Đấu giá tài sản là một trong những hình thức mua bán đặc biệt (công khai, đề nghị đại chúng, lựa chọn người mua và tuân theo những trình tự riêng biệt). Trên thế giới, đấu giá có lịch sử lâu đời (hình thành từ thời kỳ văn minh Hy Lạp cổ đại – khoảng 500 năm trước công nguyên) và trong nền kinh tế thị trường, bên cạnh các phương thức mua bán thông thường, mua bán tài sản thông qua đấu giá ngày càng phổ biến. Mục đích hướng tới là nhằm đưa tài sản tiếp cận với đại chúng người mua, qua đó phát huy cao nhất giá trị hàng hóa của tài sản. Ở Việt Nam mua bán tài sản thông qua đấu giá là phương thức mua bán không mới nhưng chưa thực sự phổ biến như là một giao dịch thường xuyên trên thị trường. Cùng với quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường, đấu giá đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về đối tượng, chủ thể, loại hình và phương thức thực hiện. Các thiết chế về đấu giá cũng đã bước đầu hình thành và hoàn thiện là cơ sở pháp lý quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của đấu giá trong giao lưu dân sự ở Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng.
Theo Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản (Nghị định số 17/2010/NĐ-CP), mọi cuộc bán đấu giá đều phải do đấu giá viên làm việc trong tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp điều hành theo đúng trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản trừ trường hợp bán đấu giá thông qua Hội đồng bán đấu giá trong trường hợp đặc biệt; tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp, gồm: Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản và doanh nghiệp bán đấu giá tài sản, doanh nghiệp đa ngành nghề có kinh doanh dịch vụ bán đấu giá tài sản. Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập; mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ thành lập 01 Trung tâm. Doanh nghiệp bán đấu giá tài sản được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và quy định tại Nghị định số 17/2010/NĐ-CP.
Qua quá trình thực hiện quản lý nhà nước về công tác bán đấu giá tài sản, bên cạnh những kết quả đạt được, nhận thấy hoạt động của đội ngũ đấu giá viên và tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bán bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh còn gặp không ít khó khăn. Việc xã hội hóa hoạt động bán đấu giá tài sản phát triển còn chậm; đội ngũ đấu giá viên còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng. Việc thực hiện quy định của Nghị định về tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp bán đấu giá tài sản chưa nghiêm. Công tác phối hợp kiểm tra, đôn đốc và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động bán đấu giá tài sản còn nhiều bất cập. Các doanh nghiệp bán đấu giá tài sản còn hạn chế về số lượng, năng lực và sức cạnh tranh thấp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do thể chế về bán đấu giá tài sản chưa hoàn thiện, thiếu những quy định, hướng dẫn cụ thể, một số quy định của pháp luật về tổ chức, hoạt động của đấu giá viên, doanh nghiệp bán đấu giá tài sản và cơ chế quản lý đối với đội ngũ đấu giá viên, doanh nghiệp bán đấu giá tài sản còn chưa phù hợp. Cụ thể:
Thứ nhất, quy định về đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý nhà nước: theo Luật Doanh nghiệp, Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về Đăng ký kinh doanh, Nghị định số 17/2010/NĐ-CP quy định doanh nghiệp bán đấu giá tài sản thực hiện thủ tục đăng ký hoạt động tại Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch- Đầu tư nơi dự kiến đặt trụ sở, trong thời hạn bảy ngày làm việc kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về việc đăng ký kinh doanh cho Sở Tư pháp nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Mặt khác, Nghị định số 17/2010/NĐ-CP cũng quy định Sở Tư pháp giúp UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác bán đấu giá tài sản tại địa phương. Như vậy, theo các quy định trên thì doanh nghiệp bán đấu giá tài sản thực hiện thủ tục đăng ký hoạt động tại Sở Kế hoạch và Đầu tư nhưng chịu sự quản lý nhà nước của Sở Tư pháp về hoạt động bán đấu giá.
Trong khi đó đối với tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức hành nghề công chứng cũng là các tổ chức bổ trợ Tư pháp và hoạt động như loại hình doanh nghiệp như doanh nghiệp bán đấu giá tài sản. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về luật sư và công chứng thì tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức hành nghề công chứng đều thực hiện thủ tục cấp giấy đăng hoạt động tại Sở Tư pháp (giấy đăng ký hoạt động có giá trị như giấy đăng ký kinh doanh) và thống nhất chịu sự quản lý nhà nước của Sở Tư pháp về hoạt động hành nghề luật sư. Với quy định về cơ quan đăng ký hoạt động và cơ quan thực hiện quản lý nhà nước như tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức hành nghề công chứng đã tạo sự thống nhất trong việc theo dõi, quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động.
Ngoài ra, Nghị định số 17/2010/NĐ-CP cũng chỉ quy định doanh nghiệp bán đấu giá thực hiện việc thông báo cho Sở Tư pháp khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động mà không quy định trong trường hợp thay đổi nội dung đăng ký hoạt động (tên gọi, người đại diện theo pháp luật, địa chỉ trụ sở...) cũng phải thực hiện việc thông báo cho Sở Tư pháp. Vì vậy, đôi khi việc Sở Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp bán đấu giá tài sản chỉ mang tính hình thức.
