Xử lý tài sản bảo đảm tiền vay tại ngân hàng

04/11/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Đối với hoạt động tín dụng, tài sản bảo đảm (TSBĐ) được xem như “phao cứu sinh” nhằm giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng, đảm bảo ngân hàng có thể thu hồi một phần hoặc toàn bộ gốc và lãi khi khách hàng không trả được nợ. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, công tác xử lý TSBĐ tại các ngân hàng còn tồn tại nhiều bất cập. Bên cạnh đó, các văn bản pháp luật liên quan đến TSBĐ và xử lý TSBĐ vừa chồng chéo vừa thiếu hụt. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đề cập đến một số vướng mắc chủ yếu, nguyên nhân và đề xuất giải pháp trong xử lý TSBĐ là bất động sản trong hoạt động tín dụng của các ngân hàng hiện nay.
1. Một số vướng mắc trong xử lý TSBĐ tại các TCTD
Một là, hiện nay, theo quy định tại Điều 10[1] Thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN ngày 06/ 6/2014 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, hướng dẫn một số vấn đề xử lý TSBĐ. Theo đó, nếu bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm không thỏa thuận được giá bán TSBĐ thì ngay cả trong trường hợp bên bảo đảm bất hợp tác, phía ngân hàng cũng có thể chỉ định tổ chức thẩm định giá để xác định giá bán tài sản. Tuy nhiên, với một số loại tài sản đặc biệt như quyền sử dụng đất, đặc biệt là đất thuê của Nhà nước thì rất khó xác định bởi chưa có căn cứ xác định “giá thị trường” đối với loại đất này khi có hai cơ chế để tính giá đối với quyền sử dụng đất. Thứ nhất là theo “khung giá” do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành khi giao đất có thu tiền hay cho thuê đất đối với các chủ thể là cá nhân, hộ gia đình, tổ chức có nhu cầu sử dụng đất. Thứ hai là xác định theo thỏa thuận của các chủ thể có quyền sử dụng đất khi chuyển nhượng, cho thuê đối với các chủ thể khác.
Hai là, việc thu giữ TSBĐ để xử lý, nhất là bất động sản là nhà ở gắn liền quyền sử dụng đất ở. Tại Điều 63[2] Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ, về giao dịch bảo đảm được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm; Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/ 2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm (viết tắt Nghị định 163/2006/NĐ-CP), có quy định bên nhận bảo đảm có quyền thu giữ TSBĐ khi bên giữ tài sản không chịu giao TSBĐ mặc dù đã quá thời hạn trong thông báo về xử lý TSBĐ. Tuy nhiên, nếu không có sự hợp tác của bên bảo đảm trong việc bàn giao tài sản thì bên nhận bảo đảm cũng không thể tiến hành thu giữ TSBĐ. Bởi bên nhận bảo đảm không có quyền cưỡng chế, tịch thu hay kê biên tài sản. Mặt dù tại khoản 5 Điều 63 của Nghị định 163/2006/NĐ-CP có quy định rằng bên nhận bảo đảm có thể yêu cầu Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và cơ quan Công an nơi tiến hành thu giữ TSBĐ áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để giữ gìn an ninh, trật tự, bảo đảm cho người xử lý tài sản thực hiện quyền thu giữ TSBĐ, nhưng thực tiễn cho thấy không thực sự hiệu quả vì thật ra họ cũng chỉ thực hiện các công việc có tích chất “hỗ trợ” chứ không có tính quyết định để buộc bên bảo đảm phải bàn giao tài sản cho ngân hàng.
Ba là, về phương thức xử lý TSBĐ. Theo quy định tại Điều 59 Nghị định 163/2006/NĐ-CP có 04 phương thức xử lý TSBĐ, cụ thể:
+Phương thức bán TSBĐ. Hiện nay, các quy định của pháp luật chưa làm rõ những trường hợp nào thì việc bán tài sản cần đặt dưới sự kiểm soát của tòa án. Nếu bên nhận bảo đảm được quyền bán tài sản thì cần phải tuân thủ các nghĩa vụ gì, để tránh lạm quyền, xâm phạm đến lợi ích của bên bảo đảm hoặc của chủ thể khác. Hơn nữa, còn có nhiều ý kiến khác nhau về tư cách chủ thể tham gia giao dịch mua bán TSBĐ của  ngân hàng. Có ý kiến cho rằng, ngân hàng không thể đại diện theo ủy quyền của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất để chuyển nhượng TSBĐ là quyền sử dụng đất, vì theo quy định tại Điều 179 Luật Đất đai năm 2013, quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuộc về hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao quyền sử dụng đất. Mặt khác, theo quy định tại Điều 119 Luật Nhà ở năm 2014, việc chuyển nhượng, cho thuê,…phải là chủ sở hữu nhà ở hoặc người được chủ sở hữu cho phép, ủy quyền để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của Luật này và pháp luật về dân sự. Trong khi đó, ngân hàng là một tổ chức có tư cách pháp nhân, nên không thuộc đối tượng được ủy quyền theo quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005. Ý kiến khác cho rằng, khái niệm “người” trong BLDS năm 2005 cần được hiểu bao gồm cả pháp nhân và cá nhân.
