Nhân dịp Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Lào tổ chức thành công Hội nghị Tư pháp các tỉnh biên giới hai nước Việt Nam - Lào lần thứ nhất, Vụ Hợp tác quốc tế (HTQT) xin chia sẻ một số thông tin liên quan đến những kết quả hợp tác về pháp luật và tư pháp giữa hai nước Việt Nam và Lào trong chặng đường gần 30 năm qua và xin đưa ra một số đề xuất nhằm thiết lập và thúc đẩy sự hợp tác giữa các cơ quan tư pháp địa phương các tỉnh giáp biên giới Việt Nam – Lào mà Vụ HTQT đã có dịp thảo luận cùng với các đại biểu Việt Nam và Lào tại Hội nghị Tư pháp nói trên.
1. Quá trình hình thành và phát triển quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp Việt - Lào
Cùng với sự hợp tác toàn diện trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật, quan hệ hợp tác giữa ngành tư pháp hai nước Việt Nam và Lào đã được thiết lập, không ngừng được mở rộng, tăng cường và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Với nhiều nét tương đồng về cấu trúc nhà nước và pháp luật, về mô hình tổ chức và hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam và Lào đã được bắt đầu ngay sau khi hai nước hoàn thành sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc năm 1975, được đẩy mạnh trong công cuộc đổi mới đất nước từ cuối những năm 1980 và tiếp tục phát triển đến nay. Có thể nói đó là quan hệ hợp tác đặc biệt giữa những người bạn đồng cam cộng khổ, sẵn sàng chia sẻ với nhau ngay cả những nguồn lực và kinh nghiệm còn ít ỏi, thiếu thốn trong từng bước đường xây dựng nhà nước và pháp luật theo đường hướng mà Đảng, Nhà nước và hai dân tộc Việt Nam và Lào đã cùng lựa chọn, đó là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Quan hệ hợp tác giữa ngành tư pháp hai nước được thiết lập vào năm 1982, tức là ngay một năm sau khi Bộ Tư pháp Việt Nam được tái thành lập, với việc ký kết Hiệp định Hợp tác về mặt pháp lý và tư pháp giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Với ý thức và tình cảm trân trọng đặc biệt mối quan hệ này, trong các giai đoạn tiếp theo, các thế hệ lãnh đạo của Bộ Tư pháp hai nước đã tiếp tục thảo luận và ký kết nhiều văn kiện hợp tác quan trọng như Kế hoạch hợp táccác năm 1991-1992; 1993-1994; Biên bản ghi nhớ về Kế hoạch hợp tác năm 1996-1997; Hiệp định Tương trợ Tư pháp và pháp lý về dân sự và hình sự giữa CHXHCN Việt Nam và CHDCND Lào ký ngày 6 tháng 7 năm 1998...
Đặc biệt, từ năm 2007 đến nay, quan hệ hợp tác về pháp luật và tư pháp giữa hai nước đã được nâng lên một tầm cao mới bằng việc ký kết Biên bản ghi nhớ về Kế hoạch hợp tác giữa Bộ Tư pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Tư pháp nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào các năm 2007-2010. Trong giai đoạn này, quan hệ hợp tác pháp đã có thay đổi mạnh mẽ với nhiều nội dung hợp tác đa dạng, phong phú và đặc biệt hiệu quả hơn không chỉ đối với Bộ Tư pháp mà còn với các cơ quan pháp luật và tư pháp khác của Lào. Một biểu hiện rõ ràng chính là việc Bộ Tư pháp Việt Nam đã xây dựng Đề án hỗ trợ Bộ Tư pháp Lào hình thành Trung tâm cơ sở dữ liệu pháp luật của Bộ Tư pháp nước CHDCND Lào giai đoạn 2009-2013. Với việc thực hiện dự án này, Bộ Tư pháp Việt Nam mong muốn hỗ trợ Bộ Tư pháp Lào thiết lập hệ thống thông tin pháp luật điện tử có hiệu quả, phục vụ cho việc thu thập, phân loại, số hóa các văn bản và tài liệu pháp luật, qua đó đáp ứng nhu cầu của các cơ quan nhà nước và nhân dân Lào nói chung được tiếp cận thông tin pháp luật một cách chính xác, nhanh chóng và đầy đủ.
