Những tác động đến nguyên tắc thẩm phán, hội thẩm xét xử và chỉ tuân theo pháp luật trong tố tụng hành chính
Nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật trong tố tụng hành chính được hiểu là những tư tưởng chủ đạo có tính bắt buộc chung thể hiện quan điểm của Nhà nước Việt Nam trong hoạt động xét xử hành chính, được quy định trong pháp luật tố tụng, theo đó, chỉ có thẩm phán và hội thẩm mới có quyền đưa ra phán quyết trên cơ sở quy định của pháp luật để giải quyết vụ án hành chính một cách khách quan và chính xác mà không chịu chi phối bởi bất kỳ một sự tác động nào khác.
Theo pháp luật hiện hành, nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật được coi là nguyên tắc cơ bản của Luật tố tụng hành chính được quy định tại Điều 130 Hiến pháp 1992, Điều 14 Luật tố tụng hành chính năm 2010, Điều 5 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002 và Điều 4 Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân năm 2002.
Nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật trong tố tụng hành chính ngoài việc thể hiện nội dung một nguyên tắc được ghi nhận trong hiến pháp, thì nó còn có những nét riêng đặc thù. Bởi lẽ, pháp luật tố tụng hành chính là một bộ phận của hệ thống pháp luật Việt Nam nên nó cũng mang những đặc điểm chung của pháp luật xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra là một bộ phận riêng biệt trong hệ thống pháp luật Việt Nam, nên pháp luật tố tụng hành chính (TTHC) cũng có đặc trưng riêng, khác biệt so với các lĩnh vực pháp luật khác như: pháp luật tố tụng hình sự, dân sự, kinh tế, lao động. Nếu như trong các loại hình tố tụng này “người bị kiện” có thể là cá nhân, tổ chức nhưng không liên quan đến “công quyền”, vị trí của họ luôn là “thế yếu” trước các cơ quan tiến hành tố tụng, thì tố tụng hành chính nó xuất hiện khi các quyền và lợi ích cơ bản của công dân, tổ chức bị xâm phạm mà “người” xâm phạm là các cơ quan nhà nước, là cơ quan đại diện cho “công quyền”, thay mặt Nhà nước trong việc ra các quyết định hay thực hiện các hành vi hành chính. Vì vậy, “người bị kiện” bao giờ cũng là những những người có chức vụ quyền hạn, là người luôn có vị trí “xứng tầm” với các cơ quan tiến hành tố tụng.
Do có những đặc thù về đối tượng như trên, cho nên, trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính có nhiều nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến sự vô tư, khách quan của Thẩm phán và Hội thẩm nói riêng cũng như sự độc lập của Tòa án nói chung. Các biểu hiện tác động đến sự khách quan ấy trên thực tế có rất nhiều, phức tạp, đa dạng, và xuất phát từ các chủ thể khác nhau. Cho dù xuất phát từ chủ thể nào và với bất kỳ mục đích gì thì chúng cũng đều gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình xét xử các vụ án hành chính (VAHC), làm cho quá trình giải quyết vụ án thiếu khách quan từ đó các quyền và lợi ích chính đáng và hợp pháp của công dân không được bảo vệ một cách thỏa đáng – một trong những điều kiện tiên quyết trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Mức độ nghiêm trọng của các nguy cơ ảnh hưởng đến sự độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm khi xét xử các VAHC biểu hiện ở các khía cạnh như sau:
- Thứ nhất, về nguồn tác động đến sự độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm trong tố tụng hành chính.
Theo quy định của Luật tố tụng hành chính hiện hành, thì điểm chung về đối tượng bị kiện trong TTHC chính là các quyết định, hành vi thuộc về cơ quan “công quyền”. Vì vậy, “nguồn nguy hiểm” cho tính độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm có một vị trí hết sức đặc biệt. Người ra các quyết định hành chính hay có các hành vi hành chính đa số là những người có chức vụ, quyền hạn cao trong các cơ quan nhà nước. Không ít trường hợp người ra các quyết định hành chính bị khiếu kiện là “cấp trên” của Thẩm phán hoặc Hội thẩm nhân dân.
