Vướng mắc, bất cập và kiến nghị hoàn thiện một vài quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự

29/12/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

 

Bộ luật Tố tụng Dân sự được Quốc hội thông qua ngày 15/6/2004, có hiệu lực từ ngày 01/01/2005 và được sửa đổi, bổ sung vào ngày 29/3/2011 theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự (sau đây được viết tắt là BLTTDS). Trong 10 năm qua kể từ ngày phát sinh hiệu lực, với việc quy định chi tiết, đầy đủ thẩm quyền của Tòa án, quyền nghĩa vụ của người tham gia tố tụng và trình tự, thủ tục tiến hành các hoạt động tố tụng …., BLTTDS đã tạo điều kiện thuận lợi để Tòa án giải quyết các vụ việc dân sự, chất lượng giải quyết các vụ việc dân sự cũng được nâng lên đáng kể, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ quyền lợi ích hợp của chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật tố tụng dân sự.

Bên cạnh đó, qua thời gian áp dụng, nhiều quy định của BLTTDS chưa được quy định, hướng dẫn chi tiết. Một số quy định của BLTTDS được hướng dẫn nhưng chưa bao quát hoặc dự trù hết các tình huống xảy ra trong thực tiễn. Nhiều vấn đề phát sinh mới chưa được bổ sung vào BLTTDS và chưa được hướng dẫn kịp thời. Đây là nguyên nhân chính tạo nên những vướng mắc, bất cập trong việc áp dụng các quy định của BLTTDS vào thực tiễn thời gian qua.

Để góp phần hoàn thiện quy định BLTTDS phù hợp với thực tiễn giải quyết các vụ án dân sự, bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân khi tham gia tố tụng, trong phạm vi bài viết này, tác giả xin nêu lên một số vướng mắc, bất cập và kiến nghị hoàn thiện một số quy định của BLTTDS qua thực tiễn áp dụng.

Thứ nhất, về kiểm sát việc tuân theo pháp luật tố tụng dân sự

Xuất phát từ sự bình đẳng trong tố tụng dân sự nên Điều 8 BLTTDS quy định, “Các đương sự đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự, Toà án có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình”. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 21 BLTTDS lại quy định “Viện kiểm sát nhân dân tham gia các phiên họp sơ thẩm đối với các việc dân sự; các phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có một bên đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần.” Với quy định này, cùng với việc tham gia vụ án để bảo đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần thì việc tham gia vụ việc của Viện kiểm sát còn khi vụ việc dân sự có đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở. Quy định này dẫn đến việc có đương sự trong vụ án được Viện kiểm sát tham gia bảo vệ, còn đương sự trong vụ án khác lại không được Viện kiểm sát tham gia bảo vệ. Điều này dễ tạo ra sự phân biệt đối xử, tạo sự bất bình đẳng trước pháp luật đối với các đương sự.

Để khắc phục mâu thuẫn này, kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 21 BLTTDS. Theo đó, khoản 2 Điều 21 BLTTDS chỉ quy định nội dung sau: Viện kiểm sát nhân dân tham gia các phiên tòa, phiên họp sơ thẩm đối với các vụ, việc dân sự.

Thứ hai, về thẩm quyền của Tòa án

- Về thẩm quyền theo vụ việc: Theo khoản 3 và khoản 7 Điều 25 BLTTDS thì “Tranh chấp về hợp đồng dân sự” và “Tranh chấp về quyền sử dụng đất, về tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai” đều thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Trong đó, tranh chấp quyền sử dụng đất tại khoản 7 Điều 25 BLTTDS có nội hàm rất rộng bao gồm cả các hợp đồng liên quan đến quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, quy định tại khoản 7 Điều 25 BLTTDS không loại trừ các tranh chấp hợp đồng dân sự liên quan đến quyền sử dụng đất nên gây khó khăn trong việc áp dụng.

Để khắc phục, cần quy định loại trừ tranh chấp hợp đồng dân sự liên quan đến quyền sử dụng đất tại khoản 7 Điều 25 BLTTDS.

- Về thẩm quyền theo lựa chọn của nguyên đơn, người yêu cầu: Theo điểm a khoản 1 Điều 36 BLTTDS thì nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án “nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng” giải quyết. Tuy nhiên, chưa có hướng dẫn việc xác định nơi cư trú cuối cùng như thế nào và trường hợp nào xác định là “không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn” nên gây khó khăn cho việc áp dụng trong thực tiễn. Vì vậy, kiến nghị cần quy định rõ việc “nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng” và “không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn” để áp dụng thống nhất.

- Về thẩm quyền của Tòa án đối với tranh chấp kinh doanh thương mại:

Một là, điểm i khoản 1 Điều 29 BLTTDS quy định thẩm quyền của Tòa án đối với hoạt động “Vận chuyển hàng hoá, hành khách bằng đường sắt, đường bộ, đường thuỷ nội địa” và điểm k khoản 1 Điều 29 BLTTDS quy định thẩm quyền của Tòa án đối với hoạt động “Vận chuyển hàng hoá, hành khách bằng đường hàng không, đường biển”. Chúng ta thấy, quy định tại 02 nội dung này là tương tự nhau, chỉ khác nhau là phương tiện vận chuyển. Hơn nữa, để giải quyết tranh chấp trong từng điểm, Tòa án không chỉ áp dụng một luật nội dung mà tùy theo mỗi loai tranh chấp mà áp dụng luật nội dung khác nhau. Chẳng hạn, đối với quy định tại điểm i, Tòa án phải dùng đến luật đường sắt, luật đường thủy nội địa, luật giao thông đường bộ và tại điểm k phải dùng đến luật hàng không dân dụng, luật giao thông đường biển. Ngoài ra, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều BLTTDS năm 2011 thì thẩm quyền của Tòa án đối với quy định tại điểm i và điểm k đã được giao cho Tòa án nhân dân cấp huyện. Vì vậy, để đơn giản nội dung điều luật, cần gộp điểm i và điểm k vào một điểm với nội dung bao quát.

