Tổng quan các tư tưởng, học thuyết về công lý trên thế giới và quan niệm về công lý trong Hiến pháp Việt Nam năm 1992 (sửa đổi năm 2013)

29/11/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Đặt vấn đề

Từ năm 1986, cùng với chính sách nhất quán về đổi mới kinh tế và quyết tâm chính trị thực hiện dân chủ hóa mọi mặt của đời sống xã hội, công lý cùng những giá trị thiên chức của mình đã được ghi nhận trở lại và từng bước chiếm lĩnh một vị trí trọng yếu, thiêng liêng trong đời sống chính trị - xã hội tại Việt Nam. Các giá trị của công lý đã được ghi nhận ngày càng rộng rãi tại các văn kiện chính trị quan trọng của Đảng Cộng sản,[1] tại các bài phát biểu của các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước,[2] trong hoạt động chất vấn của Quốc hội,[3] trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ với các bộ ngành, địa phương,[4] tại các bài báo,[5] hay trong nỗ lực nhằm lượng hóa những giá trị công lý trong đời sống xã hội Việt Nam.[6] Với nội dung tìm kiếm “thực thi công lý” trên công cụ Google, trong thời gian 0,36 giây cho ta 1.050.000 kết quả. Điều này cho thấy công lý, với quan niệm là một phẩm hạnh cơ bản, đầu tiên của mỗi xã hội, mỗi cộng đồng đang ngày càng trở thành một giá trị phổ quát trong xã hội Việt Nam.   

Với nhận thức về tầm quan trọng của công lý trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam, sau 4 bản Hiến pháp: Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), đến bản Hiến năm 1992 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6, thông qua ngày 28 tháng 11  năm 2013, các yêu cầu về tiếp cận/thực thi/bảo vệ công lý đã được khẳng định và ghi nhận một cách mạnh mẽ. Theo đó, bảo vệ công lý được xác định là nhiệm vụ hàng đầu, cơ bản, quan trọng và xuyên suốt của Tòa án nhân dân, cơ quan xét xử và thực hiện quyền tư pháp tại Việt Nam (Khoản 3 Điều 102 Hiến pháp sửa đổi năm 2013).

Việc hiến định công lý nói trên đã đánh dấu một bước phát triển to lớn trong nhận thức của Đảng và Nhà nước về tầm quan trọng của công lý trong đời sống chính trị - xã hội Việt Nam nhưng đồng thời  cũng đặt ra một câu hỏi mang tính lý luận và thực tiễn cao: Xã hội Việt Nam đang quan niệm thế nào về công lý? Từ quan điểm duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác-Lênin, có thể khẳng định các giá trị của công lý, cũng như những quan hệ xã hội khác đều do mỗi hình thái kinh tế - xã hội mà giá trị, quan hệ xã hội đó tồn tại quyết định. Chính vì vậy, công lý là khái niệm có một nội hàm hết sức năng động và linh hoạt. Đặc biệt, những giá trị của công lý còn phụ thuộc vào cả sự tiếp nhận của mỗi nền văn hóa cũng như cảm nhận, tính cách của mỗi quốc gia, dân tộc. Ví dụ như đối với án tử hình, có những dân tộc coi việc thi hành án tử hình là thực thi công lý nhưng cũng có những dân tộc coi hình phạt tử hình là một hình thức giết người hợp pháp hoặc đơn giản đó là sự dã man. Câu hỏi tiếp theo được đặt ra là: Ngoài những giá trị phổ quát, ngoại lai được tích lũy trong lịch sử nhân loại, quan niệm về công lý tại Việt Nam còn hàm chứa những giá trị gì từ nền văn hóa bản địa và truyền thống pháp luật xã hội chủ nghĩa?

Có thể nói, cho đến nay Việt Nam vẫn còn thiếu vắng những công trình nghiên cứu cặn kẽ, đầy đủ và tường minh về công lý và vấn đề công lý trong chế độ xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Bài viết này sẽ góp phần làm rõ hơn các quan niệm, giá trị của công lý trong nền khoa học pháp lý thế giới, đồng thời gợi mở sự thống nhất trong nhận thức và quan niệm về công lý xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam.    

1. Tổng quan các tư tưởng, học thuyết về công lý trên thế giới

Để làm rõ một hiện tượng xã hội, lý luận về hình thái kinh tế - xã hội của chủ nghĩa Mác-Lênin yêu cầu cần phải tiếp cận xã hội đúng như nó đang tồn tại cùng với bản chất quy định sự tồn tại của chính nó. Quy luật chung của sự phát triển xã hội là tuần tự từ hình thái kinh tế-xã hội thấp lên hình thái kinh tế xã hội cao: từ hình thái kinh tế-xã hội nguyên thủy lên hình thái kinh tế xã hội nô lệ, lên hình thái kinh tế-xã hội phong kiến, lên hình thái kinh tế xã hội tư bản chủ nghĩa rồi lên hình thái kinh tế-xã hội cộng sản chủ nghĩa. Động lực thúc đẩy tiến trình phát triển đó là xã hội phải tạo ra một phương thức sản xuất vật chất mà ở đó có năng suất lao động xã hội cao hơn hẳn năng suất lao động của xã hội trước. Quan hệ sản xuất thiếu năng động sẽ trở thành yếu tố kìm hãm chính sự phát triển và sẽ bị thay thế bằng hình thức xã hội khác để giải phóng sức sản xuất, đưa xã hội phát triển trên nấc thang mới.[7] Từ cách tiếp cận nêu trên, có thể nói quan niệm về công lý luôn bao hàm tính giai cấp và tính lịch sử sâu sắc, đồng thời phụ thuộc chặt chẽ và do mỗi hình thái kinh tế - xã hội mà nó tồn tại quyết định. Ngược lại, các giá trị của công lý cùng với các quan hệ sản xuất cũng có ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu rộng đến các phương thức tổ chức xã hội, từ đó thúc đẩy hoặc cản trở, kìm hãm sự phát triển của xã hội trong từng giai đoạn lịch sử nhất định.

Theo dẫn nhập của giáo sư Vũ Văn Mẫu trong cuốn Dân luật khái luận (xuất bản năm 1961), trong giai đoạn xã hội sơ khai, bán khai, pháp luật dựa trên các giải pháp thô sơ là sử dụng “cường lực”, “bạo lực”, hay “bản năng”, lẽ phải sẽ thuộc về kẻ khỏe hơn, mạnh hơn. Nhà sử học Hoa Kỳ Will Durant cũng nhận xét: Trong giai đoạn sơ kỳ, “cá nhân là viên cảnh sát của chính mình, người nào đủ mạnh thì dùng cách trả thù để xử tội theo ý mình”.[8] Cùng với sự tiến hóa của nhân loại, vai trò của “cường lực”, “bạo lực”, “sức mạnh” ngày càng phai nhạt. Khi bước sang giai đoạn phát triển văn minh hơn, loài người nhận ra rằng không thể để cho các cá nhân tự ý định đoạt khu xử, trật tự xã hội cần phải được thiết lập trên cơ sở công lý.

Các khảo cứu khoa học đã chứng minh rằng ý tưởng về công lý đã xuất hiện rất sớm, từ nhiều thế kỷ trước khi triết học Hy Lạp cổ đại ra đời. Bộ luật Hammurabi (ra đời khoảng từ 1792 - 1750 TCN), bộ luật thành văn cổ xưa nhất của nhân loại đã coi công lý và chính nghĩa là cơ sở của nền cai trị nhân từ, công bằng nhằm đem lại sự thái bình và hạnh phúc chân chính cho người dân. Phần phía trên bia luật có chạm hình vua Hammurabi đang đứng trang nghiêm trước thần Mặt trời, ánh sáng và xét xử. Cụm từ “công lý” (mi-sa-ra-am) được sử dụng xuyên suốt phần mở đầu và phần kết luận của bộ luật với khát vọng coi công lý như mặt trời “soi đến dân đen, tỏ ánh sáng khắp mặt đất”. Công lý được thiết lập là để “phát huy chính nghĩa ở đời, diệt trừ những kẻ gian ác không tuân theo pháp luật, làm cho kẻ mạnh không hà hiếp người yếu”. Công lý được định ra còn để “đình chỉ phân tranh làm cho đất nước được hưởng thái bình, nơi ăn chốn ở của nhân dân được che chở, không có gì phải lo âu sợ hãi” và “để cho người mạnh không hà hiếp kẻ yếu, để cho người cô quả có nơi nương tựa, để cho toà án trong nước tiện việc xét xử, để cho sự tuyên án trong nước tiện việc quyết định, để cho những kẻ thiệt thòi được trình bày chính nghĩa…”.[9]

