Tiết kiệm 7 tỷ từ cải cách thủ tục về đăng ký giao dịch bảo đảm

03/04/2012
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Được ban hành chỉ cách nhau hơn 2 tháng, hai Thông tư số 22/2010/TT-BTP ngày 6/12/2010 và Thông tư số 05/2011/TT-BTP ngày 16/2/2011 của Bộ Tư pháp đã tạo bước đột phá lớn về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm (GDBĐ). Các văn bản này lần đầu tiên hướng dẫn áp dụng hình thức đăng ký trực tuyến đối với các thủ tục hành chính về đăng ký GDBĐ.

Thông tư số 22/2010/TT-BTP hướng dẫn về đăng ký lần đầu, đăng ký thay đổi, xoá đăng ký và cung cấp thông tin trực tuyến GDBĐ, hợp đồng, thông báo kê biên tài sản thi hành án thực hiện thông qua hệ thống đăng ký trực tuyến của Cục Đăng ký quốc gia GDBĐ. Để được cấp tài khoản đăng ký trực tuyến, tổ chức, cá nhân phải gửi Hồ sơ đề nghị cấp tài khoản đăng ký trực tuyến đến Cục Đăng ký.

Do đặc thù của phương thức đăng ký trực tuyến là đơn yêu cầu đăng ký trực tuyến không có chữ ký và con dấu trực tiếp thể hiện ý chí của các bên tham gia GDBĐ, hợp đồng như đối với đơn yêu cầu đăng ký được gửi bằng phương thức trực tiếp, qua đường bưu điện, qua fax, nên dễ dẫn đến tình trạng, việc đăng ký thay đổi, xoá đăng ký không thể hiện đúng thoả thuận của các bên tham gia GDBĐ, hợp đồng, ví dụ như trường hợp bên nhận bảo đảm là người đăng ký GDBĐ lần đầu, nhưng vì lí do nào đó, bên bảo đảm lại đi đăng ký thay đổi, xoá đăng ký không đúng với nội dung đã thoả thuận trong hợp đồng bảo đảm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên nhận bảo đảm. Bởi vậy, để tránh tình trạng này xảy ra, Điều 17 Thông tư số 22/2010/TT-BTP quy định: hệ thống đăng ký trực tuyến cấp mã cá nhân (mã pin) cho người đăng ký GDBĐ, hợp đồng lần đầu để thực hiện việc đăng ký thay đổi, xoá đăng ký trực tuyến GDBĐ, hợp đồng. Người được cấp mã cá nhân có trách nhiệm bảo mật thông tin liên quan đến mã cá nhân đã được hệ thống đăng ký trực tuyến cấp. Trường hợp GDBĐ, hợp đồng được đăng ký lần đầu bằng phương thức trực tiếp, qua đường bưu điện hoặc qua fax thì người yêu cầu đăng ký có quyền yêu cầu Trung tâm Đăng ký (nơi thực hiện đăng ký GDBĐ, hợp đồng lần đầu) cung cấp mã cá nhân để thực hiện đăng ký thay đổi, xoá đăng ký trực tuyến GDBĐ, hợp đồng

Trong khi đó, Thông tư số 05/2011/TT-BTP thì hướng dẫn một số vấn đề về trình tự, thủ tục đăng ký, cung cấp thông tin về GDBĐ; trình tự, thủ tục đăng ký, cung cấp thông tin về hợp đồng mua trả chậm, trả dần có bảo lưu quyền sở hữu của bên bán, hợp đồng thuê tài sản, hợp đồng cho thuê tài chính và hợp đồng chuyển giao quyền đòi nợ; trình tự, thủ tục thông báo việc kê biên tài sản thi hành án và cung cấp thông tin về tài sản kê biên theo phương thức trực tiếp, bưu điện, fax, thư điện tử tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia GDBĐ thuộc Bộ Tư pháp.

Đặc biệt, Thông tư số 05/2011/TT-BTP nhấn mạnh: Tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Trung tâm Đăng ký cung cấp thông tin về GDBĐ, hợp đồng đã đăng ký, thông tin về tài sản kê biên thi hành án được lưu giữ trong Cơ sở dữ liệu để làm cơ sở chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của mình liên quan đến tài sản là động sản; Chấp hành viên có quyền yêu cầu cung cấp thông tin về tài sản dự định kê biên trước khi ra quyết định kê biên tài sản để thi hành nghĩa vụ của người phải thi hành án.

Như vậy, có thể thấy hai Thông tư trên đã quy định rõ về cách thức thực hiện thủ tục đăng ký trực tuyến và các phương thức trực tiếp, bưu điện, fax, thư điện tử. Nhưng điều đáng nói hơn cả là lợi ích của những cải cách này mới đây đã được “quy” thành con số rất cụ thể. Theo tính toán của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phí), chi phí tiết kiệm được từ việc đơn giản hóa các thủ tục về đăng ký GDBĐ lên đến 7 tỷ đồng. Đây cũng là “động lực” để ngành Tư pháp tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo Nghị quyết 52/NQ-CP của Chính phủ.

Cẩm Vân

Xem thêm »