Tiêu chí xác định chất lượng của hệ thống pháp luật

10/08/2012
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

“Theo điều tra của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, thực trạng kém chất lượng của hệ thống văn bản pháp luật hiện hành có thể gói gọn trong "chín không": Không đầy đủ, không rõ ràng, không cụ thể, không tương thích, không minh bạch, không tiên liệu trước, không hợp lý, không hiệu quả và không hiệu lực. Đi liền với những quy định chồng chéo, mâu thuẫn là sự thường xuyên thay đổi, tính ổn định không cao của hệ thống văn bản dưới luật đã làm giảm hiệu lực của văn bản luật, dẫn tới khó khăn trong việc thực hiện và tác động xấu đến sự ổn định chính trị xã hội, nhất là quan hệ kinh tế. Đồng thời, rất nhiều văn bản pháp luật có tính quy phạm thấp, thiếu những quy tắc xử sự cụ thể mà chủ thể phải thực hiện. Còn tồn tại những luật "khung", luật "ống" trong khi đó nhiều lĩnh vực như đất đai, thủy sản, lao động… đòi hỏi phải được điều chỉnh cụ thể và chi tiết.” [1].

Trước thực trạng nêu trên của hệ thống pháp luật, muốn xây dưng một hệ thống pháp luật đảm bảo yêu cầu hợp hiến, thống nhất, đồng bộ, khả thi và đáp ứng yêu cầu hội nhập cần phải xây dựng các tiêu chí để xác định một hệ thống pháp luật có chất lượng. Trong đó, chất lượng của hệ thống pháp luật cần được thể hiện ở cả hình thức và nội dung của nó. Để có chất lượng đòi hỏi các văn bản pháp luật phải được ban hành đúng thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục luật định, có tên gọi phù hợp với nội dung thể hiện, có hình thức rõ ràng, có nội dung được kết cấu chặt chẽ, lôgíc, các thuật ngữ pháp lý được sử dụng chính xác, một nghĩa, lời văn trong sáng, ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với khả năng nhận thức của quảng đại quần chúng nhân dân.

Chất lượng của hệ thống pháp luật là một trong những cơ sở để bảo đảm cho việc thực hiện và áp dụng pháp luật đạt được kết quả cao trong thực tiễn, đồng thời cho phép dự báo được khả năng hiện thực hoá các quy định pháp luật trong đời sống xã hội. Nếu chất lượng của pháp luật thấp, tính khả thi kém thì việc thực hiện chúng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có những quy định pháp luật nhiều khi không thể thực hiện được trên thực tế.

Để đánh giá chất lượng của hệ thống pháp luật Việt Nam, xác định mức độ hoàn thiện của nó cần phải dựa vào những tiêu chí được xác định về mặt lý thuyết, từ đó liên hệ với điều kiện và hoàn cảnh thực tế trong mỗi giai đoạn cụ thể, xem xét một cách khách quan và rút ra những kết luận, làm sáng rõ những ưu điểm và nhược điểm của hệ thống pháp luật. Có nhiều tiêu chí để xác định chất lượng của  hệ thống pháp luật Việt Nam trong đó có các tiêu chí cơ bản là: Tính toàn diện, đồng bộ, tính thống nhất, tính phù hợp, ngôn ngữ, kỹ thuật xây dựng pháp luật và tính khả thi của hệ thống pháp luật.

Hệ thống pháp luật phải toàn diện, đồng bộ

Tính toàn diện, đồng bộ của hệ thống pháp luật thể hiện sự thống nhất ở hai cấp độ. Ở cấp độ chung, sự đồng bộ giữa các ngành luật với nhau. có 2 vấn đề lớn là : xác định rõ ranh giới giữa các ngành luật và tạo ra đựoc 1 hệ thống QPPL căn bản ( thể hiện trong các văn bản luật) để tạo cơ sở củng cố tính thống nhát của toàn bộ hệ thống pháp luật. Ở cấp độ cụ thể đó là thể hiện sự thống nhất , không mâu thuẫn, không trùng lặp, chồng chéo trong mỗi ngành luật , mỗi chế định pháp luật và giữa các QPPl với nhau. xét theo cơ cấu của mỗi hệ thống Pl với 3 thành tố cơ bản thì ngành luật có tính chất loại, chế định PL có tính chất nhóm, QPPL có tính chất tế bào.để tạo ra tính đồng bộ pải giải quyết triệt để , đúng đắn mối quan hệ loại- nhóm - tế bào.

