Ngày 16/6, Chính phủ đã ban hành Nghị định số
57/2014/NĐ-CP quy định về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.
Theo đó, tên gọi đầy đủ theo quy định tại Nghị định là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (viết tắt là SCIC). SCIC hoạt động dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp và theo Điều lệ này. SCIC có tư cách pháp nhân, con dấu, biểu tượng riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật, SCIC còn có các chi nhánh, công ty, văn phòng đại diện trong và ngoài nước.
Mục tiêu hoạt động của SCIC là kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu nhà nước đầu tư tại SCIC và vốn của SCIC đầu tư tại doanh nghiệp khác, hoàn thành các nhiệm vụ khác do chủ sở hữu nhà nước giao; Đổi mới phương thức quản lý, nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.
Ngành, nghề kinh doanh chính của SCIC là đầu tư và quản lý vốn đầu tư theo nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; Tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ; Quản lý Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; Tiếp tục thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, bán vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đã tiếp nhận theo quy định hiện hành. Ngoài ra, các ngành, nghề có liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính như đầu tư và kinh doanh vốn vào ngành, lĩnh vực, dự án đem lại hiệu quả kinh tế theo quy định của pháp luật; Cung cấp các dịch vụ tư vấn: Đầu tư, tài chính; chuyển đổi, quản trị, mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật; Các ngành, nghề khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Nhà nước là chủ sở hữu của SCIC. Chính phủ thống nhất quản lý thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với SCIC; Thủ tướng Chính phủ trực tiếp thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu theo phân công của Chính phủ hoặc ủy quyền cho Bộ Tài Chính; Bộ Tài chính thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu theo phân công của Chính phủ hoặc theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ; Hội đồng thành viên của SCIC là đại diện trực tiếp của chủ sở hữu nhà nước đối với SCIC, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp và phần vốn góp do SCIC tiếp nhận và đầu tư.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định SCIC có quyền quyết định thành lập, mục tiêu, nhiệm vụ và ngành, nghề kinh doanh; tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể và yêu cầu phá sản; góp vốn vào doanh nghiệp khác; có quyền phê duyệt Điều lệ, sửa đổi và bổ sung Điều lệ; Quyết định đầu tư vốn điều lệ; điều chỉnh, chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ…..
Minh Loan