Thứ hai, quy định về phạm vi hành nghề của đấu giá viên: Theo Nghị định số 17/2010/NĐ-CP đấu giá viên được Bộ Tư pháp cấp chứng chỉ hành nghề và được doanh nghiệp bán đấu giá tài sản cấp Thẻ đấu giá viên trong thời gian làm việc tại doanh nghiệp; Đấu giá viên phải đeo Thẻ trong khi điều hành cuộc bán đấu giá viên. Mặt khác, Đấu giá viên không bị hạn chế phạm vi hành nghề, tức được hành nghề trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về đất đai, đăng ký giao dịch bảo đảm thì tài sản là quyền sử dụng đất trong trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất; xử lý tài sản bảo đảm thực hiện thông qua hình thức bán đấu giá thì mỗi địa phương đều ban hành Quy chế quy định việc bán đấu giá đối với các loại tài sản này.
Việc quy định Doanh nghiệp bán đấu giá tài sản thực hiện cấp, theo dõi và quản lý Thẻ đấu giá viên nhưng lại không hạn chế phạm vi hành nghề trong trường hợp bán đấu giá một số loại tài sản đặc biệt và cũng chưa có cơ chế để thực hiện quản lý nhà nước khi doanh nghiệp bán đấu giá tài sản và đấu giá viên hoạt động hành nghề ở địa phương khác. Vì vậy, thực tiễn khi đấu giá viên thực hiện hành nghề tại các địa phương khác nhau nhưng chưa hiểu, nắm bắt các quy định về bán đấu giá của từng địa phương nhất là đối với tài sản là quyền sử dụng đất thì khó tránh khỏi việc vi phạm quy trình, thủ tục bán đấu giá tài sản. Mặt khác, pháp luật không quy định đấu giá viên khi thực hiện hành nghề ở địa phương khác phải có trách nhiệm, nghĩa vụ thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước nơi doanh nghiệp đăng ký hoạt động cũng như cơ quan quản lý nhà nước nơi có tài sản bán đấu giá và đương nhiên khi hoàn thành cuộc bán đấu giá hồ sơ được lưu tại doanh nghiệp nên cả cơ quan quản lý nhà nước nơi có tài sản và nơi doanh nghiệp đăng ký hoạt động không thể theo dõi, giám sát việc hành nghề của đấu giá viên. Bên cạnh đó, cá nhân, tổ chức có tài sản đấu giá hoặc có quyền bán đấu giá tài sản cũng có tâm lý “e ngại” sợ rủi ro về tính pháp lý khi lựa chọn ký hợp đồng bán đấu giá với các doanh nghiệp bán đấu giá tài sản ở địa phương khác.
Trong khi đó công chứng viên cũng là chức danh bổ trợ tư pháp như đấu giá viên, thực hiện hoạt động hành nghề lĩnh vực công chứng thì pháp luật về công chứng quy định công chứng viên có quyền lựa chọn nơi hành nghề tại một địa phương nhất định thông qua Quyết định bổ nhiệm công chứng viên có ghi rõ nơi hành nghề của công chứng viên tại một tỉnh, thành phố; công chứng viên cũng có trách nhiệm đăng ký hành nghề công chứng viên tại Sở Tư pháp theo quyết định bổ nhiệm công chưng viên của Bộ Tư pháp. Mặt khác, Luật Công chứng cũng quy định đối với các hợp đồng, giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất công chứng viên chỉ được chứng nhận trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Như vậy, công chứng viên được hành nghề trong phạm vi địa giới hành chính đối với một số trường hợp nhất định. Chính quy định chặt chẽ về hành nghề của công chứng viên nên đảm bảo việc thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động hành nghề của công chứng viên.
Thứ ba, quy định về cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá viên: Nghị định số 17/2010/NĐ-CP quy định người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá viên gửi hồ sơ trực tiếp đến Bộ Tư pháp mà Sở Tư pháp thực hiện tiếp nhận, thẩm định hồ sơ. Vì vậy, trong trường hợp người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá viên thuộc trường hợp không được cấp chứng chỉ theo quy định tại Điều 9 Nghị định 17/2010/NĐ-CP thì Bộ Tư pháp khó có thể kiểm soát được.
Hiện nay, các quy định về bổ nhiệm, cấp chứng chỉ hành nghề hoặc cấp Thẻ của các chức danh bổ trợ tư pháp (luật sư, công chứng viên, trợ giúp viên pháp lý, giám định viên tư pháp...) đều được thực hiện thông qua đầu mối Sở Tư pháp hoặc phải có ý kiến của Sở Tư pháp. Việc quy định cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá viên và việc cấp Thẻ đấu giá viên do Bộ Tư pháp và tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp thực hiện vừa dẫn đến chưa thống nhất trong việc theo dõi, quản lý đối với đội ngũ các chức danh bổ trợ tư pháp, chưa tạo sự gắn kết giữa các cấp quản lý nhà nước về hoạt động bán đấu giá vừa chưa đảm bảo chặt chẽ trong quy trình cấp chứng chỉ hành nghề và cấp Thẻ đấu giá viên.