Tuy nhiên, theo Điều 581 BLDS năm 2005 có định nghĩa: "Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, còn bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao, nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định". Khoản 1 Điều 142 của Bộ luật này có quy định: "Đại diện theo ủy quyền là đại diện được xác lập theo sự ủy quyền giữa người đại diện và người được đại diện". Như vậy, người được ủy quyền là người đại diện cho người ủy quyền theo thỏa thuận giữa các bên. Ngoài các điểm đặc thù của chế định đại diện thì người được ủy quyền còn chịu sự ràng buộc theo các quy định của pháp luật về hợp đồng ủy quyền. Do vậy, chủ thể được phép tham gia với tư cách là người nhận ủy quyền chỉ có thể là cá nhân, con người cụ thể. Đây là điểm đặc biệt vì trong đời sống pháp luật có rất nhiều chủ thể khác nhau, nhưng BLDS năm 2005 và các văn bản hướng dẫn đều không quy định hoặc có giải thích rõ ai là chủ thể được ủy quyền trong BLDS.
+Phương thức bán đấu giá TSBĐ. Dù pháp luật có quy định niêm yết việc bán đấu giá, địa điểm,… nhằm bảo đảm cho việc bán đấu giá TSBĐ phù hợp với nguyên tắc công khai, minh bạch, đạt hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, việc niêm yết tại nơi có bất động sản bán đấu giá là một việc cực kỳ khó khăn, phức tạp do người có tài sản phải xử lý cố tình không tuân thủ pháp luật, không tự nguyện thi hành. Phương thức này, chi phí tổ chức bán đấu giá tài sản khá cao; hiện tượng thông đồng, ép giá giữa những người đăng ký mua tài sản đấu giá cũng không loại trừ. Bên cạnh đó, do chủ thể bán đấu giá tài sản không có chức năng cưỡng chế, thu giữ tài sản thế chấp nên nhiều khi phiên đấu giá đã hoàn tất nhưng lại không thu được tiền vì bên bảo đảm không chịu giao tài sản cho bên mua hoặc không làm thủ tục chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản cho người trúng đấu giá theo quy định.
+Phương thức nhận chính TSBĐ để thay thế nghĩa vụ trả nợ. Theo quy định tại Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/2/2012 của Chính phủ, trường hợp giá trị của TSBĐ lớn hơn giá trị của nghĩa vụ được bảo đảm thì bên nhận bảo đảm phải thanh toán số tiền chênh lệch đó cho bên bảo đảm. Từ thực tiễn cho thấy, dường như hai bên rất khó tìm được sự đồng thuận về giá trị của TSBĐ dùng để khấu trừ nghĩa vụ nợ, đặc biệt khi giá trị TSBĐ tại thời điểm xử lý thấp hơn giá trị khoản vay.
+Phương thức xử lý TSBĐ thông qua khởi kiện, thi hành án. Với thủ tục khởi kiện bên bảo đảm ra Tòa án để yêu cầu giải quyết việc trả nợ thường phải mất thời gian tương đối dài, dù thời hạn luật định tối đa cũng chỉ 06 tháng và phát sinh nhiều chi phí, do vậy, các ngân hàng thường rất ít sử dụng phương thức thu nợ bằng biện pháp khởi kiện khách hàng ra Tòa án. Đó là chưa kể đến, khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật rồi, việc xử lý TSBĐ của người phải thi hành án cũng không được mấy thuận lợi.
