Ở Việt Nam, phụ nữ chiếm hơn 50% dân số và gần 50% lực lượng lao động xã hội. Trong công cuộc xây dựng đất nước trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa hiện nay, phụ nữ đóng vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội. Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách tạo điều kiện cho phụ nữ Việt Nam phát triển, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội và giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước (Hiện nay có tới 27,31% đại biểu nữ trong Quốc hội (cao nhất ở châu Á và là một trong những nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao nhất thế giới); tỷ lệ nữ tốt nghiệp đại học là 36,24%; thạc sĩ 33,95%; tiến sĩ 25,69%)... Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp phụ nữ luôn là đối tượng yếu thế, chịu nhiều thiệt thòi, ít có điều kiện tiếp cận với pháp luật, bị phân biệt đối xử so với nam giới, là nạn nhân của nạn bạo lực gia đình, tội phạm buôn bán phụ nữ, sự nghèo đói và phụ thuộc đặc biệt là phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, hải đảo .v.v…
Thực trạng phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình, tội buôn bán phụ nữ và sự bất bình đẳng về giới
Đất nước ta trải qua hàng nghìn năm phong kiến, tư tưởng "trọng nam khinh nữ" vẫn còn ăn sâu trong tiềm thức của một bộ phận dân chúng, nhất là ở những vùng, miền còn nặng về hủ tục lạc hậu... Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều chính sách để tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển, bình đẳng với nam giới; xã hội cũng đã thừa nhận vai trò và vị thế của phụ nữ. Mặc dù đã đạt được những thành quả nhất định (tỉ lệ thất nghiệp của lao động nữ trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị giảm xuống còn 5,29%. Tỷ lệ nhập học và tốt nghiệp của học sinh nam và nữ trong tất cả các cấp bậc học gần như tương đương, tỉ lệ mù chữ ở nam và nữ đã giảm đáng kể. Trên 50% số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được vay vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, 45% phụ nữ được vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội). Tuy nhiên, vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam vẫn còn những bất cập mà chúng ta còn phải tiếp tục phấn đấu để đạt mục tiêu bình đẳng thật sự giữa nam và nữ. Thực tế đã chứng minh, phụ nữ hoàn toàn có thể đảm nhiệm tốt vai trò trong hầu hết các lĩnh vực của xã hội, không thua kém nam giới. Để cố gắng làm tốt mọi việc, họ phải nỗ lực và hy sinh, nhường nhịn, thậm chí không dám đấu tranh để giành quyền bình đẳng cho chính mình.
Cũng chính vì sự âm thầm chịu đựng, nhẫn nhục hy sinh không dám đấu tranh để được “êm cửa êm nhà” mà không ít phụ nữ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình. Bạo lực gia đình diễn ra dưới nhiều hình thức cưỡng bức khác nhau như: đánh đập, hành hạ, gây thương tích cho nạn nhân, cưỡng hiếp, khủng bố tinh thần, cô lập nạn nhân trước các mối quan hệ gia đình cũng như xã hội, bao vây kinh tế, kiểm soát tiền bạc… Bạo lực gia đình dưới bất kỳ hình thức cũng để lại những tác động tiêu cực đến sức khỏe về thể chất, tinh thần không chỉ của người phụ nữ mà còn cả các thành viên khác trong gia đình; gây ra những tác động tiêu cực đến lực lượng lao động từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động kinh tế. Đặc biệt, bạo lực gia đình đối với phụ nữ đặt ra yêu cầu trợ giúp và bảo vệ những nạn nhân là phụ nữ và trẻ em. Ví dụ, để bảo vệ các phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của các hành vi bạo lực trong gia đình, cần thiết phải xây dựng hệ thống các cơ sở tạm lánh cho họ.... Do bạo lực gia đình thường gắn liền với sự tan vỡ gia đình; việc bỏ đi của trẻ em; tình trạng trẻ em thiếu người chăm sóc, nuôi dưỡng; tình trạng trẻ em có thai; trẻ em mồ côi nên còn xây dựng các cơ sở nuôi dưỡng, phục hồi thể chất, tinh thần cho các nạn nhân cũng như các chính sách, cơ chế khác để giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh. Bạo lực gia đình chống lại phụ nữ đồng thời cũng đặt gánh nặng lên hệ thống các cơ quan tư pháp bởi lẽ các hình thức bạo lực gia đình (ở những phạm vi, mức độ khác nhau) là những hành vi vi phạm pháp luật.