Hai là, điểm b khoản 1 Điều 29 BLTTDS quy định về “cung ứng dịch vụ” là rất rộng. Nội dung này bao trùm các nội dung quy định tại các điểm c, d, đ, e, g, h, i, k, n và o khoản 1 Điều 29 BLTTDS. Nghiên cứu quy định của luật chuyên ngành về “cung ứng dịch vụ” chúng tôi thấy rằng, trong 14 hành vi thương mại được quy định trong Luật Thương mại năm 1997 trước đây, hành vi cung ứng dịch vụ được giới hạn trong phạm vị dễ áp dụng như: dịch vụ giao nhận hàng hóa, dịch vụ giám định hàng hóa (được quy định tại các khoản 9 và 10 Điều 45). Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005 quy định về các hoạt động thương mại cũng chỉ ra “Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác” và tại khoản 9 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005 giải thích rõ “Cung ứng dịch vụ là hoạt động thương mại, theo đó một bên (sau đây gọi là bên cung ứng dịch vụ) có nghĩa vụ thực hiện dịch vụ cho một bên khác và nhận thanh toán; bên sử dụng dịch vụ (sau đây gọi là khách hàng) có nghĩa vụ thanh toán cho bên cung ứng dịch vụ và sử dụng dịch vụ theo thỏa thuận”. Như vậy, nội dung của hoạt động “cung ứng dịch vụ” không chồng lần lên các hoạt động khác nên cần quy định loại trừ tại điểm b khoản 1 Điều 29 BLTTDS đối với những hoạt động được quy định tại các điểm c, d, đ, e, g, h, i, k, n và o khoản 1 Điều 29 BLTTDS.

Để khắc phục các vướng mắc trên, chúng tôi kiến nghị hoàn thiện một số nội dung sau:

Một là, gộp quy định tại điểm k khoản 1 Điều 29 BLTTDS vào điểm i khoản 1 Điều 29 BLTTDS và điểm i khoản 1 Điều 29 BLTTDS mới có nội dung sau: “i) Vận chuyển hàng hoá, hành khách bằng đường sắt, đường bộ, đường thuỷ nội địa, đường hàng không, đường biển.”

Hai là, bổ sung vào điểm b khoản 1 Điều 29 BLTTDS nội dung loại trừ các hoạt động kinh doanh, thương mại được quy định tại các điểm c, d, đ, e, g, h, i, k, n và o khoản 1 Điều 29 BLTTDS và điểm b khoản 1 Điều 29 BLTTDS mới có nội dung như sau: “b) Cung ứng dịch vụ trừ các hoạt động được quy định tại các điểm c, d, đ, e, g, h, i, k, n và o khoản 1 Điều 29 Bộ luật này”.

Thứ ba, về chứng minh, chứng cứ

- Về việc cung cấp chứng cứ của đương sự: Khoản 1 Điều 84 BLTTDS quy định, trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền và nghĩa vụ giao nộp chứng cứ cho Tòa án. Đồng thời, nếu đương sự không nộp hoặc nộp không đầy đủ thì phải chịu hậu quả của việc không nộp hoặc nộp không đầy đủ đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Tuy nhiên, BLTTDS lại không nêu rõ thời hạn đương sự phải nộp chứng cứ nên dẫn đến việc đương sự muốn giao nộp chứng cứ vào thời gian nào cũng được. Có trường hợp, ở phiên tòa sơ thẩm, đương sự cố tình giấu chứng cứ để đến khi đến phiên tòa phúc thẩm mới chịu cung cấp hoặc trong giai chuẩn bị xét xử sơ thẩm đương sự không cung cấp đợi đến tại phiên tòa mới chịu nộp. Điều này, gây khó khăn cho Tòa án cấp sơ thẩm trong việc giải quyết vụ án hoặc dẫn đến án sơ thẩm bị hủy , làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án.

Để khắc phục bất cập này, kiến nghị quy định thời hạn cuối cùng để đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ là trước khi Tòa án ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trong trường hợp, đương sự nộp chứng cứ sau thời điểm này thì phải nêu lý do. Tòa án chỉ chấp nhận nếu vì lý do khách quan mà đương sự giao nộp chứng cứ sau thời hạn cuối cùng.

- Về thủ tục đối chất: Theo khoản 3 Điều 85 BLTTDS thì khi tiến hành biện pháp thu thập chứng cứ “đối chất” tại các điểm b khoản 2 Điều 85 BLTTDS thì Thẩm phán phải ra quyết định, trong đó nêu rõ lý do và yêu cầu của Tòa án. Quy định này gây khó khăn cho Tòa án khi tiến hành biện pháp này. Bởi vì, khi ghi lời khai của đương sự mà phát hiện có mâu thuẫn thì Tòa án không thể tiến hành đối chất ngay mà phải ban hành quyết định đối chất ấn định ngày khác mới được tiến hành đối chất. Điều này gây khó khăn cho Thẩm phán, một mặt làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án. Trong trường hợp vì lý do nào đó mà đương sự cung cấp lời khai vắng mặt vào các lần triệu tập đối chất sau thì việc đối chất sẽ không thực hiện được. Hơn nữa, việc đối chất chỉ đạt kết quả khi cần sự bất ngờ trong cách đặt câu hỏi. Nếu ban hành quyết định sẽ dễ dẫn đến việc đối phó của đương sự, gây khó khăn trong việc xác định sự thật khách quan của Tòa án.

Vì vậy, để khắc phục hạn chế này thì cần quy định việc tiến hành đối chất do Thẩm phán trực tiếp giải quyết vụ án quyết định, không cần phải ban hành quyết định.

- Về thủ tục tiến hành một số hoạt động thu thập chứng cứ khi có đương sự bất hợp tác, cản trở: Hiện nay, việc tiến hành các thủ tục xem xét, thẩm định tại chỗ, định giá… gặp nhiều khó khăn khi có đương sự cản trở. Việc khắc phục khó khăn này tùy mỗi nơi áp dụng khác nhau. Có nơi, Tòa án ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc đương sự có hành vi cản trở chấm dứt việc cản trở theo Điều 115 BLTTDS; nơi khác, Tòa án lại yêu cầu công an cấp xã, công an cùng cấp hỗ trợ cưỡng chế khi đương sự có hành vi cản trở. Tuy nhiên, do chưa có quy định trình tự thủ tục tiến hành nên Tòa án đã gặp khó khăn nhất định.

Mặc dù, Tòa án nhân dân tối cao đang dự thảo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động tố tụng nhưng bên cạnh việc xử lý bằng biện pháp hành chính cũng cần có quy định trình tự thủ tục tiến hành trong BLTTDS để áp dụng thống nhất và tránh kéo dài thời gian giải quyết vụ án.

Để khắc phục hạn chế này, kiến nghị quy định trình tự, thủ tục Tòa án cần tiến hành khi có đương sự cản trở hoạt động thu thập chứng cứ của Tòa án.

- Về hoạt động thu thập chứng cứ của Tòa án: Những trường hợp Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ và các biện pháp mà Tòa án được tiến hành được quy định tại các khoản 1, 2 Điều 85 BLTTDS. Ngoài các hoạt động được quy định tại các khoản 1, 2 Điều 85 BLTTDS, Tòa án còn sử dụng chứng cứ thu thập được qua các hoạt động khác như: (1) hoạt động tiếp nhận tài liệu, chứng cứ do nguyên đơn nộp kèm theo đơn khởi kiện (chưa thụ lý vụ án) theo quy định tại Điều 165 BLTTDS; (2) chứng cứ thu được từ hoạt động hòa giải; (3) hoạt động xét xử tại phiên tòa sơ thẩm; (4) hoạt động xét xử tại phiên tòa phúc thẩm để giải quyết vụ án. Tuy nhiên, các hoạt động này của Tòa án không được quy định là hoạt động thu thập chứng cứ là chưa phù hợp.

Vì vậy, kiến nghị bổ sung vào cuối khoản 2 điểm h với nội dung “Các hoạt động khác mà Bộ luật này có quy định” để bao hàm các hoạt động thu thập chứng cứ khác của Tòa án.

Thứ tư, về các biện pháp khẩn cấp tạm thời:

- Về các trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: Điều 102 BLTTDS quy định 12 biện pháp khẩn cấp tạm thời và 01 quy định mở khi có văn bản quy phạm pháp luật khác có quy định như: tạm hoãn xuất cảnh theo Điều 9 Pháp lệnh Xuất nhập cảnh, bắt giữ tàu biển theo Điều 27 Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển. Tuy nhiên, do chưa có giải thích chính thức từng biện pháp khẩn cấp tạm thời, phạm vi của từng biện pháp và loại trừ giữa các biên pháp với nhau nên cùng 01 yêu cầu có thể áp dụng nhiều biện pháp khác nhau. Đó là, giữa biện pháp “Kê biên tài sản đang tranh chấp” tại khoản 6 với “Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp” tại khoản 7 hoặc giữa biện pháp “Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp” tại khoản 8 với “Cấm hoặc buộc đương sự thực hiện hành vi nhất định” tại khoản 12. Trong khi đó, trình tự, thủ tục áp dụng đối với từng biện pháp không giống nhau. Do chưa có sự phân biệt này dễ bị lạm dụng khi áp dụng trong thực tiễn.

Vì vậy, cần phải nêu khái niệm, phạm vi đối với từng biện pháp khẩn cấp tạm thời và quy định loại trừ đối với những biện pháp khẩn cấp tạm thời có phạm vi đan xen nhau vào Điều 102 BLTTDS.

- Đối với việc áp dụng biện pháp bảo đảm: Theo khoản 1 Điều 120 BLTTDS thì người yêu cầu Toà án áp dụng một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại các khoản 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 102 BLTTDS phải gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá do Toà án ấn định nhưng phải tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người có nghĩa vụ phải thực hiện để bảo vệ lợi ích của người bị áp dụng  biện pháp khẩn cấp tạm thời và ngăn ngừa sự lạm dụng  quyền yêu cầu áp dụng  biện pháp khẩn cấp tạm thời từ phía người có quyền yêu cầu. Mặc dù, quy định tại Điều 120 BLTTDS đã được hướng dẫn tại Mục 8 Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP nhưng hiểu như thế nào là “phải tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người có nghĩa vụ phải thực hiện” chưa được quy định rõ nên việc áp dụng tùy thuộc vào Thẩm phán đang giải quyết vụ án.

Ngoài ra, theo hướng dẫn tại Mục 8 Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP, cách tính thiệt hại có thể xảy ra lại do người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tạm tính trong khi họ lại là người phải thực hiện biện pháp bảo đảm. Đồng thời, việc đánh giá thiệt hại tạm tính của người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời lại phải tham khảo ý kiến của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Điều này làm cho việc áp dụng biện pháp bảo đảm không thống nhất, dễ dẫn đến khiếu nại.

Để khắc phục hạn chế này, cần thiết giao việc tạm tính cho các cơ quan chuyên môn ở địa phương xác định. Thẩm phán chỉ ban hành quyết định sau khi tham khảo ý kiến của cơ quan chuyên môn.

- Về hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời: Theo khoản 1 Điều 122 BLTTDS thì Tòa án ra quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời khi có một trong 03 trường hợp: (1) Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đề nghị hủy bỏ; (2) Người phải thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nộp tài sản hoặc có người khác thực hiện biện pháp bảo đảm thi hành nghĩa vụ đối với bên có yêu cầu và (3) Nghĩa vụ dân sự của bên có nghĩa vụ chấm dứt theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Tuy nhiên, trong thực tiễn, mặc dù đã có Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn việc áp dụng quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời nhưng do sự phức tạp của chế định này nên không phải khi nào Tòa án cũng áp dụng đúng. Trong khi đó, việc Tòa án áp dụng sai sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự. Nhưng các trường hợp hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời tại khoản 1 Điều 122 BLTTDS lại không quy định việc Tòa án được tự mình hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã áp dụng khi phát hiện việc áp dụng không đúng là chưa phù hợp. Điều này có thể dẫn đến những hậu quả không thể khắc phục được.

Để khắc phục hạn chế này, kiến nghị, bổ sung căn cứ “Tòa án đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được hủy bỏ biện pháp khẩn đã áp dụng khi phát hiện việc ban hành quyết định áp dụng không đúng quy định pháp luật” vào khoản 1 Điều 122 BLTTDS.

Thứ năm, về cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng

Qua thực tiễn áp dụng quy định về tống đạt văn bản tố tụng do Tòa án tiến hành đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập sau:

- Đối với việc tống đạt qua đường bưu điện: Do BLTTDS không quy định rõ trình tự, thủ tục tiến hành nên thực tiễn các Tòa án gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, việc tống đạt văn bản tố tụng qua bưu điện qua 02 hình thức: tống đạt thường và chuyển phát nhanh. Trong mỗi hình thức được chia ra 02 cách thức là không hồi báo và có hồi báo. Tuy nhiên, các văn bản thể hiện việc chuyển giao giữa Tòa án và bưu điện không  có phần nội dung để Tòa án có thể ghi số hiệu, ngày tháng ban hành văn bản cũng như ghi thời gian triệu tập, mời đương sự, người tham gia tố tụng khác và càng không có mục nhân viên bưu điện phải giao tận tay cho người được tống đạt. Hơn nữa, việc tống đạt thường được chuyển qua nhiều đầu mối nên người giao tận tay cho người được tống đạt văn bản tố tụng không phải là người nhận văn bản từ cán bộ Tòa án ban đầu. Chính vì lẽ này, các văn bản chỉ chuyển đến địa chỉ mà Tòa án đã xác định trên bao thư còn việc người có tên trên bao thư ký nhận hay không không được nhân viên bưu điện quan tâm. Cho nên, rất nhiều trường hợp người khác sẽ nhận thay nhưng nhân viên bưu điện không ghi rõ người nhận là ai, quan hệ như thế nào với người được tống đạt. Điều này dẫn đến trường hợp, khi đến thời gian hòa giải, đối chất, xét xử… nếu đương sự được triệu tập không đến thì rất khó đảm bảo thủ tục tống đạt của Tòa án có hợp lệ hay không.