Về mặt pháp lý Tòa án nhân dân nói chung và Tòa hành chính nói riêng không có bất kỳ sự phụ thuộc nào vào cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Theo như các số liệu thống kê, thì đa số các vụ khiếu kiện hành chính ở Việt Nam đều liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến cơ quan quản lý hành hính nhà nước ở địa phương – Ủy ban nhân dân. Theo quy định của pháp luật, thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước, cụ thể là Ủy ban nhân dân các cấp rất rộng lớn, là cơ quan có trách nhiệm trực tiếp tổ chức quản lý các lĩnh vực kinh tế - xã hội nhằm xây dựng và phát triển địa phương về mọi mặt, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, là nhân tố quan trọng nhất tác động đến quá trình hình thành ý thức pháp luật của cán bộ, công chức cũng như các tầng lớp nhân dân địa phương. Với vị trí, vai trò to lớn như vậy, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương có tầm ảnh hưởng lớn lao đến đội ngũ cán bộ công chức nói chung và đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân trong địa phương mình nói riêng.
Khi xét xử các vụ án hành chính, Hội đồng xét xử phán quyết về tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước, của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước, nhiều trường hợp là người có chức vụ rất cao. Vì vậy, rất nhiều trường hợp Thẩm phán “e ngại”, nể nang, né tránh, không dám ra phán quyết khẳng định tính bất hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính. Điều này là khó tránh khỏi, bởi vì trên thực tế hiện nay, tính độc lập của Tòa án chưa được đảm bảo. Thẩm phán bị chi phối bởi nhiều quan hệ, trong đó chủ yếu là quan hệ giữa Thẩm phán với cấp ủy, chính quyền địa phương như: liên quan đến vấn đề bổ nhiệm, bỡi lẽ khi bổ nhiệm hay tái bổ nhiệm Thẩm phán đều phải lấy ý kiến của chính quyền địa phương; do hạn chế về kinh phí hoạt động và trang thiết bị làm việc của ngành Tòa án nên hầu hết các tòa án địa phương đều phải xin chính quyền địa phương hỗ trợ, giúp đỡ về tài chính để phục vụ các hoạt động của mình…Những điều này tạo nên tâm lý lệ thuộc, mất tính độc lập khi xét xử. Do vậy, khi ngưởi dân khởi kiện yêu cầu hủy bỏ quyết định trái pháp luật của chính quyền địa phương thì tâm lý e ngại, nể nang, né tránh là tất yếu.
Bên cạnh đó, trong giải quyết các VAHC các phán quyết của Thẩm phán và Hội thẩm căn cứ chủ yếu vào các văn bản pháp luật. Pháp luật TTHC quy định tố tụng hành chính là “tố tụng viết” mà theo đó chứng cứ các bên đưa ra trong tố tụng hành chính được trao đổi công khai, các bên có quyền và nghĩa vụ chứng minh bằng văn bản. Do các tranh chấp chủ yếu là việc xác định tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện nên nguyên tắc “tố tụng viết” đòi hỏi mọi sự tranh luận, giải trình giữa các bên phải được thể hiện bằng văn bản. Do vậy, giai đoạn xác minh, thu thập chứng cứ đặc biệt được coi trọng, toàn bộ hồ sơ vụ kiện cũng như căn cứ pháp luật cho việc giải quyết tranh chấp phải được chuẩn bị khá hoàn chỉnh trước khi mở phiên toà. Luật tố tụng hành chính cũng quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong việc cung cấp những tài liệu, chứng cứ cho Hội đồng xét xử. Trong điều kiện thực tế Việt Nam hiện nay, với số lượng các văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực hành chính có dung lượng “khổng lồ” thì việc nghiên cứu các văn bản pháp luật liên quan nhằm giải quyết vụ án theo đúng quy định pháp luật không hề dễ dàng. Trong trường hợp này, Tòa án có quyền yêu cầu “người bị kiện” cung cấp các hồ sơ, tài liệu, các văn bản pháp luật có liên quan nhằm đánh giá tính hợp pháp của các quyết định, hành vi hành chính bị kiện. Với vai trò là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, trên thực tế “người bị kiện” thường có những hoạt động gây khó khăn cho việc thu thập các tài liệu liên quan đến vụ án theo hướng kéo dài thời gian cung cấp tài liệu hoặc cung cấp tài liệu không chính xác, hay kèm những thư tay có những nhận định của cá nhân lãnh đạo, và không loại trừ những lời lẽ nhằm khơi gợi “tình cảm” ở Thẩm phán, hoặc những lời lẽ “gợi ý” thỏa thuận giải quyết vụ án, thậm chí là “răn đe” Thẩm phán thụ lý vụ án…
Về phía Hội thẩm, từ thực tiễn chúng ta thấy, nguồn của các Hội thẩm nhân dân ở nước ta hiện nay thường là các cán bộ, công, viên chức của các cơ quan nhà nước hoặc đương chức hoặc đã về hưu, do Mặt trận tổ quốc giới thiệu nên tính nhân dân trong đó cũng không quá nhiều. Vì là cán bộ, công chức và nhiều khi trong số đó là những người chưa được đào tạo chuyên sâu về pháp lý, nên quá trình giải quyết còn mang tính chủ quan, và không tránh khỏi “cả nể” các cơ quan nhà nước.