Truyện thần thoại, một trong những hình thái văn học sớm nhất ở Hy Lạp (ra đời khoảng từ 2000 - 1100 TCN), đã khắc họa hình ảnh nữ thần công lý Thésmis một tay cầm cân, một tay cầm thanh kiếm, mắt bịt một băng vải để chứng tỏ sự vô tư, không thiên vị, đem lại sự ổn định và phát triển hài hòa của thế gian. Theo dõi việc thi hành pháp luật còn có nữ thần Diké, con của Zeus và Thésmis. Diké là vị nữ thần của Chân lý, Công lý, Sự thật. Nữ thần chuyên theo dõi việc thi hành và giám sát luật pháp trong thế giới loài người để báo về cho Zeus biết những việc đổi trắng thay đen, hà hiếp, bức hại người lương thiện, bôi nhọ công lý, xuyên tạc, che giấu sự thật. Vì thế Diké ghét cay, ghét đắng thói dối trá, không trung thực. Theo lệnh của Zeus, Diké chịu trách nhiệm trừng phạt những kẻ đảo điên, ỷ thế chuyên quyền bất chấp công lý. Tuy nhiên, vị nữ thần chính trực và đức hạnh này không thể sống nổi với người trần tục chúng ta được. Khi thời đại hoàng kim qua đi, con người ngày càng hư hỏng và đồi bại, quay quắt, đảo điên, trắng trợn đến mức Diké bất lực. Từ đây, nữ thần đổi tên là Astrée, nghĩa là “ngôi sao”, “tinh tú”, “tinh cầu”. Khát vọng về công lý chân chính từ đó trở đi chỉ có thể tìm được ở bầu trời cao xa vời vợi, lấp lánh những vì sao.[10]

Trong Kinh Thánh Cựu ước, tư tưởng về lẽ công bằng cho người nghèo, người yếu thế luôn chất chứa trong mỗi lời răn dạy, giải thích về triết lý cuộc sống. Sách Tiên tri Ysaya (Chương 10) được rao giảng ở xứ Giuđa vào thế kỷ thứ VIII TCN đã lên án: Khốn thay những kẻ đặt ra các luật lệ bất công,/ những kẻ viết nên các chỉ thị áp bức,/để cản người yếu hèn hưởng công lý,/tước đoạt quyền lợi người nghèo khó trong dân tôi,/để biến bà goá thành mồi ngon cho chúng, và bóc lột kẻ mồ côi. Và lời tiên tri đối với những kẻ đặt ra những luật lệ bất công, phi công lý đó là: Các người sẽ làm chi khi đến ngày trừng phạt, khi bão tố từ xa ập tới?. Hay trong Sáng thế ký (hoàn thành vào khoảng năm 400 TCN), câu chuyện Vườn địa đàng được coi là sự khởi đầu cho một tư duy pháp lý mang tính chất tiên nghiệm có ý nghĩa khoa học và nhân văn sâu sắc. Đó chính là nguyên tắc, là nghĩa vụ phải hành động một cách công bằng, công chính, dù người đó là bất cứ ai, từ Thiên chúa hay là mỗi con người bình thường trong xã hội.[11] Ngày nay, nghĩa vụ thực thi công bằng, chặt chẽ về thủ tục nhằm chống lại những thành kiến, định kiến, những suy nghĩ và thông tin thiên lệch với tên gọi “công lý tự nhiên” vẫn giữ nguyên giá trị và giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát triển lòng tin, niềm tin của cộng đồng đối với sự công chính của hệ thống pháp luật và tư pháp của mỗi quốc gia.[12]

Trong nền văn minh cổ đại, công lý còn hóa thân vào vở kịch Antigone của kịch gia Sophocle (496-406 TCN), vở kịch được xếp hàng đầu, xưa nhất, đặc sắc nhất sân khấu Hy Lạp và thế giới. Nhân vật trung tâm của vở kịch là nàng Antigone yếu ớt, bất hạnh, vì tình thương, lẽ phải và đạo lý đã khảng khái chống lại đạo luật cường quyền, vô nhân đạo của bạo chúa Creon bởi mệnh lệnh đó không vang vọng những giá trị cao cả, bất diệt của lương tri, đạo lý, công lý. Triết lý về công lý trong vở bi kịch còn gắn liền và góp phần định hình triết lý cai trị của các quốc gia cổ đại qua lời của Hémon nói với cha là bạo chúa Creon: “Quốc gia là tài sản chung của nhân dân giao cho kẻ cầm quyền quản lý; nhưng quản lý không có nghĩa là biến quốc gia thành của riêng, muốn làm gì thì tùy ý, muốn giết ai thì tùy lòng”.[13] Những tư tưởng đầu tiên của xã hội loài người về pháp luật tự nhiên đã xuất hiện như một khát vọng, ước nguyện với tên gọi “công lý” ngay trong vở bi kịch xưa nhất của nhân loại. Với ý nghĩa là triết thuyết để xây dựng một xã hội công bằng, các tư tưởng về pháp luật tự nhiên cũng còn được coi là nền móng của các học thuyết về công lý hiện đại ngày nay.[14]

Trong Iliad (khoảng 750-700 TCN), bản trường ca Hy Lạp cổ nhất trong văn học phương Tây của đại thi hào Homer, những ý tưởng về công lý luôn len lỏi, lấp lánh trong suốt quá trình binh lửa giáo gươm, gắn liền với phẩm chất của người chiến binh. Với Agamemnon, công lý luôn đồng nghĩa với báo thù, còn đối với Achilles, công lý là sự công bằng trong việc phân chia các phần thưởng một cách xứng đáng tùy theo mức độ đóng góp, cống hiến được ghi nhận mà không nhất thiết phải căn cứ vào thứ bậc xã hội. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, công lý vẫn còn chưa được coi là một phẩm hạnh trong xã hội.[15]

Có thể nói, khi xã hội tồn tại trong trạng thái mà người dân sống thưa thớt và chiến tranh luôn rình rập, công lý còn chưa thực sự được coi là một phẩm hạnh quan trọng của mỗi cá nhân bởi nó còn phải nhường chỗ cho những phẩm chất quan trọng của các chiến binh như sức mạnh, lòng quả cảm, sự khéo léo hay kỹ năng sử dụng vũ khí thuần thục. Trong giai đoạn xã hội sơ khai, bán khai đó, pháp luật dựa trên các giải pháp thô sơ là sử dụng “cường lực”, “bạo lực” và lẽ phải sẽ thuộc về kẻ mạnh. Cho đến khi xuất hiện những dòng thơ của Theognis người xứ Megara (Thế kỷ VI TCN), nhận thức về thứ bậc của công lý trong hệ giá trị đã từng bước được nhìn nhận lại, theo đó, công lý không thuần túy chỉ là một phẩm chất cần thiết mà còn là một phẩm chất mang tính chất điều kiện có nhiệm vụ bổ sung cho những phẩm hạnh khác. Khi chế độ thành bang được thiết lập, xã hội Hy Lạp cổ đại có nhiều bước chuyển mình mạnh mẽ, các cá nhân phải gắn bó, liên kết, hợp tác, bảo vệ lẫn nhau, không được có những hành vi làm phương hại lẫn nhau để cùng tồn tại và phát triển. Những yêu cầu trong hình thái kinh tế -xã hội mới đó đã làm phai nhạt những phẩm hạnh của các chiến binh và đưa công lý tiến tới vị trí trung tâm của hệ giá trị đạo đức của xã hội Hy Lạp cổ đại.[16]

Plato, nhà triết học Hy Lạp xuất sắc (429-347 TCN) đã trình bày một chuyên luận khá sâu sắc và toàn diện về bản chất và vai trò của công lý ở chế độ thành bang trong cuốn “Nền cộng hòa” (The Republic). Trong luận điểm của mình, Plato luôn đặt công lý trong những tranh luận về luân lý, đạo đức. Quan niệm thời đó cho rằng đạo đức là phát minh của kẻ yếu nhằm vô hiệu hoá quyền lực của kẻ mạnh và công lý không phải là đạo đức của người xuất chúng mà là thứ đạo đức nô lệ. Trong thực tế, người ta lên án bất công chỉ khi người ta là nạn nhân chứ không phải bị lương tâm cắn rứt. “Sức mạnh” chính là lẽ phải và “công lý” chính là quyền lợi của kẻ mạnh. Đáp lại những luận điểm nêu trên, Plato cho rằng công lý là một hình thức đạo đức phổ biến mà bất cứ ai cũng phải tuân thủ. Nội dung căn cốt nhất của công lý là “hoàn lại, trả lại cho mọi người cái mà họ có quyền được hưởng”, là mệnh lệnh “để ngăn chặn một người chiếm đoạt thứ mà thuộc về người khác hoặc ngăn chặn việc chiếm đoạt  những thứ gì thuộc về mình”. Công lý có thiên chức là nuôi dưỡng, bồi đắp một trật tự nội tại trong mỗi cá nhân mà ở đó nguyên tắc của lẽ phải và sự khôn ngoan phải đứng trên mọi sự xô đẩy và cảm xúc của con người. Plato không chấp nhận hoàn toàn quan niệm về công lý đã tồn tại trong tư tưởng Hy Lạp cổ đại từ nhiều thế kỷ trước coi công lý là một “nghệ thuật” đem lại điều tốt, ích lợi cho bạn bè và gây thiệt hại cho kẻ thù. Theo ông, công lý không có chức năng gây tổn hại cho bất cứ ai theo kiểu “báo thù” hay “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”.