Vì vậy, kiến nghị cần có văn bản liên tịch giữa Tòa án nhân dân tối cao với Bộ Bưu chính viễn thông về vấn đề tống đạt để đảm bảo các thủ tục tố tụng của Tòa án.

- Về tính hợp lệ của việc tống đạt văn bản tố tụng: Theo khoản 1 Điều 150 BLTTDS thì việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng được thực hiện theo quy định của BLTTDS thì được coi là hợp lệ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp do không quy định chế độ kiểm tra việc chuyển giao cho người được tống đạt từ người trung gian dễ dẫn đến việc người trung giao không giao hoặc giao không đúng thời hạn cho người được tống đạt dẫn đến việc người được tống đạt không thể biết việc Tòa án triệu tập mình để tham gia tố tụng. Theo khoản 2 Điều 148 BLTTDS thì người có nghĩa vụ thực hiện việc tống đạt mà không làm đúng trách nhiệm của mình thì phải chịu trách nhiệm tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm. Tuy nhiên, chế tài này rất khó thực thi bởi vì người tống đạt trung gian hầu như không được lợi ích gì từ việc nhận tống đạt văn bản tố tụng. Nếu buộc họ chịu trách nhiệm thì việc tống đạt văn bản tố tụng qua trung gian của Tòa án sẽ rất khó thực hiện.

Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền trung ương cần ban hành quy chế phối hợp trong việc thực hiện thủ tục tống đạt theo quy định của BLTTDS. Đồng thời, quy định về chế độ bồi dưỡng đối với những người thuộc các cơ quan này thực hiện việc tống đạt để kích thích họ tích cực hỗ trợ Tòa án.

- Về phương thức thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng chưa phù hợp với thực tiễn: Theo khoản 1 Điều 155 BLTTDS, các trường hợp phải thực hiện phương thức tống đạt trên phương tiện thông tin đại chúng bao gồm: (1) khi pháp luật có quy định; (2) có căn cứ xác định là việc niêm yết công khai không bảo đảm cho người được tống đạt nhận được thông tin về văn bản cần được tống đạt và (3) có thể được thực hiện nếu có yêu cầu của các đương sự khác. Tuy nhiên, quy định này không khả thi và trên thực tế rất ít Tòa án thực hiện thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Bởi vì, BLTTDS không có quy định loại trừ những văn bản tố tụng nào được bỏ qua thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng nên về nguyên tắc tất cả các văn bản tố tụng đều phải lần lượt được tống đạt qua các bước từ trực tiếp đến thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, về nghĩa vụ chịu chi phí cho việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, theo khoản 1 Điều 155 BLTTDS thì đương sự chỉ phải chịu chi phí đăng trên phương tiện thông tin đại chúng khi họ là người người yêu cầu. Trong trường hợp họ không yêu cầu mà (1) khi pháp luật có quy định; (2) có căn cứ xác định là việc niêm yết công khai không bảo đảm cho người được tống đạt nhận được thông tin về văn bản thì đương sự không phải chịu lệ phí đăng báo, đài. Cho nên, lệ phí trong trường hợp này có được Tòa án chi ra hay không và nếu Tòa án chịu thì được quyết toán vào đâu cũng chưa có hướng dẫn. Chính vì vậy, các Tòa án thường chỉ dừng lại ở mức niêm yết công khai, việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng chỉ thực hiện khi đương sự có yêu cầu.

Vì vậy, cần có sửa đổi quy định về tống đạt theo hướng quy định một số văn bản bắt buộc phải qua các bước trong thủ tục tống đạt, đối với một số văn bản chỉ chấm dứt ở giai đoạn việc tống đạt không thực hiện được và việc thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng chỉ khi có yêu cầu của đương sự hoặc pháp luật có quy định. Có như vậy, việc giải quyết vụ án của Tòa án mới đảm bảo thời hạn chuẩn bị xét xử, tránh kéo dài thời gian giải quyết vụ án một cách không cần thiết.

- Đối với thủ tục niêm yết cho cơ quan, tổ chức: BLTTDS chỉ quy định việc niêm yết văn bản tố tụng cho cá nhân mà không đề cập đến việc niêm yết văn bản tố tụng cho cơ quan, tổ chức. Đây là khiếm khuyết của BLTTDS. Trong khi đó, việc không tiến hành thủ tục niêm yết cho cơ quan, tổ chức sẽ gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của chính cơ quan, tổ chức đó vì họ không biết Tòa án đang giải quyết tranh chấp liên quan đến quyền, nghĩa vụ của họ. Hiện nay, trong tố tụng hành chính lại quy định thủ tục niêm yết đối với cơ quan, tổ chức theo điểm b khoản 2 Điều 100 Luật Tố tụng hành chính. Cho nên, bổ sung vào BLTTDS thủ tục niêm yết cho cơ quan, tổ chức như quy định trong Luật Tố tụng hành chính.

Thứ sáu, về thời hạn giải quyết vụ việc dân sự

- Về thời hạn chuẩn bị xét xử: Theo quy định của BLTTDS, đương sự có quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu của mình (bao gồm yêu cầu khởi kiện, phản tố, yêu cầu độc lập). Tuy nhiên, BLTTDS và các văn bản hướng dẫn lại không quy định việc tính lại thời hạn chuẩn bị xét xử trong những trường hợp đương sự thay đổi, bổ sung yêu cầu nên gây rất nhiều khó khăn cho Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án.

Trong khi đó, khi đương sự thay đổi, bổ sung yêu cầu thì thông thường, Tòa án phải tiến hành các thủ tục tố tụng như giải quyết yêu cầu ban đầu của đương sự. Hơn nữa, pháp luật tố tụng dân sự không giới hạn thời hạn thay đổi, bổ sung yêu cầu trong giai đoạn chuẩn bị xét xử nên có những trường hợp khi gần hết thời hạn chuẩn bị xét xử thì đương sự mới thay đổi yêu cầu của mình.

Vì vậy, cần quy định trong những trường hợp đương sự thay đổi, bổ sung yêu cầu mà dẫn đến việc Tòa án tiến hành các thủ tục tố tụng lại thì thời hạn chuẩn bị xét xử sẽ được tính lại như khi Tòa án thụ lý yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập.

- Về thời hạn giải quyết việc dân sự: Theo quy định tại các Điều 26, 28, 30 BLTTDS, Tòa án có thẩm quyền giải quyết nhiều việc dân sự. Tuy nhiên, tại Phần thứ năm của BLTTDS về thủ tục giải quyết việc dân sự thì chỉ nêu một số thủ tục, còn các thủ tục còn lại (như: yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn) không quy định cụ thể thủ tục nên thời hạn giải quyết gặp khó khăn và không được áp dụng thống nhất.