Tiếp theo đó, Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác giai đoạn 2011 – 2015 giữa hai Bộ Tư pháp đã được ký vào cuối năm 2010 nhân kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống của Ngành Tư pháp Việt Nam với phạm vi rộng hơn và bao trùm nhiều lĩnh vực hợp tác, ngoài một số lĩnh vực hợp tác truyền thống mà hai Bộ vẫn tiếp tục ưu tiên như tăng cường hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho Bộ Tư pháp Lào dưới hình thức đào tạo cơ bản và đào tạo nghề luật; Hợp tác và hỗ trợ 03 Trường Luật của Lào là Trường Luật Miền Bắc tỉnh Luông Pha Băng, Trường Luật miền Trung Thủ đô Viêng Chăn và Trường Luật miền Nam tỉnh Sa Văn Na Khệt; Tiếp tục hỗ trợ Bộ Tư pháp CHDCND Lào xây dựng Trung tâm cơ sở dữ liệu pháp luật như đã thỏa thuận trong giai đoạn 2007 -2010.
2. Những kết quả nổi bật trong hợp tác pháp luật Việt - Lào
Hợp tác song phương trong lĩnh vực xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật
Trong các lĩnh vực hợp tác chuyên môn về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, hàng năm, Bộ Tư pháp hai nước đều tiến hành trao đổi các đoàn chuyên gia về soạn thảo, thẩm định, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật; kỹ năng soạn thảo và đàm phán điều ước quốc tế; thực hiện pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, tư pháp; thi hành án dân sự; giải quyết tranh chấp kinh tế; phổ biến, giáo dục pháp luật... Bộ Tư pháp hai nước cũng thường xuyên cung cấp, trao đổi cho nhau các văn bản quy phạm pháp luật, tài liệu chuyên môn, tạp chí và các loại ấn phẩm liên quan đến pháp luật và công tác tư pháp. Ngay từ giai đoạn đầu của quá trình hợp tác, Bộ Tư pháp Việt Nam đã cử cán bộ đầu ngành của mình sang giúp các bạn Lào soạn thảo một số đạo luật quan trọng.
Ngoài việc hợp tác trong việc xây dựng pháp luật trong nước, trong những năm gần đây, đối với những vấn đề thời sự ở tầm quốc gia mà phía Lào đặc biệt quan tâm như việc đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Bộ Tư pháp Việt Nam đã cử các đoàn chuyên gia cấp cao sang Lào và tiếp nhận các đoàn chuyên gia của Lào sang Việt Nam để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm đàm phán, kinh nghiệm rà soát, hệ thống hóa, xây dựng và thi hành các văn bản pháp luật của Việt Nam khi Việt Nam gia nhập WTO.
Một bước phát triển theo chiều sâu của nội dung hợp tác giữa Bộ Tư pháp hai nước hiện nay là việc trao đổi, chia sẻ những định hướng, những kết quả, kinh nghiệm bước đầu đạt được cũng như những khó khăn, thách thức mà Việt Nam đang gặp trong quá trình cải cách pháp luật và cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam. Hai bên đã đưa vào Kế hoạch hợp tác 2009-2010 việc trao đổi chuyên gia ở các cấp hoạch định chính sách, điều hành chỉ đạo, nghiên cứu triển khai để tiếp tục làm sâu thêm những vấn đề chung mà hai nước cùng quan tâm trong lĩnh vực này.
Trong các cuộc gặp gỡ giữa hai Bộ trưởng Tư pháp, nội dung quan trọng và là trọng tâm luôn là những phương hướng và các biện pháp mở rộng phạm vi, nâng cao hiệu quả quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp giữa hai Bộ phù hợp với đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ hai nước và xu hướng chung trên thế giới. Chính vì vậy, các nội dung, hình thức và hoạt động hợp tác pháp luật và tư pháp giữa hai bên ngày càng được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú và hiệu quả hơn, tập trung vào một số vấn đề trọng tâm lớn như đẩy mạnh cải cách pháp luật, cải cách tư pháp và cải cách hành chính đồng thời giải quyết một số vấn đề pháp lý cụ thể như vấn đề quốc tịch cho đồng bào hai nước sinh sống dọc biên giới...
