Các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là các quan hệ pháp luật dân sự có yếu tố chủ thể là người nước ngoài, đối tượng của quan hệ là tài sản ở nước ngoài hoặc sự kiện pháp lý làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ xảy ra tại nước ngoài. Do có yếu tố nước ngoài mà quan hệ dân sự thuộc loại này có khả năng chịu sự điều chỉnh của nhiều hệ thống pháp luật khác nhau, khiến cho việc giải quyết các vấn đề pháp lý trong quan hệ giữa các bên trở nên phức tạp, nhất là khi các hệ thống pháp luật có cách tiếp cận và quy định cụ thể thường rất khác nhau. Vì vậy, pháp luật các nước hầu hết đều có các quy định đặc biệt đưa ra các nguyên tắc để lựa chọn và áp dụng một hệ thống pháp luật với một quan hệ pháp luật dân sự có yếu tố nước ngoài cụ thể (quy phạm xung đột). Tại Việt Nam,đã có nhiều điểm mới trong việc xác định pháp luật trong trường hợp nêu trên và được quy định chủ yếu tại Phần 7 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015.
1. Khái niệm quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 663 Bộ luật dân sự 2015, quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự thuộc một trong các trường hợp sau:Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài;Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài;Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.
2. Những điểm mới về việc xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài theo Bộ luật dân sự 2015:
2.1. Một số điểm mới về kỹ thuật lập pháp:
Thứ nhất, Điều 759 Bộ luật dân sự 2005 với tiêu đề“ áp dụng pháp luật dân sự Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, điều ước quốc tế, pháp luật nước ngoài và tập quán quốc tế’ nay đổi thành Điều 664 với tiêu đề “Xác định pháp luật đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài”. Điều này nhằm khẳng định rõ hơn nguyên tắc các bên trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được quyền chọn pháp luật áp dụng. Ngoài ra, việc áp dụng Điều ước quốc tế, tập quán quốc tế, pháp luật nước ngoài trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài sẽ được quy định thành từng Điều luật theo Bộ luật dân sự 2015.
Thứ hai, Bộ Luật dân sự 2015 đã tách Điều 759 của Bộ luật dân sự 2005 thành các Điều 665 (áp dụng Điều ước quốc tế đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài), Điều 666 (áp dụng tập quán quốc tế), Điều 668 (phạm vi pháp luật được dẫn chiếu), Điều 670 (Trường hợp không áp dụng pháp luật nước ngoài); đồng thời bổ sung thêm Điều 667 (áp dụng pháp luật nước ngoài); Điều 669 (áp dụng pháp luật của nước có nhiều hệ thống pháp luật).
2.2. Nội dung những điểm mới về xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài
a. Phạm vi áp dụng:
Khoản 1 Điều 759 Bộ luật dân sự 2005 quy định: “Các quy định của pháp luật dân sự Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác”, trong khi đó khoản 1 Điều 663 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Trường hợp luật khác có quy định về pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài không trái với quy định từ Điều 664 đến Điều 671 của Bộ luật này thì luật đó được áp dụng, nếu trái thì quy định có liên quan của Phần thứ năm của Bộ luật này được áp dụng”. Như vậy, khác Bộ luật dân sự 2005, Bộ luật dân sự 2015 quy định các quy định về pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài nhưng không trái với quy định của Bộ luật thì luật đó vẫn được áp dụng. Quy định này thể hiện sự tôn trọng nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận trong quan hệ dân sự trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
b. Nguyên tắc xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài
Nguyên tắc xác định pháp luật theo Bộ luật dân sự 2005 được quy định: áp dụng pháp luật theo các bên thỏa thuận trong hợp đồng nếu không trái với quy định của pháp luật Việt Nam, Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp không có thỏa thuận thì áp dụng pháp luật Việt Nam, tuy nhiên nếu Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng Điều ước quốc tế. Trường hợp Điều ước quốc tế hoặc pháp luật Việt Nam dẫn chiếu đến việc áp dụng pháp luật nước ngoài thì áp dụng pháp luật nước đó nếu việc áp dụng không hoặc hậu quả của việc áp dụng không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Nếu không xác định được pháp luật áp dụng trong các trường hợp trên thì áp dụng tập quán quốc tế nếu việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Tuy nhiên, Điều 664 Bộ luật dân sự 2015 quy định về nguyên tắc xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài như sau:
“1. Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam.
2. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam có quy định các bên có quyền lựa chọn thì pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo lựa chọn của các bên.
3. Trường hợp không xác định được pháp luật áp dụng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đó.”
Theo đó nguyên tắc xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài theo Bộ luật dân sự năm 2015 được xác định như sau: trước hết các bên cần áp dụng Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc Luật Việt Nam. Trong trường hợp Điều ước quốc tế hoặc luật Việt Nam quy định các bên có quyền lựa chọn thì pháp luật được áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo lựa chọn của các bên hoặc các bên có thể lựa chọn áp dụng tập quán quốc tế nếu hậu quả của việc áp dụng không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Trường hợp không xác định pháp luật áp dụng trong các trường hợp trên thì áp dụng pháp luật có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ đó.
Như vậy, điểm mới cơ bản về nguyên tắc xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 là thứ tự áp dụng ưu tiên pháp luật được áp dụng, đặc biệt Bộ luật dân sự 2015 quy định chỉ cho phép các bên có quyền lựa chọn luật áp dụng khi Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam có quy định. Bên cạnh đó, Bộ luật dân sự 2015 còn bổ sung nguyên tắc áp dụng pháp luật có mối liên hệ gắn bó nhất với mối quan hệ đó.
Về việc quy định bổ sung nguyên tắc áp dụng pháp luật có mối liên hệ gắn bó nhất để làm cơ sở xác định pháp luật áp dụng trong trường hợp không xác định được pháp luật áp dụng nhằm để thuận lợi cho cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là cơ quan xét xử trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài. Về bản chất, các hệ thuộc luật được dẫn chiếu đến trong các quy phạm xung đột là hệ thuộc luật có quan hệ gắn bó nhất đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đó và thường đã được chỉ rõ (ví dụ: theo hệ thuộc quốc tịch, nơi thường trú… tùy theo từng quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài cụ thể). Tuy nhiên, do quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài rất đa dạng nên trong nhiều trường hợp pháp luật chưa quy định hết được các hệ thuộc luật áp dụng. Cách quy định này sẽ đảm bảo độ mềm dẻo cần thiết để cơ quan xét xử có thể xử lý linh hoạt các vụ việc phát sinh trên thực tế, tránh tình trạng áp dụng trực tiếp pháp luật Việt Nam mà không có căn cứ , đồng thời cũng thể hiện sự hội nhập của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Đây cũng là cách tiếp cận được nhiều nước sử dụng khi xây dựng các quy phạm xung đột của nước mình và cũng được sử dụng trong một số điều ước quốc tế có quy định về xung đột pháp luật[1]. Trên thực tế, quy định tại khoản 2 Điều 760 của BLDS 2005 cũng đã có sử dụng thuật ngữ “có quan hệ gắn bó nhất”.Tuy nhiên, việc xác định hệ thuộc luật của nước nơi có quan hệ gắn bó nhất cần được hướng dẫn (bằng nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao) nhằm bảo đảm việc vận dụng trên thực tế sẽ thống nhất, tránh tùy tiện.
c. Điểm mới quy định về việc áp dụng quy định của pháp luật được dẫn chiếu:
Bộ luật dân sự 2015 đã tách riêng Điều 668 để quy định rõ hơn vấn đề áp dụng pháp luật được dẫn chiếu, theo đó, “1. Pháp luật được dẫn chiếu đến bao gồm quy định về xác định pháp luật áp dụng và quy định về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.
2. Trường hợp dẫn chiếu đến pháp luật Việt Nam thì quy định của pháp luật Việt Nam về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự được áp dụng.
3. Trường hợp dẫn chiếu đến pháp luật của nước thứ ba thì quy định của pháp luật nước thứ ba về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự được áp dụng.
4. Trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 664 của Bộ luật này thì pháp luật mà các bên lựa chọn là quy định về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự, không bao gồm quy định về xác định pháp luật áp dụng” .
Như vậy, Bộ luật dân sự 2015 đã bổ sung quy định cụ thể xác định rõ phạm vi dẫn chiếu đến pháp luật được chọn áp dụng, chỉ dẫn chiếu đến pháp luật nội dung (không bao gồm quy phạm xung đột) trong trường hợp các bên được lựa chọn pháp luật áp dụng. Các trường hợp khác cho phép dẫn chiếu ngược để tăng cơ hội áp dụng pháp luật Việt Nam. Ngoài ra, Bộ luật dân sự 2015 quy định cho phép dẫn chiếu đến pháp luật của nước thức ba, trường hợp pháp luật nước ngoài dẫn chiếu đến pháp luật của nước thứ ba thì quy định của pháp luật nước đó về quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự được áp dụng.
d. Những quy định mới về các trường hợp không áp dụng pháp luật nước ngoài.