Lý thuyết công lý của Plato cho rằng công lý chỉ áp dụng trong mối quan hệ giữa con người và đặc biệt là trong mối quan hệ giữa những người không có sự bình đẳng. Quan hệ công lý phải mang lại ích lợi cho tất cả các bên, giúp tâm trí, suy nghĩ của các bên đến gần và phù hợp với nhau hơn, từ đó thuận nguyện với các yêu cầu của công lý. Trong một thành bang lý tưởng có bốn phẩm hạnh cơ bản: thông thái, dũng cảm, sự tiết chế và công lý. Trong bốn phẩm hạnh đó, công lý là yếu tố nuôi dưỡng, giúp cho ba phẩm hạnh phía trước phát triển, từ đó giúp các cá nhân, các tầng lớp trong xã hội tự tiết chế và làm đúng vai trò, bổn phận của mình, không can thiệp vào công việc của cá nhân, tầng lớp khác. Theo Plato, một hình thái xã hội có thể bị phê phán, kiểm soát và có thể được định hình lại dựa trên những quan niệm về công lý. Tư tưởng này đã có ảnh hưởng hết sức sâu sắc đến các học thuyết pháp quyền trong trào lưu tư tưởng Ánh sáng từ giữa thế kỷ XVIII, thế kỷ chuẩn bị về tư tưởng tiến bộ cho sự hình thành một chế độ xã hội mới thông qua cuộc cách mạng tư sản.[17] 

Lý thuyết công lý của Aristoste (384-322 TCN), một trong những người thầy có ảnh hưởng nhất đối với bộ môn triết học chính trị, được trình bày chủ yếu trong tác phẩm Đạo đức học Nicomachus (Nicomachean Ethics). Theo Aristoste, công lý cốt ở việc đối xử bình đẳng với những người ngang nhau và bất bình đẳng với những người không ngang hàng, tương xứng với sự khác nhau về địa vị của họ. Từ cách tiếp cận của Aristoste, công lý là cho mọi người những gì họ xứng đáng, trao cho mỗi người cái họ đáng hưởng. Công lý có tính mục đích luận và có tính tôn vinh sâu sắc. Giả sử khi phân phối sáo, ai sẽ nhận được cây sáo tốt nhất?. Câu trả lời là công lý được thực thi nếu cây sáo tốt nhất sẽ dành cho người thổi hay nhất bởi mục đích người ta làm ra cây sáo là để thổi được hay.[18]

Theo Aristoste, công lý được chia thành “công lý cải tạo” - nơi mà toà án sửa chữa một lỗi lầm do một bên phạm phải đối với bên khác và “công lý phân phối” - cách thức, nỗ lực cố gắng để công bằng với mỗi người, đúng theo những gì mà người đó xứng đáng. Công lý cải tạo ở đây không bao gồm công lý báo thù bởi theo Aristoste, khi một tên tội phạm gây thương tích cho người khác thì không nên chỉ quan tâm việc trừng phạt mà cần phải thu hồi cả những lợi ích mà người vi phạm có được từ việc phạm tội. Còn công lý phân phối chính là mối quan tâm chủ yếu, hàng đầu của các nhà lập pháp. Tuy nhiên, Aristotle cũng nhấn mạnh rằng luật pháp và công lý là hai khái niệm không hoàn toàn đồng nhất, thậm chí, trong một số xã hội, luật pháp đôi khi đi chệch hướng hoặc đối nghịch với công lý.  

Triết gia La Mã Cicero (106-43 TCN) trong cuốn Nghĩa vụ (De officiis) đã coi công lý là phẩm hạnh đứng thứ hai trong bốn phẩm hạnh căn bản (sự thông thái, công lý, dũng cảm và khả năng tiết chế). Công lý là phẩm hạnh giữ cho mỗi thành viên xã hội gắn kết chặt chẽ vì lợi ích chung của toàn xã hội. Tuy nhiên, theo Cicero, công lý cần được bổ sung, kết hợp với một phẩm hạnh khác, đó chính là lòng khoan dung. Nếu không có lòng khoan dung, công lý sẽ là một phẩm hạnh lạnh lẽo và hạn chế. Những đức hạnh tử tế và ấm áp, mà trong đó công lý chiếm một vị trí đặc biệt ưu tiên, cần được lan tỏa trong mỗi cộng đồng xã hội. Theo Cicero, nhiệm vụ đầu tiên của công lý là nhằm tiết chế, giữ cho mỗi thành viên của xã hội không làm hại người khác. Trái với những suy nghĩ cảm tính thông thường về công lý kiểu “ăn miếng trả miếng”, “răng đền răng, mắt đền mắt”, “có đi, có lại” mà xã hội hiện đại ngày nay vẫn còn sử dụng khá phổ biến trong những lời giải thích như “Tại anh lừa dối tôi trước đấy chứ!”, Cicero cho rằng công lý yêu cầu mỗi thành viên trong xã hội đối xử một cách công bằng với người khác, kể cả trong trường hợp người khác đối xử không công bằng với ta. Theo ông, việc hàn gắn những quan hệ xã hội rạn nứt thông qua việc giáo dục và cư xử với nhau còn quan trọng và có ý nghĩa hơn nhiều việc hả hê báo thù. Với một tinh thần khoan dung như vậy, không ngạc nhiên rằng Cicero đã trở thành một học giả “ngoại đạo” được các triết gia Thiên chúa giáo trích dẫn phổ biến nhất.

St.Augustine (354-430), nhà tư tưởng vượt qua thế giới triết học cổ đại để trở thành người có ảnh hưởng lớn đầu tiên thời trung cổ, cho rằng lương tri và công lý là hai đức hạnh phổ biến. Công lý mang lại sự hài hòa trong mỗi con người và hòa bình giữa con người với con người. Trong cuốn “Vương quốc của Chúa” (The City of God), liên quan đến câu chuyện về tên cướp biển bị bắt và đưa đến trước vua Alexander đại đế, tên cướp biển xấc xược hỏi vua Alexander rằng ngoài khác biệt về phạm vi của hành động, điều gì thực sự là sự khác biệt giữa một tên cướp biển và một vị đại đế. St.Augustine đã luận giải rằng công lý là phẩm hạnh mang “tính thể chế”, “tính chính trị” nhất của mỗi cộng đồng xã hội. Tính chính đáng, chính nghĩa của một chính quyền thường được đánh giá thông qua việc nhà nước đó có thừa nhận, bảo vệ và bảo đảm việc thực thi công lý hay không. Ông coi công lý là điểm tựa chính trị, đạo lý trong mỗi thể chế, vì vậy, “nếu không có công lý, nhà nước chỉ là một băng cướp có tổ chức mà thôi”. Alexander Hamilton, một trong những người lãnh đạo trong Hội nghị lập hiến Hoa Kỳ cũng khẳng định một triết lý cơ bản để đảm bảo sự tồn vong của mỗi xã hội tại Bài phát biểu tại Hội nghị phê chuẩn Hiến pháp của tiểu bang NewYork (20-6-1788): “Tôi cho rằng nghĩa vụ đầu tiên của xã hội là công lý” và “Còn gì quan trọng hơn ngoài việc thi hành công lý…?”.

Theo giáo sư Vũ Văn  Mẫu, quyền lực là một “lợi khí” để làm sáng tỏ công lý. Sự cộng tác sáng suốt giữa hai yếu tố công lý và quyền lực đã được văn hào Pascal khẳng định từ thế kỷ 17: Công lý không dựa vào quyền lực thì bất lực; quyền lực không đi đôi với công lý thì tàn bạo. Vì vậy cần phải kết hợp công lý và quyền lực, và nhằm mục đích này, phải làm thế nào cho những điều hợp công lý có đủ quyền lực; hay những điều dựa vào quyền lực phải hợp với công lý. Với vai trò to lớn trong việc tạo dựng tính chính đáng, chính nghĩa, đạo lý, lòng nhân ái và lẽ công bằng trong mỗi xã hội, ngày nay nhiều quốc gia trên thế giới đã ghi nhận công lý ngay tại Lời nói đầu trong Hiến pháp của quốc gia mình như Hiến pháp Nhật Bản, Hiến pháp Cộng hòa Hàn quốc, Hiến pháp Cộng hòa Ba Lan, Hiến pháp nước Cộng hòa Nam Phi.

