Phát triển kinh tế tư nhân - Cần một hành lang pháp lý thông suốt cho một xu thế tất yếu trong thời kỳ mới!

12/10/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Sau hơn 30 năm đổi mới, kể từ Đại hội VI của Đảng, kinh tế tư nhân ở Việt Nam đã ngày càng được coi trọng và khuyến khích phát triển. Từ chỗ chỉ được thừa nhận và cho phép tồn tại trong nền kinh tế nhiều thành phần (Đại hội VI-1986), đến nay, kinh tế tư nhân đã được coi là “một động lực quan trọng của nền kinh tế và là một xu thế tất yếu giúp Nhà nước thực thi nhiệm vụ kinh tế đã đề ra” (Đại hội XII - 2016). Đây là một bước tiến lớn về mặt nhận thức đối với kinh tế tư nhân. Từ chủ trương của Đảng và sự thể chế bằng pháp luật của Nhà nước; kinh tế tư nhân đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, phong trào khởi nghiệp như đã tạo ra một sự bứt phá. Chỉ tính riêng năm 2016, có hơn 110 nghìn doanh nghiệp mới được thành lập, cao nhất trong những năm qua. Kinh tế tư nhân sử dụng 85% lực lượng lao động trong nền kinh tế, có tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2003 - 2015 là 10,2%/năm, đóng góp khoảng 39 - 40% GDP của đất nước. Bước đầu đã hình thành được một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn. Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh. Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII ra đời chính là sự khẳng định sâu sắc hơn chủ trương đúng đắn đó của Đảng.