Các ngân hàng với tư cách là bên cho vay, chủ động áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay cũng như xử lý TSBĐ của khách hàng vay để thu hồi nợ nên yếu tố chủ quan của ngân hàng thường mang tính quyết định và có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của hoạt động xử lý TSBĐ. Do đó, các nguyên nhân thuộc về ngân hàng được xem là yếu tố có ảnh hưởng lớn đến việc xác lập các giao dịch bảo đảm cũng như xử lý TSBĐ tại các ngân hàng. Mà trong đó có thể kể đến nguyên nhân chủ quan sau, mà nhiều ngân hàng hiện nay không có sự quản lý chặt chẽ về quy định chính sách bảo đảm, cũng như công cụ quản lý thông qua hệ thống quy định, quy trình bài bản, hợp đồng, biểu mẫu rõ ràng, không chú trọng đào tạo, tập huấn cho cán bộ tín dụng, dẫn tới khi nhận tài sản đảm bảo không thẩm định được nguồn gốc kỹ lưỡng về vấn đề sở hữu. Chẳng hạn, khi cán bộ ngân hàng nhận giấy tờ nhà mà duy nhất có tên ông Nguyễn Văn A, nên ông A ký tên hợp đồng là chấp nhận nhưng không biết là pháp luật liên quan đến sở hữu rất rắc rối. Giấy tờ nhà do ông A đứng tên, nhưng là giấy tờ mới cấp lại sau 1 năm từ khi vợ ông ấy mất. Thực tế căn nhà đã tồn tại hàng chục năm và là tài sản chung của 2 vợ chồng. Người vợ mất không để lại di chúc. Theo pháp luật thừa kế thì ½ căn nhà sẽ được chia cho các con. Mặc dù không thể hiện trên giấy tờ nhưng các con đều có quyền sở hữu với căn nhà. Khi thế chấp tài sản và khi xử lý tài sản, nếu các con ông A không đồng ý thì không thể xử lý được, hợp đồng thế chấp vô hiệu. Trường hợp này, sự nhận thức về pháp lý không tốt của cán bộ ngân hàng dẫn đến tài sản thế chấp có giấy tờ đầy đủ nhưng cũng không xử lý được tài sản đảm bảo.
2. Kiến nghị
Trên cơ sở những vướng mắc về mặt pháp lý, nguyên nhân của những tồn tại, trong việc xử lý TSBĐ tại các ngân hàng, tác giả đề xuất một số kiến nghị sau:
Thứ nhất, các vấn đề về quyền sở hữu bất động sản, thì cơ quan quản lý cần có cơ chế giải quyết minh bạch về thông tin trên giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu, nhất là quyền sử dụng đất. Bởi Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 cho phép vợ chồng được quyền xác lập tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận; Nghị định số 26/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình cũng đã quy định rất rõ nội dung này, nhầm tránh tình trạng không rõ ràng, thiếu minh bạch về xác định quyền sở hữu riêng, chung đối với tài sản trên giấy tờ sở hữu. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần phải hoàn thiện quy trình, hệ thống cơ chế chính sách, công cụ quản lý tài sản bảo đảm trong nội bộ ngân hàng. Không nên dựa hoàn toàn vào các văn bản pháp luật quy định vì thực tế diễn giải và quy nạp các vấn đề pháp luật phụ thuộc vào các chính sách, quy trình, mẫu biểu của TCTD. Đồng thời, cần nhận thức các công cụ pháp luật đôi khi không theo kịp diễn biến thực tế, ngân hàng nên xác định các chính sách quản trị rủi ro tín dụng và tài sản bảo đảm theo “khẩu vị” rủi ro của ngân hàng. Một trong những việc quan trọng các ngân hàng nên làm là tập trung phổ biến các kiến thức pháp lý, kinh nghiệm thực tế cho đội ngũ cán bộ nhân viên làm công tác quản lý cho vay, nhận TSBĐ của ngân hàng để phòng tránh các rủi ro pháp lý tiềm ẩn trong nhận và xử lý TSBĐ.