Có thể nói, các hoạt động hợp tác đã góp phần vào công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tăng cường năng lực cho các thiết chế của mỗi bên. Việc soạn thảo và ban hành các văn bản pháp luật quan trọng của Lào, như Bộ luật Hình sự, Luật Đất đai, Luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức Chính phủ,... đã nhận được sự giúp đỡ tích cực của Bộ Tư pháp, các cơ quan pháp luật và tư pháp khác của Việt Nam thông qua các ý kiến bình luận, góp ý có chất lượng của các chuyên gia pháp luật uy tín của Việt Nam. Các đạo luật này đã đóng vai trò hết sức quan trọng bảo đảm tính hiệu lực và hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan nhà nước Lào cũng như bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức. Đối với Việt Nam, qua các đoàn công tác của Bộ Tư pháp Việt Nam sang Lào, các chuyên gia pháp luật và tư pháp của Việt Nam cũng học được rất nhiều điều bổ ích và có giá trị tham khảo lớn cho quá trình xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam.
Hợp tác đào tạo song phương về pháp luật và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ pháp luật
Hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ pháp luật giữa hai nước là lĩnh vực hợp tác truyền thống, quan trọng, xuyên suốt và thiết thực nhất trong gần 30 năm qua. Chỉ vài năm sau khi được thành lập, Trường Đại học pháp lý Hà Nội (nay là Đại học Luật Hà Nội) đã bắt đầu tiếp nhận những sinh viên Lào đầu tiên sang học tập. Kể từ đó, hàng năm, nhiều sinh viên, cán bộ của CHDCNDLào đã được cử sang học tập, nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành luật có uy tín của Việt Nam như Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Học viện Tư pháp...
Về đào tạo cơ bản, tính đến nay, số lượng sinh viên Lào tốt nghiệp cử nhân khoảng trên một trăm người, sau đại học là gần 20 thạc sỹ và 02 tiến sỹ, hiện tại có khoảng 50 lưu học sinh Lào hệ đại học và sau đại học đang học tập, nghiên cứu tại Trường Đại học Luật Hà Nội (trong đó có 8 sinh viên vừa nhận bằng tốt nghiệp vào giữa tháng 6 năm 2011, 35 sinh viên hệ đại học chính quy và 13 sinh viên hệ sau đại học).
Về bồi dưỡng đội ngũ cán bộ pháp luật, trong những năm gần đây, Học Viện Tư pháp đã tiến hành đào tạo cho 04 sinh viên Lào tại lớp Thẩm phán Khoá V. Năm 2009, Học viện tiếp nhận 20 cán bộ Lào sang theo học khóa đào tạo ngắn hạn 03 tháng về nghiệp vụ công chứng. Năm 2010, tổ chức đào tạo ngắn hạn 03 tháng về nghiệp vụ thi hành án cho 20 cán bộ Lào tại Việt Nam. Học viện Tư pháp cũng đã cử cán bộ, giáo viên sang Học viện Tư pháp Lào giúp xây dựng giáo trình, chương trình dạy nghề theo mô hình của Học viện Tư pháp Việt Nam; trao đổi kinh nghiệm quản lý sinh viên, học viên cũng như kinh nghiệm và kỹ năng giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho sinh viên, học viên chuyên ngành luật...
Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ và sinh viên cho CHDCND Lào đã được Bộ Tư pháp Việt Nam đặc biệt quan tâm và có thể nói rằng, cho tới nay hoạt động hợp tác trong lĩnh vực đào tạo đã đạt được nhiều kết quả khả quan, qua đó đóng góp một phần vào quá trình xây dựng, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ cho CHDCND Lào. Một biểu hiện thành công của quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Bộ Tư pháp hai nước Việt Nam và Lào là việc hầu hết những sinh viên, cán bộ được đào tạo tại Việt Nam khi về nước đều công tác trong hệ thống cơ quan pháp luật và tư pháp của Lào, không ít người trong số họ đã được tín nhiệm giữ những vị trí công tác quan trọng trong tổ chức bộ máy Nhà nước của Lào.