Trong trường hợp dẫn chiếu đến việc áp dụng pháp luật nước ngoài, Bộ luật dân sự 2005 quy định: “Trong trường hợp Bộ luật này, các văn bản pháp luật khác của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên dẫn chiếu đến việc áp dụng pháp luật nước ngoài thì pháp luật của nước đó được áp dụng, nếu việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trường hợp pháp luật nước đó dẫn chiếu trở lại pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì áp dụng pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Pháp luật nước ngoài cũng được áp dụng trong trường hợp các bên có thoả thuận trong hợp đồng, nếu sự thoả thuận đó không trái với quy định của Bộ luật này và các văn bản pháp luật khác của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”
Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề không áp dụng pháp luật nước ngoài khi được dẫn chiếu đến, Điều 670 Bộ luật dân sự 2015 lại quy định: “1. Pháp luật nước ngoài được dẫn chiếu đến không được áp dụng trong trường hợp sau đây:
a) Hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam;
b) Nội dung của pháp luật nước ngoài không xác định được mặc dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật tố tụng.
2. Trường hợp pháp luật nước ngoài không được áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều này thì pháp luật Việt Nam được áp dụng”.
Như vậy, Bộ luật dân sự 2015 đã thay cụm từ “việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng” bằng cụm từ “hậu quả của việc áp dụng” trong trường hợp áp dụng pháp luật nước ngoài mà trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam thì sẽ không được áp dụng. Thực tế cho thấy không thể có trường hợp việc áp dụng pháp luật mà lại trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật mà phải là hậu quả của việc áp dụng trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật, vì vậy, thiết nghĩ Bộ luật 2015 quy định lại theo hướng như trên là hợp lý.
Ngoài ra, Bộ luật dân sự 2015 còn quy định bổ sung trường hợp không áp dụng pháp luật nước ngoài khi nội dung của pháp luật nước ngoài không xác định được mặc dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật tố tụng. Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chỉ được viện dẫn điều khoản này để không áp dụng pháp luật nước ngoài trong trường hợp đã thực hiện các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật tố tụng mà vẫn không xác định được quy định pháp luật nước ngoài điều chỉnh quan hệ dân sự đó. Quy định này nhằm ràng buộc trách nhiệm xác định pháp luật áp dụng của các cơ quan có thẩm quyền. Mặc dù quy định này nhằm tới các cơ quan có thẩm quyền, các bên trong quan hệ pháp luật dân sự có yếu tố nước ngoài nếu không xác định được nội dung của pháp luật nước ngoài điều chỉnh thì cũng có thể viện dẫn quy định này để áp dụng pháp luật Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định rõ tại khoản 2 Điều 670 về việc không áp dụng pháp luật nước ngoài trong các trường hợp nêu trên thì sẽ áp dụng pháp luật Việt Nam. Quy định này nhằm tăng khả năng áp dụng pháp luật Việt Nam cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.
e. Quy định mới về việc áp dụng tập quán quốc tế
Khoản 4, Điều 759 BLDS 2005 quy định chỉ được áp dụng tập quán quốc tế trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài khi không có quy định pháp luật của Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên quy định hoặc hợp đồng của các bên không có quy định. Tuy nhiên, trong quan hệ dân sự nói chung và quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài nói riêng, tập quán có vị trí đáng kể điều chỉnh nhiều quan hệ dân sự trên thực tế. Vì vậy, đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài cũng cần có quy định rõ việc cho phép các bên lựa chọn áp dụng tập quán. Theo đó, Điều 666 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Các bên được lựa chọn tập quán quốc tế trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 664 của Bộ luật này. Nếu hậu quả của việc áp dụng tập quán quốc tế đó trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam thì pháp luật Việt Nam được áp dụng.”