Thứ tư, quy định về kiểm tra về tổ chức và hoạt động bán đấu giá và chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm: Hiện nay, việc kiểm tra về tổ chức và hoạt động bán đấu giá chưa được quy định cụ thể, chi tiết; chỉ được quy định tại Khoản 5 Điều 19 Thông tư số 23/2010/TT-BTP ngày 06/12/2010 của Bộ Tư pháp Quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Nghị định số 17/2010/NĐ-CP. Theo đó chỉ quy định đối tượng kiểm tra là các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp, chi nhánh của các doanh nghiệp bán đấu giá tài sản, Hội đồng bán đấu giá tài sản trong phạm vi địa phương; không quy định đối tượng kiểm tra là Văn phòng đại diện của các doanh nghiệp đồng thời cũng không quy định về trình tự, thủ tục tiến hành kiểm tra. Vì vậy, trong trường hợp doanh nghiệp thông qua Văn phòng đại diện đặt tại địa phương khác để thực hiện việc bán đấu giá đối với một số tài sản đặc biệt như quyền sử dụng đất, xử lý tài sản bảo đảm được thực hiện theo quy định riêng của địa phương nhưng địa phương không thể tiến hành kiểm tra đối với hoạt động bán đấu giá này của Văn phòng đại diện.
Chế tài xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp nói chung và bán đấu giá tài sản nói riêng được quy định tại Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ chưa quy định đối với việc thu hồi Thẻ đấu giá viên; điều hành cuộc đấu giá nhưng không có Thẻ đấu giá viên hoặc sử dụng Thẻ đấu giá viên giả để điều hành phiên đấu giá; hành vi cản trở, chống lại hoạt động kiểm tra, thanh tra của cơ quan có thẩm quyền và người có thẩm quyền.... nên thực tiễn đối với doanh nghiệp bán đấu giá tài sản thực hiện việc đăng ký hoạt động tại một cơ quan và chịu sự quản lý nghiệp vụ tại một cơ quan khác khi có hành vi vi phạm hoặc cản trở, chống lại hoạt động kiểm tra, thanh tra của cơ quan hoặc người có thẩm quyền thì việc xử lý còn nhiều bất cập do không có thẩm quyền, hoặc khi các cơ quan nhà nước phối hợp để phát hiện, xử lý hành vi vi phạm thì đã không còn tính kịp thời theo nguyên tắc xử lý vi phạm.
Việc phát triển doanh nghiệp bán đấu giá tài sản song song với Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản sẽ đáp ứng kịp thời nhu cầu giao dịch của các loại tài sản trên thị trường; đồng thời tạo ra môi trường cạnh tranh, nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ bán đấu giá tài sản cho cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, nếu thiếu cơ chế chặt chẽ trong giám sát, quản lý hoạt động của loại hình này thì là kẽ hở cho việc vi phạm pháp luật. Chính vì vậy, chưa bao giờ vấn đề tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, đảm bảo nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa trong hoạt động của các doanh nghiệp bán đấu giá tài sản và đội ngũ đấu giá viên là vấn đề cần được quan tâm. Vì vậy, từ thực tiễn quản lý nhà nước về bán đấu giá tài sản nói chung và doanh nghiệp bán đấu giá tài sản nói riêng xin đưa ra một số kiến nghị đề xuất sau:
- Đối với Chính phủ, Quốc Hội: Đề nghị sớm ban hành Luật đấu giá để tạo cơ sở pháp lý cao và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác bán đấu giá tài sản nói chung và doanh nghiệp bán bán đấu giá tài sản, đội ngũ đấu giá viên nói riêng. Theo đó Luật đấu giá tài sản cần quy định theo hướng:
+ Nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động bán đấu giá tài sản; quy định chặt chẽ tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá viên, cấp Thẻ đấu giá viên.
+ Quy định cụ thể phạm vi hoạt động cũng như quản lý nhà nước đối với đấu giá viên đảm bảo phù hợp với các chức danh bổ trợ Tư pháp khác như: công chứng viên, luật sư, trợ giúp viên pháp lý...
+ Bảo đảm sự thống nhất của Nhà nước đối với các hoạt động bán đấu giá. Xác định rõ cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm giúp Chính phủ (ở Trung ương), UBND cấp tỉnh (ở địa phương) trong quản lý nhà nước đối với hoạt động bán đấu giá; nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cơ quan Tư pháp trong quản lý nhà nước về bán đấu giá tài sản.
- Đối với Bộ Tư pháp: Đề nghị ban hành quy tắc đạo đức nghề đấu giá nhằm nâng cao trách nhiệm, đạo đức , chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ đấu giá viên.
Dương Thị Như Quỳnh