Một số quy định về trung gian thương mại theo Luật thương mại năm 2005

08/01/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email


1. Ngay từ thế kỷ XIX, pháp luật của nhiều nước trên thế giới như Pháp, Đức, Ý, Nhật đã quan tâm điều chỉnh các hoạt động thương mại qua trung gian. Ở nước ta, Luật Thương mại năm 2005 đã đưa ra định nghĩa về hoạt động trung gian thương mại tại khoản 11 Điều 3 như sau: “Các hoạt động trung gian thương mại là hoạt động của thương nhân để thực hiện các giao dịch thương mại cho một hoặc một số thương nhân được xác định, bao gồm hoạt động đại diện cho thương nhân, môi giới thương mại, ủy thác mua bán hàng hóa và đại lý thương mại”. Như vậy, theo Luật thương mại năm 2005 phạm vi các hoạt động trung gian thương mại được mở rộng cùng với sự mở rộng của khái niệm hoạt động trung gian thương mại. Chúng bao gồm tất cả các hoạt động đại diện cho thương nhân, môi giới thương mại, ủy thác mua bán hàng hóa và đại lý thương mại thực hiện trong mọi lĩnh vực của hoạt động thương mại từ mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, xúc tiến thương mại, đầu tư và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác. Luật Thương mại năm 2005 đã dành cả chương V với 37 điều (từ Điều 141 đến Điều 177) để quy định về các hoạt động trung gian thương mại.
Theo khái niệm trên, hoạt động trung gian thương mại là loại hoạt động cung ứng dịch vụ thương mại trong đó bên thuê dịch vụ (bên giao đại diện, bên được môi giới, bên ủy thác, bên giao đại lý) sẽ trao cho bên trung gian (bên đại diện, bên môi giới, bên nhận ủy thác, bên đại lý) quyền tham gia thiết lập, thực hiện các giao dịch thương mại. Do đó, hoạt động trung gian thương mại chỉ phát sinh khi bên có nhu cầu sử dụng dịch vụ của người trung gian và bên cung ứng dịch vụ trung gian thiết lập được quan hệ hợp đồng với nhau. Và để thực hiện hoạt động này, bên trung gian phải tham gia giao dịch với bên thứ ba để hoàn thành yêu cầu mà bên thuê dịch vụ giao cho.
2. Hoạt động trung gian thương mại là một loại hoạt động cung ứng dịch vụ thương mại do một chủ thể trung gian thực hiện vì lợi ích của bên thuê dịch vụ để hưởng thù lao. Vì bản chất của các hoạt động trung gian thương mại là hoạt động cung ứng dịch vụ, ở đây là việc cung ứng các dịch vụ: Đại diện cho thương nhân, môi giới thương mại, ủy thác mua bán hàng hóa và đại lý thương mại cho nên bên cung ứng dịch vụ (bên trung gian) gồm bên đại diện, bên môi giới, bên nhận ủy thác, bên đại lý thương mại có nghĩa vụ thực hiện dịch vụ cho thương nhân khác - đó là bên sử dụng dịch vụ hay còn gọi là bên thuê dịch vụ gồm: bên giao đại diện, bên được môi giới, bên ủy thác, bên giao đại lý một số công việc theo thỏa thuận. Khi đó, bên có nhu cầu sử dụng dịch vụ có nghĩa vụ trả thù lao cho bên cung ứng dịch vụ.
Trong hoạt động trung gian thương mại có sự tham gia của 3 bên trong đó, bên trung gian làm cầu nối giữa bên thuê dịch vụ và bên thứ ba. Khi giao dịch với bên thứ 3, thương nhân trung gian có thể sử dụng danh nghĩa của mình hoặc danh nghĩa của bên thuê dịch vụ tùy thuộc vào loại hình dịch vụ mà họ cung ứng. Theo quy định của Luật Thương mại năm 2005, trong trường hợp thực hiện dịch vụ đại lý thương mại, ủy thác mua bán hàng hóa hoặc môi giới thương mại, thương nhân trung gian sử dụng danh nghĩa của chính mình khi giao dịch với bên thứ ba. Còn đối với dịch vụ đại diện cho thương nhân thì thương nhân trung gian sẽ nhận sự ủy quyền và nhân danh bên giao đại diện để giao dịch với bên thứ 3, do đó những hành vi do bên đại diện thực hiện trong phạm vi ủy quyền trực tiếp đem lại hậu quả pháp lý cho bên giao đại diện. Bên trung gian thực hiện việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thương mại với bên thứ 3 không vì lợi ích của bản thân mình mà vì lợi ích của bên thuê dịch vụ và sẽ được hưởng thù lao khi hoàn thành nhiệm vụ. Điều này có nghĩa là mục đích của bên trung gian trong hoạt động trung gian thương mại là nhằm tới thù lao mà bên thuê dịch vụ sẽ trả cho họ chứ không mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ nhằm lợi ích của bản thân họ.