Thứ hai, các cơ quan chức năng của Nhà nước cần phân định rõ nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp đối với Nhà nước và nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp đối với ngân hàng. Khi ngân hàng xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, thì chỉ những chi phí hợp lý liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm mới được ưu tiên trừ vào tiền bán tài sản bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật, số tiền còn lại phải được trả nợ vay ngân hàng. Về vấn đề này, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường cần ban hành văn bản hướng dẫn các cơ quan cấp dưới theo hướng kiến nghị nêu trên và chấp nhận hợp đồng thế chấp, cầm cố tài sản thay thế cho văn bản đồng ý của chủ sở hữu tài sản, hợp đồng mua bán tài sản giữa chủ sở hữu tài sản hoặc người phải thi hành án với người mua tài sản để làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho người mua theo quy định tại Ðiều 70 Nghị định số 163/2006/NÐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ
Thứ ba, về mặt pháp lý, cần có quy định theo hướng rõ ràng hơn, cụ thể hơn nhằm thừa nhận quyền xử lý TSBĐ nhanh chóng, tránh mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật. Mà theo tác giả, cần coi đó là quyền mặc nhiên của ngân hàng để từ đó xây dựng cơ chế bảo đảm cho quyền này được thực thi có hiệu quả. Nghiên cứu pháp luật của một số nước cho thấy, khi đã có hợp đồng thế chấp được công chứng thì khi cần xử lý tài sản, bên cho vay có thể cầm hợp đồng công chứng đó để bán tài sản thế chấp, mà không bị vướng vấp gì về mặt pháp lý. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cần chủ trì phối hợp với các Bộ liên quan hoàn thiện, bổ sung Thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN ngày 06/6/2014 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, hướng dẫn xử lý tài sản bảo đảm theo Nghị định số 163/2006/NÐ-CP ngày 29/12/2006 và Nghị định số 11/2012/NÐ-CP ngày 22/02/2012 của Chính phủ, mà theo  đó, cần bổ sung thêm mấy vấn đề sau:
Một là, xử lý tài sản bảo đảm của bên bảo đảm là cá nhân đang chấp hành hình phạt tù giam hoặc bỏ trốn khỏi địa phương; bên bảo đảm là tổ chức, doanh nghiệp đang được sắp xếp lại mà chưa có tổ chức mới nhận nợ thay hoặc chưa có người đại diện theo pháp luật;
Hai là,  xử lý tài sản bảo đảm hình thành trong tương lai mà chưa được hình thành trên thực tế hoặc còn dở dang tại thời điểm xử lý; tài sản bảo đảm ở nước ngoài;
Ba là,  xử lý tài sản bảo đảm gắn liền với đất thuê trả tiền hàng năm hoặc tài sản thế chấp gắn liền với đất mà không thế chấp quyền sử dụng đất nhưng UBND tỉnh không chấp thuận cho bên mua tài sản được tiếp tục sử dụng đất theo hợp đồng về quyền sử dụng đất giữa UBND tỉnh và bên thế chấp vì UBND tỉnh cho rằng, quy hoạch của tỉnh đã thay đổi so với quy hoạch trước đây , điều này là không phù hợp với quy định tại khoản 2 Ðiều 68 Nghị định số 163/2006/NÐ-CP; khoản 19 Ðiều 1 Nghị định số 11/2012/NÐ-CP);
Bốn là, xử lý các chi phí mà ngân hàng đã tạm ứng thanh toán để trả tiền thuê bảo vệ hoặc đầu tư thêm vào tài sản bảo đảm nhằm bảo dưỡng, bảo trì, nâng cấp tài sản bảo đảm hoặc khai thác tài sản bảo đảm trong khi chưa bán được tài sản bảo đảm nhận bàn giao từ khách hàng để xử lý, thu nợ…
Thứ tư,  bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thông qua việc đăng ký giao dịch bảo đảm tại một trong các trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản. Ngay khi nhận thế chấp tài sản, các ngân hàng cần thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định  số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm và Thông tư số 05/2011/TT-BTP ngày 16/02/2011 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số vấn đề về đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản thi hành án theo phương thức trực tiếp, bưu điện, fax, thư điện tử tại Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp. Mặt khác, cần chú trọng việc triển khai có hiệu quả Quy chế số 01/QCLN/NHNNVN-BTP, mà theo đó, các ngân hàng cần chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cơ quan thi hành án dân sự tại địa phương để đẩy nhanh quá trình giải quyết các vụ việc thi hành án nhằm xử lý dứt điểm TSBĐ, thu hồi nợ xấu.
