Tổng Bí thư Lê Duẩn: Thi hành và tôn trọng pháp luật phải là sự nghiệp của toàn dân

21/05/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

 

Trong suốt chặng đường hoạt động cách mạng của mình, Tổng Bí thư Lê Duẩn (1907-1986) đã có nhiều bài viết, bài nói chuyện để lãnh đạo, chỉ đạo quá trình phát triển của đất nước ta. Trong những chỉ đạo ấy, Tổng Bí thư đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để đặt ra những định hướng sâu sắc cho sự phát triển của hệ thống pháp luật: Pháp chế, pháp luật là công tác nổi bật của chuyên chính vô sản trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội và Thi hành, tôn trọng pháp luật phải là sự nghiệp của toàn dân.

1. Pháp chế là công tác nổi bật của chuyên chính vô sản.

Có thể nói những định hướng về hệ thống pháp luật của Tổng Bí thư Lê Duẩn gắn liền hệ thống lý luận về chuyên chính vô sản trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Theo Tổng Bí thư, chuyên chính vô sản không phải chỉ là bạo lực đối với bọn bóc lột và cũng không phải chủ yếu là bạo lực. Trong những thời kỳ khác nhau, chuyên chính vô sản có những nội dung, hình thức và phương pháp công tác khác nhau. Trong thời kỳ đấu tranh chống sự can thiệp vũ trang hoặc sự xâm lược của bọn đế quốc bên ngoài câu kết với các thế lực phản động trong nước, thì bạo lực là phương diện nổi bật của chuyên chính vô sản. Trái lại, trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, thì công tác cải tạo và phát triển kinh tế, công tác văn hóa, công tác tổ chức, công tác pháp chế của nền chuyên chính là những công tác nổi bật lên. Như vậy, theo Tổng Bí thư, pháp chế, pháp luật chính là công tác nổi bật của chuyên chính vô sản trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội.  

Theo Tổng Bí thư, pháp luật có ba nhiệm vụ chính. Thứ nhất, phải bảo đảm chuyên chính mạnh mẽ đối với kẻ địch, kịp thời đập tan những âm mưu của chúng nhằm chống đối chế độ mới, phá hoại những thành quả cách mạng mà nhân dân đã giành được. Thứ hai, phải đề cao quyền làm chủ về chính trị, về kinh tế, về xã hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đề cao các quyền tự do dân chủ của nhân dân, bảo đảm cho những quyền đó không bị một sự vi phạm nào của các cơ quan Nhà nước, của những người chịu trách nhiệm thi hành pháp luật. Thứ ba, phải bảo đảm cải tạo những tập tục lạc hậu, xóa bỏ những tàn dư của xã hội cũ, ngăn ngừa những hành vi phạm pháp làm tổn hại đến lợi ích và trật tự công cộng, xâm phạm quyền tự do dân chủ của người khác.

Về yêu cầu đối với hệ thống pháp luật, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa phải nhất quán từ luật cùa Nhà nước cho đến các quy định của các cơ quan chính quyền các cấp. Quy định không đủ, không rõ, không chính xác, không cụ thể là mở đường cho sự tùy tiện trong việc xử lý các vấn đề của các cơ quan quản lý cũng như của những người có chức, có quyền. Những sự thiếu sót về luật lệ, cộng thêm sự buông lỏng quản lý đang là một nguyên nhân quan trọng gây ra nhiều vụ vi phạm pháp chế xã hội chủ nghĩa, làm giảm, thậm chí trong nhiều trường hợp làm mất hẳn hiệu lực của các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Theo Tổng Bí thư, pháp luật phải thể hiện đầy đủ đường lối chính sách của Đảng, ý chí và nguyện vọng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, vừa đảm bảo tính nguyên tắc, vừa phù hợp với những đặc điểm lịch sử và truyền thống của dân tộc Việt Nam. Nó phải quán triệt tinh thần đấu tranh không khoan nhượng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động để bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ trật tự xã hội mới, giành thắng lợi cho chủ nghĩa xã hội, nhưng đồng thời nó phải thấm nhuần lòng nhân ái, sự độ lượng khoan dung phản ánh truyền thống đoàn kết hữu ái, đùm bọc lẫn nhau của nhân dân ta.