Không chỉ là nạn nhân của bạo lực gia đình, phụ nữ còn là nạn nhân chính của tội buôn bán người. Đến 22/10/2009 theo một báo cáo của Chính phủ, hơn 4.000 phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của những tổ chức buôn người đã được phát hiện trong 05 năm qua (2004 - 2009) ngoài ra cả nước có khoảng 22.000 phụ nữ, trẻ em đã rời khỏi địa phương, nay không rõ tung tích. Tình trạng buôn bán người ngày càng diễn biến phức tạp. Bọn tội phạm thường lợi dụng những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, éo le về tình cảm... hứa hẹn tìm giúp việc làm có thu nhập cao, đưa đi xuất khẩu lao động, du lịch để lừa bán ra nước ngoài hoặc tổ chức chọn vợ cũng được nhiều kẻ phạm tội áp dụng để lừa các cô gái trẻ.
Riêng 6 tháng đầu năm 2012, có 77 vụ mua bán người qua khu vực này bị phát hiện, 99 đối tượng tội phạm bị bắt giữ, tăng hơn 5% so với cả năm 2011. Trong 3 năm qua, lực lượng phòng chống tội phạm của bộ đội biên phòng đã khám phá hơn 240 vụ, triệt phá hơn 70 đường dây mua bán người qua biên giới và giải cứu được gần 400 nạn nhân, khởi tố và chuyển giao gần 240 đối tượng tội phạm cho cơ quan điều tra xử lý.
Thủ đoạn bắt cóc phụ nữ, trẻ em thường là nhắm vào số phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số sát biên giới. Lợi dụng đêm tối, những đối tượng tội phạm đột nhập vào nhà, dùng hung khí khống chế, thậm chí giết hại người thân, sau đó bắt trẻ em đưa sang Trung Quốc bán...gây hoang mang trong quần chúng nhân dân. Cũng có nhiều trường hợp đối tượng tìm cách làm quen với nạn nhân qua internet, rồi tìm cách bán qua biên giới. Những phụ nữ và em gái đã bị bán đi khắp nơi như Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan, Hong Kong, Macau, Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc…. với mục đích bóc lột sức lao động và tình dục, nấp dưới hình thức xuất khẩu lao động, hôn nhân không tự nguyện hoặc làm người giúp việc trong gia đình.
Bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ trẻ em là những hành vi trái pháp luật, vi phạm một cách thô bạo quyền con người, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng tới xã hội và gia đình. Hoạt động trợ giúp pháp lý có vai trò rất quan trọng bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ, phòng, chống bạo lực gia đình và buôn bán phụ nữ.
Vai trò của công tác trợ giúp pháp lý trong việc phòng, chống bạo lực gia đình và buôn bán phụ nữ và bảo đảm sự bình đẳng giới.
Kể từ khi thành lập, Cục Trợ giúp pháp lý và các Trung tâm trợ giúp pháp lý trên toàn quốc luôn xác định phụ nữ là đối tượng cần được quan tâm trong công tác trợ giúp pháp lý, đặc biệt phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình và nạn nhân của tội buôn bán phụ nữ.
Để thực hiện trợ giúp pháp lý cho phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân của tội buôn bán phụ nữ có hiệu quả đã có nhiều chuyên đề nghiên cứu về trợ giúp pháp lý cho phụ nữ được thực hiện, đánh giá những nguyên nhân của các loại tội phạm mà phụ nữ thường là nạn nhân từ đó tìm ra những biện pháp khắc phục. Đồng thời, trong quá trình xây dựng các văn bản pháp luật về trợ giúp pháp lý cũng như tham gia xây dựng các văn bản pháp luật về các lĩnh vực do các bộ, ngành khác quản lý, Cục Trợ giúp pháp lý đều đưa mục tiêu bình đẳng giới lên hàng đầu.
Từ khi thành lập đến nay các Trung tâm TGPL đã thực hiện được nhiều vụ việc trợ giúp pháp lý. Các hình thức trợ giúp pháp lý đã được thực hiện đó là: Tư vấn pháp luật (tư vấn trực tiếp, qua thư từ, điện thoại, email .v.v…); đại diện, bào chữa trước Toà án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ; đại diện ngoài tố tụng; thực hiện kiến nghị, hoà giải v.v…. Đặc biệt, trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ hệ thống trợ giúp pháp lý ở Việt Nam, 2005-2009” Cục đã thành lập được 06 Văn phòng trợ giúp pháp lý cho phụ nữ tại Hà Nội, Khánh Hoà, Bắc Giang, Thái Bình, Thành phố Hồ Chí Minh (mới thành lập năm 2009) và chỉ đạo 05 Trung tâm (Quảng Ngãi, Tây Ninh, Trà Vinh, Thừa Thiên Huế, Thanh Hoá) thực hiện thí điểm trợ giúp pháp lý cho phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình và tội buôn bán phụ nữ.