Tương tự việc áp dụng pháp luật nước ngoài, Bộ luật dân sự 2015 cũng đã quy định trường hợp không được áp dụng tập quán quốc tế nếu hậu quả của việc áp dụng tập trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam thay vì “việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng” như Bộ luật dân sự 2005 đã quy định.
f. Quy định bổ sung về việc áp dụng pháp luật nước ngoài, áp dụng pháp luật của nước có nhiều hệ thống pháp luật:
Bộ luật dân sự 2015 đã quy định bổ sung việc áp dụng pháp luật nước ngoài và áp dụng pháp luật của nước có nhiều hệ thống.
Theo đó, Điều 667 Bộ luật dân sự 2005 quy định: “Trường hợp pháp luật nước ngoài được áp dụng nhưng có cách hiểu khác nhau thì việc áp dụng phải theo sự giải thích của cơ quan có thẩm quyền tại nước đó”.Đây là một quy định phản ánh đúng bản chất của việc áp dụng pháp luật nước ngoài với tư cách là nguồn luật để giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, quy định này cũng đòi hỏi cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng pháp luật nước ngoài phải thường xuyên trau dồi kiến thức về pháp luật nước ngoài và khả năng ngoại ngữ để hiểu và áp dụng đúng pháp luật nước ngoài.
Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 138/2006/NĐ-CP ngày 15/11/2006 quy định chi tiết thi hành các quy định của Bộ luật Dân sự 2005 về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài có nội dung “Trong trường hợp việc lựa chọn hoặc viện dẫn áp dụng pháp luật của nước có nhiều hệ thống pháp luật khác nhau, thì đương sự có quyền yêu cầu áp dụng hệ thống pháp luật có mối quan hệ gắn bó nhất với đương sự về quyền và nghĩa vụ công dân.” Với các nước liên bang hoặc tại một số quốc gia như Trung Quốc có những vùng lãnh thổ có hệ thống pháp luật riêng (Hồng Công, Ma Cao...) thì khi dẫn chiếu đến pháp luật những nước này gặp vướng mắc.Việc cho phép đương sự được tự lựa chọn hệ thống pháp luật áp dụng trong trường hợp này có thể dẫn đến tình trạng lẩn tránh pháp luật. Vì vậy, Bộ luật dân sự 2015 đã quy định lại việc áp dụng pháp luật của nước có nhiều hệ thống pháp luật theo hướng tôn trọng quy định về xác định hệ thống pháp luật cụ thể tại quốc gia nước ngoài đó, cụ thể Điều 668 BLDS 2015 quy định như sau: “Trường hợp pháp luật của nước có nhiều hệ thống pháp luật được dẫn chiếu đến thì pháp luật áp dụng được xác định theo nguyên tắc do pháp luật nước đó quy định”.
Như vậy, Bộ luật dân sự 2015 với nhiều điểm mới quy định về việc xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đã khắc phục được những hạn chế trong quy định của Bộ luật dân sự 2005. Các quy định đặc biệt này không trực tiếp điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ dân sự như quy phạm tại các phần khác của Bộ luật dân sự mà chỉ ra hệ thống pháp luật nào được áp dụng với các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Ngoài ra, những điểm mới trong Bộ luật dân sự 2015 về việc xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đã góp phần hoàn thiện các quy định của pháp luật Việt Nam phù hợp với xu hướng phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay.
Tra Nguyen
Danh mục tài liệu tham khảo
- Bộ luật dân sự 2005
- Bộ luật dân sự 2015;
- Nghị định số 138/2006/NĐ-CP ngày 15/11/2006 quy định chi tiết thi hành các quy định của Bộ luật Dân sự 2005
- PGS, TS Nguyễn Trung Tín, Mấy ý kiến về phần quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài trong Bộ luật dân sự 2005
[1]Tư pháp quốc tế của nhiều nước cũng quy định về việc áp dụng hệ thuộc luật của nước nơi có quan hệ gắn bó nhất trong các trường hợp không có quy định rõ về hệ thuộc luật áp dụng hoặc khi các bên không lựa chọn (Nghị định Rome I nằm 2008 (về luật áp dụng đối với nghĩa vụ theo hợp đồng) và Rome 2 năm 2007 (về luật áp dụng đối với nghĩa vụ ngoài hợp đồng) của Liên minh châu Âu; Luật về pháp luật áp dụng năm 2006 của Nhật Bản, Luật về áp dụng luật với các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài của Trung Quốc, Bộ Luật tư pháp quốc tế của Bun-ga-ry, Luật Tư pháp quốc tế của Bỉ, Luật tư pháp quốc tế của Hàn Quốc…).