Hợp tác đa phương giữa Việt Nam, Lào và các nước trong khu vực và quốc tế
Quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Bộ Tư pháp hai nước không chỉ được thực hiện trong khuôn khổ hợp tác song phương mà còn vươn tới một tầm rộng hơn đó là hợp tác đa phương với nhiều hình thức, nội dung và hoạt động hợp tác đa dạng, phong phú, có chiều sâu và thiết thực đối với cả hai nước. Trên các diễn đàn đa phương, quan hệ Việt - Lào được bổ sung một sắc thái mới đó là việc Việt Nam và Lào đã trở thành thành viên của ASEAN. Hai nước đang nỗ lực thực hiện chính sách hội nhập khu vực và quốc tế vì mục tiêu phát triển và thịnh vượng. Ngành Tư pháp hai nước đã tích cực phối hợp hành động, chia sẻ quan điểm, kiên trì đấu tranh nhằm bảo vệ những nguyên tắc cơ bản của ASEAN thông qua việc tham gia đầy đủ và sâu rộng trong các hoạt động hợp tác pháp luật và tư pháp ASEAN, thông qua cơ chế Hội nghị quan chức pháp luật cấp cao (ASLOM) và Hội nghị Bộ trưởng Pháp luật các nước ASEAN (ALAWMM). Việc đàm phán các hiệp định, văn bản pháp lý khác nhằm thực hiện Hiến chương ASEAN. Bộ Tư pháp Việt Nam sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm của mình trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế trong đó có gia nhập WTO.
Trong khuôn khổ hợp tác với Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, Bộ Tư pháp hai nước thường xuyên trao đổi, phối hợp ý kiến về các vấn đề hai bên cùng quan tâm tại Hội nghị Bộ trưởng các nước có sử dụng tiếng Pháp. Trong vòng 5-6 năm qua, các cơ quan pháp luật và tư pháp của Lào thường xuyên cử chuyên gia, cán bộ sang Việt Nam tham dự hội thảo, tọa đàm và lớp bồi dưỡng do Nhà Pháp luật Việt – Pháp tổ chức. Những kinh nghiệm, kiến thức thu lượm được từ hoạt động này có giá trị tham thảo và thiết thực đối với hoạt động của các cơ quan, cán bộ làm công tác pháp luật và tư pháp của Lào.
3. Các lĩnh vực cần đẩy mạnh và tăng cường hợp tác
Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới biến động phức tạp, khó lường, việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp Việt Nam- Lào phát triển lên tầm cao mới càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết, chẳng những bảo đảm cho mỗi nước giữ vững ổn định, phát triển và hội nhập mà còn góp phần quan trọng củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác và nâng cao vai trò, vị thế của hai dân tộc trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.
Mặc dù hợp tác giữa hai nước và hai ngành tư pháp đã có những phát triển về lượng và chất trong những năm gần đây nhưng tiềm năng và nhu cầu thúc đẩy sự hợp tác này vẫn còn rất lớn.Và do đó, hai Bộ Tư pháp Việt Nam và Lào vẫn cần phải tiếp tục rà soát, nghiên cứu để tìm biện pháp thúc đẩy một số hoạt động hợp tác dưới đây sao cho có hiệu quả và thiết thực hơn. Tôi xin chia sẻ một số ý tưởng đề xuất cho sự hợp tác này, nhưng tập trung vào những vấn đề liên quan tới các cơ quan tư pháp địa phương
Hợp tác về tương trợ tư pháp
Trong lĩnh vực tương trợ tư pháp, trên cơ sở Hiệp định Tương trợ tư pháp và pháp lý về dân sự và hình sự giữa CHXHCN Việt Nam và CHDCNDLào ký ngày 6/7/1998, ngành tư pháp hai nước đã chủ động hợp tác trong việc thực hiện các uỷ thác tư pháp, qua đó giúp cho các cơ quan tư pháp hai nước giải quyết tốt các vụ việc liên quan, bảo đảm được các quyền nhân thân và quyền tài sản của công dân và pháp nhân hai nước khi tham gia các quan hệ dân sự, thương mại.
Tuy nhiên, Hiệp định này chưa thực sự phát huy được hiệu quả trên thực tế bởi lẽ số lượng ủy thác tư pháp, kể cả trong lĩnh vực dân sự và hình sự, thi hành án chưa nhiều nếu so sánh với nhiều nước khác, kết quả chưa cao, đặc biệt trong lĩnh vực ủy thác thi hành án về dân sự. Mặc dù Hiệp định đã đưa ra được cơ sở pháp lý khá rõ ràng để công nhận và thi hành bản án, quyết định của Tòa án giữa hai nước song việc thi hành án dân sự trên thực tế, đặc biệt là thi hành án dân sự tại các tỉnh biên giới vẫn gặp nhiều vướng mắc khó khăn, trong đó có vướng mắc trong khâu tổ chức xác minh điều kiện thi hành án đối với người phải thi hành án là công dân Lào, thiếu cơ chế phối hợp tổ chức thực hiện trực tiếp giữa cơ quan thi hành án dân sự Việt Nam và đối tác Lào. Điều này đã gây ra tình trạng vụ việc thi hành án bị kéo dài mà không thể ra quyết định hoãn thi hành cũng như xét miễn, giảm thi hành án được.
