Bàn về mối quan hệ giữa công lý và luật pháp

10/05/2012
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Trên cơ sở tổng kết sâu sắc thực tiễn và lý luận sau 25 năm đổi mới của đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đó, công lý đã được ghi nhận là một trong những giá trị cơ bản, xuyên suốt, định hướng cho toàn bộ quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh cải cách tư pháp tại Việt Nam nói riêng.

Có thể nói, trước yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, công lý và bảo vệ công lý đã trở thành một trong những mục tiêu cơ bản của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước ta là một giá trị tiến bộ xã hội nhân văn, bền vững được cả xã hội thừa nhận và hướng tới. Bài viết này sẽ làm rõ hơn nhận thức về công lý và mối quan hệ giữa công lý với luật pháp trước yêu cầu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch.

1. Khái niệm công lý trong nền khoa học pháp lý thế giới

Khái niệm công lý là khái niệm thu hút được những tranh luận khoa học hàng ngàn năm nay. Theo quan điểm truyền thống, công lý là khái niệm chỉ áp dụng trong quá trình tương hỗ, khi hành động của một cá nhân hướng tới người khác. Câu hỏi về công lý (justice) và bất công (injustice) chỉ xuất hiện khi có nhiều cá nhân và có những sự kiện thực tế liên quan đến quá trình tương tác với người khác. Trong nền khoa học pháp lý thế giới, công lý là khái niệm có nội hàm khá năng động, tuỳ thuộc vào từng nền văn hoá và từng giai đoạn phát triển của xã hội trong lịch sử. Theo quan niệm từ xa xưa, nữ thần công lý đã được khắc hoạ, miêu tả với ba biểu tượng đặc trưng: một thanh gươm biểu tượng cho quyền lực cưỡng chế và uy quyền của toà án, một chiếc cân để phân định cái thiện và cái ác, biểu tượng cho lẽ phải, sự công bằng, chính trực, nghiêm minh, không thiên vị và một chiếc khăn bịt mắt tượng trưng cho ý tưởng công lý “mù loà”, đề kháng, đối lập lại những áp lực, ảnh hưởng từ bên ngoài.

Từ góc độ lịch sử, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra các phân đoạn phát triển của công lý trong lịch sử văn minh nhân loại. Theo đó, công lý trong giai đoạn thứ nhất của xã hội sơ khai được thể hiện khá rõ nét bằng sự trả thù cá nhân, bằng luật báo thù, dĩ oán báo oán. Có thể nói, công lý luôn là vấn đề cốt tử trong tâm thức của các nhà làm luật từ thời cổ đại. Trong bộ luật Hammurabi của nhà nước lưỡng hà cổ đại được ban hành trong khoảng thời gian từ năm 1792 đến năm 1750 trước công nguyên, công lý được được hiểu là áp dụng hình phạt ngang bằng với thiệt hại mà kẻ phạm tội gây ra và nguyên tắc báo thù Talion (mắt đền mắt, răng đền răng) được áp dụng một cách triệt để, cứng nhắc và tàn khốc nhất. Một người thợ xây làm chết con của chủ nhà thì con của người thợ xây phải bị giết theo nguyên tắc báo thù Talion này.[1]

Giai đoạn thứ hai của sự phát triển nhận thức về công lý là thay sự báo thù bằng bồi thường, phạt vạ, để nhằm giữ yên ổn, hoà hảo trong nội bộ các bộ tộc, bộ lạc. Một ví dụ sinh động về cách phạt vạ khá cẩn thận, tỉ mỉ của người Abysinie trong giai đoạn này như sau: “Nếu một đứa nhỏ trên cây té xuống đúng vào một đứa bạn của nó, làm cho đứa này chết thì mẹ của đứa chết có quyền sai một đứa khác leo lên cây rồi buông tay cho rớt xuống đúng đầu đứa phạm tội”. Đến giai đoạn thứ ba, để ngăn chặn các cuộc trả thù cá nhân, toà án đã được thành lập để thẩm định, đánh giá các mức độ thiệt hại, từ đó hoà giải, điều đình, phân xử các xung đột giữa các cá nhân trong xã hội. Công lý và tư pháp xét xử đã vững bước song hành từ những bước phát triển của lịch sử văn minh nhân loại như vậy.[2]

