Một số nội dung mới trong công tác tuyển dụng công chức

06/11/2012
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Sau khi Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2010) được triển khai thực hiện, công tác tuyển dụng công chức đã từng bước đi vào nền nếp, đảm bảo tính chặt chẽ, chính xác và khoa học, góp phần quan trọng trong việc lựa chọn những thí sinh có đủ năng lực và phẩm chất tham gia phục vụ nền công vụ.

Hướng dẫn triển khai Luật Cán bộ, công chức năm 2008 trong lĩnh vực tuyển dụng công chức có Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết một số điều về tuyển dụng và nâng ngạch công chức của  Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2010. Các văn bản nói trên đã đưa ra những quy định chi tiết về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục tuyển chọn nhân sự cho nền công vụ.

Sau gần 02 năm thực hiện, ngày 24 tháng 10 năm 2012, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 05/2012/TT-BNV sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết một số điều về tuyển dụng và nâng ngạch công chức của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 10 tháng 12 năm 2012. Nội dung của Thông tư sửa đổi tập trung vào việc làm rõ một số vấn đề về tiêu chuẩn thí sinh dự thi đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm trong thời gian qua, đồng thời một bước đẩy mạnh hơn công tác phân cấp trong việc quản lý tuyển dụng công chức trong các trường hợp đặc biệt (không qua thi tuyển).

1. Khẳng định rõ sự bình đẳng của các loại hình đào tạo trong việc tham gia thi tuyển vào nền công vụ

Trong thời gian qua, dư luận xã hội với nhiều ý kiến đa chiều đã phân tích, đánh giá chất lượng của các loại hình đào tạo, từ đó đặt ra những câu hỏi cho việc có nên hay không công nhận sự bình đẳng của các loại hình đào tạo trong việc tham gia thi tuyển vào nền công vụ. Thông báo tuyển dụng của một số địa phương trong thời gian gần đây như Hà Nam, Nam Định, Hà Nội, Quảng Bình, Quảng Nam, Thái Nguyên đã tạo nên một làn sóng “nói không” với những người tốt nghiệp đại học hệ tại chức, liên thông, gây nhiều tâm tư, thắc mắc trong công tác đào tạo nguồn nhân lực trong xã hội. Trước thực trạng thiếu thống nhất nói trên, Thông tư số 05/2012/TT-BNV của Bộ Nội vụ đã khẳng định rõ quan điểm khẳng định sự bình đẳng của các loại hình đào tạo trong việc tham gia thi tuyển vào nền công vụ. Cụ thể như sau:

“Khi quy định và thông báo các điều kiện đăng ký dự tuyển công chức, cơ quan quản lý công chức không phân biệt loại hình đào tạo và văn bằng, chứng chỉ (chính quy, tại chức, liên thông, chuyên tu, từ xa, theo niên hạn hoặc theo tín chỉ), không phân biệt trường công lập và trường ngoài công lập.”.

Như vậy, quan điểm thống nhất của Chính phủ đối với người tốt nghiệp các loại hình đào tạo khi tham gia dự thi vào nền công vụ là không có sự phân biệt và công nhận sự bình đẳng giữa các loại hình đào tạo.

2. Một bước đẩy mạnh phân cấp về quản lý nhà nước về công tác tuyển dụng trong các trường hợp đặc biệt

Để tăng sức thu hút đối với những người có trình độ, kinh nghiệm, những người có thành tích học tập, nghiên cứu xuất sắc tham gia nền công vụ, Điều 19 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2010 quy định một số trường hợp đặc biệt thực hiện việc tiếp nhận không qua thi tuyển, bao gồm:

Thứ nhất, người tốt nghiệp thủ khoa tại các cơ sở đào tạo trình độ đại học ở trong nước;

Thứ hai, người tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài;

Thứ ba, người có trình độ đào tạo từ đại học trở lên, có kinh nghiệm công tác trong ngành, lĩnh vực cần tuyển dụng từ 05 năm trở lên, đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng.

Đối với các trường hợp nói trên, cơ quan có nhu cầu tuyển dụng có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, sát hạch và báo cáo kết quả về Bộ Nội vụ. Sau khi Bộ Nội vụ có ý kiến thống nhất thì cơ quan quản lý công chức ra quyết định tiếp nhận công chức không qua thi tuyển theo quy định. Tuy nhiên, trong thời gian qua, số lượng công chức được tiếp nhận không qua thi tuyển là khá lớn, cơ chế quy định như trên lại tương đối “bó buộc”, thiếu tính linh hoạt đối với công tác tuyển dụng tại các bộ, ngành, địa phương, chưa phát huy tính chủ động, kịp thời trong việc tuyển dụng. Vì vậy, Thông tư số 05/2012/TT-BNV của Bộ Nội vụ đã một bước đẩy mạnh phân cấp về quản lý nhà nước về công tác tuyển dụng trong các trường hợp đặc biệt. Cụ thể như sau:

- “Cơ quan quản lý công chức quyết định việc tuyển dụng vào công chức không qua thi tuyển đối với các trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức theo quy định của Điều 10 Thông tư số 13/2010/TT-BNV”.

- “Đối với trường hợp là viên chức đang làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội, nếu có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để xem xét tuyển dụng vào công chức không qua thi tuyển theo quy định và cơ quan, tổ chức, đơn vị còn chỉ tiêu biên chế, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức xem xét, quyết định tuyển dụng vào công chức không qua thi tuyển và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Sau đó có văn bản báo cáo Bộ Nội vụ để phục vụ công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền”.

Ths. Nguyễn Xuân Tùng - Trưởng phòng Công tác cán bộ, Vụ TCCB

Xem thêm »