Nhà tư tưởng chính trị nổi tiếng của chế độ phong kiến, hình ảnh tiêu biểu của triết học trung cổ Tây Âu Thomas Aquinas (1225-1274), cho rằng công lý là một phẩm hạnh giúp mỗi người được hưởng những gì mà họ xứng đáng. Với cách tiếp cận này thì quyền là cái có trước, công lý là điều xuất hiện sau. Khi các quyền được công nhận, thừa nhận thì công lý sẽ xuất hiện nếu các quyền bị vi phạm. Dó đó, công lý chính là nghĩa vụ với người khác. Công lý có vị trí đạo đức cao nhất theo thứ tự sau: công lý, sự ngoan cường và sự tiết chế. Công lý có chức năng định hướng cho con người trong mối quan hệ với một người khác. Căn cốt của công lý là mối quan hệ trong cuộc sống của một người với người khác. Trong khi đó, các phẩm hạnh khác lại giúp con người tự hoàn thiện trong mối quan hệ với chính mình. Công lý khác với tình yêu là ở chỗ, trong quan hệ công lý con người quan hệ với một người mang tính tách biệt khác, mà gần như phải là một người lạ. Ví dụ như quan hệ giữa người cha và người con không hoàn toàn tách biệt, người con còn phụ thuộc nhiều vào người cha và người cha với tình yêu thương luôn coi người con như chính mình, vì vậy ở một nghĩa chính xác thì không thể có công lý giữa những người yêu thương nhau. Lý thuyết về công lý do đó được coi là học thuyết về triển vọng phát triển sự cộng tác của con người, trong mối quan hệ giữa người này với người khác, đây chính là một dấu hiệu của sự xói mòn và ngày càng khô cằn của các mối quan hệ xã hội.[19]

Truyền thống pháp luật tự nhiên, một học thuyết kết nối mối liên hệ tất yếu giữa luật pháp và các giá trị đạo đức, học thuyết được C.Mác nhận xét là “đã xem xét nhà nước bằng đôi mắt người, là vũ khí phê phán pháp luật phong kiến hiện tồn là trái với bản tính con người, đưa khoa học về nhà nước và pháp quyền ra khỏi vòng tay chặt chẽ của tôn giáo bằng cách tuyên bố chủ nghĩa phong kiến là phản tự nhiên, là phi lý, từ đó đã tạo ra nền tảng tư tưởng cho các cuộc cách mạng tư sản sau này”,[20] quan niệm công lý là quyền mà tạo hoá ban cho con người, là yêu cầu, đòi hỏi mỗi cá nhân hoặc tổ chức được hưởng những gì mà họ xứng đáng. Công lý chỉ có thể giành được thông qua chế độ pháp quyền chứ không phải thông qua sự cai trị của con người. Không có công lý thì sẽ không có những đạo luật khách quan và hệ quả là các cá nhân sẽ lệ thuộc vào kẻ cai trị. Lập luận về những giá trị bền vững của công lý, James Madison, một trong những nhà lãnh đạo tham gia Hội nghị lập hiến và sau này trở thành Tổng thống thứ tư của Hoa Kỳ, tại bài luận Người liên bang số 10 (23-11-1787) cho rằng: Các đạo luật không thể giẫm đạp lên những nguyên tắc của công lý và Lòng yêu đất nước và tình yêu công lý không thể hy sinh vì những quyền lợi riêng rẽ hoặc nhất thời.

Các đại biểu của truyền thống pháp luật tự nhiên như Hugo Grotius (1583-1645), Lon Fuller (1902-1978) cho rằng tuy luật pháp và công lý có mối quan hệ chặt chẽ với nhau nhưng chúng lại là hai khái niệm không hoàn toàn đồng nhất. Luật pháp phục vụ công lý nếu nó giúp tạo dựng sự bình yên và bảo vệ các quyền cá nhân của con người trước sự vi phạm. Luật pháp không dựa trên các giá trị cơ bản của công lý sẽ trở lên tàn bạo, hà khắc. Do đó, ngoài việc thể hiện ý chí nhà nước của giai cấp thống trị, luật pháp cần phải phản ánh được đầy đủ nhu cầu, lợi ích của toàn xã hội, phải “vang vọng tiếng dân” và phải chuyển tải đầy đủ những giá trị tiến bộ của lương tri, đạo đức, các giá trị nhân văn, nhân đạo, dân chủ, công lý, công bằng, lẽ phải, bảo đảm và bảo vệ các quyền con người. Một vài ví dụ tiêu biểu, thường xuyên được nhắc đến sau này để bảo vệ luận điểm nêu trên là sự kiện mục sư Martin Luther King viện dẫn luật tự nhiên khi ông tuyên bố rằng mọi luật về phân biệt chủng tộc đều không phải là luật thực sự vì chúng không phù hợp với đạo đức và luân lý của luật tự nhiên, hay các phiên toà xét xử Nuremberg đã kết án những kẻ cầm đầu Đảng Quốc xã sau Thế chiến thứ hai do đã tuân thủ những luật thực định phi lý và bất công.[21]

David Hume (1711-1776), một trong những nhà triết học có ảnh hưởng quan trọng  nhất trong thời kỳ Khai sáng của Scotland, trong tác phẩm “Chuyên luận về bản tính con người” (A Treatise on Human Nature) cho rằng những đánh giá đạo đức là khá tự nhiên và đơn giản như việc chúng ta không ủng hộ tính cách độc ác của hành động độc ác, sự bất công trong những hành động không công bằng. Tuy nhiên, đối với công lý thì hoàn toàn khác, chúng ta có thể ủng hộ một vị thẩm phán cứng nhắc nhưng công bằng mặc dù chúng ta thấy rằng điều đó là chẳng hề thích thú. Công lý hoặc khuynh hướng hướng tới công lý sẽ đem lại hạnh phúc và an ninh cho xã hội. Theo Hume, công lý luôn gắn liền với vấn đề tài sản, không có tài sản thì không có công lý, công lý không có chỗ tồn tại. Sự hình thành tài sản cá nhân, trao đổi hàng hóa và thỏa thuận hợp đồng chính là nền tảng của các giá trị công lý. Căn cốt của phẩm hạnh công lý là sự trung thành với các thiết chế đó. Điều này có vẻ như cường điệu bởi chúng ta có thể cho rằng có những cư xử được cho là bất công mà không liên quan đến tài sản. Nhưng Hume cho rằng mọi quyền đều có những yếu tố về quyền sở hữu nội tại bên trong chúng. Khi tôi hứa đưa bạn đến một rạp hát, tôi đã cam kết thời gian tôi đưa bạn đi là của bạn. Hume lập luận rằng trong một xã hội, chỉ khi con người vượt lên cuộc sống thông thường vì thức ăn, đồ uống, nhục dục và chỗ ở thì con người mới cần đến công lý. Tất cả mọi xã hội, loại người đều cần những luật lệ để chống lại bạo lực, trộm cướp và bảo vệ sự thiêng liêng của những cam kết hợp đồng. Chỉ khi đạt được đến giai đoạn phát triển đó, những nguyên tắc của công lý mới trở lên quan trọng hơn những nguyên tắc xã hội khác. 

Lý thuyết công lý của chủ nghĩa vị lợi với cha đẻ là Jeremy Bentham (1748-1832) là một học thuyết lý giải sâu sắc việc tại sao và bằng cách nào chúng ta nên tối đa hóa phúc lợi, hay tìm kiếm hạnh phúc lớn nhất cho nhiều người nhất. Tuy nhiên, trong thời kỳ đầu, học thuyết này còn thiếu vắng những hướng dẫn đạo đức chặt chẽ, nghiêm ngặt, thậm chí còn có phần không tôn trọng phẩm giá con người và quyền cá nhân, tiềm ẩn nguy cơ “bạo hành” của đa số với thiểu số, cá nhân. Bên cạnh đó, việc triển khai học thuyết này còn gặp nhiều khó khăn trong việc quy đổi thang đo những giá trị hạnh phúc. J.S.Mill (1806-1873), nhà triết học thực chứng người Anh đã góp phần quan trọng trong việc đưa những giá trị nhân văn hơn vào học thuyết, đồng thời khắc phục tính đơn giản và trực quan cố hữu trong việc so đo tính toán thiệt hơn của học thuyết này. Mill đã phát triển công lý theo hướng cho phép con người được làm những gì mà họ có quyền. Ví dụ như nếu tôi là người ăn xin và bạn không cho tôi thức ăn, tôi phải chấp nhận bởi vì tôi không có quyền gì đối với thức ăn đó, bạn có thể là không tốt bụng nhưng bạn không vi phạm quyền của tôi. Theo Mill, thuyết vị lợi không chấp nhận việc cực đại hóa phúc lợi mà quá trình đó vi phạm các quyền cá nhân, không chấp nhận hi sinh cá nhân cho phúc lợi nói chung. Tuy nhiên, trong những trường hợp thực sự cấp thiết như khi nạn đói xảy ra, việc mở kho lương thực cứu tế là cần thiết, quyền tài sản của chủ sở hữu là vô nghĩa. Trong trường hợp như vậy, sẽ là công bằng nếu vượt qua quyền của chủ sở hữu kho lương thực. 

