Thực tế việc đăng kí quyền sở hữu tài sản của vợ chồng

26/07/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Trong đời sống gia đình nói chung, trong đời sống vợ chồng nói riêng, vấn đề đăng kí quyền sở hữu tài sản rất phức tạp, nhất là trong điều kiện nền kinh tế hiện nay. Theo quan điểm của một số luật gia thì đăng kí quyền sở hữu tài sản của vợ chồng là việc công nhận và chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với tài sản nhằm xác định về mặt pháp lý tài sản đó thuộc sở hữu chung hay sở hữu riêng của vợ chồng.

Xét về bản chất thì việc đăng kí quyền sở hữu tài sản là một trong những biện pháp công khai các quyền tài sản. Khi tài sản đó được đăng kí sở hữu là tài sản chung của vợ chồng thì người vợ và người chồng trong gia đình là chủ sở hữu tài sản, bình đẳng trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản. Việc đăng ký quyền sở hữu tài sản thuộc sở hữu chung chính là một biện pháp bảo vệ quyền của vợ chồng đối với tài sản, trong đó thiết thực nhất là bảo vệ quyền của người phụ nữ. Kết quả của việc việc đăng ký quyền sở hữu là giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản, là chứng cứ để xác định khối tài sản chung của vợ chồng, là căn cứ pháp lý để giúp người phụ nữ trong gia đình thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình, là cơ sở để bảo vệ quyền sở hữu tài sản của người phụ nữ mình trước hành vi xâm phạm của người thứ ba hoặc ngay của người chồng về tài sản. Việc đăng kí quyền sở hữu tài sản đứng tên cả vợ chồng là một bước tiến bộ lớn trong pháp luật bảo đảm quyền tiếp cận và kiểm soát nguồn lực của người phụ nữ trong gia đình. Việc đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu - quyền sử dụng đất của người vợ tạo điều kiện và cơ hội bình đẳng cho người vợ trong việc tham gia các giao dịch dân sự với người khác ngang bằng với người chồng. Ngược lại, khi người chồng sử dụng những tài sản này vào các giao dịch thì sự thể hiện ý chí của người vợ là bắt buộc và phải công khai, minh bạch thì giao dịch mới có hiệu lực.

Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: "Tài sản chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng kí quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ chồng". Đây là một quy định mới và tiến bộ so với các văn bản pháp luật về hôn nhân và gia đình trước đây, nhằm bảo vệ quyền, lợi hợp pháp của các thành viên trong gia đình. Nghị định số 70/2001/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì các tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng khi đăng kí quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ và chồng bao gồm nhà ở, quyền sử dụng đất và những tài sản khác mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu; nếu tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng đã đăng kí quyền sở hữu trước ngày nghị định này có hiệu lực mà chỉ ghi tên một trong hai bên thì vợ chồng có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp lại Giấy tờ đăng kí quyền sở hữu tài sản để ghi tên cả hai vợ chồng; nếu vợ chống không yêu cầu cấp lại giấy tờ đăng kí quyền sở hữu tài sản, tài sản đó vẫn thuộc sở hữu chung của vợ chồng.

Mặc dù pháp luật đã quy định, tài sản chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng kí quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên cả vợ và chồng, song trên thực tế, vẫn còn nhiều trường hợp tài sản chung của vợ chồng nhưng trong giấy chứng nhận quyền sở hữu chỉ ghi tên của một bên mà chủ yếu là ghi tên người chồng. Theo kết quả điều tra gia đình Việt Nam năm 2006 do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với Tổng cục Thống kê, Viện Gia đình và Giới tiến hành với sự tài trợ của Unicef thì tỷ lệ đứng tên giấy tờ sở hữu/quyền sử dụng một số tài sản của người vợ so với người chồng được thể hiện ở bảng số liệu sau:

Bảng 1: Người đứng tên giấy tờ sở hữu/quyền sử dụng một số tài sản phân theo thành thị - nông thôn

Đơn vị tính: (%)

Tài sản

Thành thị

Nông thôn

Vợ

Chồng

Vợ và chồng

Vợ

Chồng

Vợ và chồng

Nhà/ đất ở

20.9

61.1

18

7.3

88.6

4.2

Đất canh tác, đất đồi rừng

15.2

76.9

7.9

8.0

87.2

4.8

Cơ sở sản xuất, kinh doanh

53.0

40.0

6.9

31.4

62.4

6.2

Ô tô

25.0

75.0

00

18.2

77.7

4.0

Xe máy

12.1

67.9

20.0

8.0

87.8

4.2

Ghe/thuyền máy

2.2

79.2

18.7

2.8

92.5

4.7

Nguồn: Điều tra gia đình Việt Nam 2006 - do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với Tổng cục Thống kê, Viện Gia đình và Giới tiến hành với sự tài trợ của Unicef, 2006.