- Thứ hai, về động cơ của các tác động đến tính độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm trong tố tụng hành chính.
Như đã nói ở trên, các vụ án hành chính chủ yếu là do “người dân khiếu kiện”, “người” bị khiếu kiện là các cơ quan nhà nước có vị trí, vai trò quan trọng, có quyền hạn lớn, và có uy tín đối với nhân dân. Uy tín của cơ quan nhà nước được bảo đảm bằng chính sách, pháp luật và bằng hành động thực tiễn của cơ quan công quyền, trong đó, đội ngũ cán bộ công chức giữ vai trò nòng cốt. Trong đội ngũ cán bộ ấy, thì vai trò của người lãnh đạo cơ quan nhà nước giữ vai trò đặc biệt quan trọng, nó quyết định nên sự vận hành của cả một “bộ máy” có nhiệm vụ điều hành mọi hoạt động của địa phương. Ngoài ra, với vai trò, vị trí của mình, lãnh đạo các cơ quan nhà nước có một “uy quyền” nhất định trong xã hội. “Uy quyền” ấy được quy định bởi những nhiệm vụ và quyền hạn mà nhà nước giao cho những người đứng đầu các cơ quan ấy. Khi không tuân thủ các quy định của pháp luật thì với “uy quyền” ấy rất dễ gây nên những xâm phạm về quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Bất kể một xâm phạm bất hợp pháp nào gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân cũng đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật cho dù người lãnh đạo đó là ai, và cơ quan đó là cơ quan nào. Chính vì lẽ ấy, mà vấn đề trách nhiệm đặt ra rất nặng nề đối với những hành vi bất hợp pháp của cán bộ, công chức nói chung, và lãnh đạo các cơ quan nhà nước nói riêng. Như vậy, có thể thấy rằng, trong các vụ án hành chính, một khi có các tác động từ phía cơ quan nhà nước đối với Thẩm phán và Hội thẩm, thì động cơ của các tác động ấy nếu có là nhằm loại trừ những khả năng ảnh hưởng đến uy tín cá nhân, cơ quan và né tránh vấn đề “trách nhiệm” một khi phán quyết của Tòa án theo hướng bất lợi cho người bị kiện.
Trong trường hợp một cơ quan hành chính địa phương hay lãnh đạo cơ quan hành chính ấy là “người bị kiện”, chưa kể đến kết quả phán quyết của tòa án như thế nào sau khi kết thúc vụ án, thì uy tín của cơ quan, lãnh đạo đó sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nhiều dư luận trái chiều. Theo quy định tại Khoản 7, Điều 3, Luật TTHC năm 2010, thì người bị kiện có thể bao gồm cá nhân, cơ quan hay tổ chức.