Hệ thống pháp luật toàn diện và đồng bộ thể hiện ở cấu trúc hình thức của nó, nghĩa là hệ thống pháp luật phải có khả năng đáp ứng được đầy đủ nhu cầu điều chỉnh pháp luật trên các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội, các quy định pháp luật phải có khả năng bao quát toàn bộ đời sống xã hội, để các quan hệ xã hội quan trọng có tính điển hình, phổ biến cần có sự điều chỉnh của pháp luật thì đều có pháp luật điều chỉnh. Về kết cấu mỗi quy phạm pháp luật phải có cấu trúc lôgíc, chặt chẽ; mỗi chế định pháp luật có đầy đủ các quy phạm pháp luật cần thiết; mỗi ngành luật có đầy đủ các chế định pháp luật theo cơ cấu của ngành luật; còn hệ thống pháp luật có đủ các ngành luật đáp ứng được nhu cầu phát triển của các quan hệ xã hội ở mỗi giai đoạn phát triển của đất nước. Điều này đòi hỏi việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật không chỉ chú trọng tới các luật về tổ chức bộ máy nhà nước, củng cố chính quyền nhân dân mà còn phải chú ý tới các luật điều chỉnh một cách toàn diện các quan hệ xã hội thuộc các lĩnh vực đời sống dân sinh như dân sự, thương mại, đầu tư, môi trường..., không chỉ chú trọng tới luật nội dung mà còn phải chú ý tới luật hình thức về trình tự, thủ tục.

Bất kỳ một quy phạm hay văn bản quy phạm pháp luật nào cũng được tạo ra và tác động không phải trong sự độc lập, riêng rẽ mà trong một tổng thể những mối liên hệ và những sự ràng buộc nhất định. Do vậy, tính toàn diện và đồng bộ của hệ thống pháp luật có ảnh hưởng rất lớn tới tính khả thi và hiệu quả của việc thực hiện pháp luật. Bởi tất cả những mối liên hệ, những sự ràng buộc đó của các quy định, các văn bản pháp luật với những yếu tố và hiện tượng khác nhau trong đời sống xã hội xét đến cùng đều có ảnh hưởng tới sự tác động, điều chỉnh của pháp luật. Việc thực hiện một quy phạm pháp luật hay một chế định luật không tốt có thể sẽ làm việc thực hiện các quy phạm, các chế định pháp luật khác gặp nhiều khó khăn thậm chí là không thể thực hiện được, tuỳ theo vị trí, vai trò và các mối liên hệ của nó với các yếu tố, các bộ phận khác.

Tính toàn diện, đồng bộ của hệ thống pháp luật còn thể hiện ở việc ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết các văn bản, quy định pháp luật trong những trường hợp cần có sự quy định chi tiết, để khi văn bản pháp luật có hiệu lực thì nó cũng đã có đủ các điều kiện để có thể được tổ chức thực hiện ngay trên thực tế.       

 Hệ thống pháp luật phải luôn thống nhất

Sự thống nhất của hệ thống pháp luật là điều kiện cần thiết bảo đảm cho tính thống nhất về mục đích của pháp luật và sự triệt để trong việc thực hiện pháp luật. Tính thống nhất của hệ thống pháp luật được thể hiện trong cả hệ thống cũng như trong từng bộ phận hợp thành của hệ thống pháp luật ở các cấp độ khác nhau, nghĩa là giữa các ngành luật trong hệ thống pháp luật; giữa các chế định pháp luật trong cùng một ngành luật; giữa các quy phạm pháp luật trong một chế định pháp luật cũng phải thống nhất. Không có các hiện tượng trùng lặp, chồng chéo, mâu thuẫn lẫn nhau của các quy phạm pháp luật trong mỗi bộ phận và trong các bộ phận khác nhau của hệ thống pháp luật. Điều này đòi hỏi các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành không chỉ bảo đảm sự thống nhất, hài hoà về nội dung mà còn phải bảo đảm tính thứ bậc của mỗi văn bản về giá trị pháp lý của chúng.

