Pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá và kiến nghị hoàn thiện

21/10/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là một trong 15 nước có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới. 5,3 triệu người trưởng thành ở Việt Nam đang hút thuốc lá. Trong đó, 41,2% nam giới trưởng thành, 1,6% nữ giới trưởng thành, 5,9% thiếu niên nam và 1,2% thiếu niên nữ hút thuốc lá hàng ngày. Trung bình 2 nam giới có một người hút thuốc lá, 2/3 phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc lá tại nhà, 33 triệu người không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc[1]. Hằng năm, Việt Nam có 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Thực hiện Chương trình quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá, ngày 23/01/2013 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 229/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược quốc gia phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2020”, sau hơn 3 năm triển khai thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Luật PCTHCTL) năm 2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013; Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế và các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến kiểm soát, phòng chống tác hại (PCTH) của thuốc lá đã tạo thành một hành lang pháp lý khá đầy đủ về PCTH của thuốc lá. Hệ thống pháp luật này ngày càng được hoàn thiện, đồng thời thể hiện độ tương thích khá cao so với Công ước Khung của Tổ chức Y tế thế giới về Kiểm soát thuốc lá (Công ước FCTC – tiếng Anh Framework Convention on Tobacco Control) mà Việt Nam đã tham gia, mà theo đó, tại Điều 3 của Công ước “Mục tiêu của Công ước này và các nghị định thư có liên quan là nhằm bảo vệ các thế hệ hiện nay và tương lai khỏi các hậu quả tàn phá về sức khoẻ, xã hội, môi trường và kinh tế của việc tiêu thụ thuốc lá và phơi nhiễm với khói thuốc bằng việc cung cấp một khuôn khổ cho các biện pháp kiểm soát thuốc lá do các Bên thực hiện ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế nhằm làm giảm đáng kể và liên tục tỉ lệ người sử dụng thuốc lá và phơi nhiễm với khói thuốc lá.”
Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ nam giới trưởng thành ở nước ta hút thuốc tuy có giảm nhưng vẫn khá cao. Luật PCTHCTL năm 2012 có quy định những địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn, nhưng nhiều nơi công cộng, công sở, vẫn diễn ra công khai. Ngay tại một số bệnh viện, vẫn xảy ra tình trạng bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ngang nhiên hút thuốc lá, dù khu vực đó có biển cảnh báo “cấm hút thuốc lá” nhưng cũng chỉ dừng lại bằng biện pháp nhắc nhở. Cùng với đó, nhiều công sở cơ quan hành chính; khu vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao; phương tiện giao thông công cộng tình trạng hút thuốc lá vẫn cứ tồn tại. Tình trạng bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi vẫn cứ diễn ra vô tư!... Sở dĩ còn có tình trạng trên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến một số nguyên nhân thuộc về chủ quan, như sau:
Thứ nhất:  Trách nhiệm xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá, được quy định tại Điều 32 Luật PCTHCTL năm 2012, mà theo đó, tại khoản 1 của Điều này có quy định:Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá; nếu dung túng, bao che, không xử lý hoặc xử lý không kịp thời, không đúng quy định thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật”.  Nhưng thực tế, trách nhiệm kiểm tra việc chấp hành các quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành về PCTHCTL ở nhiều địa phương còn rất “mờ nhạt”, thậm chí hầu như còn khoán trắng cho cấp dưới. Luật cấm hút thuốc lá trong trường học, bệnh viện nhưng thực tế vẫn xảy ra. Luật cấm quảng cáo, khuyến mãi tại các điểm bán lẻ thuốc lá nhưng vẫn cứ xảy ra. Luật quy định nhiều cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử phạt nhưng thực tế số vụ vi phạm bị xử phạt liên quan tới hút thuốc lá còn quá khiêm tốn. Vấn đề đặt ra vì sao người dân trong đó không ít cán bộ, công chức biết hút thuốc lá rất độc hại nhưng vẫn hút? Vì sao đã có chế tài xử phạt khá mạnh, phân cấp chủ thể có thẩm quyền xử phạt vi phạm tương đối rõ ràng nhưng tình trạng trên vẫn cứ tồn tại, như một sự thách thức?