Đối với cơ quan, tổ chức thì quyết định bị kiện có thể là quyết định theo thẩm quyền tập thể được pháp luật quy định như các quyết định về nâng lương, kỷ luật buộc thôi việc, điều chuyển công tác hay danh sách cử tri, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh…(ngoại trừ những quyết định không thuộc đối tượng khởi kiện tại Tòa án). Kết quả giải quyết các vụ khiếu kiện có thể là bác đơn khởi kiện hoặc tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định bị khiếu kiện. Nếu trường hợp yêu cầu của người khởi kiện được chấp nhận, Tòa án tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ các quyết định bị kiện của cơ quan, tổ chức thì có nghĩa là quyết định ấy là chưa đúng. Do đó, lẽ dĩ nhiên cơ quan Nhà nước đó đã không tuân thủ theo các quy định của pháp luật mà ra các quyết định không đúng nhiệm vụ và quyền hạn của mình, vi phạm các quy định của pháp luật do Nhà nước đặt ra. Ngoài ra, khi quyền và lợi ích hợp pháp của công dân bị cơ quan nhà nước xâm phạm bởi các quyết định hay hành vi trái pháp luật đó thì theo quy định, cơ quan ấy có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại. Thiệt hại do cơ quan nhà nước gây ra thì nhà nước có trách nhiệm bồi thường. Thiệt hại gây ra cho công dân càng lớn thì thiệt hại cho ngân sách nhà nước cũng tăng lên và uy tín của Nhà nước càng giảm sút. Chính vì vậy, tâm lý của tất cả mọi người trong cơ quan nhà nước nói chung và với lãnh đạo cơ quan nói riêng là không mong muốn có một nguy cơ nào gây ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan mình, nhất là liên quan đến tính hợp pháp của các quyết định từ phía cơ quan. Với tâm lý chung ấy thì việc “tìm mọi cách” để gây tác động, ảnh hưởng đến Thẩm phán và Hội thẩm, nhằm làm cho các phán quyết của tòa án nghiêng về hướng “có lợi” cho mình là điều không tránh khỏi.
Đối với cá nhân, một khi người có nhiệm vụ và quyền hạn ra các quyết định hành chính hay có những hành vi hành chính trái pháp luật gây thiệt hại cho lợi ích của công dân thì vấn đề đặt ra trong trường hợp này không chỉ đơn thuần là uy tín của cá nhân hay của cơ quan đó. Vấn đề đặt ra ở đây khiến nhiều lãnh đạo cơ quan nhà nước “lo ngại” chính là vấn đề trách nhiệm. Trách nhiệm ở đây là trách nhiệm đối với nội bộ cơ quan và trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Khi cá nhân lãnh đạo có những quyết định hay hành vi bất hợp pháp gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, thì ngoài việc bị kiểm điểm, phê bình trong nội bộ cơ quan, cá nhân lãnh đạo ấy có thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, không loại trừ khả năng chịu trách nhiệm hình sự nếu các hành vi đó cấu thành tội phạm. Vì thế, bằng mọi sự tác động có thể, cá nhân người lãnh đạo cũng gây ra các ảnh hưởng nhằm tác động đến các Thẩm phán và Hội thẩm trong Hội đồng xét xử các VAHC mà cá nhân lãnh đạo ấy là người bị kiện.
Như vậy, sự tác động đến nguyên tắc độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm trong TTHC có thể diễn ra từ nhiều phía và có nhiều động cơ khác nhau. Do đặc thù của các VAHC là “dân kiện”, nên nguồn tác động đến sự độc lập này đa phần xuất phát từ các cơ quan hành chính nhà nước – cơ quan có nhiệm vụ quản lý địa phương trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, cơ quan có tầm quan trọng và tầm ảnh hưởng lớn lao đến toàn thể cán bộ công chức nói chung và cán bộ, công chức toà án nói riêng, hơn nữa còn có tầm ảnh hưởng lớn lao đến toàn bộ đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân địa phương. Vì vậy, có thể khẳng định rằng, sự tác động này nếu có sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm và trong nhiều trường hợp có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự bất khả xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Cũng có thể nói rằng, khi giải quyết các VAHC, sẽ có những quyết định “khó xử” nhất đối với các Thẩm phán và Hội thẩm so với các vụ án khác.
ThS Võ Trường An - Trường Trung cấp cảnh sát nhân dân III