Xác định tội cố ý gây thương tích hay tội chống người thi hành công vụ trong BLHS

16/08/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, tuy nhiên trong thực tiễn việc phân biệt hai tội danh “Cố ý gây thương tích” với tình tiết “Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.” Và tội “Chống người thi hành công vụ” vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau và rất cần thiết có văn bản hướng dẫn thi hành.

1. Quy định của BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về Điều 134 tội “Cố ý gây thương tích” với tình tiết “Chống người thi hành công vụ” và Điều 330 tội “Chống người thi hành công vụ”.
Theo quy định tại Điều 134 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác:
“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
…….
o. Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.”
Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác dưới dạng thương tích hoặc tổn thương khác thể hiện qua dấu vết để lại trên cơ thể hoặc không thể hiện bằng dấu vết để lại trên cơ thể.
Mục đích của người phạm tội là gây thương tích cho người khác và mong muốn hậu quả xảy ra và người phạm tội thực hiện với lỗi cố ý.
Theo quy định Điều 330 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 Tội chống người thi hành công vụ:
“1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”
Chống người thi hành công vụ, được hiểu là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật.
Lưu ý:
Các hành vi nêu trên nhằm vào các mục đích nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ. Nghĩa là làm cho người có trách nhiệm thi hành công vụ không thể thực hiện được hoặc rất khó khăn trong thực hiện công vụ được giao.
Cả hai tội phạm này có khách thể hoàn toàn khác nhau, đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác khách thể là quyền được pháp luật bảo vệ về sức khỏe của con người bị kẻ phạm tội xâm phạm. còn khách thể của tội chống người thi hành công vụ là xâm phạm đến việc thực hiện nhiệm vụ của những người đang thi hành công vụ và thông qua đó xâm phạm đến hoạt động của nhà nước về quản lý hành chính trong lĩnh vực thi hành nhiệm vụ công. Tuy nhiên cả hai tội phạm này có đặc điểm chung đó là xâm phạm đến đối tượng là con người.
2. Bất cập và kiến nghị hoàn thiện.
Tuy nhiên trong thực tiễn giải quyết hai tội danh này còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau không thống nhất về việc áp dụng điều luật đối với hành vi dùng vũ lực chống người thi hành công vụ gây hậu quả thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho người thi hành công vụ với tỷ lệ dưới 11% thì phạm tội “Cố ý gây thương tích” với tình tiết “Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.” Hay phạm tội “Chống người thi hành công vụ”?. Việc xác định hai tội phạm này chưa có văn bản hướng dẫn thi hành nên gặp nhiều khó khăn.
Qua nghiên cứu các quy định của pháp luật cũng như thực tiễn giải quyết hai tội phạm này, kiến nghị một số nội dung sau:
Để nhằm xác định hành vi nào là tội Cố ý gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe cho người thi hành công vụ hay tội chống người thi hành công vụ cần phân biệt như sau:
Thứ nhất: Xác định mục đích thực hiện tội phạm.
Trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi với mục đích là cố ý gây thương tích cho người khác nhưng đang thực hiện thì có sự xuất hiện của người thi hành công vụ và người thi hành công vụ thực hiện công vụ của mình nhằm ngăn cản hành vi phạm tội nhưng người phạm tội không chấp hành mà vẫn tiếp tục thực hiện hành vi cố ý gây thương tích cho người khác nhưng đã gây ra thiệt hại về sức khỏe cho người thì hành công vụ dưới 11% thì trong trường hợp này truy cứu TNHS về tội “Cố ý gây thương tích” với tình tiết “Đối với người thi hành công vụ hoặc vì  lý do công vụ của nạn nhân.”. Có thể hiểu hậu quả dưới 11% đối với người thi hành công vụ là nằm ngoài ý chí chủ quan của người phạm tội, vì mục đích của người phạm tội là thực hiện tội phạm khác. Ví dụ: Nguyễn Văn A đang hành hung Đoàn Văn E thì Cảnh sát trật tự đang làm nhiệm vụ xuất hiện nhằm ngăn cản hành vi của A, sau đó A xô ngã một đồng chí cảnh sát để tiếp tục tấn công Đoàn Văn E, thì trong trường hợp này nếu đồng chí cảnh sát bị thương tích dưới 11% thì sẽ xử lý về hành vi Cố ý gây thương tích với tình tiết là “Đối với người thi hành công vụ”. Trong tình huống trên mục đích ban đầu của A là gây thương tích cho E nhưng sau đó bị cảnh sát ngăn cản nên A mới gây ra thương tích cho cảnh sát đang thi hành công vụ. Rõ ràng hai hành vi cố ý gây thương tích và hành vi chống người thi hành công vụ thực hiện song song nhưng hậu quả chỉ gây ra một thiệt hại về sức khỏe dưới 11% cho người thi hành công vụ, thì sẽ phạm tội cố ý gây thương tích với tình tiết “Đối với người thi hành công vụ”.
Thứ hai: Xác định thời điểm hoàn thành tội phạm. Nếu trường hợp người thực hiện hành vi cố ý gây thương tích đã hoàn thành, sau đó người thi hành công vụ xuất hiện nếu người phạm tội tiếp tục thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ thì xử lý hai tội đó là cố ý gây thương tích và tội chống người thi hành công vụ.
Nhằm nâng cao chất lượng trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm thiết nghĩ cần có văn bản hướng dẫn thi hành cụ thể để nhằm xác định hai tội danh này vì trong thực tiễn ranh giới tội phạm là rất mong manh./.
 

TRẦN VĂN HÙNG

Xem thêm »