Thực tế trên cho thấy, nhận thức về trách nhiệm của các chủ thể mang quyền lực nhà nước trong PCTH của thuốc lá vẫn còn hạn chế. Đó là trách nhiệm công vụ thực hiện những hành vi mà Nhà nước giao và trách nhiệm pháp lý gánh chịu những hậu quả bất lợi khi tổ chức thực hiện trách nhiệm công vụ kém hiệu quả. Ý thức tuân thủ pháp luật về PCTH của thuốc lá của một bộ phận cán bộ lãnh đạo đứng đầu cơ quan đơn vị, tổ chức trong bộ máy nhà nước còn hạn chế; chưa kiên quyết thực hiện các quy định này một cách nghiêm túc. Thậm chí, không ít đơn vị chính lãnh đạo còn nghiện thuốc lá, nên việc thực thi luật càng khó hơn. Trong khi đó, các điểm bán lẻ thuốc lá qua quan sát còn trưng bày quá 1 bao/1 tút của một nhãn hiệu thuốc lá; việc khuyến mãi cũng diễn ra như mua nhiều giảm giá, tặng bật lửa... Trong khi, những điều này cấm trong luật.
Phối hợp liên ngành chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ Chính quyền các cấp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức chưa chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực thi Luật PCTHTL, nhất là với quy định cấm hút thuốc lá tại các điạ điểm cấm hút thuốc là hoàn toàn chưa nghiêm. Mặt khác, các vi phạm pháp luật PCTHTL vẫn diễn ra thường xuyên: vi phạm trong quảng cáo tại các điểm bán thuốc lá vẫn còn phổ biến. Không kiểm soát được việc bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi.
Một lý do nữa để giải thích cho tình trạng trên, đó là, hiện có cơ chế chịu trách nhiệm pháp lý của các chủ thể có thẩm quyền trong công tác PCTH của thuốc lá khi họ vi phạm hoặc thực hiện không đạt trách nhiệm công vụ. Chính vì lẽ đó, nên khi tình trạng vi phạm pháp luật về PCTH của thuốc lá bị phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, thì được lý giải theo kiểu đổ lỗi cho “cơ chế” do lực lượng chức năng thi hành nhiệm vụ xử lý vi phạm quá thiếu, địa bàn rộng,…Nếu như trách nhiệm của các chủ thể có thẩm quyền được Nhà nước trao quyền, bản thân các chủ thể mang quyền nhận thức đầy đủ, thì có lẽ, tình hình thực hiện quy định PCTH của thuốc lá sẽ tốt hơn rất nhiều so với hiện nay. Chẳng hạn, người đứng đầu, người quản lý mỗi địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn nếu làm hết trọng trách của mình bao gồm: "buộc người vi phạm chấm dứt việc hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá; hoặc yêu cầu người vi phạm quy định cấm hút thuốc lá ra khỏi cơ sở của mình; hoặc từ chối tiếp hoặc cung cấp dịch vụ cho người vi phạm quy định cấm hút thuốc lá nếu người đó tiếp tục vi phạm sau khi đã được nhắc nhở" (Điều 14 Luật PCTHCTL năm 2012) thì có lẽ không cần phải có thẩm quyền hoặc sự xuất hiện của chủ thể có thẩm quyền xử lý vi phạm đối với những trường hợp này.
Bên cạnh đó, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương trong phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng được quy định tại Điều 6 của Luật PCTHCTL năm 2012, mà theo đó: “Đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, quy định không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ;  Đưa quy định về việc hạn chế hoặc không hút thuốc lá trong các đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư vào hương ước.”. Nhưng việc chấp hành quy định này đến đâu,  nghiêm túc đến mức độ nào? Việc kiểm tra, giám sát thực hiện trách nhiệm này được tiến hành ra sao?... Vẫn là điều mà cơ quan chức năng vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng.