Chính vì vậy, một nhu cầu đặt ra là hai Bộ Tư pháp cần cùng nhau rà soát lại Hiệp định Tương trợ tư pháp và pháp lý về dân sự và hình sự nói trên nhằm có thể đáp ứng các đòi hỏi của tình hình phát triển kinh tế, xã hội của hai nước.
Hai Bộ Tư pháp cũng nên thảo luận để cùng nhau thực hiện nghiên cứu việc gia nhập một số thiết chế quốc tế và công ước quốc tế có liên quan đến tương trợ tư pháp như Hội nghị La-hay về tư pháp quốc tế, công ước La-hay về tống đạt giấy tờ, về miễn hợp pháp hóa lãnh sự đối với các giấy tờ công vụ, phối hợp để có tiếng nói chung trong các diễn đàn pháp luật quốc tế trong khu vực ASEAN trong đó có xây dựng hiệp định mẫu về tương trợ tư pháp về dân sự giữa các nước thành viên ASEAN….
Việc rà soát, đánh giá đi tới sửa đổi, bổ sung Hiệp định Tương trợ tư pháp và pháp lý về dân sự và hình sự và cùng nhau nghiên cứu để gia nhập các thiết chế đa phương sẽ góp phần tích cực để giải quyết những vấn đề về mặt pháp lý mà các tỉnh đường biên của chúng ta đang gặp phải.
Hợp tác ở cấp địa phương giữa các tỉnh đường biên Việt Nam và Lào
Với chiều dài hơn 2000 km và mỗi nước Việt Nam và Lào đều có 10 tỉnh có chung đường biên giới thì ngoài việc thúc đẩy hợp tác song phương giữa hai Bộ Tư pháp của hai nước, việc tăng cường hợp tác giữa các cơ quan chính quyền địa phương, trong đó có hợp tác giữa các cơ quan tư pháp và thi hành án dân sự địa phương của các tình này với nhau là một nhu cầu khách quan và cần thiết cho mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Lào hiện nay. Đó cũng chính là lý do cho việc hai Bộ Tư pháp quyết định tổ chức Hội nghị Tư pháp các tỉnh đường biên ngày hôm nay.
Qua thông tin từ các Sở Tư pháp địa phương của Việt Nam thì cho tới nay, một số địa phương đã chủ động thiết lập quan hệ hợp tác với các đối tác bên kia biên giới, trao đổi các đoàn cán bộ để học hỏi kinh nghiệm công tác lẫn nhau. Điển hình cho hoạt động này là việc trao đổi thường xuyên các đoàn cán bộ pháp luật và tư pháp giữa các tỉnh Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng trị, Quảng Bình, Khánh Hòa và các tỉnh Luông Phra Băng, Chăm Pa Sắc, Sạ Vắn Na Khẹt, Khăm Muộn, Bô Li Khăm Xay... Hoạt động này ngày càng được mở rộng ra các tỉnh khác có chung đường biên giới, qua đó tô đậm thêm mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết anh em giữa Đảng, Nhà nước và dân tộc hai nước Việt Nam và Lào.
Việc hợp tác giữa các cơ quan tư pháp các tỉnh đường biên mặc dù đã có nhưng chưa được đặt trong bối cảnh hợp tác chung đang phát triển tốt đẹp giữa hai Bộ Tư pháp. Hình thức hợp tác hiện nay còn đơn điệu, chủ yếu vẫn chỉ là trao đổi các đoàn công tác. Sự quan tâm chỉ đạo và hướng dẫn từ hai Bộ Tư pháp để thúc đẩy hợp tác tư pháp giữa các tỉnh đường biên còn có những điểm hạn chế, chưa ngang tầm với yêu cầu đặt ra. Kinh phí cho hoạt động hợp tác tư pháp các tỉnh đường biên còn hạn chế từ đó làm cho các nội dung và hình thức hợp tác chưa đa dạng, phong phú.