Hệ thống pháp luật được ban hành phù hợp

Tính phù hợp của hệ thống pháp luật thể hiện ở nội dung của hệ thống pháp luật luôn có sự tương quan với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Có thể nói pháp luật là những nhu cầu cơ bản, điển hình và có tính phổ biến nhất của đời sống kinh tế - xã hội được khái quát hoá, mô hình hoá dưới hình thức pháp lý cụ thể thông qua hoạt động lý trí và ý chí của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do vậy, sự phù hợp của các văn bản quy phạm pháp luật mà đặc biệt là của các văn bản luật với các quy luật khách quan của sự phát triển kinh tế - xã hội là điều kiện vô cùng quan trọng bảo đảm cho tính khả thi và hiệu quả của pháp luật. Phù hợp với các quy luật và điều kiện kinh tế - xã hội sẽ làm cho pháp luật dễ dàng được thực hiện, đồng thời cũng góp phần thúc đẩy, tạo điều kiện cho sự phát triển của kinh tế - xã hội, trường hợp ngược lại, pháp luật khó được thực hiện trên thực tế, thậm chí có thể cản trở hoặc gây ra những thiệt hại nhất định cho sự phát triển đó.

Trước hết các quy định pháp luật phải vừa phản ánh được những quy luật kinh tế chung vừa phản ánh được những quy luật kinh tế đặc thù của phương thức sản xuất tồn tại trong đất nước. Nó phải tạo ra được những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển nhanh, bền vững của kinh tế đất nước. Trong giai đoạn hiện nay khi chúng ta xác định xây dựng chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, xây dựng nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa thì việc hệ thống pháp luật phản ánh đúng tính chất, đặc điểm, trình độ phát triển của kinh tế - xã hội, định hướng đúng cho sự phát triển kinh tế là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng.

 Tiếp đến là sự phù hợp của pháp luật với điều kiện chính trị của đất nước, mà quan trọng nhất là phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng. Hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay phải thể chế hoá cương lĩnh chiến lược ổn định và phát triển kinh tế- xã hội của Đảng trong điều kiện đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, mở cửa, hội nhập quốc tế. Trong xã hội Việt Nam hiện nay tồn tại nhiều giai tầng khác nhau và lợi ích của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng, giai tầng cũng có sự khác nhau. Để bảo đảm cho xã hội phát triển ổn định thì đòi hỏi pháp luật phải quy định một cách sự hài hoà về lợi ích cơ bản của tất cả các lực lượng chủ yếu trong xã hội sao cho có thể chấp nhận được. Vì vậy, nội dung của hệ thống pháp luật phải quy định sao cho tương quan giữa các loại lợi ích của các tầng lớp xã hội khác nhau có được sự hài hoà và có thể chấp nhận được. Dưới hình thức pháp lý, trong khuôn khổ các văn bản pháp luật nhà làm luật phải làm sao cho lợi ích hợp pháp của tầng lớp xã hội này không xung đột với lợi ích của các tầng lớp khác. Chỉ trong những điều kiện như vậy mới bảo đảm được sự phát triển bình thường của các quan hệ xã hội và việc thực hiện các quyền, tự do, lợi ích của tầng lớp xã hội này sẽ không làm tổn hại đến tự do, lợi ích của các tầng lớp khác trong xã hội. Nếu không quan tâm tới sự thống nhất, hài hoà giữa các loại lợi ích của các lực lượng khác nhau trong quá trình xây dựng và thực hiện pháp luật có thể dẫn đến nhiều hiện tượng tiêu cực trong xã hội, chẳng những không phát huy được vai trò của pháp luật mà còn làm lu mờ bản chất tốt đẹp của pháp luật dưới chế độ xã hội chúng ta.