Thứ hai: Điều 9 Luật PCTHCTL năm 2012 quy định cấm: Người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá; Sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá; Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi. Quy định này là cần thiết và hoàn toàn phù hợp với  Công ước FCTC. Tuy nhiên, liên quan đến biện pháp quy định bán thuốc lá cho trẻ vị thành niên, dù tại các điều 23, 24, 25, 26 và 27 Nghị định 176/2013NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, có quy định bị coi là vi phạm về địa điểm hút thuốc lá; vi phạm quy định về bán thuốc lá;…nhưng vẫn chưa có quy định nào bị coi là vi phạm và bị xử phạt nếu có một trong các hành vi bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; sử dụng người chưa đủ 18 tuổi bán thuốc lá; không treo biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi. Bên cạnh đó, cũng chưa đặt ra quy định mọi người bán các sản phẩm thuốc lá đặt một bảng hiệu rõ ràng và nổi bật tại các điểm bán của họ về việc cấm bán thuốc lá cho trẻ vị thành niên, và trong trường hợp nghi ngờ yêu cầu mỗi người mua thuốc lá cung cấp bằng chứng phù hợp để chứng minh họ đã đến tuổi hợp pháp để mua thuốc lá. Nội dung này, được Công ước FCTC ghi nhận như một trong những biện pháp hạn chế sử dụng thuốc lá ở người chưa đủ 18 tuổi, trong khi đó, tỷ lệ hút thuốc lá ở lứa tuổi chưa thành niên ở nước ta còn khá cao. Theo các tài liệu đã được công bố thì hiện nay, ở nước ta có hơn 15 triệu người hút thuốc lá; 33 triệu người không hút thuốc lá đang bị tiếp xúc thụ động với khói thuốc tại nhà; 5 triệu người tiếp xúc khói thuốc lá thụ động tại nơi làm việc, tỷ lệ nam giới trên 15 tuổi hút thuốc lá lên tới 47,4% (2 người thì có 1 người hút thuốc lá) và là quốc gia đứng ở “top” 15 nước có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới. Đặc biệt, những nghiên cứu về việc sử dụng thuốc lá cho thấy, tỷ lệ hút thuốc lá trong thanh thiếu niên đang tăng và độ tuổi bắt đầu hút thuốc ngày càng trẻ. Có tới 21,6% nam thanh niên từ 16 - 24 tuổi là người hút thuốc. Trong một nghiên cứu khác, có tới 17% học sinh nam hút thuốc. 14,3% học sinh nam, nữ trong độ tuổi 13 - 15 trả lời có ý định hút thuốc trong tương lai[2].
Có ý kiến cho rằng, nếu đưa các nội dung quy định cấm sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá; Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi và xử phạt vi phạm hành chính, e rất khó thực hiện vì không khả thi. Tuy nhiên, theo tác giả, mấu chốt của mọi vấn đề là quy định của pháp luật khi ban hành có phản ánh đúng nhu cầu, nguyện vọng của người dân không và trách nhiệm thực thi quy định đó đến mức độ nào của cơ quan, người có trách nhiệm là quan trọng hơn cả. Suy cho cùng, vấn đề ở chỗ con người mà thôi.
Gần đây, các nhà khoa học thuộc Bộ Y tế Nhật Bản đã công bố một nghiên cứu mới cho biết thuốc lá điện tử - sản phẩm từng được kỳ vọng giảm tác hại của việc hút thuốc lá, các chất gây ung thư như formaldehyde và acetaldehyde trong chất khí tạo ra từ một số loại chất lỏng sử dụng trong thuốc lá điện tử. Trong đó, formaldehyde - chất thường được sử dụng trong chế tạo vật liệu xây dựng và bảo quản thi hài - được tìm thấy trong thuốc lá điện tử cao gấp 10 lần so với các loại thuốc lá thông thường. Thuốc lá điện tử được sử dụng ngày càng phổ biến trên thế giới, đặc biệt là trong giới trẻ. Thiết bị này hoạt động theo cơ chế đốt nóng các chất lỏng có mùi thơm và thường chứa chất nicotine, tạo thành hơi để người sử dụng hít vào cũng giống như hút thuốc lá thông thường nhưng không có khói. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi chính phủ các nước cấm bán thuốc lá điện tử cho trẻ vị thành niên và cảnh báo sản phẩm này gây ra "mối đe doạ nghiêm trọng" đối với giới trẻ và thế hệ tương lai.