Sự hợp tác giữa hai Nhà nước, hai Bộ Tư pháp và hợp tác giữa các tỉnh biên giới Việt Nam và Lào nhằm giải quyết những vướng mắc về mặt pháp lý cho đồng bào các dân tộc sống ở hai bên biên giới đã có những bước tiến tích cực. Cụ thể là Bộ Tư pháp Việt Nam đã triển khai kế hoạch giải quyết tình trạng di cư tự do, vượt biên trái phép, chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn. Song, hai bên vẫn chưa giải quyết được triệt để hiện tượng người không có quốc tịch, hoặc không đủ điều kiện để nhập quốc tịch/thôi quốc tịch, các vấn đề không được đăng ký khai sinh, đăng ký khai sinh quá hạn, kết hôn không giá thú, vấn đề di cư tự do của người dân sống dọc biên giới Việt Nam – Lào. Cơ chế phối hợp công tác, xử lý các vấn đề cụ thể giữa các cơ quan tư pháp đường biên Việt Nam – Lào dường như chưa được thể chế hóa kịp thời, và trong nhiều trường hợp thì sự phối hợp phải qua Bộ Tư pháp ở trung ương nên thường bị chậm trễ. Tình trạng người dân sống dọc biên giới Việt – Lào vi phạm pháp luật do không hiểu hết được các quy định pháp luật của nhau vẫn xảy ra đặt ra nhu cầu cần tuyên truyền, phổ biến pháp luật của hai nước cho đồng bào biên giới. Đây chính là những điểm cần quan tâm hơn trong việc hoạch định phương hướng hợp tác giữa hai Bộ Tư pháp trong thời gian tới.
4. Định hướng hợp tác trong thời gian sắp tới
Trên tinh thần đồng chí anh em tin cậy lẫn nhau, trên cơ sở hợp tác truyền thống, toàn diện và đặc biệt, quan hệ hợp tác về pháp luật luật và tư pháp giữa hai Bộ Tư pháp, giữa các cơ quan tư pháp địa phương Việt Nam - Lào, đặc biệt là giữa các cơ quan tư pháp các tỉnh biên giới cần được đẩy mạnh cả về chiều rộng và chiều sâu nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của hai nước, góp phần vun đắp cho tình đoàn kết thủy chung, trong sáng Việt Nam - Lào, vì lợi ích của hai dân tộc, vì hòa bình, phồn vinh và khu vực và thế giới.
Định hướng hợp tác cụ thể như sau:
Về tăng cường hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Lào
a) Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2011 - 2015: trong đó ưu tiên hoạt động hợp tác đào tạo (tăng cường hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho Bộ Tư pháp Lào dưới hình thức đào tạo cơ bản, và đào tạo nghề luật); hoàn thành dự án hỗ trợ Bộ Tư pháp Lào xây dựng Trung tâm cơ sở dữ liệu pháp luật, trao đổi kinh nghiệm xây dựng và thi hành pháp luật.
b) Tiến hành rà soát, đánh giá tình hình thực hiện và hiện đại hóa Hiệp định Tương trợ tư pháp và pháp lý trong lĩnh vực dân sự và hình sự giữa hai nước nhằm đáp ứng tình hình hiện nay, góp phần giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện pháp luật, đặc biệt tại các khu vực biên giới của hai nước. Hai Bộ Tư pháp cần quan tâm nghiên cứu để đưa ra hướng dẫn cụ thể, chi tiết đối với quy định của Hiệp định Tương trợ tư pháp về việc các cơ quan tư pháp của các tỉnh giáp biên giới của hai nước được liên hệ trực tiếp với nhau để thực hiện tương trợ tư pháp nhưng phải báo cáo Bộ Tư pháp hoặc Viện kiểm sát tối cao của nước mình (Khoản 1 Điều 4 Hiệp định Tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHDCND Lào).
c) Phối hợp nghiên cứu, hỏi hỏi kinh nghiệm của nhau nhằm từng bước gia nhập một số thiết chế đa phương và công ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại: gia nhập Hội nghị La-hay về tư pháp quốc tế, tham gia Công ước La-hay về tống đạt giấy tờ, về miễn hợp pháp hóa lãnh sự đối với các giấy tờ công vụ, tham khảo ý kiến và kinh nghiệm của nhau để cùng có tiếng nói chung trong các diễn đàn pháp luật quốc tế và trong khu vực ASEAN.
