Hôn nhân cùng giới và giá trị nhân văn của pháp luật

13/05/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Bài viết muốn cùng độc giả nhìn nhận lại vấn đề hôn nhân cùng giới trong bối cảnh xây dựng thể chế tại Việt Nam thời gian qua và gợi mở một số vấn đề cho thời gian tới.

Có thể nhận thấy trong bất kỳ thời đại nào, đời sống xã hội luôn có sự đa dạng, phong phú nhất định. Sự thể hiện cảm xúc, tình cảm hay xu hướng giới tính không nằm ngoài quy luật đó. Trước đây, chúng ta hầu như chỉ nhắc đến một xã hội với những gia đình là sự kết hợp giữa một nam và một nữ với mục đích chính là duy trì nòi giống. Khi đó, việc một người yêu người cùng giới tính là những điều rất kỳ lạ, thậm chí bị xem là bệnh hoạn. Thực tế đã cho thấy đây là những điều hết sức bình thường của xã hội mặc dù vẫn còn có những quan niệm kỳ thị, xa lánh...

Cho đến nay, rất nhiều tuyên bố của các tổ chức quốc tế, các kết quả nghiên cứu đều chỉ ra rằng người đồng tính nói riêng và người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) nói chung là những con người tự nhiên của xã hội, không phải là bệnh, không thể lây lan. Chính vì vậy, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, bảo vệ quyền của người LGBT chính là nâng cao giá trị nhân văn, giá trị xã hội vốn có của pháp luật. Tuy nhiên, vấn đề liên quan đến quyền của người LGBT là những vấn đề mới phát sinh trong xã hội, thường gặp nhiều rào cản với nhiều quan điểm khác nhau. Cũng do đó mà cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton đã xem quyền của người LGBT là một trong những thách thức về nhân quyền còn lại của thời đại chúng ta[1]. Sự biến chuyển trong nhận thức cũng như hành động thực tế tại Việt Nam về vấn đề hôn nhân cùng giới thời gian cũng có những điểm tích cực rất đáng ghi nhận.

Dưới góc độ vận động quyền của các tổ chức đã cho thấy một sự phát triển đôi khi không thể ngờ tới thời gian qua. Số lượng các tổ chức tham gia vào tiến trình vận động ngày càng gia tăng[2]. Hình thức vận động cũng đa dạng hơn, ví dụ như: các chương trình văn hóa, biểu diễn nghệ thuật; chiến dịch Tôi đồng ý, Tôi đồng ý 16+, tuyên truyền kiến thức đúng đắn về LGBT; tập huấn; tham vấn ý kiến công chúng; thực hiện các nghiên cứu thực trạng cộng đồng LGBT Việt Nam; tham gia góp ý Hiến pháp, dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình… Những hoạt động của các tổ chức này đã mang lại nhiều tác động đối với các cơ quan nhà nước, cộng đồng xã hội… Riêng đối với giới truyền thông đã có những bài viết tích cực hơn, có cái nhìn nhân văn hơn đối với cộng đồng LGBT.

Dưới góc độ của các cơ quan quản lý nhà nước, cũng có nhiều cơ quan thể hiện quan điểm sự quan tâm, ủng hộ hợp pháp hóa mối quan hệ cùng giới qua các hoạt động: tham vấn ý kiến, thể hiện chính kiến qua các tham luận, nghiên cứu, tổ chức các Tọa đàm, Hội thảo khoa học. Bên cạnh đó cũng còn có một số cơ quan phản đối hôn nhân cùng giới, cho rằng nếu hợp pháp hóa sẽ gây bất ổn trong xã hội, hủy hoại giá trị truyền thống của Việt Nam. Cũng có những ý kiến tuy ủng hộ bảo vệ người LGBT nhưng khi đi sâu vào những quyền cụ thể như quyền kết hôn thì vẫn chưa hoàn toàn ủng hộ. Tất cả các quan điểm đó cho thấy, các cơ quan nhà nước đã bắt đầu có sự quan tâm, chú ý đến cộng đồng LGBT – điều mà trước đây vốn chưa phổ biến tại Việt Nam.

Dưới góc độ các nghiên cứu chuyên ngành, ngày càng có nhiều kết quả được thực hiện và công bố. Chỉ riêng chuyên ngành Luật từ năm 2011 đến nay đã có hàng chục công trình nghiên cứu được công bố qua các Tạp chí chuyên ngành, Diễn đàn khoa học, Hội thảo, Đề tài nghiên cứu… liên quan đến quyền kết hôn cùng giới và quyền của cộng đồng LGBT. Việc các vấn đề về người LGBT xuất hiện ngày càng nhiều trong các nghiên cứu chuyên ngành sẽ giúp cho bộ phận sinh viên, cán bộ, công chức cũng như các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách được tiếp cận với các kiến thức đúng đắn về hôn nhân cùng giới, cộng đồng LGBT.

