Chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật năm 2019 – tình hình, kết quả thực hiện và đề xuất, kiến nghị

16/10/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Năm 2019, chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật (chỉ số B1) của Việt Nam theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đã được nâng cao về điểm số và thứ hạng, theo đó, năm 2019 chỉ số B1 của Việt Nam đạt 3.4/7 (tăng 0.3 điểm so với năm 2018), xếp thứ 79/141 nước (tăng 17 bậc so với năm 2018).

1. Tình hình thực hiện nhiệm vụ nâng xếp hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật của Việt Nam thời gian qua
Năm 2018, Chỉ số B1 của Việt Nam đạt 3.1 trên thang điểm 7, tương ứng với 34.6 trên thang điểm 100, đứng thứ 96/140 – Đây là điểm số và thứ hạng thấp so với 140 nước và là nước có điểm số và thứ hạng về chỉ số B1 thấp nhất trong khu vực ASEAN.
Trước thực trạng chỉ số B1 năm 2018 của Việt Nam như đã nêu trên, năm 2019, Chính phủ đặt ra mục tiêu từ năm 2019 đến năm 2021 nâng xếp hạng chỉ số B1 của Việt Nam lên từ 5-10 bậc, năm 2019 ít nhất 2 bậc[1] và nhiệm vụ này được giao cho Bộ Tư pháp – cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm đối với chỉ số B1. Thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực trong việc triển khai nhiệm vụ nâng xếp hạng chỉ số B1[2]. Theo đó, Bộ Tư pháp đã:
- Ban hành tài liệu hướng dẫn Bộ, ngành, địa phương về chỉ số B1 (Công văn số 1083/BTP-QLXLVPHC&TDTHPL ngày 29/3/2019);
- Tổ chức Hội nghị về các giải pháp cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật tại Hà Nội (ngày 12/4/2018) và Thành phố Hồ Chí Minh (ngày 16/4/2018);
- Đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương thực hiện chỉ số B1 (Công văn số 1777/BTP-QLXLVPHC&TDTHPL ngày 17/5/2019 và Công văn số 3710/BTP-QLXLVPHC&TDTHPL ngày 25/9/2019 của Bộ Tư pháp);
- (iv) Kết nối với tổ chức quốc tế có liên quan: Bộ Tư pháp đã kết nối với WEF có trụ sở tại Geneva, Thụy Sỹ để trao đổi về một số nội dung mà Bộ Tư pháp quan tâm về chỉ số B1 (Báo cáo số 288/BC-HTQT-HT1) ngày 10/6/2019 của Vụ Hợp tác quốc tế báo cáo về việc kết nối với Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) nhằm hỗ trợ nâng hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật (Chỉ số B1). Đồng thời, tổ chức tọa đàm trực tuyến giữa Bộ Tư pháp và chuyên gia của WEF để tiếp tục trao đổi, làm rõ những nội dung liên quan đến việc nâng xếp hạng chỉ số B1 vào chiều ngày 18/6/2019 (Báo cáo số 28/BC-QLXLVPHC&TDTHPL ngày 12/7/2019 của Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật báo cáo tổng thuật kết quả Hội nghị trực tuyến giữa Bộ Tư pháp và Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) về chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật).
- Tăng cường công tác truyền thông thực hiện chỉ số B1 như đăng các tin bài trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, Báo Pháp luật Việt Nam.v.v.
Về phía các Bộ, ngành và địa phương đã quan tâm, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để giảm chi phí tuân thủ pháp luật, nâng xếp hạng chỉ số B1, cụ thể:
- Về thực hiện rà soát, đánh giá các quy định pháp luật liên quan đến chi phí tuân thủ pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ, ngành và địa phương: Một số Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện hoạt động rà soát, đánh giá các quy định pháp luật liên quan đến chi phí tuân thủ pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của địa phương mình[3].
- Về thực hiện tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp trực tiếp liên quan đến cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật: Đa số các Bộ, ngành, địa phương đã tiếp nhận và giải quyết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc doanh nghiệp gặp phải trong quá trình hoạt động. Nhiều địa phương đã phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tăng tường công tác nắm bắt thông tin, theo dõi hoạt động của doanh nghiệp để chủ động tháo gỡ kịp thời những khó khăn của doanh nghiệp, thiết lập và duy trì hoạt động của các diễn đàn đối thoại với doanh nghiệp, thiết lập đường dây nóng trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để tiếp nhận phản ánh và hướng dẫn giải đáp cho doanh nghiệp[4].
- Về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong thực thi công vụ, xử lý nghiêm minh các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong thi hành pháp luật: Công tác này được thực hiện theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, trong đó nhiều Bộ, ngành, địa phương đã kịp thời ban hành các văn bản về việc chấn chỉnh hoạt động thanh, kiểm tra đối với doanh nghiệp, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật trong công tác thanh tra, kiểm tra[5].
- Về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong các lĩnh vực phát sinh chi phí tuân thủ pháp luật: Đa số các Bộ, ngành, địa phương đều đã chú trọng triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính, trong đó thường xuyên rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp để giảm gánh nặng chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm số ngày thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh. Nhiều địa phương đã thực hiện công khai các thủ tục hành chính trên Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh, thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 và đổi mới phương thức tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính, công ích.