Trong nền văn minh Hy Lạp cổ đại - cái nôi của văn minh phương Tây, công lý được cho rằng bắt nguồn từ trật tự xã hội, một xã hội ổn định, có trật tự sẽ thúc đẩy sự phát triển của công lý và ngược lại, một nền công lý mạnh mẽ sẽ thúc đẩy một xã hội trật tự, ổn định. Plato, nhà triết học Hy Lạp xuất sắc, đã đặt những luận giải về công lý chủ yếu trong các tranh luận về vấn đề đạo đức. Các luận điểm chỉ trích lúc đó cho rằng đạo đức là phát minh của kẻ yếu nhằm vô hiệu hoá quyền lực của kẻ mạnh và công lý không phải là đạo đức của người xuất chúng mà là thứ đạo đức nô lệ. Luận điểm này cũng cho rằng người ta chỉ trích sự bất công chỉ khi người ta là nạn nhân chứ không phải bị lương tâm cắn rứt. Sức mạnh chính là lẽ phải và công lý chính là quyền lợi của kẻ mạnh. Đáp lại những luận điểm nêu trên, Plato cho rằng công lý là những vấn đề đạo đức căn bản, những lý thuyết căn bản về luân lý. Ông nhấn mạnh công lý là một sự quan hệ giữa cá nhân, tuỳ thuộc vào tổ chức xã hội và do đó cần được nghiên cứu đồng thời, song song với cơ cấu xã hội chứ không thể được nghiên cứu như một thái độ cá nhân. Chúng ta chỉ có thể hình dung một quốc gia công bằng thì chúng ta mới đủ yếu tố định nghĩa một cá nhân công bằng. Theo Plato, công lý là một khái niệm thể hiện phẩm hạnh và sự hài hoà của cộng đồng, là kết quả của sự đồng tâm hợp tác giữa những cá nhân có đức hạnh tham gia giải quyết các vấn đề của cộng đồng và quốc gia. Công lý liên quan trực tiếp đến khả năng tự kiểm soát của cá nhân. Công lý là một vấn đề giản dị nếu con người cũng giản dị, rời xa lòng tham lam và sự xa hoa và sống theo đúng chức phận của mình. Công lý xuất phát từ sự hài hoà và nó hướng tới những người khác thông qua những hành vi nhân hậu và tử tế.[3]

 Còn theo Aristotle, một trong những người thầy có ảnh hưởng nhất đối với môn triết học chính trị, thì công lý cốt ở việc đối xử bình đẳng với những người ngang nhau và bất bình đẳng với những người không ngang hàng, tương xứng với sự khác nhau về địa vị của họ. Theo ông, công lý được chia thành “công lý cải tạo” - nơi mà toà án sửa chữa một lỗi lầm do một bên phạm phải đối với bên khác và “công lý phân phối” - cách thức, nỗ lực cố gắng để công bằng với mỗi người, đúng theo những gì mà người đó xứng đáng. Theo Aristotle, công lý phân phối chính là mối quan tâm chủ yếu, hàng đầu của các nhà lập pháp. [4]

Người La Mã tiếp tục phát triển khái niệm về công lý với nhận định rằng luật pháp là tổng hợp các quyền cá nhân. Công lý được xem là yêu cầu bắt buộc trao cho con người những quyền của họ. Tuy nhiên, người La Mã cũng không còn coi công lý là một chức năng của xã hội mà coi công lý là một nội dung và là khía cạnh pháp lý của xã hội. Nội dung này được thể chế hoá trong các chức năng của các thiết chế bảo vệ các quyền của từng cá nhân hơn là dành sự quan tâm xã hội cho tất các công dân.

Khái niệm về công lý tương giao ra đời khi sự trao đổi các giá trị, lợi ích giữa các cá nhân phát triển một cách mạnh mẽ với nguyên tắc là tôi trao một lợi ích cho bạn thì bạn của trao một lợi ích cho tôi. Một hợp đồng trao đổi là một hành động của công lý tương giao tự nguyện mà trong đó mỗi người đều nhận được những giá trị lớn hơn với giá trị tương ứng mà anh ta đã trao đi. Mục đích của công lý tương giao là duy trì sự bình đẳng về quyền giữa các cá nhân, bảo vệ sự tự do và nhấn mạnh trách nhiệm của từng cá nhân trong cộng đồng xã hội.