d) Tăng cường sự tham gia của nhau vào các dự án hợp tác với nước ngoài về pháp luật phù hợp với các mục tiêu của các dự án (hợp tác 3 bên Việt Nam – Lào và nước thứ ba): Trong điều kiện phù hợp, mời các cán bộ pháp luật của Bộ Tư pháp và cơ quan tư pháp tham gia vào hoạt động nghiên cứu pháp luật so sánh, các hội nghị, hội thảo quốc tế do các chương trình/dự án hợp tác với nước ngoài tại hai nước tổ chức, trao đổi và chia sẻ các sản phẩm, kết quả nghiên cứu trong khuôn khổ hợp tác pháp luật với nước ngoài….
e) Tổ chức “Năm đoàn kết Việt – Lào” của ngành tư pháp vào năm 2012: Hai Bộ Tư pháp sớm trao đổi, đề xuất các hoạt động thiết thực nhằm tổ chức kỷ niệm 30 năm quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp, góp phần vào kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào.
Về hỗ trợ của hai Bộ Tư pháp đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp địa phương
Để hỗ trợ các Sở Tư pháp, các cơ quan thi hành án dân sự của các tỉnh dọc khu vực biên giới Việt Nam – Lào, Bộ Tư pháp hai nước sẽ phối hợp:
a) Tiến hành rà soát, khảo sát đánh giá thực trạng thi hành pháp luật có liên quan đến công tác hộ tịch, quốc tịch, nuôi con nuôi, thi hành án dân sự của các tỉnh có chung đường biên giới giữa Việt Nam và Lào để đề xuất ban hành các quy định và biện pháp phối hợp cụ thể, xây dựng những thỏa thuận hợp tác trong từng lĩnh vực chuyên môn để hỗ trợ nhau giải quyết các vấn đề vướng mắc có liên quan đến quyền và lợi ích của công dân, đồng bào định cư, sinh sống tại các tỉnh đường biên.
b) Xây dựng tài liệu hướng dẫn về hợp tác giữa các Sở Tư pháp, Cục thi hành án để các cơ quan tư pháp địa phương chủ động tiến hành hợp tác phù hợp với địa phương mình.
c) Cùng nhau xác định các vấn đề pháp luật có cùng quan tâm để xây dựng các chương trình hợp tác thực hiện phổ biến, tuyên truyền pháp luật của hai nước tại các tỉnh đường biên.
d) Tăng cường trao đổi thông tin, cập nhật tình hình và chủ động đề xuất các phương án triển khai các hoạt động hợp tác đến cơ sở: quan tâm nghiên cứu đề xuất với các nhà tài trợ nước ngoài, tổ chức quốc tế để có các dự án hay chương trình hỗ trợ cho các cơ quan tư pháp địa phương hai nước trong giải quyết những vấn đề hay khó khăn mà Việt Nam và Lào không đủ kinh nghiệm và nguồn lực giải quyết.
đ) Trong Chương trình hợp tác Việt – Lào của hai Bộ Tư pháp, quan tâm tới nhu cầu của các cơ quan tư pháp địa phương giáp đường biên, kể cả ưu tiên cử cán bộ tư pháp các tỉnh biên giới tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật được tổ chức trong khuôn khổ kế hoạch hợp tác chung của hai Bộ Tư pháp.
e) Khuyến khích các Sở tư pháp, cơ quan thi hành án dân sự của 10 tỉnh biên giới với Lào chủ động nghiên cứu, đề xuất nội dung hợp tác và đề xuất cơ chế phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ tư pháp với các đối tác của Lào. Các đề xuất có thể gửi về hai Bộ Tư pháp để tổng hợp và nếu thích hợp thì đưa vào chương trình hợp tác năm tiếp theo giữa hai Bộ Tư pháp.
Hy vọng rằng những đề xuất này có thể góp phần nâng quan hệ hợp tác về pháp luật của hai nước lên một tầng cao mới giúp cho các cơ quan tư pháp địa phương hai nước phối hợp với nhau giải quyết tốt các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình, giữ gìn sự bình yên đường biên giới hai nước, góp phần vào sự phát triển quan hệ truyền thống hữu nghị đặc biệt Việt - Lào.
Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp