Quyền yêu cầu bồi thường nhà nước: Người dân vẫn lơ mơ

19/09/2011
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Theo tổng hợp từ các Bộ, ngành và địa phương thì sau một năm rưỡi thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN), các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã tiếp nhận khoảng 400 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, dự báo con số này sẽ tăng lên đáng kể khi mà nhiều người dân hiểu được một cách thấu đáo quyền yêu cầu bồi thường nhà nước của mình.

Giải quyết 300/400 vụ việc tiếp nhận

 Trong số vụ việc đã tiếp nhận (chưa bao gồm các vụ việc yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi quản lý hành chính trong thủ tục giải quyết vụ án hành chính), các cơ quan đã thụ lý giải quyết khoảng 300 vụ việc. Hoạt động phát sinh nhiều yêu cầu bồi thường nhất là quản lý hành chính và thi hành án dân sự. Trong hoạt động quản lý hành chính, lĩnh vực phát sinh nhiều yêu cầu bồi thường nhất là thuế, hải quan, xử phạt vi phạm hành chính. Phần lớn các yêu cầu bồi thường được thực hiện tại cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Chỉ một số lượng nhất định người bị thiệt hại không đồng ý với quyết định giải quyết bồi thường và khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường.

Bên cạnh hoạt động giải quyết bồi thường tại cơ quan có trách nhiệm bồi thường, yêu cầu bồi thường nhà nước trong hoạt động giải quyết vụ án hành chính cũng có chiều hướng phức tạp. Theo số liệu tại Hội nghị tổng kết công tác pháp chế của ngành Tài chính, năm 2010, Cục Thuế TP. HCM đã phải tham gia tố tụng tại Tòa Hành chính với tư cách là bị đơn trong gần 80 vụ án hành chính, mà hầu hết các vụ việc trên đương sự đều có yêu cầu bồi thường nhà nước.

Qua phản ánh của các cơ quan cho thấy, yêu cầu bồi thường nhà nước trong thời gian tới sẽ và diễn biến phức tạp vì hiện tại có nhiều trường hợp thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và còn thời hiệu nhưng tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp chưa gửi đơn yêu cầu bồi thường. Một phần do họ cần phải thu thập hồ sơ, chứng cứ, phần khác là nhiều trường hợp chờ văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra thiệt hại.

Tuyên truyền chưa tới dân

Đặc biệt, với việc triển khai thực hiện Luật Tố tụng hành chính, phạm vi giải quyết vụ án hành chính của Toà án được mở rộng thì số vụ việc yêu cầu bồi thường nhà nước dự kiến sẽ gia tăng đáng kể. Bởi Luật Tố tụng hành chính có quy định hồi tố, cho phép khởi kiện vụ án hành chính đối với hành vi, quyết định quản lý hành chính về đất đai từ năm 2006. Theo đó, yêu cầu bồi thường nhà nước trong lĩnh vực quản lý đất đai có thể sẽ rất phức tạp vì đây vốn là lĩnh vực có đối tượng rộng, giá trị bồi thường lớn; tình hình khiếu nại, tố cáo phức tạp; liên quan đến trách nhiệm của nhiều cấp, nhất là cấp huyện và cấp xã.

Tuy nhiên, có một bộ phận lớn người dân, tổ chức và doanh nghiệp còn chưa biết đến hoặc nắm bắt chưa toàn diện, chưa thấu đáo về cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của Luật TNBTCNN. Chẳng hạn, nhiều người bị thiệt hại thuộc phạm vi TNBTCNN nhưng chưa biết đến cơ chế BTNN để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Ngoài ra, có trường hợp lại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường mặc dù chưa thực hiện thủ tục xác định hành vi trái pháp luật theo quy định của Luật; một số doanh nghiệp mặc dù thuộc trường hợp được bồi thường theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật trước khi ban hành Luật TNBTCNN nhưng vẫn thực hiện việc yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật TNBTCNN…

Nguyên nhân của tình trạng này được xác định là mặc dù công tác tuyên truyền, phổ biến Luật TNBTCNN và Nghị định số 16 đã được tổ chức tới hầu hết đội ngũ cán bộ, công chức trong phạm vi quản lý của Bộ, ngành, địa phương với nhiều hình thức khác nhau nhưng vẫn còn những nơi chưa quan tâm đúng mức đến công tác tuyên truyền. Việc thực hiện các hình thức tuyên truyền, phổ biến chưa kịp thời, chưa tới được nhiều đối tượng là người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Cẩm Vân

Xem thêm »