Một trong những yếu tố có ảnh hưởng lớn đến chất lượng đội ngũ luật sự hiện nay là chất lượng đào tạo. Nên có một bước “chuyển mình” hợp lý, bắt đầu từ những vấn đề “gốc” trong công tác đào tạo nguồn LS sẽ bổ sung cho đội ngũ LS những LS đạt chuẩn…
Thi tuyển để chọn đúng người
Với hồ sơ có bằng cử nhân luật, bất kỳ ai là công dân Việt Nam, có đủ sức khỏe đều được đăng ký tham gia khóa đào tạo LS. Phương thức xét tuyển “đầu vào” đã khiến cả quá trình đào tạo và “đầu ra” của các khóa đào tạo LS vẫn bị nhận xét là “chưa đạt chuẩn”.
LS.Nguyễn Chiến (Phó Tổng thư ký Liên đoàn LS Việt Nam) từng có nhiều năm kinh nghiệm tham gia giảng dạy các khóa đào tạo LS nhận thấy, chất lượng học viên không đồng đều, chất lượng khá thấp cùng sự chênh lệch của học viên từ tuổi tác, loại hình đào tạo cử nhân Luật, kinh nghiệm công tác… đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đội ngũ học viên các khóa đào tạo LS.
Thi tuyển chọn học viên đạt “ngưỡng” để đào tạo đã trở thành yêu cầu cần thiết. Theo LS.Phạm Văn Đàm (ĐLS TP.Hà Nội), phải áp dụng hình thức thi tuyển để đào tạo LS vì đặc trưng nghề nghiệp LS đòi hỏi phải có hiểu biết sâu rộng về pháp luật. Các khóa đào tạo LS là đào tạo kỹ năng nghề nghiệp nên học viên phải đạt chuẩn về kiến thức pháp luật mới có thể tiếp thu các kiến thức về kỹ năng nghề. Bên cạnh đó, thi tuyển sẽ tạo cơ hội để tuyển chọn được những học viên đủ tố chất để trở thành LS - những “ảo thuật gia của ngôn từ” và các chuyên gia vận dụng qui định pháp luật.
Hiện nay, trong số hơn 17.000 học viên đã và đang được đào tạo nghề LS, có 13.631 người được cấp chứng chỉ hành nghề LS và chỉ hơn 6.000 người được cấp thẻ LS (sau khi gia nhập ĐLS). Con số đó cũng cho thấy, số người thực sự theo nghề LS sau khi được đào tạo chỉ chiếm khoảng 35%, còn lại đa số phục vụ cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp... hoặc để chứng chỉ “nằm không”.
Tính trên bình diện xã hội thì không có vấn đề gì nhưng nếu tính đến mục tiêu có 18.000 đến 20.000 LS vào năm 2020 đảm bảo yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập thì sẽ là một thách thức lớn cho công tác đào tạo LS. Ước tính, tăng tốc để đạt mục tiêu số lượng thì mỗi năm cần đào tạo 3.000 LS (với điều kiện họ được phép và thực sự hành nghề).
Đây cũng là một “điểm yếu” mà hình thức xét tuyển nguồn đào tạo LS mang lại do không thể xác định được “nhu cầu và khả năng hành nghề” của học viên qua hồ sơ. Vì thế, nhiều LS kiến nghị phải áp dụng hình thức thi tuyển với tiêu chí ưu tiên là “thực sự yêu nghề, học nghề để hành nghề” bên cạnh tiêu chí có kiến thức pháp luật.
Bắt đầu từ đội ngũ “máy cái”
“Giảng viên là những “máy cái” để kéo cả “đoàn tàu” đào tạo nguồn LS” - là cách mà Giám đốc Học viện Tư pháp Phan Chí Hiếu dùng để nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đội ngũ giảng viên trong công tác đào tạo nguồn LS. Đội ngũ giảng viên của Học viện hiện chủ động đảm nhiệm được khoảng 40-50% khối lượng giờ giảng có chất lượng.
Điều đáng nói là các giảng viên trẻ dù đã được theo học lớp đào tạo nghề LS, có trực tiếp tham gia các hoạt động thực tiễn như tư vấn, tranh tụng, nhưng cũng chỉ là công việc kiêm nhiệm và không đủ thời gian để tích lũy kinh nghiệm nên khi giảng dạy vẫn chưa thể “thuyết phục” học viên, nhất là những người đã có kinh nghiệm công tác trong các cơ quan tố tụng, tư pháp.
Bù đắp sự thiếu hụt kinh nghiệm thực tiễn của giáo viên cơ hữu bằng đội ngũ giáo viên thỉnh giảng là biện pháp được đề cao. Song là các nhà khoa học, nghiên cứu, các LS, thẩm phán, kiểm sát viên… nên hầu hết các giảng viên thỉnh giảng lại không giỏi phương pháp sư phạm và không có nhiều thời gian đầu tư cho bài giảng. Họ là thực tiễn nên lại sa đà vào các ví dụ thực tiễn khiến nội dung lý thuyết không được truyền đạt đầy đủ cho học viên.
Thực tế đó cho thấy, đội ngũ giảng viên cho công tác đào tạo nguồn LS dù đã được nỗ lực “nâng cấp”, có sự hỗ trợ bổ sung lẫn nhau giữa giáo viên cơ hữu và giáo viên kiêm nhiệm nhưng vẫn rơi vào thực trạng “thiếu trước hụt sau”. Cùng với nhiều nguyên nhân khác, những thiếu hụt trong cơ chế phát triển đội ngũ giảng viên là nguyên nhân khiến công tác đào tạo nguồn LS vẫn bị hạn chế.
Đến nay, đã qua 10 năm thực hiện công tác đào tạo nguồn LS, Học viện Tư pháp - cơ sở duy nhất đào tạo nguồn LS - vẫn chưa có chiến lược xây dựng và đào tạo đội ngũ giảng viên kiêm chức, chưa có cơ chế khuyến khích hoặc điều động các chức danh tư pháp giỏi, có nhiều kinh nghiệm về làm giảng viên đào tạo nguồn LS, chế độ đãi ngộ đối với giảng viên chưa tương xứng… “Kiện toàn đội ngũ giảng viên theo hướng giỏi về chuyên môn, có phương pháp giảng dạy tiên tiến, tận tâm trong công việc chính là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo” - Phó Giám đốc Học viện Tư pháp TS.Nguyễn Văn Huyên nhận định.
Muốn vậy, cần có chế độ đãi ngộ cho giảng viên (mức thù lao) phù hợp để đội ngũ giảng viên cả cơ hữu và kiêm nhiệm có đủ điều kiện đầu tư nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, chất lượng bài giảng. Giảng viên cũng phải được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên, phải có cơ hội thực hành và tích lũy kinh nghiệm thực tiễn nghề LS để “đưa thực tiễn vào bài giảng lý thuyết”…
Huy Anh