 2. Kết quả chấm điểm và xếp thứ hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới về chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật của Việt Nam năm 2019
Nhiệm vụ nâng xếp hạng chỉ số B1 là nhiệm vụ mới Chính phủ giao Bộ Tư pháp là cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm đối với chỉ số này, đây là nhiệm vụ quan trọng và cũng đặt ra rất nhiều thách thức cho Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành, địa phương nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự quyết tâm, nỗ lực trong hành động của Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành, địa phương, năm 2019, chỉ số B1 của Việt Nam đã được nâng cao về điểm số và thứ hạng. Ngày 08/10/2019, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) công bố Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019. Theo đó, chỉ số B1 của Việt Nam năm 2019 đã có sự cải thiện vượt bậc so với năm 2018, cụ thể: Năm 2019, Chỉ số B1 của Việt Nam đạt 3.4/7 (tăng 0,3 điểm so với năm 2018), tương ứng với số điểm 39.8/100 (trong khi đó, năm 2018, chỉ đạt 34.6/100), xếp thứ 79/141 nước (năm 2018, xếp thứ 96/140 nước) và đứng vị trí thứ 7 trong các nước ASEAN (năm 2018, Việt Nam đứng thứ 9 trong 9 nước ASEAN được WEF khảo sát, đứng sau Brunay và Philippin). Năm 2019, điểm số và xếp thứ hạng chỉ số B1 của Việt Nam đã vượt qua Brunay - xếp thứ 83 và Philippin - xếp thứ 103.
Như vậy, năm 2019, Việt Nam đã có sự cải thiện về điểm số và vị trí xếp thứ hạng về chỉ số B1 so với năm 2018, theo đó, điểm số và vị trí xếp hạng của Việt Nam về chỉ số B1 được nâng lên 17 bậc so với năm 2018. Đây có thể nói là số bậc đã đạt và vượt chỉ tiêu mà Chính phủ đã đề ra trong Nghị quyết số 02 (Theo Nghị quyết số 02, từ năm 2019 đến năm 2021 nâng xếp hạng chỉ số B1 của Việt Nam lên từ 5-10 bậc, năm 2019 ít nhất 2 bậc). Chỉ số B1 là một trong 10 chỉ số  góp phần quan trọng trong việc cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam theo GCI 4.0, đã được Chính phủ đề ra trong Nghị quyết số 02, cùng với các chỉ số khác như: Chỉ số Kiểm soát tham nhũng (B2); Chỉ số Chất lượng quản lý hành chính đất đai (B3); Nhóm Chỉ số hạ tầng (B4); Nhóm Chỉ số Ứng dụng công nghệ thông tin (B5); Chỉ số Chất lượng đào tạo nghề (B6); Chỉ số Vốn hóa thị trường chứng khoán (B7); Chỉ số Chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (B8); Chỉ số Tăng cường về doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (B9); Chỉ số Công ty có ý tưởng sáng tạo mới đột phá (B10).
Việc Việt Nam nâng cao điểm số và vị trí xếp thứ hạng của chỉ số B1 lên 17 bậc cũng đã góp phần cải thiện vị trí xếp thứ hạng về năng lực cạnh tranh của Việt Nam theo đánh giá của WEF. Theo đó, năm 2019 năng lực cạnh tranh của Việt Nam xếp thứ 67/141 nước (tăng 10 bậc so với năm 2018[6], đạt và vượt chỉ tiêu mà Nghị quyết số 02/NQ-CP đề ra: Nâng xếp hạng Năng lực cạnh tranh -  GCI 4.0 (của WEF) tăng 5-10 bậc; trong năm 2019 tăng 3-5 bậc).
3. Một số đề xuất, kiến nghị
Trên cơ sở kết quả đạt được trong nâng cao điểm số và thứ hạng về chỉ số B1 của Việt Nam năm 2019 như đã nêu ở trên, thời gian tới, Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành, địa phương cần quan tâm thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
Thứ nhất,  tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp để giảm chi phí tuân thủ pháp luật nêu tại Công văn số 1083/BTP-QLXLVPHC&TDTHPL ngày 29/3/2019 của Bộ Tư pháp về hướng dẫn nâng xếp hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật (Chỉ số B1). Bộ Tư pháp tiếp tục theo dõi, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp này.
Thứ hai, tăng cường công tác truyền thông nhằm tuyên truyền, quảng bá hoạt động của Chính phủ, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật. Đồng thời, thông tin rộng rãi kết quả chấm điểm và xếp thứ hạng của WEF về Chỉ số B1 của Việt Nam năm 2019.
Thứ ba, thực hiện nghiêm chế độ báo cáo về kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật theo thời hạn mà Nghị quyết số 02 đã đề ra./.
Ths. Nguyễn Thị Minh Phương, Cục QLXLVPHC&TDTHPL.
 
 
 
 
 

[1] Xem: Chính phủ (2019), Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, điểm b mục 2 phần II.
[2] Công văn số 340/QLXLVPHC&TDTHPL-THPL ngày 21/6/2019 của Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật về việc cập nhật tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ nâng xếp hạng chỉ số B1.
[3]Ví dụ: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hậu Giang, Gia Lai, Cà Mau…
[4]Ví dụ: Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Hải Phòng, Hậu Giang, Gia Lai, Quảng Trị, Khánh Hòa…
[5]Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện như: Bộ Tài chính, Bộ Công Thương; các tỉnh: Kiên Giang, Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng.
[6] Năm 2018 năng lực cạnh tranh của Việt Nam xếp thứ 77/140 nước.

Xem thêm »