Trong truyền thống pháp luật tự nhiên, công lý được hiểu là đòi hỏi mỗi cá nhân hoặc nhóm được hưởng những gì mà họ xứng đáng. Công lý là quyền mà tạo hoá ban cho con người. Đây là khái nhiệm mang tính tổng quát và tuyệt đối, các quy định luật pháp, các nguyên tắc, luật lệ, quy tắc chỉ là những cố gắng hệ thống, hiện thực và cụ thể hoá khái niệm này. Công lý chỉ có thể giành được thông qua chế độ pháp quyền chứ không phải qua sự cai trị của con người. Không có công lý thì sẽ không có những đạo luật khách quan và hệ quả là các cá nhân sẽ lệ thuộc vào kẻ cai trị. Chế độ pháp quyền ở đây được hiểu là là nước phải bị chế ước bởi những quy định đã được ấn định, có đoán định được trước và mọi người đều bị quản lý bởi cùng các đạo luật. 

Truyền thống pháp luật tự nhiên cho rằng công lý và bất công không phụ thuộc vào luật thực định  (human/positive law). Augustine, nhà triết học có ảnh hưởng lớn đầu tiên thời trung cổ, cho rằng công lý cao hơn nhà nước và là vĩnh cửu. Công lý tự nhiên cao hơn luật pháp và luật pháp không công bằng thì không phải là luật pháp. Còn Thomas Aquinas, nhà triết học và thần học Italia trong truyền thống kinh viện chủ nghĩa, cũng cho rằng những đạo luật nhân định có thể công bằng hay không công bằng. Trong thực tế, công lý là khái niệm có nội hàm rộng hơn pháp luật khái niệm luật pháp và công lý cung cấp những tiêu chí để đánh giá luật thực định. Một đạo luật công bằng là một đạo luật dựa trên và không đối lập với các quyền tự nhiên. Bất công chính là những hành vi liên quan đến việc vi phạm các quyền tự nhiên như các tội giết người, hành hung, trộm cắp, bắt cóc, nô lệ, hiếp dâm, gian lận hoặc các hành vi có ảnh hưởng nhất định đến sự phân phối thịnh vượng, thu nhập. Không có cách phân phối cụ thể nào được coi là công bằng hoặc không công bằng từ sự lựa chọn của các cá nhân. Sự phân phối lợi ích và chi phí chỉ được coi là công bằng nếu người đó được tự do lựa chọn trao đổi với người khác.

Trong xã hội hiện đại, những giải thích về công lý có khuynh hướng tập trung vào việc làm thế nào để xã hội có thể phân phối một cách công bằng nhất những gánh nặng và phúc lợi của đời sống xã hội, từ đó đã đưa khái niệm công lý mang tính thực tiễn và chính trị hơn là một quan niệm siêu hình trước đây. F.A. Hayek,  khẳng định sự tương đồng giữa tính “mù” của công lý và cạnh tranh, theo ông, công lý và cạnh tranh đều không thiên vị ai và pháp luật chính là công lý hình thức.[5] Còn John Rawls đã định nghĩa công lý như là sự công bằng và công lý chính là chuẩn mực của một xã hội lý tưởng. Chuẩn mực của công bằng trong một thể chế xã hội cụ thể chính là nguyên tắc phân chia quyền lợi và nghĩa vụ cho mỗi cá nhân. Theo ông, công bằng chỉ có được khi con người tự nguyện cùng tham dự vào quá trình hợp tác xã hội để làm sao mỗi cá nhân giành được lợi ích nhiều hơn so với khi họ sống đơn lẻ.

 2. Về mối quan hệ giữa công lý và luật pháp

Theo định nghĩa truyền thống, pháp luật là hệ thống các quy phạm pháp luật do nhà nước đặt ra hay thừa nhận thể hiện ý chí nhà nước của giai cấp thống trị xã hội, có tính bắt buộc chung, được nhà nước đảm bảo thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội theo đường lối của nhà nước. Ở đây, cũng cần có sự phân biệt giữa hai khái niệm “pháp luật” và “luật pháp”. Luật chỉ là hình thức tồn tại của pháp luật và nó sẽ mất đi tính pháp quyền nếu nó không phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật. Luật pháp thực chất là sự định giới được mọi người chấp nhận và mang tính phi ngã (không lệ thuộc vào ý kiến và ý muốn của cá nhân) về các quyền hay ý niệm về thể cân bằng phải có giữa tự do cá thể và lợi ích toàn thể.