Vì vậy, để khắc phục, cần có quy định chung về thời hạn giải quyết việc dân sự như thời hạn chuẩn bị xét xử trong vụ án dân sự, trong đó, nêu những loại việc dân sự đặc thù sẽ có thời hạn giải quyết riêng để tránh vi phạm thời hạn giải quyết việc dân sự.

Thứ bảy, về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu:

Theo khoản 3 Điều 159 BLTTDS thì thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được chia làm 03 trường hợp sau: (1) Theo quy định của pháp luật, tức là có văn bản quy phạm pháp luật quy định thời hiệu khởi kiện cụ thể; (2) Không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với các loại tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu, về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; và (3) Thời hiệu khởi kiện là 02 năm đối với những tranh chấp không thuộc trường hợp (1), (2). Thời gian tính các thời hiệu này kể từ ngày cá nhân, cơ quan, tổ chức biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Tuy nhiên, thực tiễn, có những tranh chấp không thuộc (2) và văn bản quy phạm pháp luật quy định về loại tranh chấp đó cũng không quy định thời hiệu khởi kiện nhưng trên thực tế các Tòa án cũng không áp dụng thời hiệu khởi kiện 02 năm như: các tranh chấp về hôn nhân, gia đình được quy định tại Điều 27 BLTTDS.

Vì vậy, cần có quy định loại trừ những tranh chấp không áp dụng thời hiệu bên cạnh các tranh chấp tại (1) theo điểm a khoản 3 Điều 159 BLTTDS.

Thứ tám, về hòa giải trong tố tụng dân sự

- Về thủ tục tiến hành: Khi có đương sự yêu cầu không tham gia hòa giải thì Tòa án thể hiện việc không tiến hành hòa giải được giữa các đương sự như thế nào cũng chưa được hướng dẫn nên có sự áp dụng khác nhau. Quan điểm thứ nhất, Tòa án vẫn ban hành thông báo hòa giải và gửi đến tất cả các đương sự (kể cả người xin vắng mặt). Nếu tại phiên hòa giải mà đương sự có yêu cầu vắng mặt vẫn vắng mặt thì Tòa án lập biên bản không tiến hành hòa giải được giữa các đương sự, có chữ ký đương sự có mặt. Quan điểm thứ hai, Tòa án không tiến hành thủ tục hòa giải mà chỉ cần lập biên bản không tiến hành hòa giải được giữa các đương sự, có chữ ký Thẩm phán, Thư ký Tòa án. Bởi vì, mẫu thông báo hòa giải do Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn đã thể hiện, chỉ ban hành thông báo hòa giải khi vụ án không thuộc trường hợp không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được. Cho nên, không cần ban hành thông báo hòa giải như quan điểm thứ nhất. Tác giả thống nhất với quan điểm thứ 2 vì như vậy sẽ rút ngắn thời gian giải quyết vụ án, hạn chế án quá hạn.

Bên cạnh đó, trong trường hợp Tòa án đã tiến hành hòa giải mà phát sinh thêm người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan thì việc tiến hành thủ tục hòa giải của Tòa án cũng gặp khó khăn tương tự.

Vì vậy, kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao cần quy định khi có đương sự yêu cầu vắng mặt hòa giải, yêu cầu Tòa án không tiến hành thủ tục hòa giải hoặc sau khi hòa giải mà phát sinh thêm người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nhưng họ có ý kiến không tham gia hòa giải thì Tòa án chỉ cần lập biên bản không hiến hành hòa giải được giữa các đương sự mà không phải thông báo, mở phiên hòa giải rồi mới lập biên bản.

- Về việc hòa giải bắt buộc: Hiện nay, trước khi vụ án được Tòa án thụ lý thì đã tồn tại nhiều kênh hòa giải như: các bên tranh chấp tự hòa giải với nhau, hòa giải qua trung gian, hòa giải cơ sở theo pháp luật hòa giải cơ sở. Hơn nữa, có những vụ án rất phức tạp, các đương sự tranh chấp, mâu thuẫn quyết liệt nên hòa giải không thể đạt kết quả. Cho nên, quy định về hòa giải trong tố tụng không cần quy định cứng nhất như hiện nay mà cần quy định linh hoạt. Theo đó, đối với những vụ án mà có 01 trong các đương sự có ý kiến không tham gia hòa giải thì việc có tiến hành hòa giải hay không nên dành quyền cho Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án quyết định.

Thứ chín, về nhập, tách vụ án dân sự:

Việc nhập, tách vụ án được quy định tại Điều 38 BLTTDS. Tuy nhiên, quy định về vấn đề này của BLTTDS quá cô đọng nên gây khó khăn cho việc áp dụng trong thực tiễn. Qua thực tiễn giải quyết các VADS, việc nhập, tách vụ án của Tòa án còn nhiều vấn đề còn vướng mắc, bất cập cần có sự thống nhất như: Thẩm quyền ban hành quyết định nhập, tách vụ án dân sự; Việc xác định thời hạn chuẩn bị xét xử khi nhập, tách vụ án dân sự; vấn đề khiếu nại, kiến nghị đối với quyết định nhập, tách vụ án dân sự; trường hợp tách yêu cầu dẫn đến phải chuyển vụ án cho Tòa án khác giải quyết; xử lý hậu quả của việc nhập, tách vụ án dân sự không đúng; căn cứ để xác định vụ án bị nhập vào vụ án khác và vụ án được vụ án khác nhập vào; xác định vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong trường hợp nhập, tách vụ án không đúng.

Để áp dụng thống nhất các vấn đề này, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 38 BLTTDS với các nội dung sau: Bổ sung vào khoản 1 Điều 38 BLTTDS căn cứ xác định vụ án bị nhập vào vụ án khác và vụ án được vụ án khác nhập vào; bổ sung vào khoản 2 Điều 38 BLTTDS trường hợp không được tách vụ án dân sự; bổ sung vào Điều 38 BLTTDS các khoản gồm: khoản 4 quy định về điều kiện nhập, tách vụ án dân sự; khoản 5 quy định về quyền khiếu nại của đương sự, kiến nghị của Viện kiểm sát cùng cấp đối với quyết định nhập, tách vụ án của Tòa án; trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, kiến nghị và việc khắc phục khi có kết luận việc nhập, tách VADS của Tòa án không đúng quy định pháp luật; khoản 6 quy định căn cứ xác định vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng đối với việc nhập, tách vụ án của Tòa án. Theo đó, Điều 38 BLTTDS sẽ có nội dung như sau:

1. Toà án có thể nhập hai hoặc nhiều vụ án mà Toà án đó đã thụ lý riêng biệt thành một vụ án để giải quyết nếu việc nhập và việc giải quyết trong cùng một vụ án bảo đảm đúng pháp luật.