Trong khi đó, pháp luật của nước ta về PCTH của thuốc lá còn bỏ ngõ vấn đề này. Thuốc lá điện tử, shisha và thuốc lá nhai được sử dụng với tỉ lệ thấp. Hiện có 1,4% dân số sử dụng thuốc lá nhai, tỷ lệ sử dụng thuốc lá nhai của nữ cao hơn nam. Thuốc lá điện tử bắt đầu được sử dụng với tỉ lệ 0,2% ở người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên. Tỉ lệ sử dụng shisha là 0,1%[3]. Do vậy, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung quy định cấm sản xuất, buôn bán, tang trữ, vận chuyển thuốc lá điện tử, coi đây là hàng cấm và có quy định xử lý trách niệm hành chính, trách nhiệm hình sự cho phù hợp.
Thứ ba:Điều dễ nhận thấy nhất, hệ thống pháp luật liên quan đến PCTH của thuốc lá hiện chưa đồng bộ, chồng chéo và khó áp dụng. Thuốc lá hợp pháp đang bị áp thuế cao (thuế tiêu thụ đặc biệt 65%, thuế VAT 10%, thuế nhập khẩu 135%, thuế thu nhập doanh nghiệp 22%; quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, quỹ này được hình thành chủ yếu từ khoản đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá được tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt, theo lộ trình: 1% từ ngày 1/5/2013; 1,5% từ ngày 1/5/2016; 2% từ ngày 1/5/2019). Theo Thông tư liên tịch số 05/2013/TTLT-BYT-BCT ngày 08/02/2013 của Bộ Y tế - Bộ Công thương hướng dẫn việc ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá, theo quy định tại Điều 15  Luật PCTHCTL, với yêu cầu in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh trên bao bì thuốc lá, phải chiếm ít nhất 50% diện tích của mỗi mặt chính trước và mặt chính sau trên bao,  số mầu in tối thiểu phải từ 6 - 8 mầu trở lên. Ngoài mầu sắc thì bao bì thuốc lá còn phải có thêm 01 lớp tráng phủ bề mặt bằng dầu bóng nhằm mục đích chống trầy xước bề mặt, đồng thời bảo vệ mầu sắc không bị phai nhanh dưới ánh nắng mặt trời, với yêu cầu đó chi phí về giá thành bao bì sẽ tăng khoảng 8 - 10% cho mỗi mầu tăng thêm. Ngoài ra, nếu việc qui định áp dụng cho cả vỏ tút, thì chi phí sẽ tăng gấp đôi. Trong khi đó, thuốc lá nhập bất hợp pháp không phải mất các khoản chi phí trên, đã vậy, lại còn không bị chi phối bởi hàm lượng Tar và Nicotine, nên lợi nhuận thu được rất lớn chỉ đứng sau buôn bán chất ma túy. Theo mức giá hiện nay, mỗi thùng thuốc lá Jet chứa khoảng 500 bao, có nguồn gốc tại Campuchia, sau khi nhà nhập khẩu đã đóng thuế, công vận chuyển thì giá thành mới chỉ dừng lại ở mức 127 USD/thùng, tương đương 5.330 đồng/bao. Khi vận chuyển tới khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia, mức giá đã tăng lên 7.500-8.000 đồng/bao và khi người tiêu dùng mua tại các quầy tạp hóa, điểm bán thuốc lá lẻ, mức giá đã lên tới 16.000-17.000 đồng/bao, trong khi đó, nếu mua “lụi” chỉ với giá từ 3.200 đồng đến 3.500 đồng/bao, cộng thêm chi phí vận chuyển cũng chỉ khoảng 1.000 đồng/bao. Với mức lợi nhuận cao từ 8.000 đến 10.000 đồng/bao như vậy, một bộ phận cư dân biên giới đã bất chấp các thủ đoạn để buôn bán, vận chuyển thuê thuốc lá lậu cho các đầu nậu[4]. Tương tự, giá chênh lệch thuốc lá nhãn hiệu Jet 10.000 – 12.000 đồng/gói, Esse là 3.500 – 4.000 đồng/gói;…
Do lợi nhuận rất hấp dẫn nên tình hình buôn lậu thuốc lá tại các địa bàn trọng điểm, như: Tuyến biên giới Tây Nam là các tỉnh Tây Ninh, An Giang, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang, Gia Lai - Kon Tum; tuyến biên các tỉnh miền Trung diễn ra tại Nghệ An, Quảng Trị; tại địa bàn phía Bắc chủ yếu tại các tỉnh Cao Bằng, Quảng Ninh, Lào Cai thời gian qua diễn ra rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt, chúng cũng manh động và liều lĩnh hơn, sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng khi bị phát hiện bắt giữ, tập trung đông nguời gây áp lực nhằm cướp hàng, tẩu tán tang vật, đánh tháo đối tượng bị bắt giữ,…Nhưng khung pháp lý để xử lý bộc lộ nhiều bất