Theo cách tiếp cận của chủ nghĩa Mác - Lê nin về mối quan hệ giữa con người và pháp luật trong chế độ dân chủ, con người luôn được coi là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển. Trong chế độ dân chủ, “không phải con người tồn tại vì luật pháp, mà luật pháp tồn tại vì con người... Dấu hiệu đặc trưng cơ bản của chế độ dân chủ là như vậy”. Pháp luật là yếu tố thuộc thượng tầng kiến trúc, do đó nó không thể cao hơn chế độ kinh tế và sự phát triển văn hoá của xã hội, pháp luật là sự biểu hiện của lợi ích và nhu cầu chung của xã hội do phương thức sản xuất nhất định sinh ra. Về phương pháp luận chỉ đạo các nguyên tắc hoạt động sáng tạo pháp luật trong hệ thống pháp luật XHCN, C.Mác đã khẳng định tầm quan trọng của “những quy luật nội tại của những mối quan hệ tinh thần” như những quy luật khách quan mà luật thực định phải phản ánh và cụ thể hoá trong các đạo luật: “Nhà lập pháp phải coi mình như là nhà khoa học tự nhiên. Ông ta không làm ra luật, ông ta không phát minh ra chúng mà chỉ nêu chúng lên; ông ta biểu hiện những quy luật nội tại của những mối quan hệ tinh thần thành những đạo luật thành văn có ý thức. Chúng ta sẽ phải chê trách nhà làm luật là vô cùng tuỳ tiện, nếu như ông ta thay thế bản chất của sự vật bằng nhiều điều bịa đặt của mình”.

Ngày nay, công lý được coi là sự nhận thức đúng đắn và hành động đúng vì chân lí, vì công bằng và lẽ phải, phù hợp với lợi ích chung, với đạo lí của nhân dân, được xã hội và pháp luật thừa nhận. Trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, một số quan điểm nghiên cứu đã cho rằng pháp luật không chỉ đơn thuần là sản phẩm “độc quyền” của nhà nước mà trước hết phải là sự kết tinh thiêng liêng những giá trị cao quý trong xã hội, dựa trên nền tảng dân chủ, nhân bản, lương tri và đạo lý mà không một ai bác bỏ được để trở thành lẽ phải đương nhiên như tự do, bình đẳng, công lý, công minh. Nhà nước phải thừa nhận và phục tùng lẽ phải và công lý, lấy đó làm thước đo để hướng tới sự phù hợp và hoàn thiện để củng cố lòng tin của nhân dân vào sự công minh của mình.

Luật pháp và công lý có mối quan hệ qua lại chặt chẽ. Luật pháp phục vụ công lý nếu nó giúp tạo dựng sự bình yên và bảo vệ các quyền cá nhân của con người bị vi phạm. Tuy nhiên luật pháp cũng có thể tự nó lạm dụng quyền lực để vi phạm các quyền con người hoặc nhằm vi phạm các quyền của bên thứ ba. Một đạo luật được coi là áp dụng một cách công bằng  nếu nó được áp dụng một cách công khai, minh bạch, không thiên vị và nhất quán. Bất công sẽ xảy ra nếu những trường hợp tương tự như nhau không được xử lý bằng một cách thức như nhau. Luật pháp cần xử lý các trường hợp như nhau với cách thức như nhau trừ khi có các tình tiết khác. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng luật pháp và công lý là hai khái niệm không hoàn toàn đồng nhất, thậm chí, trong một số xã hội, luật pháp đôi khi đi chệch hướng hoặc đối nghịch với công lý...

Nguyễn Xuân Tùng


[1] Nguyễn Anh Tuấn: Khảo lược Bộ luật Hammurabi của Nhà nước lưỡng hà cổ đại, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, năm 2008.

[2] Will Durant: Nguồn gốc văn minh, Nhà Xuất bản văn hoá thông tin, năm 2006.

[3] Will Durant: Câu chuyện triết học, Nhà xuất bản Đà Nẵng, năm 2009.

[4] Raymond Wacks: Triết học luật pháp (Phạm Kiều Tùng dịch), Nhà xuất bản tri thức, năm 2011.

[5] F.A. Hayek: Đường về nô lệ (Phạm Nguyên Trường dịch), Nhà xuất bản tri thức, năm 2009.

Xem thêm »