Những tội phạm mới xâm phạm trẻ em quy định trong BLHS năm 2015 và kiến nghị hoàn thiện

21/10/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Trẻ em theo quy định của pháp luật là người dưới 16 tuổi, đây là đối tượng đặc biệt được cả xã hội quan tâm, chăm sóc và bảo vệ. Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của trẻ em đều bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc. Nhằm bảo vệ tốt hơn trẻ em trước các hành vi xâm phạm BLHS năm 2015 được Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27/11/2015, đã bổ sung thêm 02 tội phạm mới.
1. Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm.
Điều 147 BLHS năm 2015 tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm:
1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Thứ nhất: Điều luật quy định hành vi Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức”. Khiêu dâm là sự kích thích ham muốn về sắc dục và xác thịt. Chủ thể thực hiện hành vi phạm tội được quy định cụ thể “Người nào đủ 18 tuổi” Quy định của điều luật đã thiết kế một cách rất rõ ràng, người thực hiện hành vi phạm tội này phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và không phụ thuộc vào giới tính là nam hay nữ.  Người từ đủ 18 tuổi trở lên, theo quy định của Pháp luật dân sự là người đã có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự và đặc biệt đối tượng bị hành vi sử dụng người vào mục đích khiêu dâm mà điều luật quy định phải là người dưới 16 tuổi. Điều này cho thấy luôn có sự chênh lệch về độ tuổi giữa người thực hiện hành vi và nạn nhân của hành vi phạm tội mà thực tế ghi nhận đó là ngưỡng của người chưa thành niên và người đã thành niên.
Điều luật quy định hai hành vi: Hành vi lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm và Hành vi trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức, trong tội này cho dù trẻ em có thuận tình hay không sẽ không ảnh hưởng đến việc cấu thành tội phạm.
Điều luật này không quy định về hậu quả. Người nào sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm không bắt buộc phải gây ra hậu quả tác động vào sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người dưới 16 tuổi hoặc người quan sát hành động khiêu dâm đó. Hậu quả ở đây là hậu quả tác động vào sự phát triển bình thường của nạn nhân thông qua việc thực hiện các hành động nhằm mục đích khiêu dâm do sự yêu cầu, sử dụng của người thực hiện tội phạm. Tức là tội danh này cấu thành hình thức,chỉ cần người trên 18 tuổi, đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này, hậu quả rất khó để xác định và không cần xác định đối với tội danh cấu thành hình thức.
Hình phạt được áp dụng là từ 06 tháng đến 03 năm.
Thứ hai: Tại khoản 2 hình phạt được áp dụng là từ 03 năm đến 07 năm, với các tình tiết định khung:
a) Phạm tội có tổ chức: Trường hợp đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.
b) Phạm tội 02 lần trở lên.
c) Đối với 02 người trở lên.
d) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh: Đây là những chủ thể đặc biệt: Như thầy giáo, cô giáo, bác sĩ…
đ) Có mục đích thương mại: là nhằm mục đích vì lợi nhuận.
e) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45 %.
g) Tái phạm nguy hiểm.
- Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý.
- Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.
Thứ ba: Hình phạt áp dụng là phạt tù từ 07 năm đến 12 năm, với các tình tiết định khung:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên.
b) Làm nạn nhân tự sát.
Thứ tư: Hình phạt bổ sung đối với hành vi phạm tội này là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
2. Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi.
Điều 153 BLHS năm 2015 tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi.
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
Thứ nhất: Điều luật quy định hành vi “Dùng vũ lực đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm dữ người duwois 16 tuổi”, hành vi phạm tội này được thể hiện qua việc dùng các thủ đoạn như lén lút, lừa gạt, du dỗ trẻ em đưa trẻ em thoát khỏi sự quản lý, trông nom của cha mẹ hoặc người có trách nhiệm để đem bán, nuôi làm con nuôi hoặc để trả thù cha mẹ đứa trẻ. Việc chiếm đoạt trẻ em có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên dù dưới bất kỳ hình thức nào thì người có một trong các hành vi nêu trên vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi thực hiện đó. Hình phạt được áp dụng là tù từ 03 năm đến 07 năm.