Việc xác định vụ án bị nhập vào vụ án khác và vụ án được vụ án khác nhập vào phải dựa vào các tiêu chí: số lượng quan hệ pháp luật tranh chấp; tính chất phức tạp của từng vụ án; thời gian giải quyết vụ án. Theo đó, vụ án có tính chất đơn giản sẽ được nhập vào vụ án có tính chất phức tạp; vụ án có ít quan hệ pháp luật tranh chấp sẽ bị nhập vào vụ án có nhiều quan hệ pháp luật tranh chấp hơn hoặc vụ án có quan hệ pháp luật tranh chấp bao hàm quan hệ pháp luật tranh chấp của vụ án khác sẽ là vụ án được vụ án khác nhập vào. Việc nhập vụ án có cùng yêu cầu, cùng quan hệ pháp luật tranh chấp thì vụ án được thụ lý sau sẽ nhập vào vụ án được thụ lý trước.

2. Toà án có thể tách một vụ án có các yêu cầu khác nhau thành hai hoặc nhiều vụ án nếu việc tách và việc giải quyết các vụ án được tách bảo đảm đúng pháp luật.

Trong trường hợp, việc tách vụ án dẫn đến việc phải chuyển vụ án đối với yêu cầu bị tách sang Tòa án khác giải quyết thì Tòa án chỉ được tách vụ án khi có sự đồng ý của tất cả các đương sự trong vụ án.

3. …

4. Việc nhập, tách VADS của Tòa án phải tuân thủ các quy định về phạm vi khởi kiện; điều kiện thụ lý yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập được quy định tại các Điều 163, 176 và 177 của Bộ luật này.

5. Đương sự có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án đã ban hành quyết định nhập, tách VADS.

Trình tự, thủ tục khiếu nại kiến nghị đối với quyết định nhập, tách VADS được thực hiện như trường hợp Tòa án trả lại đơn khởi kiện được quy định tại Điều 170 Bộ luật này.

Khi có kết luận của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại về việc nhập, tách VADS của Tòa án là trái với quy định pháp luật thì Tòa án đã ban hành quyết định nhập, tách VADS phải khôi phục lại hồ sơ vụ án như trước khi có quyết định nhập, tách vụ án. Trong trường hợp các đương sự chấp nhận việc giải quyết vụ án, các vụ án như sau khi nhập, tách vụ án thì Tòa án không nhất thiết phải phục hồi lại vụ án như trước khi có quyết định nhập, tách vụ án.

6. Việc nhập, tách vụ án của Tòa án bị xem là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng khi việc nhập, tách vụ án của Tòa án ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự và bị đương sự khiếu nại hoặc Viện kiểm sát cùng cấp kiến nghị.”

Thứ mười, về điều kiện thụ lý vụ án

- Về thủ tục nhận đơn, tài liệu, chứng cứ kèm theo: BLTTDS đã gộp thủ tục giải quyết vụ án dân sự, vụ án hôn nhân, gia định, kinh doanh thương mại, lao động vào cùng thủ tục. Chính vì vậy, khi xem xét thủ tục thụ lý thì Tòa án tiến hành trình tự thủ tục giống nhau giữa các loại án này. Tuy nhiên, mỗi loại án có những đặc thù nhất định nhưng điều kiện thụ lý vụ án lại không có quy định riêng với đặc thù của từng loại án nên gây phiền hà, ảnh hưởng quyền lợi của người khởi kiện (như: việc cung cấp tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện trong vụ án lao động mà người khởi kiện là người lao động; việc cung cấp tài liệu, chứng cứ trong vụ án hôn nhân mà một bên bị bên kia ngược đãi phải bỏ nhà đi nên không có giấy tờ về quan hệ hôn nhân, tài sản nộp cho Tòa án).

Để khắc phục, đề nghị bổ sung những quy định đặc thù liên quan đến từng loại án không chỉ trong việc thực hiện thủ tục thụ lý vụ án mà ngay cả các hoạt động tố tụng khác trong suốt quá trình giải quyết vụ án.

- Về trả lại đơn khởi kiện: Khoản 1 Điều 168 BLTTDS quy định các trường hợp Tòa án trả lại đơn khởi kiện, không có quy định khoản mở (các trường hợp khác pháp luật quy định). Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 169 BLTTDS thì nếu người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của Tòa án thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện. Như vậy, quy định giữa khoản 1 Điều 168 BLTTDS và khoản 2 Điều 169 BLTTDS là không logic. Do đó, đề nghị bổ sung căn cứ tại khoản 2 Điều 169 vào khoản 1 Điều 168 BLTTDS.

- Đối với việc nộp tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiên: Theo Điều 165 BLTTDS thì người khởi kiện phải gửi kèm theo đơn khởi kiện tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Tuy nhiên, trường hợp người khởi kiện không nộp hoặc nộp không đầy đủ thì họ phải chịu chế tài thì BLTTDS không quy định. Chính vì vậy, không có sự áp dụng thống nhất. Có nơi, Tòa án trả lại đơn khởi kiện; có nơi, Tòa án vẫn nhận hồ sơ thụ lý. Tuy nhiên, nếu thụ lý vào giải quyết thì Tòa án sẽ gặp khó khăn sau này. Còn nếu trả đơn khởi kiện thì Điều 168 BLTTDS không quy định trường hợp này. Vì vậy, kiến nghị BLTTDS cần quy định chế tài trong trường hợp đương sự không nộp tài liệu, chứng cứ kèm theo để có sự áp dụng thống nhất.

Thứ mười một, về tạm đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự:

Theo Điều 189 BLTTDS và Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP thì khi có quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được bắt đầu tính lại kể từ ngày Toà án tiếp tục giải quyết vụ án. Đây chính là một trong những lý do làm cho thời gian giải quyết vụ án bị kéo dài. ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự.

Riêng đối với căn cứ tại khoản 5 Điều 189, BLTTDS quy định Tòa án chỉ được ban hành quyết định tạm đình chỉ khi thời hạn giải quyết đã hết là chưa phù hợp. Bởi vì, trong trường hợp chỉ khi có kết quả ủy thác tư pháp hoặc tài liệu, chứng cứ thu thập được mới quyết định các thủ tục tiếp theo của Tòa án để giải quyết vụ án mà nếu chờ đến khi hết thời hạn chuẩn bị xét xử Tòa án mới được ban hành quyết định tạm đình chỉ sẽ không phù hợp vì từ thời gian đó đến khi có kết quả ủy thác tư pháp, tài liệu, chứng cứ được giao nộp, Tòa án không thực hiện được hoạt động tố tụng nào cả.