Karl Marx (1818-1883), nhà tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản, người đã mạnh mẽ lên án những bất công trong chế độ tư bản, trong tác phẩm Phê phán cương lĩnh Gôta của ông (Critique of the Gotha Programme) đã đặt nền móng cho lý luận về phân phối mới trong liên hệ với trình độ phát triển của sản xuất xã hội. Với câu hỏi Phân phối công bằng là gì? Ông cho rằng trong giai đoạn đầu việc phân phối được thực hiện theo nguyên tắc “làm theo năng lực, hưởng theo lao động”. Khi chuyển sang giai đoạn của xã hội cộng sản, sản phẩm tiêu dùng dồi dào đến mức không cần dùng phân phối lợi ích vật chất để kích thích lao động nữa thì thực hiện nguyên tắc mới là “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”. Trong hoạt động lập pháp, để đảm bảo công bằng, Marx yêu cầu: “Nhà lập pháp phải tự coi mình như nhà khoa học tự nhiên. Ông ta không làm ra pháp luật, ông ta không phát minh ra chúng mà chỉ nêu chúng lên. Ông ta biểu hiện quy luật nội tại của những mối quan hệ tinh thần thành những đạo luật thành văn có ý thức. Chúng ta sẽ chê trách nhà lập pháp là vô cùng tùy tiện nếu ông ta thay thế bản chất của sự vật bằng nhiều điểm bịa đặt của mình”. Theo ông, dấu hiệu đặc trưng của chế độ dân chủ là: Không phải con người tồn tại vì luật pháp, mà luật pháp tồn tại vì con người. 

Immanuel Kant (1724-1804) là người bác bỏ thuyết vị lợi và cho rằng đạo đức không phải là sự tối đa hóa hạnh phúc hay bất kỳ mục tiêu nào khác mà là sự tôn trọng con người và phẩm giá con người như những mục đích tự thân. Kant nhấn mạnh đến tự do và phẩm giá của con người, từ đó nỗ lực kết nối công lý và đạo đức với tự do. Ông cho rằng công lý và quyền bắt nguồn từ một khế ước xã hội giả định. Tiếp tục phát triển tư tưởng của Kant, triết gia chính trị người Mỹ John Rawls (1921-2002), trong tác phẩm Một lý thuyết công lý (A theory of justice) quan niệm công lý là lẽ phải, điều thiện và là phẩm hạnh tối cao của con người. Công lý với tính cách là công bằng chính là chuẩn mực của trạng thái xã hội lý tưởng mà ở đó mỗi cá nhân khi tham dự vào hợp tác xã hội hoàn toàn dựa vào sự tự nguyện và ngày càng đạt được lợi ích tối đa của mình.

Học thuyết của Rawls thuộc hệ thống công bằng xã hội, đó là công lý mà theo đó lợi ích của hợp tác kinh tế và xã hội được phân phối. Các quan điểm phê bình cho rằng không thể có một loại công bằng xã hội như vậy được. Giáo sư F.A. Hayek (1899-1992), chủ soái của trường phái tân tự do cho rằng và giáo sư Robert Nozick (1938- 2002) cho rằng các tranh luận về công lý phân phối đều là sai lầm bởi vì nó làm ta liên tưởng đến sự hiện diện của một cá nhân hoặc một cơ chế phân phối. Ở những nền kinh tế phát triển, điều đó là không thể tồn tại và trong một xã hội tự do, những nỗ lực thiết chế hóa một cơ chế như vậy thì sẽ hủy diệt tất cả tự do. F.A. Hayek cho  rằng không thể tính toán một cách cơ học việc quyết định việc sản xuất và phân phối nhằm đạt được công lý, tuy nhiên ông không phủ nhận rằng nhà nước cần phải làm gì đó để mà đảm bảo một mức sống tối thiểu. Các nguyên tắc của Rawls là rất thuyết phục nhưng đó không phải là nguyên tắc của công lý. Còn Robert Nozick cho rằng nhà nước không có quyền chiếm hữu các nguồn lực của cá nhân để phân bổ chúng theo bất cứ nguyên tắc công lý nào.

Các tư tưởng, học thuyết về công lý đã và đang được tiếp tục nghiên cứu, phát triển và ứng dụng sâu rộng trong cuộc sống ngày nay. Tại Hoa Kỳ, nền khoa học pháp lý có sự phân biệt khá sâu sắc giữa “công lý theo thủ tục” và “công lý theo bản thể”. Nếu một người giết hại người khác, công lý bản thể (công bằng về nội dung) đòi hỏi kẻ sát nhân phải bị trừng phạt theo đúng pháp luật. Tuy nhiên, nếu kẻ sát nhân bị tra tấn một cách bất hợp pháp để phải thú tội thì công lý thủ tục đã không được thực thi. Trong trường hợp đó, theo truyền thống pháp luật phương Tây, công lý thủ tục sẽ thắng công lý theo bản thể.[22] Trong lĩnh vực tư pháp xét xử, các nghiên cứu cho rằng các thủ tục tố tụng chính là những cơ chế, những công cụ xã hội giúp các cá nhân tiếp cận được công lý. Nếu các cơ chế tố tụng không đủ mạnh và hiệu quả thì có thể làm vô hiệu hoá quá trình thực thi các quyền cơ bản của các cá nhân. Các cơ chế tố tụng phải đáp ứng ứng kịp thời, đầy đủ yêu cầu của xã hội và phải thực sự là người đầy tớ phục vụ, thúc đẩy công lý chứ không phải là ông chủ của công lý. Trong lĩnh vực tố tụng hình sự, lý thuyết tìm kiếm sự thật (The truth-finding theory), một trong những học thuyết có nhiều ảnh hưởng trong lĩnh vực tố tụng tại các quốc gia có hệ thống pháp luật phát triển, cũng nhấn mạnh rằng mặc dù các cơ chế tố tụng đều hướng tới việc tìm ra sự thật khách quan của vụ việc nhưng công lý và sự thật khách quan của vụ việc không hoàn toàn đồng nhất. Công lý là một điều gì đó rộng lớn và có ý nghĩa sâu sắc hơn so với sự thật. Sự thật khách quan của vụ việc chỉ là một trong những thành tố cơ bản của công lý.[23] Trong quá trình cải cách cơ chế tố tụng, các nghiên cứu cho rằng công lý có ba yếu tố định tính cơ bản: Thứ nhất, khả năng tìm ra sự thật và tính chính xác của quyết định của toà án. Thứ hai, thời gian tiếp cận công lý phải đảm bảo, công lý bị trì hoãn là công lý bị từ chối. Thứ ba, chi phí tài chính cho quy trình tiếp cận công lý phải tính hợp lý, không mang tính chất rào cản đối với quá trình tìm kiếm công lý của các tổ chức và cá nhân. Đây chính là những tiêu chí cơ bản được dùng để đánh giá mức độ thành công các cuộc cải cách tư pháp xét xử của các quốc gia trên thế giới.[24]   

2. Tư tưởng về công lý tại Việt Nam

Trong xã hội Việt Nam từ xa xưa, khát vọng về lương tri, lẽ phải và công lý đã luôn lấp lánh, lan toả trong mọi sinh hoạt, đời sống của nhân dân. Truyện cổ tích là một loại hình sáng tác dân gian, chủ yếu sử dụng yếu tố nghệ thuật kì ảo để thể hiện cái nhìn hiện thực của nhân dân với đời sống, qua đó bộc lộ quan niệm về đạo đức cũng như về công lý xã hội và ước mơ một cuộc sống tốt đẹp hơn của nhân dân lao động. Các câu truyện cổ tích luôn mang tính giáo huấn cao, mỗi câu chuyện là một bài học về luân lí, đạo đức, ứng xử, về lẽ công bằng và sự thưởng phạt công minh. Nhiều câu truyện cổ tích gắn liền với quan niệm sâu sắc, giản dị và cụ thể về công lý, đạo lý, lẽ công bằng trong xã hội như truyện Cây khế, truyện Thạch Sanh, truyện Tấm Cám…