Qua bảng trên cho thấy, đa phần vẫn là người đàn ông, người chồng trong gia đình đứng tên giấy tờ sở hữu. Thực trạng này đã tạo ra sự bất bình đẳng đối với người phụ nữ. Không có tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu dẫn đến hệ lụy: người phụ nữ khó chứng minh hoặc không chứng minh được quyền sở hữu tài sản của mình. Tuy nhiên, bảng số liệu trên cũng đã dự báo tín hiệu chứng tỏ mối quan hệ giữa vợ và chồng về quyền sở hữu tài sản lớn trong gia đình đã dần dần thay đổi, xu hướng phụ nữ ngày càng có nhiều quyền sở hữu các tài sản của hộ gia đình hơn. Đối với các tài sản lớn như nhà ở, ô tô, xe máy thì trong tương quan với người chồng, người phụ nữ ở thành thị chiếm tỷ lệ cao hơn ở nông thôn; đối với ghe thuyền, thì người phụ nữ ở thành thị chiếm tỷ lệ thấp hơn nông thôn, do sự phân công lao động xã hội ở thành thị khác nông thôn.

* Vấn đề đăng kí quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng

Theo quy định của Luật Nhà ở năm 2006 hay là Luật Đất đai năm 2003 thì trong phần ghi tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác đều quy định: "… Trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ và chồng thì đều phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng" (Luật Đất đai năm 2003), "trường hợp nhà ở thuộc sở hữu chung của vợ chồng thì ghi tên của cả vợ và chồng" (Luật Nhà ở năm 2006). Vậy là xét ở góc độ bình đẳng giới, thì pháp luật đã bảo vệ tối đa quyền của người phụ nữ trong lĩnh vực đăng ký quyền sở hữu tài sản đối với nhà ở và quyền sử dụng đất, bảo vệ quyền đối với tài sản của phụ nữ và nam giới trong gia đình và nhằm hạn chế những tranh chấp về tài sản chung của vợ chồng trong quá trình chung sống. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn gặp rất nhiều khó khăn.

Tìm hiểu về nhận thức của người dân về việc ai là người đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác, qua đó có thể thấy quan điểm về việc bảo vệ quyền của người phụ nữ trong lĩnh vực này. Số liệu của Cuộc điều tra bình đẳng giới năm 2005-2006 do Viện khoa học xã hội Việt Nam tiến hành sẽ thể hiện quan niệm việc chồng hay vợ đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác theo khu vực sinh sống:

Bảng 2: Quan niệm về việc chồng hay vợ đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác theo khu vực sinh sống

Đơn vi tính: (%)

 

Thành thị

Nông thôn

 

Hai vợ chồng

Chỉ chồng đứng tên

Chỉ vợ đứng tên

Ai cũng được

Hai vợ chồng

Chỉ chồng đứng tên

Chỉ vợ đứng tên

Ai cũng được

Nhà

57.6

13.1

3.2

25.4

60.2

23.1

1.1

14.9

Đất

57.6

13.9

3.2

25.6

59.5

23.9

1.2

14.7

Nguồn: Điều tra bình đẳng giới năm 2005-2006, Viện Khoa học xã hội Việt Nam.

Theo số liệu của cuộc điều tra về bình đẳng giới trên cho thấy đa số người dân cho rằng những tài sản do hai vợ chồng tạo dựng nhất thiết phải đứng tên cả hai vợ chồng. Qua bảng trên cho thấy, đa số người dân đồng tình với việc cả vợ và chồng đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác. Nhưng cũng cho thấy tồn tại nhận thức ở khu vực nông thôn quan niệm chỉ cần người chồng đứng tên tài sản nhà/đất phổ biến hơn người dân ở thành thị.