cập, chồng chéo nhau giữa các quy định của Luật Thương mại 2005, Luật Đầu tư 2014 và điển hình là Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015… khiến các lực lượng chức năng không thể xử lý hình sự các đối tượng này. Theo khoản 22 Điều 1 Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ, quy định: “Đối với hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 500 bao trở lên thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển ngay hồ sợ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính”. Tuy nhiên, đối với những vụ việc số lượng trên 500 bao đến dưới 1.500 bao thuốc lá điếu nhập lậu khi chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan tiến hành tố tụng để truy cứu trách nhiệm hình sự thì lại bị “vướng” bởi Thông tư liên tích số 36/2012/TTLT-BCT-BCA- BTP-BYT- VKSNDTC-TANDTC ngày 07/12/2012 của Bộ Công thương – Bộ Công an – Bộ Tư pháp – Bộ Y tế - Viện kiểm sát nhân dân tối cao -Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn xử lý vi phạm về kinh doanh rượu nhập lậu, sản phẩm thuốc lá và nguyên liệu thuốc lá nhập lậu. Mà theo đó, tại khoản 2 Điều 7 của Thông tư liên tịch này, quy định: “Đối với hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ sản phẩm thuốc lá nhập lậu, việc xác định số lượng làm căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự cụ thể như sau:
a) Số lượng từ 1.500 bao đến dưới 4.500 bao được coi là số lượng lớn;
b) Số lượng từ 4.500 bao đến dưới 13.500 bao được coi là có số lượng rất lớn;
c) Số lượng từ 13.500 bao trở lên được coi là có số lượng đặc biệt lớn.”
Mặt khác, Nghị định số 43/2009/NĐ-CP ngày 07/5/2009 của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh của Nghị định 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 hướng dẫn thi hành Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện đã bổ sung mặt hàng “Thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác nhập lậu” vào danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh. Khoản 1 Điều 9 Luật PCTHCTL năm 2012, quy định: Cấm sản xuất, mua bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá giả, sản phẩm được thiết kế có hình thức hoặc kiểu dáng như bao, gói hoặc điếu thuốc lá; mua bán, tàng trữ, vận chuyển nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá nhập lậu. Tuy nhiên, Luật Đầu tư năm 2014 lại  không quy định cấm đầu tư kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu mà chỉ quy định sản xuất kinh doanh thuốc lá điếu là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Điều này gây hiểu nhầm là kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu cũng thuộc ngành nghề có điều kiện và tạo ra khó khăn trong công tác xử lý hình sự đối với kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu trong thực tiễn hiện nay.
Một vấn đề bất cập khác, đó là, một số nội dung quy định tại Điều 190, Điều 191 của BLHS năm 2015 lại gây “khó khăn” đến công tác đấu tranh ngăn chặn và xử lý có hiệu quả tình trạng tội phạm buôn lậu thuốc lá, cụ thể: Các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm nói chung và thuốc lá nhập lậu nói riêng được quy định tại Điều 190 “Tội sản xuất buôn bán hàng cấm” và Điều 191 “Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm”. Cả hai điều này đều không quy định tình tiết “số lượng lớn”; “số lượng rất lớn” và “số lượng đặc biệt lớn” khi xác định tội danh và khung hình phạt như quy định trước đây tại Điều 153, Điều 154 và Điều 155 BLHS năm 1999. Mà theo đó, với hành vi sản xuất, buôn bán, tang trữ, vận chuyển hàng cấm là thuốc lá phải có giá trị phạm pháp phải tối thiểu từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng (khoản 1); Giá trị hàng hóa từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng (khoản 2) và từ 500 triệu đồng trở lên (khoản 3) thì có thể xử lý trách nhiệm hình sự.