Thứ năm, cơ quan Tòa án, khi phán quyết với các hợp đồng giao dịch bảo đảm, nhất là bất động sản, nên nhìn vào bản chất giao dịch không nên tuyên vô hiệu hợp đồng bởi lý do về hình thức. Bởi giao dịch bảo đảm là giao dịch dân sự, tức là trên nguyên tắc tự nguyện, tự thỏa thuận. Không nên phủ nhận cam kết đó bởi lý do hình thức, tạo điều kiện cho một số đối tượng lợi dụng để trục lợi, gây bất ổn trong quản trị rủi ro tín dụng.
 
Phạm Thị Hồng Đào - Văn phòng luật sư Thạnh Hưng
 

 
[1] 1. Trường hợp bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có thỏa thuận về việc bán tài sản bảo đảm không qua đấu giá và không có thỏa thuận khác về việc xác định giá bán tài sản thì việc định giá bán tài sản bảo đảm được thực hiện như sau:
a) Bên nhận bảo đảm và bên bảo đảm thỏa thuận về giá bán tài sản bảo đảm bằng văn bản. Trong trường hợp không thỏa thuận được giá bán tài sản thì bên bảo đảm có quyền chỉ định cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá để xác định giá bán tài sản trong thời hạn mười lăm (15) ngày, kể từ ngày không thỏa thuận được giá bán. Sau thời hạn mười lăm (15) ngày, nếu bên bảo đảm không chỉ định cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá thì bên nhận bảo đảm có quyền chỉ định cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá để xác định giá bán tài sản. Chi phí thuê cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá được tính vào chi phí xử lý tài sản bảo đảm.
b) Trong trường hợp tài sản bảo đảm không bán được theo định giá của cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá thì bên nhận bảo đảm được quyền hạ giá bán tài sản trong thời hạn mười lăm (15) ngày, kể từ ngày không bán được tài sản. Việc hạ giá bán tài sản thực hiện liên tục ba (03) lần nhưng mỗi lần hạ giá bán tài sản không được quá mười phần trăm (10%) giá đã định và phải cách nhau ít nhất là ba mươi ngày (30) ngày đối với bất động sản và mười lăm (15) ngày đối với động sản. Bên nhận bảo đảm có trách nhiệm thông báo cho bên bảo đảm việc hạ giá bán tài sản bảo đảm.  
Sau ba (03) lần liên tục hạ giá mà vẫn không bán được tài sản bảo đảm thì bên nhận bảo đảm được nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại Điều 11 của Thông tư này. Giá trị tài sản bảo đảm trong trường hợp này là mức giá của lần hạ giá cuối cùng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
2. Việc bán tài sản bảo đảm phải được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Bên nhận bảo đảm phải bồi thường thiệt hại nếu có hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại cho chủ sở hữu tài sản, người có quyền, lợi ích liên quan đến tài sản bảo đảm trong quá trình bán tài sản bảo đảm.
 
[2] Điều 63. Thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý
1. Bên giữ tài sản bảo đảm phải giao tài sản đó cho người xử lý tài sản theo thông báo của người này; nếu hết thời hạn ấn định trong thông báo mà bên giữ tài sản bảo đảm không giao tài sản thì người xử lý tài sản có quyền thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 2 Điều này để xử lý hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết.
2. Khi thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm, người xử lý tài sản có trách nhiệm:
a) Thông báo trước cho người giữ tài sản về việc áp dụng biện pháp thu giữ tài sản bảo đảm trong một thời hạn hợp lý. Văn bản thông báo phải ghi rõ lý do, thời gian thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm, quyền và nghĩa vụ của các bên.
b) Không được áp dụng các biện pháp vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm.
3. Trong trường hợp người giữ tài sản bảo đảm là người thứ ba thì bên bảo đảm có trách nhiệm phối hợp với người xử lý tài sản thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm.
4. Bên bảo đảm hoặc người thứ ba giữ tài sản bảo đảm phải chịu các chi phí hợp lý, cần thiết cho việc thu giữ tài sản bảo đảm; trong trường hợp không giao tài sản để xử lý hoặc có hành vi cản trở việc thu giữ hợp pháp tài sản bảo đảm mà gây thiệt hại cho bên nhận bảo đảm thì phải bồi thường.
5. Trong quá trình tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, nếu bên giữ tài sản bảo đảm có dấu hiệu chống đối, cản trở, gây mất an ninh, trật tự nơi công cộng hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác thì người xử lý tài sản bảo đảm có quyền yêu cầu Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và cơ quan Công an nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để giữ gìn an ninh, trật tự, bảo đảm cho người xử lý tài sản thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm.
 

Xem thêm »