Trong công tác xây dựng pháp luật, Nhà nước ta cần thu hút đông đảo quần chúng vào việc thảo luận các dự thảo pháp luật, làm cho quần chúng được đóng góp ý kiến, đồng thời qua đó hiểu rõ ý nghĩa các các đạo luật, khiến cho quần chúng đồng tình sâu sắc và nghiêm chỉnh thực hiện khi pháp luật được ban bố. Như vậy, làm cho pháp luật xã hội chủ nghĩa vừa là công cụ quản lý của Nhà nước, vừa là vũ khí làm chủ của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

2. Thi hành và tôn trọng pháp luật phải là sự nghiệp của toàn dân.

Theo Tổng Bí thư, một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác pháp luật là phải khắc phục cho được tình hình không bình thường là nhiều luật và pháp lệnh đã ban hành không được thi hành nghiêm chỉnh, thậm chí là không được thi hành.

Muốn cho pháp luật của Nhà nước được giữ gìn và thi hành đúng, điều quan trọng trước hết là các cơ quan chính quyền, các cán bộ của Đảng và Nhà nước phải tuân thủ pháp luật một cách nghiêm chỉnh, phải tôn trọng các quyền tự do, dân chủ của nhân dân, phải làm đúng trách nhiệm là người thừa hành ý kiến của nhân dân, là người bảo vệ và phục vụ lợi ích của nhân dân. Thi hành và tôn trọng pháp luật phải là sự nghiệp của toàn dân.

Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng, các cơ quan nhà nước và các đoàn thể phải thường xuyên phổ biến, giải thích pháp luật trong các tầng lớp nhân dân, đưa việc giáo dục về pháp luật và các trường học, các cấp học, xây dựng ý thức sống có pháp luật và tôn trọng pháp luật.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, để pháp luật được tôn trọng thì Những người thừa hành pháp luật, được trao quyền lực lớn, nếu không trước hết tự khép mình vào pháp luật, đi đến chỗ lộng quyền, thì hành động sai phạm của họ sẽ gây ra những tổn thất đặc biệt lớn cho xã hội, cho nhân dân. Phải làm cho tất cả cán bộ, nhân viên Nhà nước nắm được và làm đúng pháp luật, tiêu biểu cho pháp luật. Người giữ cương vị càng cao, được trao quyền lực càng lớn, thì càng phải gương mẫu thi hành pháp luật, và càng bị xử phạt nặng nếu vi phạm pháp luật.

Trong khi thi hành pháp luật, phải đứng trên quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, đả phá quan điểm duy tâm siêu hình của luật pháp tư sản. Giai cấp tư sản cho rằng quyền tự do là bản tính của con người, là một ý chí tuyệt đối tách rời tồn tại xã hội; rằng hành động của con người không bị ràng buộc bởi một quy luật nào cả…Và trên thực tế, giai cấp tư sản dùng cái gọi là “cán cân công lý” cùng các công cụ bạo lực khác để trấn áp quần chúng, công nông nhằm duy trì chế độ tư bản chủ nghĩa, một chế độ xã hội lỗi thời đã bị lịch sử lên án.

Đi đôi với việc giải thích, giáo dục pháp luật, phải cưỡng chế thi hành pháp luật, kiểm soát chặt chẽ và xử trí thích đáng đối với hành vi phạm pháp. Các cơ quan có trách nhiệm trực tiếp về việc này như viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan thanh tra Nhà nước, công an và tòa án, cần phải tăng cường hoạt động, bảo vệ có hiệu lực pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ công lý và trật tự.

Ths. Nguyễn Xuân Tùng - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Bộ Tư pháp

 ________________________

1. Lê Duẩn: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, tập I, bài Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ tập thể của nhân dân (Bài nói tại hội nghị toàn ngành Kiểm sát ngày 22 tháng 3 năm 1967), Nhà xuất bản Sự thật, năm 1976.

2. Lê Duẩn: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, tập IV, bài Hiến pháp mới, Hiến pháp của chế độ làm chủ tập thể (Bài nói tại Hội nghị Trung ương lần thứ Tám về Hiến pháp ngày 10 tháng 9 năm 1980), Nhà xuất bản Sự thật, năm 1980.

Xem thêm »