Trong khi đó, nếu đối chiếu với quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư liên tịch 36/2012/TTLT, nếu tính giá do các đối tượng buôn lậu bán buôn trung bình đối tượng 02 sản phẩm thuốc lá điếu nhãn hiệu Jet và nhãn hiệu Hero với mức giá 15.000đ/bao, với số lượng vận chuyển bắt giữ được 1.500 bao quy đổi tương đương 22,5 triệu đồng; 4.500 bao số tiền tương đương 67,5 triệu đồng và 13.500 bao tương đương 202,2 triệu đồng. Từ sự quy đổi này cho thấy, rõ ràng trị giá “hàng phạm pháp” rất thấp, thấp hơn rất nhiều lần so với trị giá hàng cấm quy định tối thiểu để xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 tại Điều 190 và Điều 191 BLHS năm 2015. Nên đây là bất cập mà các nhà làm luật cần nghiên cứu tháo gỡ kịp thời mới có thể tạo điều kiện cho các lực lượng chức năng, đặc biệt lực lượng chống buôn lậu thuốc lá điếu hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, công tác định giá tài sản trong tố tụng hình sự, phải bảo đảm nguyên tắc phù hợp giá thị trường tại thời điểm và nơi tài sản bị xâm phạm theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 26/2005/NĐ-CP ngày 02/3/2005 của Chính phủ về Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự và Thông tư 55/2006/TT-BTC ngày 22/6/2006 của Bộ Tài chính, hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 26/2005/NĐ-CP ngày 02/3/2005 của Chính phủ về Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự. Mà theo đó, nguyên tắc định giá, tại Mục 1 Phần II của Thông tư này ghi rõ:
“a/ Giá thị trường của tài sản là giá mua, bán, giao dịch theo thỏa thuận của tài sản cùng loại hoặc tương đương trên thị trường trong điều kiện thương mại bình thường tại thời điểm và nơi tài sản bị xâm phạm.
Đối với tài sản bị xâm phạm là loại tài sản Nhà nước định giá, thì giá của tài sản cần xác định là giá do Nhà nước quy định tại thời điểm và nơi tài sản bị xâm phạm.
Đối với tài sản không mua bán phổ biến trên thị trường (tài sản chuyên dùng, đơn chiếc), giá tài sản cần xác định phải bảo đảm được chi phí tái tạo lại tài sản hoặc chi phí nhập khẩu tài sản đó tại thời điểm và nơi tài sản bị xâm phạm.
b/ Mức giá tài sản được xác định để làm cơ sở cho việc định giá là mức giá bình quân của tháng. Thời gian để thu thập mức giá tài sản bị xâm phạm là một tháng (30 ngày) trước và một tháng (30 ngày) sau ngày tài sản bị xâm phạm; nếu trong thời gian trên mà không thu thập được đầy đủ thông tin làm cơ sở cho việc định giá thì mở rộng thời gian thu thập thông tin về giá thêm một tháng về trước và  một tháng về sau.
Khi tiến hành điều tra thu thập thông tin về giá của tài sản bị xâm phạm phải được gắn với những yếu tố về cung, cầu, thị hiếu và sức mua trên thị trường trong điều kiện thương mại bình thường.
 Điều kiện thương mại bình thường là việc mua bán được tiến hành khi các yếu tố cung, cầu, giá cả, sức mua không xẩy ra những đột biến do chịu tác động của thiên tai, địch họa…các thông tin cung, cầu, giá cả tài sản bị xâm phạm được thể hiện công khai trên thị trường.
c/ Giá tài sản được xác định làm căn cứ khi định giá tài sản bị xâm phạm phải được thu thập tại nơi tài sản bị xâm phạm.
Nơi tài sản bị xâm phạm được tiến hành khảo sát là các trung tâm thương mại, các tổ chức và cá nhân có sản xuất các tài sản cùng loại hay tài sản tương đương với tài sản bị xâm phạm thuộc phạm vi đơn vị hành chính huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện).
d/ Tài sản cùng loại với tài sản bị xâm phạm là tài sản có cùng hình dáng, tính chất, tính năng sử dụng và xác định được bằng những đơn vị đo lường. Tài sản cùng loại có cùng chất lượng có thể thay thế cho nhau.”