Để khắc phục, kiến nghị cần quy định, thời gian khắc phục lý do tạm đình chỉ không tính vào thời hạn chuẩn bị xét xử và bỏ quy định “hết thời hạn chuẩn bị xét xử” đối với căn cứ tạm đình chỉ tại khoản 5 Điều 189 BLTTDS.

Thứ mười hai, đối với đình chỉ giải quyết vụ án:

- Đối với trường hợp đình chỉ theo điểm h khoản 1 Điều 192 BLTTDS, theo đó, “Thời hiệu khởi kiện đã hết” là một trong những căn cứ để Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án. Theo quy định của BLTTDS sửa đổi, bổ sung, từ ngày 01/01/2012 thì thời hiệu khởi kiện còn hay hết không được đặt ra khi xem xét điều kiện thụ lý vụ án. Quy định này giúp quy định về thời hiệu khởi kiện trong tố tụng dân sự tương thích với quy định của Bộ luật Dân sự về việc tính lại thời hiệu khởi kiện. Tuy nhiên, việc đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án lại được ban hành sau khi thụ lý vụ án. Điều này có nghĩa, ngay khi thụ lý mà vụ án hết thời hiệu thì Tòa án được ban hành quyết định đình chỉ ngay mà không cần tiến hành bất cứ thủ tục tố tụng nào khác. Quy định này đã triệt tiêu sự tiến bộ của việc bỏ việc xem xét thời hiệu khởi kiện khi thụ lý vụ án. Để khắc phục, kiến nghị bổ sung vào điểm h khoản 1 Điều 192 BLTTDS nội dung “sau khi Tòa án đã tiến hành các hoạt động tố tụng ghi ý kiến của các đương sự trong vụ án”.

- Đối với trường hợp đương sự rút yêu cầu và thay đổi địa vị tố tụng:

Trước khi mở phiên tòa, qua thực tiễn, việc áp dụng quy định này đã phát sinh các vướng mắc: (1) việc xác định loại án (dân sự, hôn nhân gia đình…), quan hệ pháp luật tranh chấp khi đình chỉ yêu cầu của đương sự, thay đổi địa vị tố tụng dẫn đến loại án, quan hệ pháp luật tranh chấp thay đổi; (2) vấn đề tính kết quả giải quyết đối với quyết định đình chỉ yêu cầu của đương sự bị rút; (3) về thẩm quyền ban hành quyết định đình chỉ, thông báo thay đổi địa vị tố tụng trong khoảng thời gian từ khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử đến trước khi phiên tòa được mở; (4) về kháng cáo, kháng nghị quyết định đình chỉ yêu cầu của đương sự bị rút.

Tại phiên tòa, việc áp dụng quy định của pháp luật tố tụng dân sự cũng phát sinh vướng mắc như: (1) việc quy định các trường hợp đương sự rút yêu cầu, thay đổi địa vị tố tụng tại phiên tòa thiếu trường hợp trong vụ án có yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố đối với người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập và yêu cầu độc lập của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nhưng chỉ có yêu cầu khởi kiện, yêu cầu độc lập bị rút thì việc thay đổi địa vị tố tụng trong trường hợp này chưa được hướng dẫn; (2) một số nội dung liên quan đến đình chỉ xét xử chưa được quy định chặt chẽ như: bản chất của đình chỉ xét xử, thời điểm ban hành quyết định, hình thức thể hiện quyết định và việc kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định. Điều này gây khó khăn cho việc áp dụng.

Để khắc phục, kiến nghị một số vấn đề sau:

Một là, bổ sung vào điểm c khoản 1 Điều 192 BLTTDS nội dung: “Trong trường hợp nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện dẫn đến việc thay đổi địa vị tố tụng của đương sự thì việc thay đổi địa vị tố tụng của các đương sự được áp dụng như quy định tại Điều 219 BLTTDS”;

Hai là, bổ sung vào Điều 219 BLTTDS khoản 3 với nội dung: “3. Trong trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan rút toàn bộ yêu cầu độc lập, nhưng bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu phản tố của mình đối với người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì bị đơn trở thành nguyên đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập đã rút trở thành bị đơn”.

Ba là, bổ sung khoản 2 Điều 218 BLTTDS bản chất của đình chỉ xét xử và việc kháng cáo, kháng nghị đình chỉ xét xử với nội dung:

“2. Trong trường hợp có đương sự rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình và việc rút yêu cầu của họ là tự nguyện thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu đương sự đã rút.

Đình chỉ xét xử là việc Hội đồng xét xử sơ thẩm không xét xử yêu cầu của đương sư bị rút. Quyết định đình chỉ xét xử của Hội đồng xét xử được ghi vào phần quyết định của bản án và có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm”.

Đồng thời, bổ sung vào khoản 1 Điều 24 Nghị quyết số 05/2012 các điểm đ, e, g, h với các nội dung như sau:

đ. Khi đình chỉ yêu cầu của đương sự, thay đổi địa vị tố tụng mà dẫn đến việc thay đổi loại án, quan hệ pháp luật tranh chấp thì Tòa án tiến hành thay đổi loại vụ án, quan hệ tranh chấp cho phù hợp với nội dung đang giải quyết và xóa sổ thụ lý vụ án cũ, chuyển sang số thụ lý mới cho phù hợp với yêu cầu chính đang giải quyết.

e. Tòa án vẫn ban hành quyết định đình chỉ đối với yêu cầu đã rút nhưng để phân biệt với quyết định đình chỉ kết thúc vụ án thì Tòa án không mục số, năm ban hành, ký hiệu quyết định. Đồng thời, kết quả giải quyết sẽ không được tính kết quả giải quyết án để thống kê, báo cáo.

g. Trong trường hợp sau khi Tòa án ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử mà có đương sự rút yêu cầu dẫn đến thay đổi địa vị tố tụng thì Tòa án vẫn phải mở phiên tòa. Việc xem xét yêu cầu đã rút và thay đổi địa vị tố tụng sẽ do Hội đồng xét xử quyết định.

h. Việc kháng cáo, kháng nghị được áp dụng như quy định tại Điều 193 BLTTDS.”

