Cải cách thủ tục hành chính là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đã được triển khai thực hiện trong nhiều năm qua và thu được những kết quả quan trọng, góp phần tích cực trong việc cải thiện đáng kể môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì quá trình cải cách thủ tục hành chính cũng còn những hạn chế, bất cập; nhiều thủ tục hành chính còn chưa tạo thuận lợi, thậm chí gây phiền hà, tốn kém cho người dân và doanh nghiệp. Với quyết tâm đẩy mạnh công cuộc cải cách thủ tục hành chính, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 30/QĐ-TTg ngày 10/01/2007 phê duyệt Đề án Đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010 và Quyết định số 07/QĐ-TTg ngày 04/01/2008 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án Đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010 (gọi tắt là Đề án 30).
Đề án 30 được thực hiện qua 3 giai đoạn: giai đoạn 1, thực hiện thống kê thủ tục hành chính; giai đoạn 2, thực hiện rà soát thủ tục hành chính và giai đoạn 3, tổ chức thực hiện các kiến nghị đơn giản hoá thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện. Cho đến nay, các bộ, ngành đang khẩn trương hoàn thành giai đoạn 3 của Đề án 30. Cụ thể là trên cơ sở các Nghị quyết của Chính phủ, các bộ, ngành ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của bộ, ngành.
Bộ Tư pháp cũng đang tập trung cao độ để hoàn thành nhiệm vụ theo đúng tiến độ được giao. Tính đến ngày 28/6/2011, Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ 02 dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung nhiều Nghị định về lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, luật sư, hộ tịch, chứng thực, hôn nhân và gia đình; đồng thời đã ban hành 04 Thông tư trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp để thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính tại 03 Nghị quyết của Chính phủ (Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 08/6/2010, Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 10/12/2010, Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 10/12/2010).
Theo tính toán sơ bộ, tổng số thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp đã được đơn giản hóa như sau: số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Chính phủ đã được đơn giản hóa là 96/96 thủ tục (đạt tỷ lệ 100%), số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền liên Bộ là 0/39 thủ tục (đạt tỷ lệ 0%), số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Bộ là 36/62 thủ tục (đạt tỷ lệ 58,06%). Tuy nhiên, các đơn vị thuộc Bộ có liên quan cũng cần khẩn trương hoàn thành việc xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành Thông tư và Thông tư liên tịch để tiếp tục thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính còn lại thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp. Việc ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật này sẽ góp phần tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, qua đó thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.
Giai đoạn 3 của Đề án 30 sắp kết thúc, nhưng kết quả của Đề án 30 sẽ tiếp tục được duy trì và phát huy bằng việc thiết lập thể chế và bộ máy cho hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính từ Trung ương đến địa phương. Với Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính; Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VPCP-BNV ngày 26/01/2011 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của bộ phận kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Văn phòng Bộ, cơ quan ngang Bộ và Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thông tư số 224/2010/TT-BTC ngày 31/12/2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện các hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành khác đã tạo khung pháp lý cho hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính. Đồng thời, trên cơ sở các văn bản pháp luật nêu trên, hệ thống các cơ quan, đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính tại các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được thành lập với nòng cốt là các thành viên của Tổ công tác thực hiện Đề án 30.
Ngày 9/4/2011, Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Văn phòng Bộ Tư pháp đã được thành lập theo Quyết định số 488/QĐ-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Theo đó, Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính có nhiệm vụ, giúp Chánh Văn phòng trong việc kiểm soát thủ tục hành chính đối với các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng; xây dựng và trình Bộ trưởng dự thảo Quyết định công bố thủ tục hành chính; thực hiện việc tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính; rà soát, đánh giá thủ tục hành chính; kiểm soát chất lượng thống kê và nhập dữ liệu thủ tục hành chính đã được công bố vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính theo quy định....
Từ khi thành lập cho đến nay, Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Văn phòng Bộ đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao như hoàn thành xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung nhiều Nghị định; đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung nhiều Thông tư; phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ có liên quan xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch để thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng của Bộ Tư pháp; xây dựng dự thảo Quy chế kiểm soát thủ tục hành chính; xây dựng Kế hoạch tổ chức Hội nghị triển khai công tác kiểm soát thủ tục hành chính và thực hiện các hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính khác theo thẩm quyền được giao. Thông qua hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính công tác cải cách thủ tục hành chính của Bộ Tư pháp được tiến hành bài bản, sâu rộng và hiệu quả, góp phần tích cực vào công cuộc cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ nói riêng và của cả nước nói chung.
Với quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính của Đảng và Nhà nước, trong đó coi cải cách thủ tục hành chính là khâu đột phá, cùng với sự nỗ lực của các cơ quan, đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, sự tham gia tích cực của người dân và doanh nghiệp, công cuộc cải cách thủ tục hành chính nói riêng và cải cách hành chính nói chung đi vào chiều sâu, ổn định, hiệu lực và hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Điều này đã được minh chứng bằng việc thông qua hoạt động cải cách theo Đề án 30, Việt Nam đã được xếp vào nhóm 10 nền kinh tế có nhiều sự cải thiện môi trường kinh doanh nhất và tăng 10 bậc (đứng thứ 78 trong số 183 nền kinh tế) trong bảng xếp hạng các nền kinh tế (theo báo cáo môi trường kinh doanh năm 2011 của Ngân hàng thế giới công bố ngày 04/11/ 2010). Những kết quả này đã đang và sẽ tiếp tục được khẳng định và phát huy trong thời gian tới.
Trà My, Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Bộ