Sự thưởng-phạt công bằng theo quan điểm của nhân dân là quan niệm ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác. Trong truyện Cây khế, người anh bị ngã xuống biển chết, trong truyện Thạch Sanh, Lí Thông bị sét đánh chết, trong truyện Tấm Cám, Cám bị dội nước sôi chết. Công lý báo thù, “dĩ oán báo oán”, “răng đền răng, mắt đền mắt” là một hiện tượng, dấu tích xã hội với bối cảnh là quá trình tan rã của chế độ công xã nguyên thủy. Với quan niệm về công lý, lẽ phải như vậy, một kết thúc quen thuộc của truyện cổ tích như trong truyện Tấm Cám là việc cô Tấm giết cô Cám, làm mắm gửi cho mụ dì ghẻ vẫn tồn tại qua các thời đại, được tiếp nhận một cách bình thường, trong thực tế không hề mang lại cảm giác ghê sợ hay không đồng tình với cô Tấm. Khi cái ác phải đền tội, đứa trẻ nào cũng thấy hả hê và tin tưởng vào công lý và sự công bằng mà thế giới “ngày xửa ngày xưa” mở ra trước mắt chúng.[25] Thế nhưng, với tinh thần khoan dung, nhân văn của thời đại ngày nay, các sách giáo khoa đã phải cắt bớt và giản lược đi mức độ dã man của hành động trả thù của cô Tấm, từ đó làm sáng rạng hơn vẻ đẹp của công lý, của cái thiện trong cuộc sống hiện đại.[26]

            Tục ngữ, thành ngữ, một thể loại văn học dân gian mà chức năng chủ yếu là đúc rút kinh nghiệm, tri thức, nhận xét lâu đời của nhân dân dưới hình thức những câu nói ngắn gọn, súc tích, giàu vần điệu, hình ảnh, dễ nhớ, dễ truyền, là cẩm nang đa năng của nhân dân lao động về những tri thức dân gian quý báu từ muôn mặt trong cuộc đời. Tục ngữ, thành ngữ là kinh nghiệm mang sức mạnh của bề dày truyền thống văn hóa lịch sử dân tộc, là sự đúc kết đạo lí của cuộc sống, có sức mạnh thuyết phục lớn lao. Vì vậy, chức năng nổi trội tục ngữ, thành ngữ là tinh thần thực hành triệt để, ứng dụng trực tiếp vào cuộc sống với bao kinh nghiệm đối nhân xử thế trong quan hệ gia đình và xã hội. Với những ý nghĩa hướng dẫn thực hành sâu sắc, tục ngữ, thành ngữ cũng mang trong mình những đạo lý về lẽ phải, lẽ công bằng trong xã hội Việt Nam. Trước tiên, tục ngữ, thành ngữ thể hiện quan niệm về lẽ phải, lẽ công bằng như: Ác thì vạc sừng (Kẻ hung ác sẽ phải bị trừng trị), Ai đắp nấm người ấy ấm mồ (Ai làm điều thiện cho người khác, sẽ gặp tốt lành), Gieo gió gặt bão (Gây ra điều ác sẽ phải chịu hậu quả do điều đó mang lại). Để giữ đúng công lý, người làm quan cần phải: Quan pháp vô thân (Nghiêm khắc, không kiêng nể kẻ thân, coi ai cũng như ai), Cầm cân nảy mực (Điều khiển công việc công bằng và hợp lý, không thiên vị).

Tuy nhiên, quan niệm nói chung của xã hội là không nên so đo, kiện cáo bởi: Một đời kiện chín đời thù (Kiện cáo sinh thù sinh oán sâu sắc), hay Được kiện mười bốn quan năm, thua kiện mười lăm quan chẵn (Được kiện hay thua kiện cũng đều hao người tốn của, không hơn kém nhau bao nhiêu, không nên dại dột kiện cáo lẫn nhau), Vô phúc đáo tụng đình (Vô phúc mới gặp phải chuyện kiện tụng, chứ hy vọng gì được gặp công lý), hay Chờ được vạ má đã sưng (Công lý chậm trễ, chờ được xét xử bồi thường sáng tỏ oan ức đã bị thiệt hại rồi). Tục ngữ, thành ngữ cũng thể hiện mức độ niềm tin của xã hội vào sự công chính của nền tư pháp xét xử: Nén bạc đâm toạc tờ giấy (Công lý bị đồng tiền chi phối), Tiền bạc đi trước, mực thước đi sau (Sức mạnh của tiền bạc phá vỡ mọi khuôn phép, trật tự xã hội), Quan tiền nặng quan tiền chìm, bù nhìn nhẹ, bù nhìn nổi (Không theo lẽ công bằng, coi của nặng hơn người và cốt đẹp lòng cấp trên), Quan châu có quyền đốt đuốc, thiên hạ không được thắp đèn (Nhận xét về sự bất công giữa kẻ có chức quyền và nhân dân), Quan muốn sang, nhà hàng muốn đắt (Ai cũng muốn có lợi), Quan tha, nha bắt (Cuộc sống điêu đứng khổ sở).[27]

Hương ước, lệ làng, di sản văn hóa pháp luật đặc sắc, sự kết tinh của sáng tạo tập thể của nhân dân Việt Nam, bộ tổng luật của cộng đồng làng xã Việt Nam luôn khẳng định tinh thần đoàn kết thống nhất, hòa đồng nhân ái trong cộng đồng người Việt. Nhưng muốn đoàn kết được thì phải lấy hòa mục làm trọng. Quyền lợi cá nhân phải phục tùng quyền lợi cộng đồng. Khi xảy ra tranh chấp, xích mích thì phải lấy việc hòa giải làm đầu với phương châm “Người trong nhà đóng cửa bảo nhau”. Việc để xảy ra kiện cáo được coi là điều bất hạnh lớn, vô phúc lớn trong cuộc sống. Vì vậy, đình làng Thổ Khối (Gia Lâm) vẫn còn lưu giữ bức hoành phi ghi thờ bốn chữ “Dĩ hòa vi quý”. Còn trong hương ước xã Phú Xá Đoài (tỉnh Phúc Yên) thì tinh thần “công lý hòa mục” trong nền văn hóa Việt Nam được thể hiện khá đặc sắc như sau: “Hàng xóm láng giềng ăn ở với nhau phải nên hòa mục... Nếu ai có sự gì bất bình thì trình lý trưởng khu xử, không được tự tiện cãi nhau, đánh nhau. Nếu xử không nghe thì đến ngày Hội đồng đem ra xét xử, người có lỗi phải phạt nặng, người không có lỗi phải phạt kém người có lỗi hai phần. Phạt cả đôi bên để khuyến khích lấy sự làm nhẫn, hòa mục”. Bên cạnh đó, với nếp sống dân chủ trong sinh hoạt cộng đồng làng xã, hương ước này cũng quy định thủ tục thưởng phạt một cách khá chặt chẽ, theo đó: “Hễ thưởng phạt ai, phải cả hội đồng nghị định cho được công bằng”. [28]   

Trong giai đoạn phong kiến, bệ đỡ tư tưởng của các thiết chế chính trị chính là Phật giáo và Nho giáo. Hệ thống pháp luật Việt Nam do đó mang những đặc trưng cơ bản của một hệ thống pháp luật dựa vào luân lý, bảo vệ trật tự luân lý phong kiến.[29] Ước nguyện về một nền công lý đích thực, chân chính, nhân văn, vì con người cho nhân dân Việt Nam xuất hiện và được truyền bá về Việt Nam từ năm 1919 tại bản “Yêu sách nhân dân An Nam”, văn bản do Nguyễn Ái Quốc thay mặt nhóm những người yêu nước An Nam gửi đến trưởng đoàn các nước tham dự Hội nghị Vécxây (Pháp). Tư tưởng Hồ Chí Minh về công lý được đánh giá là một bộ phận quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân.[30]

Khát vọng và tình yêu công lý đó đã được Đảng ta tiếp tục vận động, tuyên truyền và thắp sáng thành ý nguyện của dân tộc ta, của nhân dân ta trong các cuộc đấu tranh vì dân sinh, dân chủ. Trong bài thơ làm công tác binh vận “Là thi sĩ’ năm 1942, đồng chí Trường Chinh, kiến trúc sư của nền văn hóa mới Việt Nam,[31] với bút danh Sóng Hồng đã viết Là thi sĩ không phải là để ca ngợi bất công và tàn ngược mà phải là một chiến sỹ văn hóa, phá cường quyền, chống hung tàn xâm lược và dựng cao cờ dân chủ:

                             Là thi sĩ phải là hồn cao khiết,

                             Chí kiên cường và sứ mệnh cao siêu;

                             Ca tự do, tiến bộ với tình yêu

                             Yêu nhân loại, hoà bình và công lý.