Dưới góc độ xây dựng thể chế, mọi sự chú ý đều dồn vào dự án Luật Hôn nhân và Gia đình do Bộ Tư pháp chủ trì. Cùng với các vấn đề khác như mang thai hộ, ly thân… thì hôn nhân cùng giới là chủ đề rất nóng trong dự thảo lần này. Chính thức bắt đầu từ năm 2012 với các hoạt động tham vấn ý kiến các cơ quan có liên quan về những bất cập, hạn chế trong thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 cho đến dự thảo trình Quốc hội tháng 10/2013 đã cho chúng ta thấy rất nhiều ý kiến, quan điểm, nghiên cứu khác nhau về vấn đề này. Hầu hết các bài báo trên các trang tin liên quan đến dự án Luật này đều đề cập đến hôn nhân cùng giới. Việc dự thảo Luật bỏ quy định về trường hợp cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính cũng được xem là một bước tiến trong nhận thức của các nhà làm Luật. Tuy nhiên, dự thảo vẫn chưa thừa nhận hình thức sống chung có đăng ký nào của cặp đôi cùng giới.

Cũng cần lưu ý rằng, từ trước đến nay pháp luật Việt Nam chưa có một quy định nào về xử phạt hành chính đối với hành vi tổ chức đám cưới cùng giới. Trong thực tế đã có đám cưới cùng giới bị chính quyền xử phạt xuất phát từ nhận thức của chính quyền, cách hiểu và áp dụng pháp luật của chính quyền. Nếu Luật đã cấm hoặc không công nhận thì không có Ủy ban nhân dân nào có thể cho phép cặp đôi cùng giới đăng ký kết hôn được (ví dụ như không có mẫu Giấy đăng ký kết hôn cùng giới). Chính vì vậy, nếu có quy định xử phạt hành chính đối với hành vi đăng ký kết hôn cùng giới là không cần thiết, không có tính khả thi. Đối với hành vi tổ chức đám cưới cùng giới không thuộc sự điều chỉnh của pháp luật hôn nhân và gia đình.

Cũng có quan điểm đặt ra rằng Điều 36 của Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam quy định: “Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau” là mở đường cho hôn nhân cùng giới. Tôi cho rằng không hẳn là như vậy. Thực ra quy định này vẫn khẳng định hôn nhân theo nguyên tắc một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Trong khi đó, dù không được định nghĩa trong pháp luật nhưng thông thường mọi người vẫn ngầm hiểu vợ là phái nữ còn chồng là phái nam. Hơn nữa, khi công nhận hôn nhân cùng giới thì một số nước thường sử dụng thuật ngữ “phối ngẫu/các bên” (spouse). Nếu chỉ đơn thuần ghi nhận nguyên tắc đơn hôn thì có thể đề cập trực tiếp, không cần sử dụng thuật ngữ “vợ”, “chồng” nữa. Nếu đã sử dụng hai thuật ngữ này thì tôi cho rằng các nhà thảo hiến vẫn nghiêng về quan điểm kết hôn khác giới hơn là ngầm ủng hộ kết hôn cùng giới. Tuy nhiên, nếu như Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định hình thức kết hợp dân sự (sống chung có đăng ký) của cặp đôi đồng tính cũng sẽ không vi hiến vì hình thức này chưa phải là kết hôn như cặp đôi khác giới.