Bên cạnh việc tư vấn trực tiếp tại trụ sở, tư vấn bằng văn bản hoặc qua điện thoại cũng như tham gia đại diện, bào chữa trước Toà án, các Văn phòng trợ giúp pháp lý cho phụ nữ đã phối hợp với chính quyền địa phương, Ban Tư pháp và Hội phụ nữ xã tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý tại các xã. Tại các đợt trợ giúp pháp lý lưu động, các cán bộ trợ giúp pháp lý đã tư vấn, giải đáp các vướng mắc pháp luật của chị em, phổ biến về các quyền của phụ nữ theo các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như các Công ước quốc tế.
Để tạo cơ hội thuận lợi cho phụ nữ tiếp cận với pháp luật, các Văn phòng trợ giúp pháp lý cho phụ nữ đã tổ chức khảo sát, mở các lớp bồi dưỡng nâng cao nhận thức pháp luật cho phụ nữ với nhiều chuyên đề pháp luật có nội dung phong phú trong lĩnh vực đất đai, hôn nhân gia đình, hình sự, lao động .v.v. Tại các lớp học, chị em được nghe giới thiệu về các chuyên đề pháp luật, được trao đổi, giải đáp các vướng mắc, tình huống pháp luật cụ thể, được trang bị các kiến thức pháp luật cần thiết để tự bảo vệ mình. Các lớp học đã thu hút được đông đảo chị em tham gia. Đặc biệt, các lớp học về “bạo lực gia đình”, “ quyền của phụ nữ và trẻ em” các Văn phòng còn mời thêm một số đối tượng là nam giới tham dự từ đó giúp họ hiểu, tôn trọng và thực hiện quy định của pháp luật, thúc đẩy bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa những nơi vẫn còn tồn tại những định kiến lạc hậu về vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Ngoài ra, các Văn phòng trợ giúp pháp lý thường xuyên phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng như Đài Phát thanh, truyền hình, Báo Gia đình và xã hội, Báo Phụ nữ, Báo Lao động thông tin về hoạt động trợ giúp pháp lý cũng như trước mỗi đợt trợ giúp pháp lý lưu động, Văn phòng đều có thông báo cụ thể phát trên hệ thống truyền thanh xã để chị em biết để tham dự và được giải đáp các vướng mắc. Tại các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, các buổi trợ giúp pháp lý lưu động các Văn phòng đã phát các tờ gấp pháp luật giới thiệu về hoạt động trợ giúp pháp lý.
Một số những khó khăn vướng mắc và phương hướng hoạt động trong thời gian tới:
- Nhiều phụ nữ là nạn nhân của nạn bạo lực gia đình, nạn nhân của tội buôn bán phụ nữ khi đến với Văn phòng trợ giúp pháp lý thường không có giấy tờ, biên bản, xác nhận của các cơ quan chức năng như: Công an, Bệnh viện, Uỷ ban nhân dân hay Tổ trưởng Tổ dân phố, vì thế Văn phòng trợ giúp pháp lý gặp khó khăn trong việc làm thủ tục cử luật sư.
- Nhiều phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình, tội buôn bán phụ nữ nhưng không biết đến tổ chức trợ giúp pháp lý để được yêu cầu cử luật sư đại diện, bào chữa miễn phí.
Trong thời gian tới để hoạt động trợ giúp pháp lý cho phụ nữ nói chung và phụ nữ là nạn nhân của nạn bạo lực gia đình, nạn nhân của tội buôn bán phụ nữ đạt hiệu quả cao cần thực hiện một số hoạt động như:
- Xây dựng Thông tư về bảo đảm bình đẳng giới trong trợ giúp pháp lý để có căn cứ hướng dẫn các Trung tâm trợ giúp pháp lý trong toàn quốc thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho nạn nhân bạo lực gia đình;
- Xây dựng tài liệu hướng dẫn về giới và phòng chống bạo lực gia đình;
- Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ quyền phụ nữ; đấu tranh phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em, bạo lực gia đình; thông tin và phổ biến một cách kịp thời những thủ đoạn của bọn tội phạm buôn người, nguy cơ trở thành nạn nhân của tội buôn bán người và hậu quả do hành vi mua bán phụ nữ và trẻ em, bạo lực gia đình gây ra từ đó nâng cao nhận thức của người dân, giúp họ tự bảo vệ mình;
- Khuyến khích phụ nữ tình nguyện tham gia tuyên truyền về bảo vệ phụ nữ;
- Có sự phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội để đẩy lùi và loại bỏ hành vi buôn bán phụ nữ, bạo lực gia đình ra khỏi đời sống xã hội.