Điều này chứng tỏ một thực trạng: mặc dù pháp luật đã có quy định rõ ràng về việc đứng tên tài sản do hai vợ chồng tạo lập nhưng trong nhận thức của người dân vẫn chưa thống nhất. Vậy thực tế của vấn đề này như thế nào? Đại đa số trong gia đình Việt Nam, người chồng là người đứng tên tài sản nhà đất. Hiện nay, trong tiến trình của Dự án Luật Đất đai 2003 sửa đổi, một trong những vấn đề đang được nhiều người quan tâm chính là làm thế nào để quyền tiếp cận đất đai của người phụ nữ trong luật thực định được thực thi có hiệu quả. Mới đây, một nghiên cứu về vấn đề này do Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ đã được công bố nhằm lấy ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực này cho thấy: tỷ lệ phụ nữ đứng tên chủ quyền đất ở và các loại đất khác thấp hơn so với nam giới, ở nông thôn thấp hơn thành thị. Tỷ lệ phụ nữ đứng tên trên giấy chứng nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đứng tên cùng chồng có xu hướng cao hơn khi đó là đất của cha mẹ để lại, đất được cấp cho vợ hoặc chồng hoặc đất họ cùng mua sau khi kết hôn. Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu, tỷ lệ người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là: 44% là chồng, 22% là hai vợ chồng, 19,7% là vợ, 7,4% là người khác, 6,9% là bố mẹ .

Từ những số liệu trên (về nhận thức và thực tế của việc đứng tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác) phản ánh một thực tế: mặc dù pháp luật đã quy định về việc đăng kí tên hai vợ chồng trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác, song dường như việc triển khai những quy định này vẫn chưa đi vào cuộc sống. Tình hình này đã, đang và có thể sẽ tiếp tục gây trở ngại cho người phụ nữ trong việc đảm bảo quyền và lợi ích của mình đối với các vấn đề liên quan đến đất đai.

* Đối với phương tiện giao thông

Các phương tiện giao thông là nguồn nguy hiểm cao độ nên pháp luật đòi hỏi phải đăng kí quyền sở hữu phục vụ cho công tác quản lý nhà nước đồng thời xác định trách nhiệm dân sự của chủ sở hữu đối với các phương tiện cơ giới.

Là tài sản chung của vợ chồng, các phương tiện giao thông khi đăng ký quyền sở hữu, pháp luật quy định phải ghi tên cả hai vợ chồng. Mặc dù thực tế không phức tạp như giấy chứng nhận quyền quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác song hiện tại còn rất nhiều tài sản chung của vợ chồng là phương tiện giao thông nhưng khi đăng ký sở hữu chung của vợ chồng chỉ ghi tên vợ hoặc chồng mà chủ yếu là ghi tên của người chồng. Điều này phản ánh một thực tế: mặc dù Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và các văn bản luật có liên quan đã quy định rất rõ là đối với tài sản chung của vợ chồng cần phải đăng kí quyền sở hữu phải ghi tên hai vợ chồng nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau việc đăng kí này đối với phương tiện giao thông cũng chưa được triệt để áp dụng. Thực trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của vợ chồng cũng như quyền lợi của bên thứ ba khi thiết lập giao dịch dân sự với vợ chồng nhất là đối với những phương tiện giao thông có giá trị rất lớn như ô tô, tàu thủy, máy bay...và khi có tranh chấp xảy ra, bên không có tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu sẽ không có căn cứ hoặc khó chứng minh tài sản đó là của mình.

* Ngoài ra, đối với một số tài sản khác như quyền sở hữu trí tuệ, cổ phiếu, trái phiếu, thẻ tiết kiệm..., theo quy định của pháp luật cũng đòi hỏi phải ghi tên vợ chồng, nhưng trong trong nhiều trường hợp chỉ đứng tên có một bên.

Có thể nói rằng, việc đăng kí quyền sở hữu tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của gia đình. Việc yêu cầu người vợ được đứng tên cùng người chồng trên giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản sẽ không chỉ bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ trong quan hệ tài sản mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình giải quyết các tranh chấp liên quan đến tài sản nếu xảy ra.

Trần Hồng Nhung - Sở Tư pháp Nam Định

Xem thêm »