Sau khi Quốc hội cho ý kiến lần thứ nhất đối với dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10-11/2013), dự thảo Luật đã tiếp tục được chỉnh lý. Đã có lúc dự thảo Luật bỏ đi quy định riêng để giải quyết hậu quả pháp lý do hai người cùng giới tính sống chung và chỉ áp dụng các quy định của pháp luật dân sự hiện hành. Tới kỳ họp thứ 7 được tổ chức vào tháng 5-6 trong năm 2014 này, cộng đồng LGBT và các nhà vận động chính sách đều đang chờ đợi một điều gì đó mới mẻ hơn trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, cho dù kết quả có như thế nào đi nữa, những tác động của quá trình vận động đối với dự thảo Luật này lên cộng đồng, xã hội thời gian qua là không hề nhỏ, ít nhất là về mặt nhận thức. Nếu như Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 không thông qua một hình thức sống chung có đăng ký nào (kết hợp dân sự hoặc cao hơn là đăng ký kết hôn) thì thiết nghĩ Chính phủ cũng nên có những thay đổi khác để góp phần bảo vệ, nâng cao tính gắn kết trong đời sống chung của cặp đôi cùng giới (ví dụ như vấn đề tài sản, con cái…). Riêng đối với vấn đề con cái, thực ra quy định về mang thai hộ trong dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình lần này nên mở rộng hơn đối với nam đồng tính. Hiện nay phụ nữ đơn thân có thể sinh con theo phương pháp khoa học nhưng nam giới đơn thân thì không có quyền này. Vì vậy, có thể mở rộng theo hướng nam đồng tính có thể lấy tinh trùng của mình kết hợp với noãn (trong ngân hàng hoặc người hiến tặng vô danh) để nhờ người phụ nữ khác mang thai hộ. Theo đó, nam đồng tính có thể có con riêng của mình một cách chính thức mà không phải đi nhờ người khác đẻ thuê trái phép như hiện nay (và cũng chỉ được nhận đứa trẻ đó làm con nuôi vì không hợp pháp). Bên cạnh đó, một số đạo luật khác cũng nên quan tâm các vấn đề liên quan đến cộng đồng LGBT như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Trợ giúp pháp lý…

Thời gian qua, tổ chức Liên hợp quốc cũng đã ghi nhận quan niệm về một phạm vi rộng rãi trong việc xác thực những tiến triển - thay vì cố định - của định nghĩa về gia đình. Liên hợp quốc đã lưu ý rằng "khái niệm gia đình có thể khác biệt trong vài khía cạnh, giữa các quốc gia, và ngay cả giữa các tôn giáo, và vì thế không thể đưa ra một định nghĩa chuẩn mực chung"[3]. Uỷ ban về Quyền trẻ em Liên hợp quốc đã tuyên bố điều này trong "Nhận định về môi trường gia đình", rằng cần phản ánh "những cấu trúc gia đình khác nhau, phát sinh từ các mẫu hình văn hóa và các quan hệ tình cảm gia đình đa dạng đang nổi lên"[4]. Một trong các quan hệ tình cảm gia đình đa dạng ở đây có thể được hiểu là sự đa dạng về xu hướng tính dục, là một cơ sở quan trọng cho một gia đình của các cặp đôi đồng tính. Việc thừa nhận hôn nhân cùng giới cũng không thể làm suy thoái nòi giống như ý kiến của nhiều người bởi thực ra như đã nêu, người đồng tính chỉ chiếm khoảng 3% trong tổng dân số của xã hội. Hơn nữa, người đồng tính hoàn toàn có thể nhờ mang thai hộ hoặc xin con nuôi (nếu pháp luật cho phép). Đây cũng là điều mà các nhà làm luật Việt Nam cần xem xét để bổ sung cho khái niệm về gia đình nhằm tạo ra sự công bằng cũng như thay đổi nhận thức về gia đình tại Việt Nam thời gian tới.

Cuối cùng, có thể khẳng định rằng việc theo đuổi, ghi nhận quyền bình đẳng đầy đủ của cộng đồng người LGBT còn cần rất nhiều thời gian với nhiều thử thách nữa. Nhưng tôi tin chắc rằng, giá trị nhân văn của pháp luật dẫu nhanh hay chậm cũng sẽ ngày càng được bồi đắp. Trên bước đường đó rất cần sự chung tay của cả Nhà nước, cộng đồng và xã hội./.

                        Trương Hồng Quang, Viện Khoa học pháp lý


[1] Phát biểu của Ngoại trưởng Hillary Rodham Clinton nhân Ngày Nhân quyền Quốc tế, Geneva, Thụy Sỹ, 6-12-2011.

[2] Trong số đó phải kể đến Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE), Trung tâm Truyền thông Sáng tạo, Dịch vụ và Nghiên cứu về Tính dục (ICS, Thành phố Hồ Chí Minh).

[3] Nhận định chung thứ 19: Bảo vệ gia đình, quyền hôn nhân và bình đẳng của các phối ngẫu, Ủy ban Nhân quyền, Văn kiện LHQ, HRI/GEN/1/Rev.2 (1990), tại 2.

[4] Báo cáo về Kỳ họp thứ năm, Uỷ ban về Quyền trẻ em, Văn kiện Liên hợp quốc, CREC/C/24, Phụ lục V.

Xem thêm »