Tuy nhiên, sau hơn 30 năm đổi mới, cũng cần nhìn nhận thẳng thắn rằng, hiện nay kinh tế tư nhân chưa thật sự trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế, kinh tế tư nhân chủ yếu vẫn là kinh tế hộ cá thể. Phần lớn doanh nghiệp tư nhân quy mô rất nhỏ, trình độ công nghệ thấp, lạc hậu, rất khó chuyển mình đổi mới theo xu thế chung. Trình độ quản trị, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh thấp, chủ yếu tham gia ở phân khúc thị trường có giá trị gia tăng thấp, năng lực hội nhập quốc tế hạn chế. Cơ cấu ngành nghề của doanh nghiệp tư nhân chưa hợp lý; hơn 80% doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ; chỉ có hơn 10% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và khoảng  hơn 01% doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Tình trạng vi phạm pháp luật, cạnh tranh không lành mạnh trong kinh tế tư nhân khá phổ biến. Tình trạng sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm diễn ra nghiêm trọng, phức tạp… 
Những nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến sự hạn chế và yếu kém của kinh tế tư nhân đó là luật pháp, cơ chế chính sách của Nhà nước đối với kinh tế tư nhân chưa đồng bộ, còn nhiều bất cập, thủ tục hành chính phiên hà; tình trạng quan liêu, lạm dụng chức quyền, nhũng nhiễu, gây khó khăn, trở ngại cho hoạt động của doanh nghiệp của một bộ phận cán bộ, công chức quản lý Nhà nước làm môi trường đầu tư thiếu an toàn, minh bạch, thuận lợi, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho doanh nghiệp. Quyền tự do kinh doanh, quyền bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực, nhất là các nguồn lực của Nhà nước, tiếp cận các cơ hội kinh doanh chưa được đảm bảo. Việc gia nhập và rút khỏi thị trường còn nhiều rào cản, tồn tại nhiều chi phí không chính thức. Về phía bản thân thành phần kinh tế tư nhân, nhất là các doanh nghiệp tư nhân, trình độ quản lý, năng lực tài chính còn hạn chế; thiếu chiến lược kinh doanh ổn định, phát triển lâu dài, ngược lại còn “ăn xổi, ở thì”, cạnh tranh không lành mạnh, tranh thủ quan hệ với cán bộ cơ quan quản lý Nhà nước để “xin” dự án, cơ hội đầu tư... 
Xuất phát từ thực trạng đó và trước yêu cầu thời kỳ mới, đòi hỏi phải đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Hoàn thiện thể chế phân bổ nguồn lực để các nguồn lực được huy động và sử dụng có hiệu quả cao, nhất là các nguồn lực của Nhà nước. Tạo dựng môi trường thực sự bình đẳng, dỡ bỏ các rào cản cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển; nâng cao chất lượng thể chế và quản trị của khu vực kinh tế tư nhân; xây dựng và thực hiện chính sách công nghiệp quốc gia đặt trọng tâm vào phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích áp dụng công nghệ và nuôi dưỡng đổi mới sáng tạo; phát triển kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực để nâng cao tính sẵn sàng về công nghệ cho khu vực tư nhân, thúc đẩy khởi nghiệp; thiết lập nền quản trị quốc gia tốt, thực hiện chính phủ liêm chính, kiến tạo và phục vụ phát triển, xây dựng hệ thống dịch vụ công hiệu quả. Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII ra đời, mà cụ thể hơn là Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa,  chính là câu trả lời cho những đòi hỏi bức thiết đó từ thực tiễn!
Tuy nhiên, để chủ trương đúng đắn, phù hợp đó của Đảng thực sự đi vào cuộc sống, thực sự phát huy hiệu quả và tiếp tục được hoàn thiện, phát triển trong thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, lại đòi hỏi phải tạo dựng được một hệ thống chính sách, giải pháp căn cơ, tiến bộ và ổn định mà trong đó việc hoàn thiện hành lang pháp lý phải được xác định là yếu tố đầu tiên và cũng là yếu tố cơ bản, xuyên suốt. Chính vì vậy, ngay trong Nghị quyết đã xác định, để tổ chức thực hiện Nghị quyết thì việc đầu tiên là: “…bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, ưu tiên các dự án luật trực tiếp hỗ trợ đổi mới cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân.
Để giải quyết được yêu cầu hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, tạo dựng hành lang pháp lý đảm bảo cho kinh tế tư nhân phát triển nhanh, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, trước hết, cơ quan Nhà nước các cấp theo thẩm quyền cần khẩn trương ban hành khung pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa và củng cố định hướng chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân theo Nghị quyết và Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa đã được Quốc hội thông qua ngay trong kỳ họp vừa rồi (ngày 12/6/2017). Trong đó, cần tập trung vào việc thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân một cách thực chất, thông qua các chính sách hỗ trợ về lãi suất, ưu đãi về thuế, đất đai, giải phóng mặt bằng...; thực hiện công khai minh bạch các quy hoạch, kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy liên kết tích cực giữa các ngành kinh tế, chủ thể kinh tế và không gian kinh tế; khắc phục triệt để tình trạng các doanh nghiệp lớn chi phối, lấn át các doanh nghiệp nhỏ trong việc tiếp cận các nguồn lực và cơ hội.
Thực hiện triệt để cải cách hành chính, tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân. Thông qua việc xây dựng cơ chế “một cửa điện tử”, thống nhất đầu mối tiếp nhận và xử lý hồ sơ; hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính. Trong đó tập trung vào cải thiện việc tiếp cận các yếu tố đầu vào cho sản xuất, kinh doanh; giảm thời gian, chi phí tuân thủ các thủ tục về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, xây dựng; rút ngắn thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản.
Hoàn thiện pháp luật về sở hữu để góp phần ngăn ngừa xung đột trong xã hội, góp phần phân bổ nguồn lực hiệu quả. Khi pháp luật về sở hữu rõ ràng thì tự nó sẽ đặt ra một trật tự có giới hạn cho các quyền của các chủ thể trong xã hội được bảo đảm, theo đó các doanh nghiệp sẽ biết trân trọng sự hợp tác và gắn kết nhiều hơn, tỉ lệ doanh nghiệp nói không với “chi phí ngầm” sẽ tăng và sự cạnh tranh lành mạnh sẽ thực sự trở thành động lực chính yếu giữa các doanh nghiệp, đó chính là thành tố cực kỳ quan trọng để tạo nên môi trường kinh doanh bền vững.
Về nguồn nhân lực, có thể thấy ngay việc đào tạo nguồn nhân lực hiện nay có rất nhiều vấn đề, câu chuyện “thầy nhiều hơn thợ”, rồi “thiếu cả thầy và thợ”, thậm chí là “thầy không ra thầy thợ không ra thợ” là đáng báo động. Vì thế, rất cần đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị. Trong đó, chú trọng chất lượng, hiệu quả đào tạo; đào tạo có trọng tâm, trọng điểm và ưu tiên đào tạo nhân lực cho khu vực kinh tế tư nhân trong một số ngành, lĩnh vực theo đặt hàng của doanh nghiệp.
Một vấn đề rất “nóng” nữa là, giải quyết kịp thời các vướng mắc, khiếu nại, kiến nghị của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Tăng cường tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, công bố số điện thoại đường dây nóng, hộp thư điện tử để tiếp nhận và trả lời, giải đáp những vướng mắc kịp thời của doanh nghiệp ở các cấp, ngành, địa phương.
Chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng, khu vực kinh tế tư nhân sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm thiết thực, sự đồng hành hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, cùng với năng lực nội sinh rất lớn, sự đồng lòng chung sức của doanh nhân, doanh nghiệp, từ đó hoàn toàn có đầy đủ cơ sở để tin tưởng những năm tới đây sẽ là cơ hội tốt để phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh doanh, khẳng định thương hiệu, xứng đáng với vai trò, vị thế và tiềm năng của kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết của Đảng; đóng góp xứng đáng vào việc thực hiện mục tiêu cao cả: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh./.
 

           Th.S Nguyễn Văn Đổng
Tòa án quân sự Quân khu 4
 

Xem thêm »