Bộ Công thương vừa ban hành
Thông tư số 10/2015/TT-BCT ngày 29 tháng 05 năm 2015 quy định về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi và thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực.
Thông tư quy định, các trường hợp sau được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực: Phát điện để tự sử dụng không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác; Phát điện có công suất lắp đặt dưới 50 kW để bán điện cho tổ chức, cá nhân khác; Kinh doanh điện tại vùng nông thôn, miền núi, hải đảo mua điện với công suất nhỏ hơn 50 kVA từ lưới điện phân phối để bán điện trực tiếp tới khách hàng sử dụng điện tại vùng nông thôn, miền núi, hải đảo và điều độ hệ thống điện quốc gia và điều hành giao dịch thị trường điện lực.
Nguyên tắc cấp giấy phép hoạt động điện lực:
Giấy phép hoạt động điện lực chỉ cấp cho tổ chức, cá nhân đáp ứng đủ các điều kiện đối với từng lĩnh vực được quy định tại Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực và tuân thủ quy định tại Thông tư này.
Giấy phép hoạt động điện lực được cấp cho tổ chức, cá nhân để thực hiện một hoặc nhiều lĩnh vực hoạt động điện lực sau: Tư vấn chuyên ngành điện lực, truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện và xuất, nhập khẩu điện.
Trước giai đoạn thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, giấy phép hoạt động điện lực lĩnh vực bán lẻ điện được cấp đồng thời với lĩnh vực phân phối điện.
Giấy phép phát điện được cấp cho tổ chức để thực hiện hoạt động phát điện đối với từng nhà máy điện.
Phạm vi hoạt động của giấy phép hoạt động điện lực: Giấy phép tư vấn chuyên ngành điện lực có phạm vi hoạt động trong cả nước; Giấy phép phát điện có phạm vi hoạt động cho từng nhà máy điện; Giấy phép truyền tải điện, phân phối điện có phạm vi hoạt động trong phạm vi quản lý, vận hành lưới điện cụ thể; Giấy phép bán buôn điện, bán lẻ điện có phạm vi hoạt động theo phạm vi địa giới hành chính cụ thể; Giấy phép xuất, nhập khẩu điện có phạm vi hoạt động theo phạm vi cụ thể của điểm giao nhận điện năng.
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xuất, nhập khẩu điện gồm: (1) Văn bản đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực theo Mẫu 01 quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này; (2) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của tổ chức đề nghị cấp giấy phép; (3) Bản sao Quyết định phê duyệt chủ trương mua bán điện với nước ngoài, phương án đấu nối lưới điện đã được phê duyệt để mua, bán điện với nước ngoài; (4) Bản sao hợp đồng xuất, nhập khẩu điện hoặc bản sao văn bản đề nghị mua điện hoặc chấp thuận bán điện của phía nước ngoài; (5) Sơ đồ nguyên lý lưới điện liên quan đến điểm mua, bán điện và Quy trình phối hợp vận hành và xử lý sự cố lưới điện giữa bên mua điện và bên bán điện (nếu có); (6) Bản sao có chứng thực tài liệu thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy tại các trạm biến áp theo quy định; Trường hợp thay đổi tên, địa chỉ trụ sở của đơn vị được cấp giấy phép thì hồ sơ chỉ bao gồm các nội dung (1) và (2).
Nguyên tắc thu hồi giấy phép hoạt động điện lực:
Giấy phép hoạt động điện lực bị thu hồi trong trường hợp sau: Đơn vị điện lực vi phạm Điều 37 Luật Điện lực; Đơn vị điện lực có nhu cầu ngừng hoạt động hoặc chuyển giao hoạt động được cấp phép cho đơn vị khác; Khi có đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền do đơn vị điện lực vi phạm các quy định của pháp luật có liên quan.
Giấy phép hoạt động điện lực bị thu hồi theo từng lĩnh vực, phạm vi hoạt động.
Cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có thẩm quyền thu hồi giấy phép hoạt động điện lực thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của mình.
Thông tư cũng quy định, Giấy phép hoạt động điện lực được cấp có thời hạn khác nhau cho các lĩnh vực hoạt động điện lực căn cứ vào phạm vi hoạt động, loại công trình điện, thời hạn đăng ký, năng lực, trình độ chuyên môn của đơn vị hoạt động điện lực nhưng không vượt quá thời hạn được quy định Thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 12 tháng 7 năm 2015. Thông tư số 25/2013/TT-BCT ngày 29 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về trình tự, thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi và thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực hết hiệu lực từ ngày Thông tư này có hiệu lực. Các giấy phép hoạt động điện lực đã được cấp theo quy định tại Thông tư số 25/2013/TT-BCTngày 29 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về trình tự, thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi và thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực và các Quyết định số32/2006/QĐ-BCN ngày 06 tháng 9 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành Quy định điều kiện, trình tự và thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi và quản lý sử dụng giấy phép hoạt động điện lực, Quyết định số 15/2008/QĐ-BCT ngày 01 tháng 7 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định điều kiện, trình tự và thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi và quản lý sử dụng giấy phép hoạt động điện lực ban hành kèm theo Quyết định số32/2006/QĐ-BCN ngày 06 tháng 9 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp tiếp tục có hiệu lực theo nội dung, thời hạn đã quy định trong giấy phép.