Chính tình yêu công lý, khát khao công lý này đã làm thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam, đưa dân tộc, nhân dân Việt Nam đến Cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 - một cuộc hồi sinh vĩ đại của một dân tộc đoàn kết sau gần 100 năm người dân Việt Nam phải sống dưới xiềng xích thực dân.  

Nghiên cứu lịch sử nhà nước cách mạng Việt Nam từ năm 1945, trong hệ thống các văn bản pháp lý, có lẽ công lý xuất hiện lần đầu tiên và để lại một dấu ấn khá rõ nét tại Sắc lệnh số 13 của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 24 tháng 01 năm 1946 quy định cách tổ chức toà án và các ngạch thẩm phán trong nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Đây là một trong những văn bản đầu tiên đặt nền móng cho việc hình thành nền tư pháp xét xử của chế độ mới. Công lý cũng xuất hiện trong bài huấn thị “Chính phủ là công bộc của dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Cứu quốc ngày 19 tháng 9 năm 1945. Qua hai tư liệu nêu trên, có thể thấy rằng trong giai đoạn đầu của nhà nước cách mạng nhân dân, Nhà nước Việt Nam đã sớm thừa nhận những giá trị của công lý. Ngược lại, công lý cũng đã trở thành vũ khí tư tưởng, chính trị, pháp lý sắc bén ngay từ những ngày đầu của Nhà nước cách mạng nhân dân, góp phần làm sáng rạng tính chính nghĩa, chính đáng, hợp pháp, góp phần thể hiện sâu sắc và rõ nét bản chất và tư tưởng xây dựng nhà nước thân dân, vì dân ngay từ những ngày đầu thành lập nhà nước cách mạng.

Sau một thời gian dài đất nước ta rơi vào chiến tranh với nền hành chính quan liêu mệnh lệnh, có phần coi nhẹ vai trò của pháp luật trong quản lý xã hội, các giá trị của công lý được ghi nhận trở lại cùng với quá trình dân chủ hóa mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Lần đầu tiên sau một thời gian dài vắng bóng, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02 tháng 01 năm 2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới đã 02 lần nhắc đến yêu cầu “bảo vệ công lý” tại nhiệm vụ 4 và 5. Tuy nhiên, sự xuất hiện và ý nghĩa của việc ghi nhận công lý tại văn bản này còn để lại dấu ấn khá mờ nhạt.

Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đưa ra nhận thức sâu sắc hơn về công lý với tư cách coi công lý vừa là mục tiêu, vừa là động lực vừa là nhiệm vụ của hoạt động tư pháp, cụ thể như sau:

- Tại Phần đánh giá thực trạng công tác tư pháp, Nghị quyết nhận định: “Các cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, đồng thời phải là công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm”.

- Tại Phần Mục tiêu cải cách tư pháp, Nghị quyết xác định: “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa…”.

- Tại Phần Phương hướng và nhiệm vụ, Mục “Nhiệm vụ hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, pháp luật dân sự và thủ tục tố tụng tư pháp”, Nghị quyết quy định: “Đổi mới thủ tục hành chính trong các cơ quan tư pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý”.

- Cũng tại Phần này, Mục “Nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp trong sạch, vững mạnh”, Nghị quyết yêu cầu: “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo cử nhân luật, đào tạo cán bộ nguồn các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp; bồi dưỡng cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp theo hướng cập nhật các kiến thức mới về chính trị, pháp luật, kinh tế, xã hội, có kỹ năng nghề nghiệp và kiến thức thực tiễn, có phẩm chất, đạo đức trong sạch, dũng cảm đấu tranh vì công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa”.

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI cũng đã tiếp tục nhất quán khẳng định yêu cầu bảo vệ công lý: “Xây dựng hệ thống tư pháp trong sạch, vững mạnh, bảo vệ công lý, tôn trọng và bảo vệ quyền con người”. Ghi nhận những giá trị của công lý và thể chế hóa các văn kiện nêu trên, Điều 102 Hiến pháp năm 1992 (Sửa đổi năm 2013), Hiến pháp của giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa quy định: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Cho đến nay, mặc dù đã được định danh tại Hiến pháp nhưng vẫn chưa có văn bản của Đảng, Nhà nước chính thức định nghĩa khái niệm công lý. Tuy nhiên, có thể kể đến một số quan niệm về công lý được chấp nhận và sử dụng khá phổ biến trong công tác nghiên cứu luật học tại Việt Nam trong thời gian qua. Theo đó, công lý được hiểu là “Cái lẽ phù hợp với đạo lí và lợi ích chung của xã hội”,[32] là “Sự công bằng hay chính nghĩa, sự đúng đắn, lẽ phải. Thường được dùng trong đời sống pháp lý và đặc biệt là trong hoạt động tư pháp. Ví dụ: Bản án của Tòa án quân sự Nuremberg năm 1946 đã khẳng định chiến thắng của công lý đối với tàn bạo, của chính nghĩa với phi nghĩa trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2 (1941-1945)”,[33] là “yêu cầu bất biến và mãi mãi  trong các vấn đề pháp lý hoặc tranh chấp pháp lý rằng mỗi cá nhân hoặc tổ chức phải được hưởng những gì mà họ xứng đáng”,[34] hay là “sự công bằng và hợp lý, với ba ý niệm cơ bản: sự nhấn mạnh về tầm quan trọng của cá nhân, yêu cầu các cá nhân phải được đối xử một cách thích đáng, không thiên vị và một cách bình đẳng.[35]

3. Quan niệm về công lý trong Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013)

Có thể nói, trong quá trình đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, đã có nhiều kinh nghiệm, bài học từ công tác quản lý đất nước của nhà nước cách mạng nhân dân được đúc rút, kế thừa, nhiều tinh hoa của nền văn minh nhân loại cũng đã được nghiên cứu, chắt lọc, lựa chọn. Công lý là một giá trị tiêu biểu được Đảng và Nhà nước lựa chọn từ cả kinh nghiệm xây dựng nhà nước cách mạng gần dân, thân dân và từ tinh hoa được tích lũy của nền văn minh nhân loại. Khi được văn kiện của Đảng và được Hiến pháp ghi nhận, công lý được quan niệm là một giá trị đặc trưng, một tiêu chí đánh giá mức độ thành công của công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam.

Trong tiến trình dân chủ hóa mọi mặt của đời sống xã hội, các giá trị của công lý đã được xã hội Việt Nam tiếp nhận, thừa nhận và trở thành một giá trị phổ quát, một phẩm hạnh cao quý, thiêng liêng mà mọi tổ chức, cá nhân và toàn xã hội cần trân trọng, bảo vệ và hướng tới. Với ý nghĩa là một phẩm hạnh cao quý, một giá trị căn bản được cộng đồng xã hội Việt Nam chia xẻ, bảo vệ công lý là một yêu cầu tất yếu đối với Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Theo quy định của Hiến pháp, cùng với các khách thể khác như quyền con người, quyền công dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, công lý được xác định là khách thể được xếp hàng đầu trong số các nhiệm vụ cơ bản, xuyên suốt và mang tính đặc trưng của Tòa án nhân dân. Do đó, có thể nói, bảo vệ công lý là một “thiên chức”, một nhiệm vụ thiêng liêng của Tòa án nhân dân các cấp.