Trong xã hội ngoài pháp luật còn có những công cụ khác như đạo đức, phong tục tập quán, tín điều tôn giáo..., những công cụ này cùng với pháp luật luôn có tác động rất lớn lên các quan hệ xã hội. Sự tác động của các quy phạm xã hội khác nhau lên các quan hệ xã hội luôn không giản đơn, chúng có liên quan, ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Pháp luật chỉ có thể phát huy được vai trò, tác dụng của mình một cách tốt nhất khi có sự tác động cùng chiều, phù hợp với những công cụ điều chỉnh khác. Do vậy, hệ thống pháp luật đòi hỏi phải phù hợp với phong tục, tập quán, những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hoá cao đẹp của nhân dân các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước. Sự phù hợp của hệ thống pháp luật với đạo đức, văn hóa dân tộc, với thuần phong mỹ tục của đất nước, các công cụ điều chỉnh quan hệ xã hội khác cũng là một trong những yếu tố phản ánh chất lượng của nó, làm cho hệ thống pháp luật được tôn trọng và là điều kiện bảo đảm cho việc thực hiện pháp luật nghiêm minh trên cơ sở tự giác của mọi người.

Không chỉ phù hợp với các điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước hệ thống pháp luật quốc gia còn phải phù hợp với pháp luật quốc tế. Trong xu hướng hội nhập và hợp tác hiện nay, vấn đề này luôn đòi hỏi phải được chú trọng và trong những giới hạn có thể hệ thống pháp luật quốc gia cần phải phù hợp với các công ước, điều ước và thông lệ quốc tế mà quốc gia đã ký kết hoặc tham gia. Hệ thống pháp luật quốc gia phải được xây dựng phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của các điều ước và thông lệ quốc tế, tiếp thu và sử dụng có hiệu quả lý luận, kinh nghiệm điều chỉnh pháp luật của các nước khác trên thế giới.

Phương pháp điều chỉnh pháp luật được sử dụng phù hợp cho mỗi loại quan hệ xã hội. Chất lượng của hệ thống pháp luật còn biểu hiện ở việc lựa chọn phương pháp điều chỉnh pháp luật phù hợp cho mỗi loại quan hệ xã hội. Việc lựa chọn phương pháp điều chỉnh pháp luật phụ thuộc vào nội dung, tính chất của các quan hệ xã hội mà pháp luật điều chỉnh và ý muốn chủ quan của nhà làm luật thông qua sự nhận thức, sự tính toán của họ về những lĩnh vực, những vấn đề cần điều chỉnh pháp luật trong mỗi giai đoạn lịch sử của sự phát triển xã hội. Sự lựa chọn phương pháp điều chỉnh pháp luật không đúng, không phù hợp sẽ làm mất đi hoặc giảm đi tính hiệu quả của pháp luật, bởi khi đó sẽ không đạt được mục đích mong muốn hoặc chỉ đạt được ở mức độ thấp. Chẳng hạn, để giải quyết những tranh chấp, xử lý những vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai có thể bằng thủ tục hành chính và cũng có thể bằng thủ tục tư pháp, vì vậy đòi hỏi phải chọn phương pháp nào và giao cho cơ quan nào giải quyết thì phù hợp hơn, có hiệu quả cao hơn.

Trình độ kỹ thuật pháp lý khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật

Đó là tổng thể những phương pháp, phương tiện được sử dụng trong quá trình soạn thảo và hệ thống hoá pháp luật nhằm đảm bảo cho pháp luật có được đầy đủ các khả năng để điều chỉnh có hiệu quả các quan hệ xã hội. Điều này đòi hỏi: Khi xây dựng và hoàn thiện pháp luật phải đưa ra được những nguyên tắc, những trình tự thủ tục tối ưu để tiến hành có hiệu quả quá trình đó nhằm tạo ra được những quy định, những văn bản pháp luật tốt nhất, đồng thời phù hợp với các quy định đã có; xác định chính xác, khoa học cơ cấu của hệ thống pháp luật phù hợp với các điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước; ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản phải chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu, đảm bảo tính cô đọng, lôgíc và một nghĩa. Đối với những thuật ngữ chuyên môn cần xác định rõ nội dung đều được giải thích trong văn bản.

Quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật phải thường xuyên sử dụng các phương tiện, các cách tiếp cận, các kỹ thuật pháp lý, các quy tắc pháp lý tiên tiến khoa học nhất đã đạt được của nhân loại trong lĩnh vực điều chỉnh pháp luật. Nội dung các quy phạm pháp luật, các văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng với một trình độ kỹ thuật pháp lý cao có kết cấu chặt chẽ, lôgíc, các thuật ngữ pháp lý được sử dụng chính xác, một nghĩa, lời văn trong sáng, ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với khả năng nhận thức của quảng đại quần chúng nhân dân. “Một quy phạm pháp luật sẽ phát huy được hiệu quả cao hơn nếu phù hợp với quan niệm, ý thức hiện có của công dân và ngược lại2. Sự chặt chẽ, rõ ràng, chính xác của các quy phạm pháp luật cũng tránh được những thiếu sót, sơ hở có thể bị lợi dụng trong quá trình thực hiện và áp dụng pháp luật. Để có chất lượng các văn bản pháp luật phải được xây dựng đúng thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục luật định, có tên gọi phù hợp với nội dung thể hiện, hình thức rõ ràng, dễ thực hiện.

Mức độ hệ thống hóa cao và sự tồn tại của nhiều bộ luật cũng được coi là biểu hiện của một hệ thống pháp luật hoàn thiện. Tính hệ thống hóa cao là đảm bảo rất quan trọng cho việc thực hiện pháp luật dễ dàng, thuận lợi và chính xác.

Các quy định của pháp luật phải có khả năng thực hiện được

 Một hệ thống pháp luật có chất lượng thì phải bảo đảm tính khả thi, nghĩa là các quy định pháp luật phải có khả năng thực hiện được trong điều kiện kinh tế, chính trị - xã hội hiện tại. Điều này đòi hỏi các quy định pháp luật phải được ban hành phù hợp với trình độ phát triển của đất nước ở mỗi thời kỳ phát triển nhất định. Nếu các quy định pháp luật được ban hành quá cao hoặc quá thấp so với các điều kiện phát triển của đất nước thì đều có ảnh hưởng đến chất lượng của pháp luật. Trong những trường hợp đó hoặc là pháp luật không có khả năng thực hiện được hoặc là được thực hiện không triệt để, không nghiêm, không phát huy hết vai trò tác dụng của nó trong đời sống xã hội.

Tính khả thi của hệ thống pháp luật còn thể hiện ở việc các quy định pháp luật phải được ban hành đúng lúc, kịp thời đáp ứng những nhu cầu mà cuộc sống đang đặt ra, đồng thời phải phù hợp với cơ chế thực hiện và áp dụng pháp luật hiện hành. Khi ban hành pháp luật phải xem xét tới điều kiện về kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước có cho phép thực hiện được quy định hoặc văn bản pháp luật đó hay không, đồng thời phải tính đến các điều kiện khác như tổ chức bộ máy nhà nước, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức có cho phép thực hiện được không, dư luận xã hội trong việc tiếp nhận quy định hoặc văn bản pháp luật đó (ủng hộ hay không ủng hộ), trình độ văn hoá và kiến thức pháp lý của nhân dân... Pháp luật có chất lượng phải là pháp luật đưa ra được phương án tốt nhất với phương pháp điều chỉnh pháp luật phù hợp nhất để thông qua đó có thể đạt được mục đích mong muốn trong những điều kiện kinh tế - xã hội hiện tại.

Chất lượng của hệ thống pháp luật là một trong những cơ sở để bảo đảm cho việc thực hiện và áp dụng pháp luật đạt được kết quả cao trong thực tiễn, đồng thời cho phép dự báo được khả năng hiện thực hoá các quy định pháp luật trong đời sống xã hội. “Pháp luật được ban hành kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, phù hợp với các quy luật khách quan và phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và ở trình độ pháp lý cao: rõ ràng, chính xác và một nghĩa thì tạo cơ sở cho điều chỉnh và tác động pháp luật đạt được kết quả cao và ngược lại3.

Nam Nguyễn

________________

[1]. Báo Hà Nội Mới online ngày 31/3/2012.

http://hanoimoi.com.vn/newsdetail/chinh-tri/543332/he-thong-van-ban-quy-pham-phap-luat-chong-cheo-khon-kho-voi-9-khong.htm/

[2]. Đào Trí Úc, Những vấn đề lý luận cơ bản về pháp luật, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1993, tr. 263.

[3]. Lê Minh Tâm, Về khái niệm hiệu quả pháp luật và những tiêu chí xác định hiệu quả pháp luật, Tạp chí Nhà nước và pháp luật 11/2000.tr.51.

Xem thêm »