Thứ mười ba, về hoãn phiên tòa

- Về trường hợp hoãn phiên tòa: Các trường hợp hoãn phiên tòa được quy định tại khoản 1 Điều 208 BLTTDS. Tuy nhiên, qua thực tiễn còn tồn tại trường hợp, qua xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, để giải quyết vụ án Tòa án cần phải tiến hành hoạt động tố tụng để kiểm tra, đánh giá lại tài liệu, chứng cứ đã thu nhập hoặc phải thu thập thêm tài liệu, chứng cứ mới giải quyết vụ án hoặc phải đưa thêm người tham gia tố tụng… Từ đó, Hội đồng xét xử đã hoãn phiên tòa để thu thập thêm tài liệu, chứng cứ, đưa thêm người tham gia tố tụng. Sau đó, Tòa án phải tiến hành lại các hoạt động tố tụng như: hòa giải, giám định… Sau khi hoàn thành các thủ tục này, Tòa án tiếp tục ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, việc Tòa án hoãn phiên tòa trong trường hợp thu thập thêm tài liệu, chứng cứ không được BLTTDS quy định. Đồng thời, việc Tòa án tiến hành các hoạt động thu thập tài liệu, chứng cứ, đưa thêm người tham gia tố tụng không được BLTTDS quy định. Có nơi, Tòa án cấp phúc thẩm xem đây là vi phạm tố tụng và hủy án của Tòa án cấp sơ thẩm. Nhưng có nơi, việc Tòa án tiến hành các hoạt động tố tụng này vẫn được chấp nhận, không bị xem là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Bởi vì, nếu đang thiếu người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, thiếu tài liệu, chứng cứ quan trọng thì bản án của Tòa án cấp sơ thẩm đương nhiên bị hủy.

Để có sự áp dụng thống nhất và phù hợp với thực tiễn, kiến nghị cần quy định Tòa án được hoãn phiên tòa nếu qua xét hỏi, tranh luận mà cần thu thập thêm tài liệu, chứng cứ hoặc đưa thêm người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Đồng thời, quy định cho phép Tòa án tiến hành các hoạt động tố tụng tiếp để giải quyết vụ án và quy định thời hạn hợp lý để Tòa án mở lại phiên tòa, có thể tối đa 2 tháng kể từ ngày hoãn phiên tòa nhằm tránh kéo dài thời gian giải quyết vụ án.

- Về thời gian mở lại phiên tòa: Khi Tòa án ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử thì theo quy định tại khoản 3 Điều 179 BLTTDS, trong hạn 1 tháng (hoặc 2 tháng trường hợp có lý do chính đáng) Thẩm phải phải mở phiên tòa. Đồng thời, theo Điều 208 BLTTDS thì trong trường hợp Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên toà thì thời hạn hoãn phiên toà sơ thẩm là không quá ba mươi ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên toà. Trong quyết định hoãn phiên tòa phải ghi thời gian mở lại phiên tòa. Nếu Tòa án không thể mở lại phiên tòa vào thời gian ấn định trong quyết định hoãn phiên tòa thì phải thông báo ngay thời gian mở lại phiên tòa cho Viện kiểm sát và những người tham gia tố tụng. Tuy nhiên, BLTTDS lại không quy định thời gian thông báo lại trong bao lâu.

Bên cạnh đó, theo pháp luật tố tụng dân sự, một vụ án có thể bị hoãn nhiều lần mà không giới hạn số lần hoãn. Chính các quy định có tính mở về thời gian hoãn phiên tòa này đã làm cho thời gian giải quyết vụ án bị kéo dài.

Để khắc phục, kiến nghị cần quy định phiên toà xét xử một vụ án chỉ bị hoãn tối đa hai lần. Nếu chưa ấn định được ngày mở lại phiên toà, thì trong hạn 01 tháng kể từ ngày mở phiên tòa phải thông báo mở lại phiên tòa và thời gian mở lại phiên tòa không được quá 2 tháng kể từ ngày hoãn phiên tòa. 

- Về cơ chế hạn chế hoãn phiên tòa: Theo quy định tại khoản 2 Điều 245 BLTTDS thì quyết định hoãn phiên tòa không thuộc một trong các quyết định bị kháng cáo, kháng nghị. Cho nên, nếu Viện kiểm sát, các đương sự không đồng ý chỉ có thể khiếu nại theo quy định của BLTTDS.

Do không có cơ chế hữu hiệu hạn chế việc hoãn phiên tòa không đúng nên ngoài các căn cứ hoãn phiên tòa được quy định, Hội đồng xét xử còn hoãn phiên tòa từ nhiều lý do khác. Bên cạnh đó, việc hoãn phiên tòa cũng được xem là một trong những biện pháp khắc phục việc để án quá hạn luật định. Bởi vì, khi án quá hạn nhưng hồ sơ chưa đầy đủ thì Tòa án vẫn ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, đến phiên tòa sẽ ban hành quyết định hoãn phiên tòa.

Vì vậy, để tránh việc lợi dụng quy định về hoãn phiên tòa để kéo dài thời gian giải quyết vụ án cần có cơ chế hữu hiệu bằng cách dành quyền kháng cáo (cho đương sự) và kháng nghị (cho Viện kiểm sát) đối với quyết định hoãn phiên tòa của Tòa án.

Thứ mười bốn, về trình tự, thủ tục phiên tòa sơ thẩm

Đối với phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, hiện nay, theo quy định của BLTTDS, việc kiểm tra căn cước của người tham gia tố tụng và phổ biến quyền, nghĩa vụ cho họ do Chủ tọa phiên tòa thực hiện. Tuy nhiên, trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa, Chủ tọa phiên tòa cùng với các thành viên Hội đồng xét xử khác tiến hành rất nhiều trình tự, thủ tục. Trong khi đó, việc kiểm tra căn cước, phổ biến quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng thông thường mang tính hình thức. Vì vậy, để giảm bớt công việc cho Hội đồng xét xử, tạo điều kiện cho Thư ký Tòa án làm quen với các hoạt động tố tụng tại phiên tòa, kiến nghị cần quy định việc kiểm tra căn cước, phổ biến quyền và nghĩa vụ do Thư ký Tòa án tiến hành.

Thứ mười lăm, về thủ tục giải quyết việc dân sự

Hiện nay, việc dân sự (hôn nhân và gia đình) về yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn được Tòa án cấp huyện thụ lý, giải quyết khá nhiều. Tuy nhiên, việc áp dụng thủ tục giải quyết việc dân sự này không thống nhất như: thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, có tiến hành hòa giải đoàn tụ trước khi mở phiên họp hay không... Để áp dụng thống nhất, kiến nghị bổ sung vào BLTTDS trình tự, thủ tục giải quyết đối với loại việc dân sự này.

BLTTDS có vai trò vô cùng quan trọng trong việc thực hiện công tác giải quyết các vụ việc dân sự của Tòa án, tạo hành lang pháp lý để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân. Qua thời gian áp dụng, một số quy định đã tỏ ra lỗi thời, cần có sự sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới. Với đề xuất hoàn thiện được nêu ra trong bài viết này, tác giả hy vọng góp phần làm rõ một số quy định của BLTTDS để cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung BLTTDS trong thời gian tới.

  ThS. Thái Chí Bình - Tòa án nhân dân thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang

 

Xem thêm »