Lưu ý:
+ Trẻ em là người bị hại trong trường hợp này là người chưa đủ 16 tuổi.
+ Nếu hành vi chiếm đoạt trẻ em làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự.
+ Tội phạm hoàn thành kể từ khi người phạm tội có hành vi nhằm vào việc mua, bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em. Nếu hậu quả chiếm đoạt trẻ em chưa xảy ra thì được cọi là phạm tội chưa đạt.
Thứ hai: Hình phạt tù áp dụng tại khoản 2 là từ 05 năm đến 10 năm với các tình tiết định khung:
a) Có tổ chức.
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp: Tình tiết này được áp dụng đối với những chủ thể đặc biệt như thầy cô giáo, những người trong các trại trẻ mồ côi, trung tâm bảo trợ xã hội…
c) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng.
d) Đối với từ 02 người đến 05 người.
đ) Phạm tội 02 lần trở lên.
e) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.
g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên.
Thứ 3: Tại khoản 3 hình phạt tù áp dụng là từ 10 năm đến 15 năm, với các tình tiết định khung:
a) Có tính chất chuyên nghiệp.
- Cố ý phạm tội từ năm lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xoá án tích;
- Người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.
b) Đối với 06 người trở lên.
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên.
d) Làm nạn nhân chết.
đ) Tái phạm nguy hiểm.
Thứ tư: Hình phạt bổ sung đối với phạm tội này: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
3. Bất cập, hạn chế và kiến nghị hoàn thiện.
+ Bất cập, hạn chế.
Thứ nhất: Việc đặt tên điều luật “Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm”, là không hợp lý, nội dung điều luật thể hiện hai hành vi phạm tội đó là hành vi lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm và hành vi trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức, tuy nhiên tên điều luật chỉ thể hiện một hành vi phạm tội không phù hợp về kỹ thuật lập pháp và không bao quát hết các hành vi khách quan mô tả trong khoản 1 của điều luật.
Thứ hai: Điều 147 BLHS năm 2015 quy định hành vi “trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức, thế nào là hành vi trực tiếp chứng kiến?. Ví dụ: Trường hợp ở trong các quán Bar, vũ trường…một nhóm người vào tổ chức sinh nhật và đặt một bàn riêng nhưng chủ sở hữu quán bar, vũ trường… tổ chức cho người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm, như vậy, trong trường hợp này những người tổ chức sinh nhật đã trực tiếp xem trình diễn khiêu dâm nên những người này đã phạm tội “Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm.”, hoặc những người vào quán bar, vũ trường để chơi thấy cảnh biểu diễn khiêu dâm của người dưới 16 tuổi thì quay ra nhưng vẫn có thể phạm tội, đây là một điều bất hợp lí.
Đối với trường hợp xem qua các phương tiện truyền thông, băng ghi hình có được coi là xem trực tiếp hay không?
Những nội dung bất cập, hạn chế nêu trên cần được hướng dẫn cụ thể.
+ Kiến nghị hoàn thiện.
Thứ nhất: Cần sửa đổi tên điều luật như sau: Điều 147 “Tội sử dụng hoặc trực tiếp chứng kiến người dưới 16 tuổi khiêu dâm”, việc đặt tên điều luật như vậy sẽ khái quát được đầy đủ hai hành vi phạm tội trong điều luật.
Thứ hai: Theo tôi đối với hành vì “Trực tiếp chứng kiến trình diễn khiêu dâm” chỉ nên áp dụng đối với những trường hợp sau đây:
- Đối với những người có sự liên hệ, câu kết, thỏa thuận trước với người sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm mục đích là để xem những người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm.
- Đối với những người tuy vô ý nhưng khi biết đó là hành vi trình diễn khiêu dâm của người dưới 16 tuổi lại cố ý xem trình diễn.
Như vậy, đối với hành vi “Trực tiếp chứng kiến trình diễn khiêu dâm” chỉ nên áp dụng đối với những trường hợp có mục đích xem trẻ em dưới 16 trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức.
BLHS năm 2015 bổ sung hai tội phạm mới xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của trẻ em là rất cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu và hiệu quả ngày càng cao trong công tác đấu tranh, phòng chống tội xâm phạm trẻ em ở  nước ta hiện nay./.
 

TRẦN VĂN HÙNG - TÒA ÁN QUÂN SỰ KHU VỰC 2 QUÂN KHU 4

Xem thêm »