơ quan chức năng cần ban hành một văn bản hướng dẫn, quy định rõ trình tự thủ tục tiến hành kê biên, xử lý phần vốn góp của người phải thi hành án để hạn chế tối đa thiệt hại cho doanh nghiệp.
Hồ Quân Chính – Chi cục thi hành án dân sự quận Thủ Đức