3. Chủ thể tham gia vào hoạt động trung gian thương mại phải là thương nhân. Theo quy định tại khoản 11 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005, chủ thể tham gia vào hoạt động trung gian thương mại đều phải là thương nhân. Tuy nhiên, căn cứ vào các quy định trong chương V của Luật Thương mại năm 2005 thì đặc điểm chung về chủ thể trong các hoạt động trung gian thương mại đó là, bên trung gian phải là thương nhân, có tư cách pháp lý độc lập với bên thuê dịch vụ và bên thứ ba. Có nghĩa là bên đại diện, bên môi giới, bên nhận ủy thác, bên đại lý đều phải là thương nhân. Theo khoản 1 Điều 6 Luật Thương mại năm 2005 thì thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thương xuyên và có đăng kí kinh doanh.
Theo quy định tại Điều 141 và Điều 167 Luật Thương mại năm 2005 thì bên thuê dịch vụ không nhất thiết phải là thương nhân trừ bên giao đại diện và bên giao đại lý thương mại phải là thương nhân. Bên ủy thác có thể là thương nhân hoặc không phải là thương nhân (Điều 157 Luật Thương mại). Còn bên được môi giới có bắt buộc phải là thương nhân hay không, chưa được thể hiện rõ trong Luật Thương mại. Như vậy có thể nhận thấy rằng quy định tại Điều 157 đã mâu thuẫn với quy định tại khoản 11 Điều 3.
Người trung gian là những thương nhân độc lập, hành nghề cung ứng dịch vụ trung gian thương mại một cách chuyên nghiệp, thể hiện ở việc người trung gian có trụ sở riêng, có tư cách pháp lý độc lập, tự định đoạt thời gian làm việc, tự chịu trách nhiệm về các hoạt động của mình. Điểm đặc biệt đó là trong dịch vụ ủy thác mua bán hàng hóa, dịch vụ đại lý thương mại thì ngoài điều kiện là thương nhân, bên trung gian còn phải có điều kiện là kinh doanh mặt hàng phù hợp với hàng hóa được ủy thác thì mới trở thành bên nhận ủy thác mua bán hàng hóa.
4. Cơ sở pháp lý của hoạt động trung gian thương mại là hợp đồng do các bên thỏa thuận. Trong hoạt động trung gian thương mại, quan hệ giữa bên cung ứng dịch vụ và bên thuê dịch vụ thường có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau và phát sinh trên cơ sở hợp đồng. Đó là các hợp đồng đại diện cho thương nhân, hợp đồng môi giới thương mại, hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa và hợp đồng đại lý thương mại. Các hợp đồng này đều có tính chất là hợp đồng song vụ (quyền của bên này là nghĩa vụ của bên kia), ưng thuận và có tính chất đền bù. Theo Điều 142, 159, 168 Luật Thương mại năm 2005, các hợp đồng đại diện cho thương nhân, hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa, hợp đồng đại lý phải được lập thành văn bản hoặc các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương như: điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Như vậy, các thỏa thuận trong các loại hợp đồng  trên không thể giao kết bằng lời nói. Tuy nhiên, đối với hợp đồng môi giới, Luật Thương mại năm 2005 không quy định hình thức của loại hợp đồng này nên theo quy định tại khoản 1 Điều 76 Luật Thương mại năm 2005 thì hợp đồng môi giới có thể được thể hiện bằng lời nói hoặc bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.
 Như vậy, bản chất của các hoạt động trung gian thương mại chính là hoạt động cung ứng dịch vụ. Vì thế, việc nghiên cứu các đặc điểm chung của các hoạt động trung gian thương mại có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phân biệt nó với các hoạt động cung ứng dịch vụ khác. Từ đó góp phần làm hoàn thiện thêm các quy định của pháp luật về vấn đề này./.
 

Xem thêm »