Theo thống kê đến nay, trong toàn quốc đã có 63 Trung tâm Trợ giúp pháp lý, 161 Chi nhánh, 6.462 Câu lạc bộ TGPL ở cấp xã. Trong những năm qua đã có nhiều Câu lạc bộ hoạt động tương đối hiệu quả. Bên cạnh những kết quả đạt được thì cũng còn nhiều hạn chế, trở ngại đang thách thức tính bền vững, tính hiệu quả của mô hình này. Theo khảo sát có khoảng 60% các Câu lạc bộ hoạt động nhưng hiệu quả chưa cao. Trăn trở với chất lượng hoạt động của Câu lạc bộ cũng như những giá trị pháp lý mà người dân được thụ hưởng từ hoạt động nhân đạo sâu sắc mang tính chất sinh hoạt cộng đồng này, xin đưa ra một số ý kiến để cùng thảo luận và đóng góp:
- Theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Nghị định 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 thì người được trợ giúp pháp lý đang sinh sống, làm việc tại địa bàn cấp xã đều được tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý trên cơ sở Điều lệ hoạt động của Câu lạc bộ đã được cơ quan, nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và tại khoản 4 quy định: Chủ tịch UBND cấp xã có quyết định thành lập và phê duyệt Điều lệ của Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý... Theo đó, ban hành kèm theo Quyết định thành lập Câu lạc bộ là danh sách thành viên câu lạc bộ. Một thực trạng chung hiện nay là thành viên Câu lạc bộ chủ yếu là những cán bộ cốt cán của các ban ngành trong Ủy ban nhân dân xã như: Phó chủ tịch xã, Công chức Tư pháp – hộ tịch, Công chức địa chính nông nghiệp và môi trường, Chủ tịch Hội Phụ nữ, Bí thư Chi đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh... Với những thành viên Câu lạc bộ như trên họ có rất nhiều lợi thế, chẳng hạn như trong việc triển khai công việc hằng ngày hoặc tiếp cận với báo chí, các kênh thông tin thì họ được tiếp cận hàng ngày, nếu có vướng mắc họ có thể trao đổi, thảo luận ngay tại cơ quan, với người mình cần hỏi nên việc sinh hoạt Câu lạc bộ đối với họ để được phổ biến, cập nhật thông tin pháp luật hay được giải đáp những vướng mắc, có quan điểm cho rằng liệu có cần thiết? dẫn đến việc hoạt động sinh hoạt bị sao nhãng.
- Bên cạnh đó, ở mỗi xã các tổ chức hội cấp xã thường có một câu lạc bộ pháp luật như: Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật; Câu lạc bộ Thanh niên với pháp luật; Câu lạc bộ Phụ nữ với pháp luật... Các câu lạc bộ pháp luật nói trên cũng được thành lập như Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý, chỉ gói gọn hơn về thành viên Câc lạc bộ và việc sinh hoạt các câu lạc bộ nói trên cũng vướng tình trạng như Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý bởi vì: Không có kinh phí để hoạt động; việc sinh hoạt Câu lạc bộ chỉ mang tính tự giác, không có chế tài hoặc quy định ràng buộc... Ở nhiều nơi, các câu lạc bộ pháp luật thường xây dựng tủ sách pháp luật. Tuy nhiên, số người đến mở tủ sách pháp luật còn quá ít, vì đa số tủ sách không phát huy hết hiệu quả, sách có thì cũng đa số là sách cũ, như vậy hiệu lực của văn bản có còn hay không?
Với thực trạng chung như vậy, cần có giải pháp cụ thể hơn?
- Nên thống nhất các Câu lạc bộ trên địa bàn của cấp xã thành một “Câu lạc bộ pháp luật” duy nhất. Như vậy, vừa khắc phục được tình trạng có nhiều câu lạc bộ cùng tồn tại nhưng hoạt động không hiệu quả, một người có thể là thành viên của nhiều Câu lạc bộ...
- Kiện toàn, thay đổi cơ cấu tổ chức cũng như cơ cấu thành viên câu lạc bộ.
+ Về tổ chức: Câu lạc bộ nên chia thành các “Tổ pháp luật thôn...”, mỗi thôn là một tổ. Trưởng thôn là Tổ trưởng. Ở xã có bao nhiêu thôn thì có bấy nhiêu tổ. Thành viên của Tổ pháp luật ở mỗi thôn là đại diện các gia đình hiện đang sinh sống tại thôn.
+ Mỗi Câu lạc bộ pháp luật do Chủ nhiệm Câu lạc bộ đứng đầu, phụ trách và chịu trách nhiệm điều hành hoạt động Câu lạc bộ. Chủ nhiệm Câu lạc bộ là Phó chủ tịch UBND cấp xã - phụ trách văn hóa xã hội. Phó chủ nhiệm là Công chức Tư pháp hộ tịch, chịu trách nhiệm tham mưu cho Chủ nhiệm nội dung hoạt Câu lạc bộ pháp luật, báo cáo hoạt động của Câu lạc bộ...
Thành viên khác của câu lạc bộ pháp luật bao gồm: Bí thư Chi bộ các thôn, Trưởng các thôn, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã, Chủ tịch Hội phụ nữ xã, Bí thư Đoàn Thanh niên....Thống nhất một đầu mối vào Trung tâm hoặc Chi nhánh Trợ giúp pháp lý.
+ Hình thức sinh hoạt: Hàng tháng, Câu lạc bộ liên hệ với Trung tâm hoặc Chi nhánh TGPL phụ trách địa bàn để tổ chức các buổi sinh hoạt câu lạc bộ theo chuyên đề, có cấp phát tài liệu cho các thành viên câu lạc bộ.
Trên cơ sở những kiến thức và tài liệu được tiếp cận tại buổi sinh hoạt, các Tổ trưởng có trách nhiệm triển khai sinh hoạt Tổ pháp luật của thôn mình theo những chuyên đề đã được tiếp cận. Buổi sinh hoạt Tổ pháp luật có thể được tiến hành kết hợp với các buổi họp thôn, hoặc ấn định theo kỳ sinh hoạt vào một buổi tối ngày thứ 7, có loa phát thanh về nội dung buổi sinh hoạt cho toàn thể bà con nhân dân được nghe.
Các Trung tâm nên có phương án khuyến khích các Tổ trưởng Tổ pháp luật của các thôn (là người có uy tín trong cộng đồng) gửi hồ sơ đề nghị làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý. Tại các buổi sinh hoạt, nếu có những đối tượng được trợ giúp pháp lý phù hợp với các diện theo quy định của pháp luật trợ giúp pháp lý thì cộng tác viên lập hồ sơ, gửi các Trung tâm thanh toán bồi dưỡng (thông thường, phụ cấp của Trưởng thôn rất thấp, nên có phương án để khuyến khích tinh thần cũng như sáng kiến, trách nhiệm của họ). Còn những trường hợp nào khó hơn, tổ trưởng lập hồ sơ đề nghị Chi nhánh hoặc Trung tâm để được giái đáp, hướng dẫn.
Nên chăng, thực hiện giải pháp như vậy để người dân có điều kiện cho người được trợ giúp pháp lý, người thuộc hộ cận nghèo và người dân có vướng mắc pháp luật ở địa phương tham gia sinh hoạt. Thông qua tư vấn pháp luật, Câu lạc bộ giúp người được trợ giúp pháp lý nâng cao nhận thức pháp luật để thực hiện pháp luật, tự mình giải quyết vướng mắc pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình bởi lẽ “Trợ giúp pháp lý – luôn luôn đi cùng dân”.
Trần Thị An - Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Quảng Bình