Trong khi đó, thuốc lá nhập lậu là hàng cấm, do vậy các giao dịch đối với mặt hàng này đều không hợp pháp, không được pháp luật công nhận. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 121 Bộ luật Dân sự năm 2005: “Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội”, nghĩa là vi phạm điều kiện này thì giao dịch đó là vô hiệu. Do đó, giá trị từng bao thuốc lá là hàng nhập lậu trong các giao dịch dân sự cũng là vô hiệu, không được công nhận. Người viết cho rằng, xác định trị giá hàng cấm như quy định tại Điều 190 và Điều 191 BLHS năm 2015 là không đảm bảo tính khả thi.
 Từ đó, tác giả đề xuất khi sửa đổi, bổ sung BLHS năm 2015, nên chăng nhà làm luật không quy định giá trị tối thiểu đối với hàng cấm là thuốc lá điếu để làm cơ sở định tội và định khung hình phạt tại các điều 190, 191 mà giữ nguyên quy định xử lý trách nhiệm hình sự đối với các hành vi phạm tội sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm là thuốc lá điếu dựa trên cơ sở định lượng số lượng hàng phạm pháp, cụ thể: Từ 500 bao đến dưới 1.500 bao, bị truy tố xét xử theo khoản 1; từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao bị truy tố xét xử theo khoản 2 và từ 3.000 bao trở lên bị truy tố, xét xử theo khoản 3 của điều luật tương ứng Điều 190 hoặc Điều 191 BLHS năm 2015 sau khi được sửa đổi, bổ sung. Vì sức khỏe của cộng đồng, sự nghiêm khắc trong quy định xử lý trách nhiệm hình sự  ứng với từng mức định lượng trên là cần thiết. Đồng thời, cũng xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư năm 2014 theo hướng quy định thuốc lá điếu nhập lậu là hàng cấm để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý hình sự đối với những người có hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá ngoại nhập lậu.
Thứ tư: củng cố lực lượng làm công tác chống buôn lậu, theo hướng tập trung, chuyên sâu, phân định rõ trách nhiệm theo địa bàn, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, điều chuyển, bố trí người khác thay thế nếu để xảy ra buôn lậu gây bức xúc trong dư luận hoặc kéo dài trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách; kiên quyết xử lý buộc thôi việc những cán bộ, công chức có hành vi bảo kê, dung túng, tiếp tay cho buôn lậu; thực hiện việc luân chuyển cán bộ, công chức theo đúng quy định, đặc biệt là tại các vị trí “nhạy cảm”, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng hoặc có biểu hiện tiêu cực khác trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đảm bảo nội bộ vững mạnh, đáp ứng yêu cầu công tác. Tuy đây là giải pháp về công tác tổ chức, nhưng sẽ có tác dụng hiện thực hóa quyết tâm chính trị của Nhà nước ta về mục tiêu PCTH của thuốc lá. Có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên nhằm chia sẻ thông tin để nắm chắc tình hình, đảm bảo công tác này thiết thực, hiệu quả, phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp, nhất là trong đấu tranh, triệt phá các “đường dây, ổ nhóm” buôn bán, tang trữ, vận chuyển hàng lậu có tổ chức. 
 
Phạm Thị Hồng Đào  - Văn phòng luật sư Thạnh Hưng

 
[1] http://khoeplus.vn/thoi-su/viet-nam-co-40-000-nguoi-chet-moi-nam-do-cac-benh-lien-quan-den-thuoc-la-6223.html
[2] http://www.baomoi.com/nguoi-hut-thuoc-la-dang-tre-hoa/c/16425936.epi
[3] http://vtv.vn/suc-khoe/viet-nam-co-40000-nguoi-chet-moi-nam-do-su-dung-thuoc-la-20160906171804831.htm
[4] http://ven.vn/vi-VN/vi/chuyen-muc-tin-tuc/thuong-mai/truy-quet-thuoc-la-lau-tu-dau-vao-den-dau-ra_t114c12n48409

Xem thêm »