Công lý trong Hiến pháp xuất hiện trong hoạt động của lĩnh vực tư pháp. Bảo vệ công lý là nhiệm vụ được giao cho Tòa án nhân dân, cơ quan thực hiện quyền tư pháp, cơ quan xét xử của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Báo cáo tiếp thu và giải trình của Bộ Chính trị về ý kiến của Trung ương thảo luận về tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 và những nội dung cơ bản về sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã khẳng định: Trong hoạt động tư pháp lấy Tòa án làm trung tâm, là cơ quan đưa ra phán quyết cuối cùng về hành vi vi phạm pháp luật và giải quyết tranh chấp. Các cơ quan khác như cơ quan điều tra, truy tố, thi hành án… là những cơ quan tham gia hoạt động tư pháp. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 cũng xác định: Trong công tác tư pháp, tòa án có vị trí trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm. Do đó, trọng trách bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lý trong lĩnh vực tư pháp được đặt lên vai Tòa án nhân dân, thông qua hoạt động xét xử. GS.TS. Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhận định: Tòa án là nơi biểu hiện tập trung tính chất dân chủ và công khai trong hoạt động bảo vệ pháp luật. Ở đó, con người tìm thấy lẽ công bằng, tính nhân đạo, thiện và ác một cách trực tiếp và cụ thể qua các sự kiện pháp lý cụ thể. Ông nhấn mạnh: Không thể có một nhà nước pháp quyền thực sự của dân, do dân và vì dân nếu vẫn còn nhiều người dân phải chịu oan ức, bất công, hoặc tính mạng, tài sản và danh dự của họ bị xâm hại bởi những quyết định không công bằng, trái luật của cơ quan tư pháp.[36]    

Có thể nói, chất lượng của công lý tại Tòa án nhân dân được đảm bảo phần lớn dựa trên sự công chính, không thiên vị và độc lập của các thẩm phán. Theo ông Vũ Đình Hòe, công lý là sự thể hiện lý tưởng “chí công vô tư” mà nội dung của lý tưởng đó phải phù hợp mỗi thời kỳ cách mạng. Trong những ngày đầu của nhà nước cách mạng, các thẩm phán phải “chí công vô tư”, công tác xét xử là để phục vụ nhân dân chứ không phải là đèn trời soi xét. Người thẩm phán phải giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng. Trong giai đoạn xây dựng xã hội chủ nghĩa, công lý xã hội chủ nghĩa chính là việc đảm bảo thực hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động.[37]

Việc bảo vệ công lý sẽ được thực hiện thông qua cơ chế xét xử khi Tòa án thực hiện quyền tư pháp của mình. Do đó, công lý yêu cầu xử lý các vụ việc bằng các thủ tục tố tụng công bằng, hợp pháp nhằm bảo vệ lợi ích của xã hội và bảo vệ các quyền con người một cách nghiêm minh. Công lý trong tư pháp xét xử cũng còn đòi hỏi sự đồng thuận cao của xã hội đối với tính hợp lý của cơ chế tố tụng, tính liêm chính và độc lập của Tòa án và tính chính xác, không thiên vị của các bản án, quyết định. Bên cạnh đó, các giá trị cao cả của lẽ phải, lẽ công bằng, đạo lý, lương tâm, lương tri, đạo đức, sự vị tha, lòng trắc ẩn và các giá trị tiến bộ xã hội khác cần phải là điểm tựa, là các chuẩn mực soi rọi các bản án, quyết định của Tòa án. Công lý trong Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013) cần được quan niệm là một giá trị căn bản của cộng đồng xã hội Việt Nam, là yêu cầu bảo đảm công bằng, lẽ phải với các giá trị phù hợp với các định hướng lớn của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa. Bảo vệ công lý là nhiệm vụ do Tòa án nhân dân thực hiện thông qua hoạt động xét xử của mình./.

Ths. Nguyễn Xuân Tùng - Văn phòng Bộ Tư pháp


[1] Như: Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02 tháng 01 năm 2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI.

[2] Như: Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và kỷ niệm Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam, Báo Điện tử Chính phủ tại http://baodientu.chinhphu.vn/Cac-bai-phat-bieu-cua-Thu-tuong/Nguoi-luat-su-can-co-tam-that-su-trong-sang/183287.vgp.

[3] Như: Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình ngày 21 tháng 11 năm 2013 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII. 

[4] Như: Văn bản số 46/TB-VPCP ngày 28 tháng 01 năm 2013 của Văn phòng Chính phủ Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2013.

[5] Như: Bài “Vụ chôn thuốc trừ sâu: Dân mòn mỏi chờ công lý” của Báo Lao động tại http://laodong.com.vn/xa-hoi/vu-chon-thuoc-tru-sau-dan-moi-mon-cho-cong-ly/138003.bld hay Bài “Xung quanh vụ án tù oan tại Bắc Giang: Công lý ở đâu khi khác nhau như thế” của Báo Đại Đoàn kết tại http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=71323&menu=1390&style=1.

[6] Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP): Chỉ số công lý- Thực trạng về Công bằng và Bình đẳng dựa trên ý kiến của người dân năm 2012, Hà Nội- 7/2013.

[7] GS.TS. Hoàng Chí Bảo (Chủ biên): Bản chất khoa học và cách mạng của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, năm 2010.

[8] Will Durant: Nguồn gốc văn minh (Nguyễn Hiến Lê dịch), Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, năm 2006.

[9] Nguyễn Anh Tuấn: Khảo lược Bộ luật Hammurabi của Nhà nước Lưỡng Hà cổ đại, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, năm 2008.

[10] Nguyễn Văn Khỏa (biên soạn): Thần thoại Hy Lạp, Nhà xuất bản Văn học, năm 2012.

[11] Selina Hastings: Câu chuyện Kinh thánh (Bản dịch của Minh Vi), Nhà xuất bản Tôn giáo, năm 2007 và Bản dịch Kinh Thánh Cựu ước tại http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/vnbible/vnintold.htm.

[12] Creyke R, Mc Millan J, Smyth M: Control of Government Action: Text, Cases and Commentary, LexisNexis, 2012.

[13] Hoàng Hữu Đản: Bi kịch Hy Lạp, Nhà xuất bản giáo dục, năm 2007.

[14] Lloyd L.Weinreb: Natural law and Justice, Havard University Press, 1987.

[15] Homer: Illiad (Bản dịch của Đỗ Khánh Hoan), Nhà xuất bản thế giới, năm 2013.

[16] David Johnston: A Brief History of Justice, Wiley-Blackwell, 2011.

[17] Benjamin Jowett & M.J.Knight: Plato chuyên khảo (Biên dịch: Lưu Văn Hy), Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, năm 2008.

[18] Michael Sandel: Phải trái đúng sai (Bản dịch của Hồ Đắc Phương), Nhà xuất bản trẻ, năm 2011.

[19] Josef Pieper: Justice, Pantheon Books, 1955.

[20] Lịch sử các học thuyết chính trị trên thế giới (bản dịch của Lưu Kiếm Thanh và Phạm Hồng Thái), Nhà xuất bản Văn hoá - Thông tin năm 2001.

[21] Thomas W.Simon: Law and Philosophy: An introduction with readings, McGraw-Hill, 2001.

[22] Nguyễn Đăng Dung, Phạm Hồng Thái, Vũ Công Giao (Đồng chủ biên): Về pháp quyền và chủ nghĩa hợp hiến (Một số tiểu luận của các học giả nước ngoài), Nhà xuất bản Lao động - xã hội, năm 2012.

[23] M.P. Golding: On the Adversary system and Justice, in Bronaugh, ed, Philosophical Law - Authority, Equality, Adjudication, Privacy, 1978.

[24] Adrian Zuckerman: Justice in Crisis, from Civil Justice in Crisis: Comparative Perpectives of Civil Procedure, 1999.

[25] PGS.TS. Vũ Anh Tuấn (chủ biên): Giáo trình văn học dân gian, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, năm 2012, tr.112-130.

[26] Nguyễn Hường: Sách giáo khoa sửa đoạn kết Tấm Cám, tại  http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/46790/sach-giao-khoa-sua-doan-ket-tam-cam.html.

[27] Vũ Dung, Vũ Thúy Anh, Vũ Quang Hào: Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, năm 2000.

[28] Luật gia Lê Đức Tiết: Về hương ước, lệ làng, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, năm 1998.

[29] Đinh Gia Trinh: Sơ thảo lịch sử Nhà nước và pháp quyền Việt Nam (tập 1), Nhà xuất bản khoa học xã hội, 1968.

[30] Nguyễn Xuân Tùng: Tư tưởng Hồ Chí Minh về công lý, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, tháng 11-2013.

[31] GS. Trần Nhâm: Trường Chinh-Một tư duy sáng tạo, một tài năng kiệt xuất, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, năm 2009.

[32] Viện Ngôn ngữ học: Từ điển Tiếng Việt, Nhà xuất bản Đà Nẵng, năm 2000.

[33] Bộ Tư pháp: Từ điển Luật học, Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa và Nhà xuất bản Tư pháp, năm 2006.

[34] Henry Campbell Black, M.A, St. Paul, Minn: Black’s law DictionaryR, West Publishing Co, 1983.

[35] Raymond Wacks: Triết học luật pháp (Phạm Kiều Tùng dịch), Nhà xuất bản Tri thức, 2011.

[36] GS.TS. Nguyễn Phú Trọng: Phát huy dân chủ, tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, năm 2011.

[37] Vũ Đình Hòe: Công lý và pháp lý theo tinh thần “chí công vô tư’ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà xuât bản Tư pháp, năm 2005.

Xem thêm »